Cựu lãnh đạo ACB: “Luật không cấm thì được phép làm”
Tiếp tục xử phúc thẩm vụ án của Bầu Kiên sáng 4/12, Hội đồng xét xử tập trung làm rõ hành vi cố ý làm trái của các cựu lãnh đạo ngân hàng ACB.
Bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng việc Huyền Như chiếm đoạt tiền “không phải là hệ quả của chủ trương HĐQT ACB mà là hệ quả của việc quản lý của Vietinbank”.
Sáng 4/12, hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ngân hàng ACB) tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và người liên quan về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bản án sơ thẩm trước đó đã buộc Bầu Kiên cùng các thành viên trong HĐQT Ngân hàng ACB thống nhất chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi 718 tỉ đồng vào Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.HCM.
Toàn bộ số tiền này đã bị bà Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM, chiếm đoạt.
Không rõ có phạm luật hay không?
Bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB) cho biết năm 2010, khi ngân hàng ACB ở thời điểm khó khăn, bị cáo đã đưa ra phương án giảm lãi suất cho vay nhưng bị cáo Kiên không đồng ý.
“Tôi với anh Kiên tranh luận kịch liệt về quan điểm này. Sau đó Tổng giám đốc Lý Xuân Hải đưa ra phương án ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền”
Theo bị cáo Cang, lúc đầu bị cáo có băn khoăn, nhưng sau đó ban pháp chế ngân hàng nói không phạm luật. Lúc đó, ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch HĐQT là người có nhiều kinh nghiệm cũng nói những gì luật không cấm thì được làm.
“Giờ nghĩ lại tôi thấy nhận thức lúc đó là không đúng” – ông Cang khai trước tòa.
Trình bày kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB) vẫn nói trước tòa: “Tôi không hiểu việc làm của tôi và các thành viên trong HĐQT ACB có trái luật hay không, đến giờ tôi vẫn rất mù mờ”.
Theo bị cáo Quang: “Cho đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có cho một văn bản nào cấm việc ủy thác gửi tiền? Thầy Giá (ông Trần Xuân Giá) khi về ACB vẫn nói rằng tinh thần mới của Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm.
Tòa sơ thẩm không quan tâm làm rõ ba căn cứ: Thứ nhất, vì sao có phát sinh hoạt động ủy thác gửi tiền, đó là điều rất lạ. Tại sao các ngân hàng lại có hoạt động ủy thác gửi tiền?
Video đang HOT
Thứ hai, cơ sở nào chúng tôi chấp thuận chủ trương ủy thác?
Thứ ba, chúng tôi đưa ra chủ trương ủy thác gửi tiền và yêu cầu ban kiểm soát và bộ phận pháp chế tuân thủ của ngân hàng ACB kiểm tra – đây là bộ phận kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của ACB.
Tuy nhiên tôi phân vân hai định chế này họ làm gì, họ không có ý kiến khi HĐQT có chủ trương ủy thác tiền gửi, hay họ cho rằng chủ trương này không vi phạm pháp luật. Tôi không rõ chủ trương có phạm luật hay không?”.
Trình bày trước tòa, bị cáo Lý Xuân Hải cho biết: Năm 2010, thực trạng các ngân hàng thiếu vốn, vay liên ngân hàng nhưng không trả.
“Lúc đó bị cáo nhận được thông tin các ngân hàng ưu tiên trả tiền cho cá nhân, doanh nghiệp nên bị cáo đề xuất với HĐQT ACB chủ trương ủy thác cho các nhân viên ACB mang tiền đi gửi ở ngân hàng khác”.
Luật Các tổ chức tín dụng có quy định ủy thác đi gửi không? – Tòa hỏi.
Bị cáo Lý Xuân Hải đáp: “Nhận thức của tôi hoạt động ủy thác gửi tiền là được phép. Tôi nghĩ chủ trương ủy thác gửi tiền năm 2010 là không sai lầm và vẫn tiếp tục.
Việc gửi tiền hiện nay chưa có hậu quả. Quá trình gửi tiền tôi đã thực hiện đúng pháp luật, tiền đã được chuyển vào tài khoản của ngân hàng Vietinbank thông qua hệ thống của ngân hàng Nhà nước. Tiền đã chuyển vào tài khoản của Vietinbank và ở đó chứ không thể mất”.
Ông Hải cho rằng toàn bộ hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như là dùng chứng từ giả để lấy tiền từ tài khoản của Vietinbank chứ không phải từ túi của ACB. Việc Huyền Như chiếm đoạt tiền không phải là hệ quả của chủ trương HĐQT ACB mà là hệ quả của việc quản lý của Vietinbank.
“Việc quản lý đó đúng sai thế nào thì là đánh giá của tòa”- bị cáo nói.
Tòa trích dẫn các điều luật và cho biết thời điểm năm 2010, luật không có quy định nào về việc ngân hàng được phép ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền vào ngân hàng khác mà chỉ có quy định về cho vay liên ngân hàng.
“Tôi không chỉ đạo, gây áp lực”
Trình bày trước tòa sáng 4/12, bị cáo Kiên cho rằng ôngkhông hề đưa ra bất cứ áp lực, chỉ đạo nào đối với cấp dưới tại ACB.
Trình bày trước tòa nội dung kháng cáo về hành vi cố ý làm trái, bị cáo Kiên cho rằng việc bản án sơ thẩm quy kết bị cáo là cổ đông lớn, có vai trò chỉ đạo chi phối điều hành hoạt động của ACB là sai.
“ACB là doanh nghiệp lớn, không cho phép cá nhân nào làm được việc chỉ đạo, chi phối hoạt động của ACB. Với vai trò là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập, tôi làm đúng quy chế của hội đồng sáng lập. Trong 5 năm giữ vị trí này, tôi chưa có ý kiến nào trái pháp luật, tôi khẳng định và tự tin các ý kiến của tôi là đúng pháp luật và vì quyền lợi của ACB, nếu tôi có chỉ đạo sai mà đại diện VKS và tòa đưa ra, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật” – lời bị cáo Kiên.
Ông Kiên khẳng định không hề đưa ra bất cứ áp lực, chỉ đạo nào đối với cấp dưới tại ACB.
Với hành vi đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại 687 tỉ đồng, bị cáo Kiên cho rằng việc đầu tư cổ phiếu ACB là của hai công ty ACI và ACI HN. Vì hai công ty này đã đầu tư vào cổ phiếu ACB trước đó, trong một thời gian lâu dài.
Bầu Kiên cũng cho rằng việc đầu tư cổ phiếu không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho ACB, ACBS và đến nay chính ACB và ACBS đã khẳng định là không có thiệt hại.
Chiều nay 4/12, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn về hành vi cố ý làm trái.
Theo Tuổi Trẻ
Bầu Kiên nói ăn cơm hàng ngày với bầu Long trong 10 năm
Chiều 2-12, tại phiên phúc thẩm, Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) nói đi nói lại: "Tôi với anh Trần Đình Long (bầu Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) là bạn bè. Chúng tôi ăn cơm với nhau hằng ngày trong 10 năm trời nên tất nhiên anh Long biết".
Ông Trần Đình Long (bầu Kiên) trình bày tại tòa chiều 2-12 - Ảnh chụp qua màn hình.
Ngày 2-12, TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), và 5 đồng phạm về tội Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Chiều 2-12, HĐXX làm rõ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên. Hai bị án cùng bị truy tố về tội này là Hoàng Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến (cùng chịu 5 năm tù, không kháng cáo).
Theo cáo buộc, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) sở hữu gần 30 triệu cổ phần của Công ty CP Thép Hòa Phát (Thép Hòa Phát). Tháng 5-2010, ACBI thế chấp hơn 22,4 triệu cổ phần này cho ACB để bảo đảm cho việc phát hành trái phiếu 800 tỉ đồng.
Tháng 4-2012, ông Trần Đình Long (bầu Long), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát, và ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, đề nghị bán lại 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát (tương ứng 264 tỉ đồng) nhằm tăng sở hữu vốn của tập đoàn này tại các công ty thành viên.
Tiếp đó, ACBI đề nghị cho giải chấp 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát đang thế chấp tại ACB song không được đồng ý. Dù vậy, Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo nhân viên soạn quyết định của HĐQT để mình ký, thể hiện việc đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát. Sau đó, ACBI ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và nhận 264 tỉ đồng. Sau đó, do chưa nhận được cổ phần nên Công ty TNHH MTV Thép Hoà Phát đã có đơn kiến nghị làm rõ lên cơ quan Cánh sát điều tra.
Điểm mấu chốt trong cáo buộc là bị cáo Kiên cùng thuộc cấp dù biết cổ phiếu bị thế chấp song vẫn bán cho phía Hoà Phát để lấy tiền. Song bị cáo Kiên khẳng định những người ở Tập đoàn Hoà Phát đều biết rõ số cổ phần này đã được thế chấp cho ACB. Hai bên đợi giải chấp cổ phần sẽ chuyển sang cho Thép Hoà Phát. "Tôi với anh Trần Đình Long là bạn bè. Chúng tôi ăn cơm với nhau hằng ngày trong 10 năm trời nên tất nhiên anh Long biết" - bị cáo Kiên nhắc đi nhắc lại điều này.
Tại phiên toà phúc thẩm, ông Trần Đình Long trình bày: "Tôi cũng đề nghị với anh Kiên để mua lại cổ phần của Thép Hoà Phát. Tất cả những thoả thuận mà anh Kiên nói ở toà sơ thẩm thì đúng là như thế!".
Trước câu hỏi ông có biết số cổ phần đang thế chấp không?, ông Long xin được có 5 phút trình bày: "Sau khi thoả thuận rồi thì tổ chức thực hiện thôi, thực ra là tôi không biết. Ngày 4-9-2012 có 2 cán bộ ở Cơ quan CSĐT đến làm việc. Đến 5-9 thì họ gọi điện thoại hỏi có biết cổ phần này đang thế chấp không. Lúc đó tôi không nắm tình hình và tôi bảo không biết. Chính cơ quan CSĐT là người thông báo cho chúng tôi như thế".
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên ngồi hàng đầu tiên tại phiên tòa phúc thẩm ngày 2-12.
Toà tiếp tục thẩm vấn ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc của Công ty Tập đoàn Hoà Phát. Ông Dương cho biết cũng tham gia vào đàm phán với Nguyễn Đức Kiên về chuyển nhượng cổ phiếu. "Tôi với anh Long, anh Kiên đàm phán chính. Nó diễn ra nhiều lần ở nhiều nơi, có lúc đồng ý, có lúc không. Anh Long đàm phán là chính. Cả anh Long và tôi đều không biết cổ phần bị thế chấp cho tới khi cơ quan CSĐT thông báo" - ông Trần Tuấn Dương xác nhận.
Tuy nhiên, cả bầu Long và ông Trần Tuấn Dương đều cho biết nguyên nhân không biết là do ông Mai Văn Hà - Phó Giám đốc tại thời điểm xác nhận văn bản, hiện là Giám đốc Công ty CP Thép Hoà Phát - không thông báo.
Ông Trần Tuấn Dương nói thêm sau khi ký hợp đồng thì công ty ABCS có công văn gửi sang yêu cầu xác nhận thì ông Hà có ký xác nhận việc phong toả cổ phần. Sau đó, ông Hà nói ký nhưng không lưu hồ sơ, không báo cáo nên mọi người không biết. Đây là lỗi sơ suất về hành chính.
Đến lượt mình, ông Mai Văn Hà, cho biết giữa năm 2010 ông này là Phó Giám đốc Công ty được GĐ uỷ quyền vì đi vắng. "Khi phía ACBI có chuyển qua giấy xác nhận phong toả. Tôi nghĩ đấy là một xác nhận bình thường của cổ đông. Tôi có sơ suất là không lưu, không báo cáo, sau đó tôi quên mất. Sau đó năm 2012, người ta hỏi lại tôi cũng không nhớ nữa. Sau đó tôi phải làm văn bản giải trình với lãnh đạo tập đoàn và nhận lỗi" -ông Hà nói.
Ông Trần Tuấn Dương cũng bổ sung ý kiến: "Công ty con của Hoà Phát có làm đơn đề nghị điều tra làm rõ chứ không phải đơn tố cáo. Tính đến hôm nay, sau khi vụ việc xảy ra, Công ty Hoà Phát đã nhận lại số tiền, việc mua bán đó không thành. Năm 2013 chúng tôi đã mua lại toàn bộ cổ phiếu đó, đến hôm nay không có thiệt hại nào. Hoà Phát không có thiệt hại nào nên xem xét vấn đề nó nhẹ nhẹ tí" - ông Dương nói.
HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bên liên quan để làm rõ hành vi này. Đến 16 giờ 30, toà tạm nghỉ. Sáng mai (3-12), toà tiếp tục làm việc.
Theo Người Lao Động
Xét xử phúc thẩm vụ án "bầu" Kiên: Làm rõ tội "kinh doanh trái phép" vàng Suốt thời gian ngày thứ hai (1.12) xét xử vụ phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, HĐXX đã dành thời gian để làm rõ tội danh "Kinh doanh trái phép" của các bị cáo. Có lẽ do tính chất quan trọng của lời khai của từng bị cáo nên HĐXX đã tiến hành thẩm vấn cách ly các bị...