Tunisia: Chính phủ cáo buộc nhóm Salafists gây rối
Ngày 13/6, Chính phủ Tunisia đã cáo buộc nhóm Hồi giáo bảo thủ dòng Salafists và những phần tử trung thành với chế độ cũ gây ra tình trạng rối loạn tồi tệ nhất ở nước này kể từ khi Tổng thống Zine el Abidine Ben Ali bị lật đổ hồi đầu năm 2011, đồng thời bác bỏ những thông tin cho rằng mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda gây ra tình trạng bạo lực này.
Cảnh sát đụng độ người biểu tình tại Tunis hôm 2/6. Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Làn sóng bạo động xuất phát từ cuộc biểu tình hôm 10/6 của một số người Salafists phản đối một cuộc triển lãm nghệ thuật mà họ cho là bôi nhọ đạo Hồi.
Đã có 1 người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương trong các vụ đụng độ bạo lực, trong đó có 65 cảnh sát. Hơn 160 người đã bị bắt giữ.
Chính quyền đã ban bố lệnh giới nghiêm tại nhiều vùng, kể cả khu vực thủ đô Tunis.
Video đang HOT
Trước tình trạng này, Chính phủ Tunisia, Hội đồng lập hiến và Tổng thống đã ra thông cáo chung lên án “các nhóm cực đoan đe dọa tự do”.
Chính phủ hiện nay tại Tunisia do Đảng Hồi giáo ôn hòa Ennahda đứng đầu.
Tình trạng bạo lực gây lo ngại về sự trỗi dậy của các thành phần cực đoan ở Tunisia kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Ben Ali, đặc biệt là việc thủ lĩnh mạng lưới khủng bố Al Qaeda Ayman al-Zawahri mới đây kêu gọi người Tunisia bảo vệ luật Hồi giáo Sharia và tránh chịu sự ảnh hưởng của đảng Ennahda đứng đầu chính phủ sau khi giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10/2011.
Đảng Ennahda từng tuyên bố không tìm cách đưa luật Hồi giáo Sharia vào bản hiến pháp còn nhiều bất cập của nước này.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, một tòa án quân sự Tunisia đã kết án vắng mặt ông Ben Ali tù chung thân với tội danh chỉ đạo vụ trấn áp làm ít nhất 22 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở hai thị trấn Thala và Kasserine dẫn tới làn sóng nổi dậy trong khu vực.
Đây là mức án cao nhất đối với ông Ben Ali trong một loạt vụ xét xử cựu lãnh đạo này.
Một tòa án quân sự cùng ngày đã kết án ông 20 năm tù vì tội chỉ thị các lực lượng an ninh bắn người biểu tình ở thị trấn Ouardanine.
Trước đó, một loạt phiên xét xử tại các tòa án dân sự đã kết án ông Ben Ali tổng cộng 66 năm tù giam về các tội buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí và tham nhũng.
Cũng trong phiên tòa nói trên, cựu Bộ trưởng Nội vụ Rafik Belhaj Kacem và một số nhân vật thân cận với ông Ben Ali bị phán quyết án 15 năm tù giam.
Tuy nhiên, một số nhân vật chủ chốt khác trong chính quyền Ben Ali được tuyên trắng án.
Trước đó, các công tố viên đã đề nghị tử hình ông Ben Ali, song chánh án đã quyết định mức án chung thân. Phán quyết của tòa đã gây bất bình trong các gia đình nạn nhân và họ đã tụ tập bên ngoài tòa án để phản đối đồng thời yêu cầu tử hình tất cả các bị cáo.
Tại phiên xét xử trên, tòa cũng buộc tội các nhân vật trong chính quyền của ông Ben Ali kích động nhóm Salafists gây chia rẽ giữa người Hồi giáo với những người thế tục, khiến tình hình trong nước bất ổn.
Làn sóng biểu tình chống chính phủ của ông Ben Ali bùng phát từ cuối năm 2010 sau vụ một thanh niên tự thiêu để phản đối tình trạng tham nhũng.
Các cuộc biểu tình đã dẫn tới sự ra đi của ông Ben Ali đồng thời làm bùng phát làn sóng nổi dậy trong khu vực Bắc Phi và Trung Đông./.
Theo TTXVN
Cựu tổng thống Tunisia bị kết án thêm 20 năm tù
Ngày 13/6, một tòa án quân sự ở Tunisia đã tuyên án vắng mặt Tổng thống bị lật đổ Zine el Abidine Ben Ali 20 năm tù giam với nhiều tội danh, trong đó có kích động giết người.
Ông Zine el Abidine Ben Ali. (Nguồn: AP)
Theo hãng tin TAP của Tunisia, trong cáo trạng liên quan đến bốn thanh niên bị bắn chết ở thị trấn Ouardanine hồi giữa tháng 1/2011, ông Ben Ali bị tuyên phạm tội "kích động bất ổn, giết người và cướp bóc."Bốn người biểu tình này bị bắn chết ở thị trấn duyên hải miền Đông khi họ tìm cách ngăn cản chuyến bay của cháu trai ông Ben Ali là Kais, một ngày sau khi ông rời Tunisia. Gia đình các nạn nhân cáo buộc cơ quan an ninh đã ra lệnh cho cảnh sát bắn vào đám đông. Cũng trong phiên xét xử vụ này, tòa đã tuyên án tù từ 5-10 năm đối với một số thành viên các lực lượng an ninh.
Một công tố viên quân sự cũng đang thu thập các bằng chứng có thể khép ông Ben Ali vào tội tử hình do liên quan một vụ việc tương tự làm ít nhất 22 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở hai thị trấn Thala và Kasserine.
Cho đến nay, ông Ben Ali - đang sống lưu vong ở Arập Xêút - đã phải đối mặt với rất nhiều phiên xét xử và đã bị kết án tổng cộng hơn 66 năm tù vì một loạt tội danh, trong đó có buôn bán ma túy và tham nhũng. Ông và vợ cũng bị truy nã quốc tế, song giới chức Arập Xêút không đồng ý đề nghị dẫn độ của Tunisia.
Tunisia là nơi khởi đầu làn sóng biểu tình gây bất ổn ở Bắc Phi thời gian qua, dẫn tới sự sụp đổ chế độ kéo dài 23 năm của cựu Tổng thống Ben Ali đầu năm 2011 và nước này sau đó đã bầu ra được một quốc hội lập hiến đầu tiên thông qua bầu cử tháng 10/201.
Cơ quan này đã thông qua bản Hiến pháp lâm thời cho phép ấn định một chính phủ mới để điều hành đất nước trong giai đoạn quá độ hiện nay. Tuy nhiên, bất ổn chính trị, mâu thuẫn giữa các phe phái cùng những cuộc đình công và biểu tình vẫn tiếp diễn, khiến Tunisia trong giai đoạn hậu của cái gọi là "mùa Xuân Arập" đang đứng trước những thách thức không nhỏ để hướng tới một kỷ nguyên mới ổn định và thịnh vượng./.
Theo TTXVN
Tunisia ban bố lệnh giới nghiêm vì bạo động Tunisia hôm 12.6 đã ban bố lệnh giới nghiêm tại 8 vùng, bao gồm cả thủ đô Tunis, vì đã nổ ra một cuộc bạo động nghiêm trọng tại những nơi này, một quan chức thuộc Bộ Nội vụ cho biết. Theo BBC dẫn nguồn từ giới chức địa phương, lệnh giới nghiêm kéo dài tám tiếng đã được đưa ra sau nhiều...