Cựu đệ nhất phu nhân Tunisia tiết lộ nhiều bí mật
Trong cuốn hồi ký mới được phát hành tại Pháp ngày 21/6, Leila Ben Ali, vợ của lãnh đạo bị lật đổ của Tunisia Zine El Abidine Ben Ali, đã nói rằng chính âm mưu của các quan chức an ninh hàng đầu đã tước bỏ quyền lực của chồng bà.
Bà Leila Ben Ali khi còn đang là đệ nhất phu nhân Tunisia (Nguồn AFP)
Người phụ nữ 55 tuổi, có biệt danh “Nữ hoàng của Carthage,” người được cho là luôn khao khát quyền lực và tiền bạc, cũng nói rằng bà và chồng đã sẵn sàng trở lại quê hương mình để tham gia vào một phiên điều trần công bằng.
Trong cuốn sách, có tên “Sự thật của tôi” (My Truth), bà cũng thừa nhận rằng lối sống xa hoa của gia tộc Trabelsi của mình – vốn bóp nghẹt hoạt động kinh doanh trong nước – đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chấm dứt 23 năm trị vì của Ben Ali vào tháng Giêng năm ngoái, khi phong trào “Mùa xuân Arập lên cao.”
Sự kiểm soát của họ đối với nền kinh tế của đất nước Bắc Phi này rất lớn và họ được cho rằng có cổ phần trong ngân hàng, các hãng hàng không, đại lý xe hơi, đài phát thanh, truyền hình và các nhà bán lẻ lớn.
Video đang HOT
“Trong số những gì tôi có, có một số được phóng đại lên – thường là những người trẻ tuổi, những người đam mê lợi nhuận và từ chối việc xác định giới hạn,” bà nói trong cuốn sách, được viết ra từ các cuộc phỏng vấn trên Skype với nhà báo Yves Derai.
“Những yếu kém và sai sót của gia đình tôi đã được phóng đại lên ở bên ngoài và được sử dụng với mục tiêu duy nhất là lật đổ chế độ Ben Ali… Chúng tôi là gót chân Asin của tổng thống.”
Leila, người vợ thứ hai của ông Ben Ali, cũng không thừa nhận việc bà là một người thợ làm tóc khi bà gặp chồng mình, hay việc có rất nhiều người tình, một điều được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Cuốn hồi ký của bà Leila Ali (Nguồn: AFP)
Sau khi Ben Ali nắm quyền lực vào năm 1987, ông đã ly dị và cưới người phụ nữ khi đó mang họ Trabelsi, người bị cáo buộc đã tìm cách đưa các thành viên trong gia đình mình vào các vị trí quyền lực.
Trong những năm tiếp theo, cái tên Trabelsi được nhắc đến như là biểu hiện của sự tham nhũng, làm thâm hụt kinh tế và ảnh hưởng đến xã hội Tunisia, và là điển hình cho sự tham lam đáng xấu hổ.
Leila Ben Ali đã đổ lỗi cho người phụ trách an ninh của chồng, Ali Seriati, hiện đang ở trong tù, là đã đứng sau một “âm mưu” dẫn đến cuộc đảo chính, từ đó dẫn đến cuộc nổi dậy Mùa xuân Arập.
Bà đã vạch ra các giai đoạn “truyền bá trong nhân dân, phân chia tiền bạc trong những khu vực nghèo khó, tuyển dụng các tay súng bắn tỉa, tăng cường các vụ biểu tình thông qua việc giết người có chủ đích, gây căng thẳng.”
Chuyến bay đã đưa họ sang sống lưu vong tại A ập Xêút đã không xảy ra nếu như không có “sự khăng khăng của Seriati,” bà nói, và cho biết thêm: “Thậm chí cả khi đang ở trong máy bay, chồng tôi vẫn nghĩ rằng anh ấy có thể trở lại vào sáng hôm sau.”
Tuần trước, một tòa án Tunisia đã kết án vắng mặt Ben Ali, phải vào tù vì đã gây ra các cuộc đàn áp đẫm máu những cuộc biểu tình chống lại chế độ của ông ta.
Ông phải đối mặt với vô số cuộc điều tra và đã bị án hơn 66 năm tù với một loạt các tội danh bao gồm buôn bán ma túy và tham nhũng.
Bất chấp tất cả những điều đó, cựu đệ nhất phu nhân cho biết bà và chồng đã sẵn sàng đối mặt với cuộc điều tra khi trở về nhà nếu “chúng ta đảm bảo tính khách quan của bản án và đảm bảo tính hợp pháp của những người phụ trách” phiên tòa.
Bà hầu như rất kín tiếng về những ngày sống lưu vong tại Arập Xêút, nói rằng bà đã trải qua “phần lớn thời gian trong ngày trông nom chồng và con… Tôi hiếm khi ra ngoài, hầu như không gặp ai và cầu nguyện rất nhiều”./.
Theo TTXVN
Cựu tổng thống Tunisia bị kết án thêm 20 năm tù
Ngày 13/6, một tòa án quân sự ở Tunisia đã tuyên án vắng mặt Tổng thống bị lật đổ Zine el Abidine Ben Ali 20 năm tù giam với nhiều tội danh, trong đó có kích động giết người.
Ông Zine el Abidine Ben Ali. (Nguồn: AP)
Theo hãng tin TAP của Tunisia, trong cáo trạng liên quan đến bốn thanh niên bị bắn chết ở thị trấn Ouardanine hồi giữa tháng 1/2011, ông Ben Ali bị tuyên phạm tội "kích động bất ổn, giết người và cướp bóc."Bốn người biểu tình này bị bắn chết ở thị trấn duyên hải miền Đông khi họ tìm cách ngăn cản chuyến bay của cháu trai ông Ben Ali là Kais, một ngày sau khi ông rời Tunisia. Gia đình các nạn nhân cáo buộc cơ quan an ninh đã ra lệnh cho cảnh sát bắn vào đám đông. Cũng trong phiên xét xử vụ này, tòa đã tuyên án tù từ 5-10 năm đối với một số thành viên các lực lượng an ninh.
Một công tố viên quân sự cũng đang thu thập các bằng chứng có thể khép ông Ben Ali vào tội tử hình do liên quan một vụ việc tương tự làm ít nhất 22 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở hai thị trấn Thala và Kasserine.
Cho đến nay, ông Ben Ali - đang sống lưu vong ở Arập Xêút - đã phải đối mặt với rất nhiều phiên xét xử và đã bị kết án tổng cộng hơn 66 năm tù vì một loạt tội danh, trong đó có buôn bán ma túy và tham nhũng. Ông và vợ cũng bị truy nã quốc tế, song giới chức Arập Xêút không đồng ý đề nghị dẫn độ của Tunisia.
Tunisia là nơi khởi đầu làn sóng biểu tình gây bất ổn ở Bắc Phi thời gian qua, dẫn tới sự sụp đổ chế độ kéo dài 23 năm của cựu Tổng thống Ben Ali đầu năm 2011 và nước này sau đó đã bầu ra được một quốc hội lập hiến đầu tiên thông qua bầu cử tháng 10/201.
Cơ quan này đã thông qua bản Hiến pháp lâm thời cho phép ấn định một chính phủ mới để điều hành đất nước trong giai đoạn quá độ hiện nay. Tuy nhiên, bất ổn chính trị, mâu thuẫn giữa các phe phái cùng những cuộc đình công và biểu tình vẫn tiếp diễn, khiến Tunisia trong giai đoạn hậu của cái gọi là "mùa Xuân Arập" đang đứng trước những thách thức không nhỏ để hướng tới một kỷ nguyên mới ổn định và thịnh vượng./.
Theo TTXVN
Cựu Tổng thống Tunisia lĩnh thêm hơn 15 năm tù Tòa án Tunisia mới mở tiếp một phiên tòa xét xử vắng mặt cựu Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali và buộc thêm các tội danh buôn bán ma túy, vũ khí và cổ vật với mức án là 15 năm 6 tháng tù giam đối với ông này. Cựu Tổng thống Tunisia Zine el-Abidine Ben Ali. Ảnh Reuters Theo hãng tin AP,...