Cựu binh Gạc Ma nghĩa tình vượt hơn 400km viếng bạn
Nghe tin cựu binh Dương Văn Dũng, một trong 9 người bị Trung Quốc bắt trong sự kiện Gạc Ma năm 1988, vừa qua đời vì bạo bệnh, những người đồng đội đã vào Đà Nẵng viếng bạn.
Chiều tối 3/3, nhiều đồng đội của cựu binh Trường Sa Dương Văn Dũng đã vượt hàng trăm km tới thắp hương viếng ông Dũng tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
Cựu binh Dương Văn Dũng nhập ngũ năm 1987, thuộc Trung đoàn công binh 83. Đầu năm 1988, ông Dũng cùng đồng đội tham gia vào chiến dịch CQ-88, nhận nhiệm vụ ra xây dựng bãi đá Gạc Ma (cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam).
Ngày 14/3/1988, khi đồng đội của ông Dũng đã cắm cờ chủ quyền và vận chuyển vật liệu xuống bãi đá Gạc Ma, Trung Quốc điều nhiều tàu chiến cùng quân lính đổ bộ lên đảo, nổ súng sát hại. 64 chiến sĩ hải quân hy sinh, ông Dũng cùng 8 đồng đội khác bị Trung Quốc bắt làm tù binh. Bốn năm sau, 9 người được trả tự do qua đường ngoại giao.
Ông Dũng có 3 người con, nhưng cậu con duy nhất bị tai nạn giao thông đã qua đời. Buồn chán vì mất con, cùng với công việc thợ hồ nặng nhọc, có thời gian ông Dũng bị suy nhược cơ thể. Mới đây, ông mắc bệnh ung thư và qua đời ngày 26/2, hưởng dương 53 tuổi.
Đáp lễ người đến viếng ông là hai cô con gái đang tuổi đi học.
Cựu binh Lê Văn Đông (quê Quảng Bình), Lê Hữu Thảo (quê Hà Tĩnh), Trần Thiên Phụng (quê Quảng Trị), những người cùng có mặt ở Gạc Ma trong sự kiện ngày 14/3/1988 dâng vòng hoa của những người đồng đội ở xa không về được.
Video đang HOT
Cuối giờ chiều, Ban liên lạc bộ đội Trường Sa thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lễ truy điệu cho ông Dũng. Dù không tham gia vào hội cựu chiến binh, nhưng với những chiến công và mất mát sau sự kiện hải chiến Gạc Ma, Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng đã đặc cách phủ quốc kỳ trên linh cữu.
Bạn bè, đồng đội, người thân đứng kín căn nhà trên đường Trần Lựu để tham gia lễ truy điệu. Nhiều người xúc động khi ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng 1984-1988, đọc điếu văn về những đóng góp của ông Dũng với sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc.
Cựu binh Trần Thiên Phụng đứng nhìn di ảnh đồng đội. Sau khi 9 chiến sĩ Hải quân Việt Nam bị Trung Quốc bắt, cũng như gia đình cựu binh Dũng, nhiều cha mẹ đã lập bàn thờ vì không nghĩ rằng con mình còn sống.
Bà Trần Thị Lợi (vợ cựu binh Dũng) khóc thành tiếng khi nghe những người đồng đội kể về chồng mình. Gánh vác gia đình với chồng, ngày ngày bà Lợi mưu sinh bằng việc buôn bán nhỏ ở chợ.
Cuối tháng 11 vừa qua, khi nghe tin ông Dũng lâm bệnh nặng, nhiều đồng đội từ khắp nơi đã tề tựu hội ngộ trong ân tình.
Một đồng đội đưa tay chào ông Dũng. Sáng mai, linh cữu được an táng tại nghĩa trang thành phố (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), nơi có 9 ngôi mộ gió của đồng đội người Đà Nẵng hy sinh ở Gạc Ma.
Những người đồng đội Gạc Ma chào người bạn lần cuối.
Nhiều người dân địa phương đến viếng sau lễ truy điệu.
Trước lúc ra về, những cựu binh Gạc Ma động viên, chia sẻ với vợ cựu binh Dũng. Nhiều người định về quê ngay trong đêm, nhưng sau đó đã quyết định ở lại để ngày mai tiễn bạn về đất mẹ.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Nước mắt ân tình trong cuộc hội ngộ của cựu binh Gạc Ma
Những người lính từng làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền Gạc Ma tháng 3/1988, có cuộc hội ngộ xúc động bên giường bệnh một người đồng đội bị ung thư.
Ngày 19/11, cựu binh Dương Văn Dũng - bệnh nhân ung thư, được đẩy trên xe lăn từ phòng bệnh ra một phòng họp nhỏ tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Dù phải ngồi khom người để nén những cơn đau, nhưng ông Dũng đã nở nụ cười tươi, đưa tay chào theo điều lệnh khi bất ngờ gặp 6 đồng đội trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma (14/3/1988) cùng bị Trung Quốc bắt giữ.
Vừa nhìn thấy đồng đội, cựu binh Trương Văn Hiền (Đắk Lắk) bật khóc, đưa tay gạt những giọt nước mắt trên khuôn mặt. "Dũng là ân nhân cứu mạng tôi trong trận chiến Gạc Ma", ông tâm sự và cho biết đồng đội Dũng trong giây phút sinh tử đã đẩy cho mình tấm ván bằng gỗ để nổi trên mặt nước. 64 đồng đội khi đó đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ.
Khi cựu binh Dũng được đẩy xe lăn ra phòng gặp mặt đồng đội, cựu binh Hiền (bìa phải) đã không cầm nổi nước mắt. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Dũng là người duy nhất trong số 10 chiến sĩ hải quân quê Đà Nẵng còn sống sót. 4 năm sau trận chiến, những người lính Gạc Ma được phía Trung Quốc trả tự do. Họ giải ngũ và mưu sinh bằng đủ nghề. Ông Dũng đi làm thợ nề, còn vợ bươn chải kiếm sống bằng việc bán rau ở chợ để nuôi 3 người con.
Tháng 7/2015, ông Dũng đến khám bác sĩ trong một lần đau nặng và bàng hoàng khi nhận kết quả mắc ung thư. Trải qua nhiều lần xạ trị, bệnh đã di căn vào não. Gia cảnh đã nghèo nay lại phải vay nợ để có tiền chữa trị, gia đình ông Dũng lâm cảnh khốn khó. Đồng đội khi hay tin đã kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội.
Một nhóm sinh viên ở Hà Nội có ý tưởng sẽ dành cho ông Dũng điều bất ngờ ngay tại bệnh viện, đó là tổ chức cuộc hội ngộ giữa những cựu binh Gạc Ma từng bị Trung Quốc giam giữ. Sau nhiều nỗ lực, chương trình được thực hiện với sự giúp đỡ nhiệt tình của một số nhà báo ở Đà Nẵng.
Ông Dũng được đồng đội khoác lên mình chiếc áo hải quân và được nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ tặng hoa động viên. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Gặp các bạn mình vui lắm", ông Dũng nói khi trên môi nở nụ cười tươi. Sau những cái siết chặt bàn tay, những người đồng đội vây quanh ông, đưa những tấm ảnh chụp chung ngày vừa được thả tự do, chỉ mặt đọc tên từng người. "Có sáu đứa tụi mình ở đây sẽ chia bớt những cơn đau cho Dũng", cựu binh Nguyễn Văn Thống (quê Quảng Bình) nói.
Đồng đội cùng nhau may tặng ông Dũng chiếc áo hải quân, họ cẩn thận mặc vào cho bạn, ông Dũng không ngồi trên xe lăn nữa mà nhờ bạn đỡ mình đứng dậy. Họ xếp thành hàng, đưa tay lên chào theo điều lệnh quân đội khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Ông Dũng đầu trọc lóc sau những đợt hóa trị không còn dáng vẻ tiều tụy của một bệnh nhân. Những cơn đau dường như không còn giữa những tiếng cười.
Nhiều người nhà bệnh nhân kéo đến xem cuộc hội ngộ trong bệnh viện. "Ông ấy là lính hải quân bảo vệ Trường Sa", tiếng những người phụ nữ bảo nhau. Nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ đến bên bệnh nhân Dũng, nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của tổ quốc Việt Nam. "Tất cả chúng ta luôn tri ân những người đã cầm súng bảo vệ Gạc Ma".
Nắm chặt tay đồng đội, cựu binh Nguyễn Văn Thống động viên bạn cố gắng chiến đấu với bệnh tật. Ảnh: Nguyễn Đông.
Những người đồng đội dìu ông Dũng về giường bệnh. "Kiên cường lên Dũng ơi! Súng đạn không giết được tụi mình, giờ hãy gắng hết sức chiến đấu với bệnh tật. Đừng bỏ cuộc!", những người lính Gạc Ma động viên bạn.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Tâm sự của cựu binh hai lần được tặng Huy hiệu của Bác Hồ Những ngày tháng chín lịch sử này, mỗi khi nhớ về Bác Hồ, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Tài (72 tuổi, xóm 17, xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, Nghệ An) lại rưng rưng niềm xúc động, xen lẫn tự hào vì hai lần được nhận Huy hiệu cao quý của Người. Trong căn nhà nhỏ nằm ở cuối làng, ông Tài sống...