Cựu Chủ tịch HĐQT GPBank bị truy tố vì giúp sức kẻ lừa đảo
VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Tạ Bá Long, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí Toàn Cầu (GPBank).
Cùng bị truy tố với ông Tạ Bá Long về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng còn có 9 bị can khác.
Liên quan đến vụ án, ông Phùng Ngọc Khánh (cựu Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Sài Gòn One, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty M&C), Nguyễn Trọng Hiếu (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty ĐLSG) và Kim Văn Bộ (cựu Phó Giám đốc Công ty ĐLSG) bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cựu Chủ tịch HĐQT GPBank Tạ Bá Long (ngoài cùng, bên phải) tại phiên tòa năm 2017
Theo cáo trạng, với động cơ, mục đích chiếm đoạt tiền để chi tiêu cá nhân, trong thời gian từ tháng 8-9/2011, ông Khánh đã bàn bạc, thống nhất với ông Hiếu và Bộ lập khống hợp đồng mua bán 6 căn hộ tại Dự án cao ốc Sài Gòn M&C, giữa Công ty M&C và Công ty ĐLSG, với giá trị hơn 477 tỷ đồng.
Ông Khánh còn nâng khống 255 ngàn cổ phần của Công ty M&C có giá trị thực theo kết luận định giá của Hội đồng định giá là hơn 14 tỷ đồng lên 510 tỷ đồng để dùng làm tài sản thế chấp, bảo đảm cho Công ty ĐLSG vay 305 tỷ đồng của GPBank.
Trong số 305 tỷ đồng vay được của GPBank, ông Khánh và đồng phạm bị xác định đã chiếm đoạt hơn 290 tỷ đồng.
VKSND Tối cao cho rằng, đến nay không thể xác định giá trị cổ phần Công ty M&C, nên về trách nhiệm dân sự, các bị can phải liên đới chịu trách nhiệm theo yêu cầu của GPBank là hơn 961 tỷ đồng (gồm cả nợ gốc và nợ lãi).
“Nhắm mắt” cho vay
Vẫn theo cáo buộc, quá trình thẩm định và quyết định cho khoản tiền vay trên, cựu Chủ tịch HĐQT GPBank cùng dàn cựu lãnh đạo, nhân viên Hội sở GPBank và Chi nhánh TP.HCM đã không thực hiện đúng việc kiểm tra, thẩm định mục đích sử dụng vốn, khả năng tài chính đảm bảo trả nợ, phương án sử dụng vốn…
Ông Tạ Bá Long và đồng phạm còn nhận tài sản thế chấp là 6 căn hộ tại Dự án Cao ốc Sài Gòn M&C của bên thứ ba, trong khi tài sản này không thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba.
Ngoài ra, khi thẩm định giá, các bị can đã nâng khống giá trị tài sản bảo đảm là 225 ngàn cổ phần của Công ty M&C có giá trị thực theo kết luận định giá của Hội đồng định giá là hơn 14 tỷ đồng lên thành hơn 728 tỷ đồng để cấp tín dụng trái pháp luật 305 tỷ đồng cho Công ty ĐLSG.
Theo cáo buộc, vì Công ty M&C không còn hoạt động, không xác định được giá trị cổ phần, nên ông Long và đồng phạm phải liên đới chịu trách nhiệm với các ông Khánh, Hiếu, Bộ theo yêu cầu của GPBank số tiền lãi khoản vay 305 tỷ đồng là hơn 656 tỷ đồng.
Trong vụ án này, ông Tạ Bá Long bị xác định là người có trách nhiệm đánh giá tổng thể rủi ro và chất lượng tín dụng để đưa ra quyết định phê duyệt, trên cơ sở hồ sơ tín dụng nhận được do cấp dưới trình.
Ông Long còn được chi tiền phần trăm trong số tiền vay, bị xác định đã ký biên bản định giá cổ phần khi không có báo cáo thẩm định, thiếu tài liệu làm căn cứ; ký phê duyệt tín dụng cho vay khi hồ sơ vay vốn của ĐLSG, thẩm định của GPBank Chi nhánh TP HCM không phản ánh đúng sự thật; Công ty ĐLSG không đủ điều kiện vay vốn và chưa có báo cáo tái thẩm định.
Cựu Chủ tịch HĐQT GPBank bị xác định có vai trò chính.
Trước đó, vào cuối năm 2017, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Long mức án 5 năm tù vì tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đề nghị truy tố Đinh Tiến Sử tội lừa đảo
Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng thông báo đã kết thúc điều tra vụ án liên quan đến khách sạn Bavico Đà Lạt và Bavico Nha Trang và đề nghị truy tố Đinh Tiến Sử tội lừa đảo.
Ngày 16/10, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng ban hành kết luận điều tra vụ án và đề nghị truy tố bị can Đinh Tiến Sử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng bị đề nghị truy tố với ông Sử còn có 2 bị can là Nguyễn Văn Đạt và Bùi Tiến Dũng.
Đinh Tiến Sử khi bị bắt tại TP Huế. Ảnh: N.V.
Ông Đinh Tiến Sử (48 tuổi, thường trú TP.HCM) nguyên là Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt, chủ khách sạn Bavico Nha Trang và Bavico Đà Lạt.
Theo điều tra, ông Sử có hành vi gian dối trong việc bán căn hộ du lịch tại 2 dự án Bavico Nha Trang và Bavico Đà Lạt. Sự việc xảy ra khi bị can này đang bị TAND TP Nha Trang xét xử về tội Chứa mại dâm.
Khách sạn Bavico (số 2 Ngô Quyền, TP Nha Trang) được Quân khu 5 chấp thuận xây dựng, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép đầu tư tháng 1/2014, trên khu đất rộng gần 4.000 m2.
Đến tháng 2/2015, chủ đầu tư rầm rộ rao bán căn hộ du lịch, tổ chức hoạt động kinh doanh, đón khách. Sự việc này bị Quân khu 5 phản ứng vì đây là đất quốc phòng nên không được phép bán căn hộ du lịch. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn không chấp hành và tiếp tục bán cho rất nhiều người dân.
Trong lúc việc khắc phục sai phạm của chủ đầu tư khách sạn Bavico chưa được thực hiện, đêm 24/10/2017, lực lượng thuộc Công an tỉnh Khánh Hòa kiểm tra và phát hiện tại khách sạn Bavico Nha Trang có 3 tiếp viên nữ đang bán dâm cho 3 du khách Trung Quốc.
Tháng 1/2018, Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Tiến Sử về tội Chứa mại dâm. Đến tháng 2/2018, ông Sử bị bắt tạm giam, nhưng sau đó được tại ngoại hầu tra.
Cuối tháng 9/2019, TAND TP Nha Trang xét xử sơ thẩm vụ án chứa mại dâm xảy ra tại khách sạn Bavico Nha Trang. Tuy nhiên, TAND Nha Trang tuyên trả hồ sơ điều tra lại.
Ngày 24/10/2019, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố bị can đối với Đinh Tiến Sử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ông Sử đã bỏ trốn trước đó nên cơ quan điều tra ra quyết định truy nã.
Đến ngày 30/11/2019, ông Đinh Tiến Sử bị bắt khi đang lẩn trốn ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ông Đinh Tiến Sử bị bắt theo lệnh truy nã của
Bộ Quốc phòng Sau khi Bộ Quốc phòng truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Đinh Tiến Sử bỏ trốn về Thừa Thiên - Huế. Người đàn ông này bị bắt khi xuất hiện tại một chung cư.
Cựu phó đồn công an bị cáo buộc lừa đảo Nguyễn Vũ Giang, 37 tuổi, cựu phó trưởng Đồn công an Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, nhận hơn 1,1 tỷ đồng xin việc song chiếm đoạt. Giang vừa bị VKSND Hà Nội truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 Bộ luật Hình sự 2015; khung hình phạt từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân. Theo...