Cựu binh bỏ hơn 300 triệu xây cầu cho dân làng
Trăn trở mỗi khi mùa mưa lũ về, bà con bị cô lập bên kia đồi, ông Đại đã đem số tiền dành dụm của gia đình để xây cầu bê tông cho dân làng.
Ông Bùi Xuân Đại (67 tuổi) từng tham gia chiến đấu tại Lào, hiện sống trong căn nhà nhỏ ở thôn Lai Đồng, xã Đức Đồng (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Nhắc tới cây cầu, người cựu binh có dáng người đậm, khuôn mặt hiền từ, kể thôn Lai Đồng nép mình bên chân núi Mụ Quán. Địa bàn có con suối lớn chảy từ phía tây xuống chia cắt, khiến gần 20 hộ dân ở rìa phía Nam bị cô lập với hàng trăm hộ dân ở rìa phía Bắc. Mùa lũ về, nước sông Ngàn Sâu lên cao cuốn trôi cầu tạm, biến rìa phía Nam như một ốc đảo, hoa màu không thu hoạch kịp coi như mất trắng.
Cầu xây xong, người dân cảm kích tấm lòng người cựu binh nên thường gọi là “Cầu ông Đại”. Ảnh: Đức Hùng
Hàng chục năm sống với người dân ở rìa phía Nam con suối, thấu hiểu cảnh đi lại khó khăn, ông Đại trăn trở suy nghĩ, nếu cứ đi cầu tạm qua suối sẽ rất tốn kém và nguy hiểm. Ý tưởng xây dựng một cây cầu kiên cố dần được manh nha. “Người dân ở đây đa số rất nghèo, thu nhập thấp. Họ rất muốn góp tiền xây cầu, nhưng lực bất tòng tâm, bao lần đưa ra ý định rồi cũng phải bỏ dở”, ông Đại kể.
Năm 2012, xã Đức Đồng có chủ trương xây dựng các công trình phục vụ nông thôn mới. Sẵn ý tưởng ấp ủ bấy lâu, ông trình bày với lãnh đạo xã về việc xây dựng cầu bắc qua suối ở thôn Lai Đồng. Về nhà, ông bàn bạc với vợ, tích góp tiền dự định sửa nhà và tiền của con trai đang đi xuất khẩu lao động gửi về làm kinh phí xây cầu.
Ngồi bên cạnh chồng, bà Phạm Thị Lan (67 tuổi, vợ ông Đại) nhớ lại ngày ông nói về ý tưởng lấy tiền xây cầu, bà thảng thốt vì số tiền lớn. Nhưng sau khi suy nghĩ, bà ủng hộ quyết định của chồng, đồng thời nói thêm 3 người con đã đi làm cùng góp tiền ủng hộ.
Cây cầu được thiết kế với 4 cọc dằm và 3 nhịp rất kiên cố. Ảnh: Đức Hùng
Gia đình ông Đại đã bỏ ra hơn 300 triệu đồng, ngoài ra còn hiến tặng 90 m2 đất để mở rộng đầu cầu. Với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông trực tiếp đứng ra tuyên truyền, vận động bà con hỗ trợ thêm ít ngày công. Ngay cả việc thiết kế, ông tự đánh xe đi thuê các nhà tư vấn về để xây cầu.
Tháng 6/2012, công trình được khởi công. Sáu tháng sau, chiếc cầu bê tông dài 11 m, rộng 3,8 m, cao 5 m, có 4 dằm cọc và 3 nhịp được hoàn thành trong sự vui mừng của bà con. Ngày cầu hoàn thiện, thấy ai cũng rạng rỡ, xe cộ qua lại đông hơn, ông Đại tâm sự cảm thấy vô cùng khoan khoái. Mới đây, vợ chồng ông bỏ thêm 12 triệu đồng góp xây 100 m đường bê tông nối từ cầu ra ngoài đồng.
Video đang HOT
Cảm động trước tấm lòng của ông Đại, người dân đặt luôn tên ông cho cây cầu như một cách tri ân. Chị Nguyệt (người dân xóm Lai Đồng) cho hay, từ khi cầu hoàn thành, bà con đi lại rất thuận lợi. Ngày trước lũ về bị cô lập, nhưng nay lương thực, hoa màu thu hoạch về không còn phải gánh và lội bì bõm qua suối, đánh đổi tính mạng nữa.
“Tất cả người dân trong làng ai cũng cảm phục và rất biết ơn ông Đại. Nếu không có ông bỏ tiền xây cầu, chẳng biết đến bao giờ hàng chục hộ dân ở thôn Lai Đồng mới thoát cảnh cơ cực khi mưa lũ tới”, chị Nguyệt nói.
Ông Đại luôn tâm niệm “còn sống ngày nào thì phải làm việc tốt cho đời ngày đó”. Ảnh: Đức Hùng
Nói về việc làm của mình, ông Đại cười tâm sự xây cầu phục vụ cho lợi ích lâu dài của tất cả người dân. “Tôi luôn tâm niệm khi làm việc gì đều nghĩ đến giá trị lâu dài. Bà con được đi lại trên cây cầu mới, an tâm sản xuất, đời sống ấm no, gia đình hạnh phúc thì đó chính là bàn đạp để cho một ngày mai tươi sáng, xã hội ngày càng tốt đẹp”, người cựu binh nói.
Hiện tại, sức khỏe của ông Đại khá yếu vì mắc bệnh ung thư gan, thường xuyên phải thuốc thang. Mong ước ước của ông là “còn sống trên thế gian ngày nào thì phải làm việc tốt cho đời ngày đó. Bởi khi xuống suối vàng, mọi thứ đều là hư vô, có bao nhiêu tiền rồi cũng sẽ tiêu tan”.
Trong nhiều năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đức Đồng, ông Đại từng được các cấp từ tỉnh tới Trung ương tặng bằng khen, biểu dương là nông dân gương mẫu luôn đi dầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới.
Các lãnh đạo xã Đức An đánh giá ông Đại luôn là người mẫu mực, trách nhiệm, đi đầu trong mọi phong trào. Đối với bà con làng xóm, ông có tình thương bao la, luôn làm việc với tôn chỉ “mình vì mọi người”.
Đức Hùng
Theo VNE
Chợ 30 tỷ đồng lác đác vài quầy hàng
Được đầu tư 30 tỷ đồng, từ khi khánh thành cho tới nay chợ Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) luôn trong tình trạng ế ẩm, chỉ có khoảng chục quầy hàng mở cửa nhưng ít khách qua lại.
Năm 2014, chợ Tùng Ảnh được xây mới trên diện tích 27 ha tại thôn Châu Linh, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) với tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Dự kiến sau khi hoàn thành, chợ sẽ là nơi buôn bán của hàng nghìn tiểu thương trong và ngoài huyện.
Năm 2015, chợ hoàn thành. Nhiều hạng mục như hệ thống kiốt, đình chợ, các dãy nhà lớn được xây dựng rộng rãi, khang trang. Tuy nhiên, từ khi khánh thành tới nay, chỉ có một nhóm tiểu thương tập trung buôn bán ở một góc bên trái chợ.
Trong chợ có khoảng 10 quầy hàng tạp hóa bán bánh kẹo, thuốc chữa bệnh và quần áo. Các quầy hàng này hoạt động không thường xuyên, thỉnh thoảng hay đóng cửa vì không có khách.
Ở góc bên phải chợ, dãy nhà có mái che rộng lớn được thiết kế để bán thịt cá, rau củ quả... được bỏ hoang hơn một năm nay.
Đình chợ còn rất mới, rộng rãi, thoáng đãng nhưng duy nhất một tiểu thương dựng quầy buôn bán.
Ông Nguyễn Năng Quế, Chủ tịch mặt trận xã Tùng Ảnh lý giải việc chợ ít người tới buôn bán là do ngày trước khi xây chợ, theo tính toán sẽ thu hút người dân ở huyện Hương Sơn và một số xã trong huyện Đức Thọ tới đây buôn bán. Song kế hoạch đã đổ bể bởi chợ trung tâm của huyện Đức Thọ được xây mới và phát triển nên thu hút khách, hơn nữa một số người dân có thói quen đi chợ cũ, không đến chợ mới.
Trong chợ có hàng chục kiốt đang còn rất mới nhưng không ai thuê.
Phía trong đình chợ, kệ đựng hàng để buôn bán được vứt chỏng chơ.
Hàng ngày, hoạt động buôn bán trong chợ luôn ế ẩm. "Bỏ ra nhiều vốn đầu tư mua hàng, nhưng khách lại èo ọt. Chúng tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó chính quyền có giải pháp để thu hút người dân tới chợ", tiểu thương tên Liên nói.
Chợ Tùng Ảnh được họp vào buổi sáng các ngày trong tuần, tuy nhiên cứ đến khoảng 9h30 đã tan. Chủ tịch mặt trận xã thông tin thêm, vừa rồi huyện đã có quyết định thành lập hợp tác xã quản lý chợ Tùng Ảnh giao cho xã quản lý, mục đích là để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của chợ, khắc phục tình trạng vắng người qua lại buôn bán. "Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức một số hoạt động hội chợ, mời các công ty, trung tâm thương mại về chợ làm các gian hàng quảng bá sản phẩm để thu hút người dân", ông Quế nói.
Đức Hùng
Theo VNE
Người phụ nữ 8 năm chôn cất hài nhi Ám ảnh về ngôi mộ hài nhi bị con vật xới tung cách đây 8 năm, bà Lành quyết định tới các bệnh viện, trạm xá xin xác thai nhi mang về nghĩa trang chôn cất tử tế. Sáng tháng 10, ngồi trong căn nhà nhỏ cạnh quốc lộ 1A ở xã Đức Yên (Đức Thọ, Hà Tĩnh), bà Trần Thị Lành trầm...