Cựu du học sinh Thụy Sỹ: ‘Hãy đi để nhìn thấy sự đổi thay’
Trở về từ Thụy Sỹ, Huỳnh Kim Bảo rẽ hướng từ cử nhân quản lý khách sạn sang kinh doanh, phát triển tiệm may gia đình lên thương hiệu.
Quãng thời gian du học đã mang đến cho chàng sinh viên trường Les Roches (Thụy Sỹ) thay đổi tích cực trong suy nghĩ và trải nghiệm khó quên tại một trong những đất nước được mệnh danh “yên bình nhất châu Âu”.
- Tiêu chí chọn nước và chọn trường để du học của anh là gì?
- Tôi thường dựa vào đánh giá của các cựu sinh viên và vị trí của trường trên bảng xếp hạng quốc tế. Tùy ngành học mà mình nên chọn trường trong top rồi sẽ đến chọn nước. Quan trọng là phù hợp với khả năng bản thân và kinh tế của gia đình.
- Vì sao anh chọn Thuỵ Sỹ để du học thay vì các nước khác?
- Ngày đó tôi rất thích ngành quản lý khách sạn và cũng mơ ước có cơ hội đi các nước khác làm việc. Quản lý khách sạn là ngành giúp tôi có thể được chuyển đổi qua nhiều nơi làm việc khác nhau. Trên thế giới, Thuỵ Sỹ là nước nổi tiếng về ngành này cũng như chương trình học thực tế và khả năng xin việc cao hơn so với các nước khác, cho nên tôi đã quyết định chọn du học tại đây.
- Hành trình sau khi du học của anh như thế nào?
- Tôi học ở trường Les Roches khóa 2009-2013. Sau khi tốt nghiệp thì thực tập tại khách sạn JW Marriott Indianapolis (Mỹ). Một năm sau, tôi về Việt Nam và làm việc tại khách sạn InterContinental rồi khách sạn Renaissance.
Đến đầu 2017, tôi khởi sự kinh doanh riêng: điều hành và phát triển cửa hàng may trên nền tảng nghề truyền thống của gia đình. Nhiệm vụ chính vẫn là phát triển cơ sở kinh doanh này lên, mở rộng ra những đối tượng khách khác so với ngày xưa lúc gia đình còn làm ngành này.
Cựu sinh viên trường Les Roches, Huỳnh Kim Bảo – nhà sáng lập thương hiệu Kim Bespoke.
- Vì sao từ một cử nhân quản lý khách sạn, anh lại rẽ hướng sang tiệm may?
- Có 2 lý do, một là sau khi học tại Thụy Sỹ, tôi hiểu được tư duy về dịch vụ khách hàng. Tiệm may cũng giống như vậy, mình cần tìm hiểu nhu cầu, sở thích cá nhân để đưa ra sản phẩm phù hợp nhất.
Thứ hai, khi làm khách sạn nhiều, tôi thấy có một vấn đề là mọi người mặc áo vest quần tây nhiều nhưng hầu hết không thoải mái. Nguyên nhân đến từ chất lượng vải và cách may. Vì vậy, tôi muốn đưa ra những lựa chọn áo vest phù hợp với nhu cầu và vẫn đảm bảo sự thoải mái trong hoạt động.
Video đang HOT
“Du học ở nước ngoài có thú vị không”, câu hỏi đó thực sự rất khó trả lời bởi tôi không biết làm sao để diễn tả những trải nghiệm và cảm xúc đa dạng mình đã có. Cụm từ duy nhất tôi có thể dùng để tổng kết một hành trình với rất nhiều thử thách và bài học quý giá chính là từ “sự đổi thay”.
- Anh thấy mình có những thay đổi thế nào sau khi du học Thụy Sỹ?
- Điều tôi thay đổi nhiều nhất là tư duy về dịch vụ khách hàng. Tôi nhận ra cho dù mình làm công việc gì, ở đâu, miễn là đưa ra được dịch vụ tốt thì khách hàng sẽ ở lại với mình rất lâu. Việc học tập tại Thụy Sỹ đã rèn luyện cho tôi sự quan sát tinh tế để thấu hiểu từng đối tượng, từ đó có thể đưa ra những tư vấn và giải pháp hợp lý.
Ví dụ trong công việc hiện tại, do thời gian dài sống ở Thụy Sỹ, tôi biết người châu Âu kỹ tính đến từng chi tiết với việc may đo, trong khi người Mỹ lại tập trung vào tổng thể nhiều hơn. Hay nói về phong cách (style), người châu Âu thích com-lê vừa vặn (body), trong khi người Mỹ lại thích rộng rãi thoải mái, còn người Australia thì chuộng phong cách ôm (skinny) nên phải cắt rất kỹ để vừa ý khách.
Thời gian du học tại Thụy Sỹ đã giúp Huỳnh Kim Bảo thay đổi trong tư duy về dịch vụ khách hàng.
- Còn về tính cách?
- Trước khi đi du học tôi khá khép kín, không tiếp xúc với nhiều người, không dạn dĩ và cũng không thích giao lưu. Sau khi học gần 4 năm ở một ngôi trường quốc tế với sinh viên từ hơn 100 quốc gia, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, tôi thấy mình dạn dĩ và thích giao lưu với mọi người hơn. Điều này cũng giúp tôi có nhiều mối quan hệ hơn trong công việc.
Người Thụy Sỹ rất khuôn khổ và đầy tính tổ chức, nên tôi cũng được đào tạo theo cách này. Bây giờ tôi trở nên gọn gàng và chỉn chu hơn rất nhiều trong mọi thứ. Ngoài ra, họ cũng khá truyền thống và luôn tuân thủ các chuẩn mực của mình, nên tôi thấy tư duy của mình về cuộc sống hay các mối quan hệ cũng trầm lại và “già” đi hơn một chút.
Tương tự đối với các cựu du học sinh Thụy Sỹ khác, tôi nhận thấy phần lớn đều khá cầu toàn, đặc biệt trong công việc. Tôi nghĩ đây là một điểm rất quan trọng giúp các bạn thành công.
- Điều gì ở Thụy Sỹ tác động đến sự thay đổi này của anh?
- Quan trọng nhất vẫn là môi trường học có nhiều bạn trên thế giới, đặc biệt là những trường đậm tính quốc tế như Les Roches. Tuy ở các nước khác cũng có rất nhiều sinh viên quốc tế, nhưng tính địa phương trong văn hóa trường học vẫn rất nhiều. Còn ở Thụy Sỹ, tính quốc tế trong các trường học khá rõ, đồng thời nước này còn là nơi giao thoa của văn hóa châu Âu. Vì vậy nơi đây thực sự là một cánh cửa giúp các bạn trẻ tiếp cận một chân trời mới.
Gia đình và bạn bè nhận xét tôi thay đổi rất nhiều so với trước khi đi học, nhiều nhất là sự tự lập. Tôi thấy rất may mắn vì được học ở Thụy Sỹ chứ không phải nước nào khác.
- Lời khuyên của anh cho các bạn có ý định du học ở Thụy Sỹ?
- Nếu bất cứ ai hỏi, tôi sẽ thực lòng khuyên họ hãy theo đuổi cơ hội đi Thụy Sỹ học tập và khám phá. Những trải nghiệm mà việc du học mang đến thực sự rất tuyệt vời và chắc chắn nó sẽ thay đổi cuộc sống về sau của các bạn hoàn toàn.
Nhìn chung các bạn tốt nghiệp ở Thuỵ Sỹ hiện tại công việc khá tốt. Phần nhiều các bạn giữ vị trí quan trọng các khách sạn hoặc những công ty du lịch. Một số bạn khác cũng đang làm việc rất tốt trong lĩnh vực khác và cũng rất nhiều bạn thành công trong công việc kinh doanh riêng.
Tư duy mở, nhạy bén với cơ hội, dám thử thách là một trong những yếu tố mà hầu hết các cựu du học sinh Thụy Sỹ có. Đây chính là điểm đặc biệt trong cách giảng dạy của đất nước này, dù bạn học ngành nào, trường nào đi nữa.
Tôi rất thích câu slogan của ngôi trường từng học, đó là “A way of life” – trải nghiệm không chỉ về việc học mà còn trong cuộc sống. Du học tại Thụy Sỹ cho các bạn cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa bản địa, ăn thử các món ăn truyền thống, đi du lịch các thành phố và các bang khác. Ngoài ra, vì Thụy Sỹ nằm ở trung tâm châu Âu nên các bạn rất dễ dàng đi du lịch đến khắp các nước lân cận khác. Hãy đi càng nhiều càng tốt để nhìn thấy sự đổi thay.
Hoài Nhơn
Theo VNE
Hành trang du học châu Âu: Quan trọng hơn cả vẫn là ngôn ngữ và tâm lý
Trong "Ngày hội Giáo dục châu Âu" diễn ra tại Hà Nội mới đây, sinh viên Việt Nam đã có cơ hội tìm hiểu hệ thống giáo dục xuất sắc của châu Âu, văn hóa và truyền thống của châu lục này qua chia sẻ về kinh nghiệm thực tế từ các cựu sinh viên xuất sắc.
Theo thống kê của Cục Đào tạo nước ngoài về số lượng du học sinh Việt Nam đang học tập ở các nước năm 2017, trong tổng số hơn 70.000 sinh viên Việt Nam hiện đang du học nước ngoài, châu Âu là một trong những điểm đến có số lượng sinh viên Việt Nam lớn nhất với hơn 15.000 người hiện đang học tập.
Năm 2018, 33 sinh viên đã nhận được học bổng toàn phần từ Chương trình Erasmus để theo học Thạc sĩ ở châu Âu, tăng đáng kể so với số 25 sinh viên nhận học bổng năm 2017.
Ngoài ra, hàng trăm sinh viên khác đang theo học các khóa trao đổi tín chỉ (3 - 12 tháng) của chương trình trao đổi quốc tế hoặc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ thông qua 51 dự án hợp tác đang diễn ra giữa các trường đại học châu Âu và Việt Nam.
Ngài Bruno Angelet - Trưởng Đại sứ đại diện Lãnh đạo của Phái đoàn Liên minh châu Âu phát biểu khai mạc "Ngày hội giáo dục châu Âu".
Theo các đại diện từng có thời gian du học tại các nước châu Âu, trước tiên, mỗi sinh viên cần chủ động, tự lập trong mọi việc của bản thân.
Anh Đặng Hoàng Linh (hiện đang là Phó trưởng khoa quốc tế Học viện Ngoại giao) chia sẻ: "Khi ở nhà, hầu hết các bạn được chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ. Nhưng với môi trường hoàn toàn mới và cách xa gia đình, thậm chí hàng ngàn cây số thì việc các bạn tự lo được cho bản thân là điều cần thiết nhất.
Mới đi học, tôi cũng từng rất bỡ ngỡ và lạ lẫm với nhiều điều. Gặp vấn đề về rào cản ngôn ngữ, không chép kịp bài giảng trên lớp, tôi đã chủ động đưa ra lời đề nghị nhờ các bạn bản địa xung quanh giúp đỡ".
Các cựu du học sinh cho biết, người châu Á du học thường có tâm lý ngại chơi với người châu Âu. Hơn nữa, người Việt thường tự ti về ngoại hình của mình, từ đó dẫn đến khép mình lại.
Nhưng kinh nghiệm để học tập tốt ở châu Âu chính là chơi với người phương Tây nhiều hơn, hòa nhập với cuộc sống của họ.
Các cựu sinh chia sẻ kinh nghiệm học tập tại châu Âu.
Chị Nguyễn Minh Châu (cựu sinh viên tại Bồ Đào Nha) nói: "Những cái gì bên ngoài bản thân, mình không thể điều khiển được nhưng những cái thuộc về chính mình thì mình có thể thay đổi được.
Quan trọng nhất là hãy tôn trọng chính bản thân bạn và hiểu rõ con người bạn thì người khác sẽ không thể coi thường bạn được".
"Học tập ở châu Âu để có được sự tự tin và sự sáng tạo hơn. Sống trong môi trường đại học hiện đại để có cơ hội học tập tốt nhất với công nghệ tốt nhất trên thế giới, đồng thời bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm thiên nhiên tuyệt vời ở châu Âu, phong cảnh đa dạng, tham quan và văn hóa để có thêm kiến thức về lục địa văn minh nhất thế giới", anh Đặng Hoàng Linh (Phó trưởng khoa quốc tế Học viện Ngoại giao) chia sẻ thêm.
Hành trang cần thiết khi du học châu Âu chính là ngôn ngữ. Có nhiều du học sinh chọn du học tại các nước không sử dụng tiếng Anh. Khó khăn nhất khi xa gia đình chính là giải quyết những nhu cầu cuộc sống. Ngôn ngữ sẽ giúp du học sinh khắc phục những trở ngại xung quanh mình.
Anh Đặng Minh Tuấn (cựu sinh Pháp) chia sẻ: "Nếu các bạn đi Pháp thì các bạn buộc phải học tiếng Pháp vì chương trình các bạn đăng ký có thể là chương trình học như người dân bản địa.
Khi mới đến Pháp, tiếng Pháp của tôi chỉ cơ bản. Thực sự nghe mọi người nói tôi không hiểu. Lúc ấy, tôi đã kết thân với một bạn người Pháp trong lớp và cùng nhau học tập. Sau 6 tháng, tiếng Pháp của tôi tiến bộ rõ rệt."
Hồng Vân
Theo Dân trí
"Cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn sau khi du học" - Chia sẻ của 1 sinh viên Mỹ khiến ai cũng muốn xách balo lên và đi Những chia sẻ của một du học sinh người Mỹ tại Đức về những trải nghiệm tuyệt vời trong quãng thời gian du học cũng như những thay đổi tích cực mà cuộc sống du học đã mang đến cho cô. Với tất cả những ai đã từng đi du học, những câu hỏi từ mọi người như: Đi du học thế nào?;...