Cuốn sổ yêu thương…
Sáng nay đưa con trai vào lớp 1, tôi ngồi xem lại những đồ dùng, những vật kỷ niệm mầm non của con mà lòng cảm thấy thật xúc động.
Cô trò cùng nhau đi dã ngoại để rèn luyện kỹ năng sống – ẢNH: DIỆU HIỀN
Từng món đồ là cả những tình cảm yêu thương mà các cô giáo của ngôi trường mầm non con từng theo học trao gửi.
Với tôi, đặc biệt nhất có lẽ là cuốn sổ tay thời con học lớp mẫu giáo, mà Trường mầm non Bồ Công Anh gọi tên là lớp “momo”. Đó là những ngày đầu tiên tôi nắm tay con đưa đến trường mầm non, khi con mới 1 tuổi rưỡi. Tôi với bao lo lắng chồng chất trong lòng suốt ngày đầu tiên con đến trường. Buổi chiều, con trở về nhà với gương mặt vui vẻ và nhẹ nhõm, không như cô con gái lớn của tôi những ngày đầu đi học về với vẻ thảng thốt và hốt hoảng. Trong chiếc cặp của con là cuốn sổ ghi chú bằng một nét chữ rất dễ coi: “Hôm nay là ngày đầu tiên con đến lớp ở lại cả ngày. Con có mè nheo lúc đầu, nhưng được các cô ôm ấp, vậy là con bắt đầu làm quen và bắt đầu chơi vui”.
Những ngày sau đó, quyển sổ vẫn đầy những dòng chữ của các cô giáo: “Hôm nay con chơi ngoan. Con ăn trưa đã bắt đầu biết cầm muỗng múc thức ăn…”; “Trưa nay con ngủ không được ngon giấc, ba mẹ về tối nay cho con ngủ sớm nhé!”; “Sáng nay con vào lớp kể cho cô nghe hôm qua con được ba mẹ đưa đi chơi…”; “Sáng nay con được đi dã ngoại cùng các bạn, và biết giúp cô nhặt lá rụng trong sân”…
Ngay cả những lần con không ngoan, các cô viết: “Con hôm nay không ngoan, chọc bạn khóc và phá thức ăn của bạn, nên cô có nói chuyện với con và phạt con một lúc!”; “Con ra sân chơi, giờ tập bơi thì xô ngã bạn, nên cô có bắt phạt con ba mẹ nhé!”; “Sáng nay con rất cáu kỉnh, nên cô giáo có đưa con qua lớp bé một lúc”; “Hôm nay con đi vệ sinh bị bón đó nha ba mẹ, ba mẹ nhớ bổ sung chất cần thiết cho con!”; “Ngày này con bị mệt đấy ba mẹ!”…
Video đang HOT
Những điều cô giáo ghi trong sổ, thỉnh thoảng tôi trêu đùa con để thử, và con đều véo von kể lại như cô giáo kể. Điều đó làm tôi tin yêu cuốn sổ, yêu quý những cô giáo của con hơn. Mỗi ngày qua, nhật ký về con được ghi lại kỹ lưỡng, dày đặc những dữ liệu về con chứ không phải kiểu ghi qua quýt cho có. Cuốn sổ thực sự là người bạn tâm giao giữa cô giáo và gia đình.
Không chỉ là cuốn sổ, một lần tôi suýt choáng khi bị cô giáo của con mời lên nói chuyện. Tưởng con phạm lỗi gì nhưng khi gặp, cô giáo hỏi tôi: “Ở nhà con phạm lỗi là mẹ dọa đánh phải không ạ?”, tôi liền cười giải thích chỉ dọa chứ chưa bao giờ đánh con. Cô giáo nhẹ nhàng khuyên tôi không nên dọa đánh con. Khi con không ngoan thì chỉ cần gọi con đến, bắt con nhìn thẳng vào mắt mình, và đề nghị con nói chuyện. Nói chuyện với con đến khi con biết lỗi của mình và chịu xin lỗi. Nặng hơn thì cho con đứng vào một góc để bình tĩnh trở lại. Ở lớp, nếu con vẫn không bình tĩnh thì cô giáo phạt bằng việc mời con qua đứng ở lớp bên cạnh. “Mẹ đừng bao giờ dùng roi vọt vì sẽ vô cùng phản tác dụng!”, cô giáo nói.
Tôi đi về mà cười suốt trên đường bởi nghĩ từ nào giờ con đi học chỉ có các mẹ sợ con bị cô giáo đánh, chứ sao lại có chuyện cô giáo khuyên mẹ về đừng đánh con. Và sau đó tôi áp dụng cách mà cô giáo khuyên thì hữu hiệu vô cùng. Tôi không phải dùng roi vọt, chỉ cần “Mẹ mời con đến đây mẹ nói chuyện” là con đã thấy tình hình nặng nề, và khóc òa, rồi sau đó nhận lỗi.
Khi con chưa qua 2 tuổi, nhờ các cô giáo chỉ dạy, con đã biết tự ăn, tự rót nước uống khi cần, tự mặc quần áo, tự mang giày… Sang 3 tuổi rưỡi con đã biết tự sắp xếp đồ đạc mang đi học mà không cần tôi giúp. Xúc động nhất là khi tôi đến lớp nhìn thấy con biết dọn thức ăn mời các bạn bởi hôm đó nhóm con trực nhật. Và con có nhiều trải nghiệm vô cùng quý giá bởi những chuyến dã ngoại, những lễ hội thể thao, âm nhạc mà các con được tham gia… Tuổi mầm non của con đã biết tự lập và được thụ hưởng những điều tốt đẹp ấy.
Và điều mà tôi cảm nhận rõ nhất đó tình cảm yêu thương mà con dành cho các cô giáo. Ngày chia tay của con với các cô giáo đẫm trong nước mắt. Những cô bé cậu bé chỉ 6 tuổi nức nở trong vòng tay các cô giáo không rời khiến các ba mẹ đều rơi nước mắt. Trẻ con vốn vậy, chỉ yêu thương những người thực sự yêu thương chúng không cần lý do. Tôi thấy trong ánh mắt xúc động của các ba mẹ trong buổi lễ chia tay hôm ấy là sự nhẹ nhõm vì đã chọn cho con một môi trường học tập tràn ngập yêu thương, đúng với nhu cầu trong độ tuổi mà mọi đứa trẻ xứng đáng được hưởng.
Và tôi có một mơ ước tham lam của một người mẹ, là mọi người thầy của con sau này, đều có được sự yêu thương như vậy dành cho con. Chỉ yêu thương mới có thể giúp cho đứa trẻ trưởng thành trọn vẹn. Tôi tin như vậy.
Theo thanhnien.vn
Hàng ngàn tình huống đe dọa trẻ ở trường mầm non
Sự việc một trẻ 4 tuổi ở Quảng Nam bị điện giật tử vong trong ngày đầu đến trường một lần nữa cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho trẻ ngay trong chính trường mầm non.
Sự đe dọa có thể tiềm ẩn từ đồ chơi cho đến đồ dùng, vật dụng... trong trường mầm non nên cả cô trò và phụ huynh đều hết sức cẩn trọng - ĐÀO NGỌC THẠCH
Ở lứa tuổi mầm non, trẻ hiếu động, thích tự khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh trong khi khả năng ứng phó để tự bảo vệ bản thân còn hạn chế nên tai nạn thương tích có thể xảy ra đối với trẻ bất cứ lúc nào.
Nguy cơ từ trải khăn bàn, đặt đồ dùng...
Bà Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường mầm non Nam Sài Gòn (Q.7, TP.HCM), chia sẻ trong trường mầm non có hàng ngàn tình huống đe dọa đến sự an toàn của trẻ. Do đó cần sự chỉn chu từ quản lý nhà trường cho đến giáo viên và cả nhân viên vệ sinh trong mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ trong thời điểm cụ thể nào. Sự đe dọa có thể tiềm ẩn từ đồ chơi cho đến đồ dùng, vật dụng và bao trùm trong khuôn viên nhà trường.
Từ đó, bà Phương Hoa chỉ ra những mối đe dọa đến an toàn của trẻ trong việc sử dụng và sắp xếp trang thiết bị trong trường. Bà Hoa lấy ví dụ việc gắn tivi trên tường, các thiết bị điện tử, ổ cắm điện rồi đến trẻ chơi với nhau, đánh, cắn nhau... Bên cạnh đó, bà Hoa nhấn mạnh: "Không cần phải nói đến những vấn đề to lớn mà ngay việc trải khăn bàn, đặt đồ dùng trên bàn thế nào cũng cần lưu ý. Học sinh càng nhỏ càng cần có sự chăm chút, tỉ mỉ".
Cô giáo bên cạnh mà trẻ vẫn té !
Còn một giáo viên có kinh nghiệm tại Q.Tân Phú (TP.HCM) kể lại tình huống đã xảy ra khiến cô giáo này cứ nhớ mãi và day dứt: "Ngày đó, cứ nghĩ các con ngồi xung quanh và trước mặt mình thì sao còn có gì để mà lo lắng. Vậy mà vừa lau mặt cho bé bên phải xong, tôi quay sang trái lau mặt cho bé khác thì bé bên phải quay người với tay kéo cái ghế ở gần đó. Con không lường được khoảng cách nên hụt tay, khiến té xấp đập cằm xuống đất và phải vào bệnh viện may 2 mũi".
Còn giáo viên khác thì kể tình huống đã xảy ra trong lớp học của mình, đồng thời cũng chia sẻ lưu ý đối với những trường khác, như: "Thường giáo viên trong lớp hay nhắc nhở nhau phải đóng cửa nhà vệ sinh và thường xuyên để mắt, tránh trường hợp học trò nô đùa gần khu vực này. Vậy mà xảy ra chuyện dở khóc dở cười. Có trẻ ngồi tò mò, thò tay vào khe cửa, do cửa làm bằng chất liệu nhôm nên bé đứt tay". Giáo viên này nói rằng: "Có tình huống giáo viên không thể lường trước và khi có được kinh nghiệm thì học trò của mình đã bị đau. Nên bây giờ, vào mỗi đầu năm học, trước ngày nhận học sinh, chúng tôi phải "mò mẫm" từng ngóc ngách trong lớp. Sau đó, ngồi thống kê, liệt kê những điểm cần lưu ý để chỉnh sửa, hạn chế nguy hiểm cho trẻ một cách tốt nhất. Có những khe, kẽ hở, giáo viên lấy ngón út của mình để thử nhằm lường trước những tình huống trẻ tò mò".
Cần phụ huynh phối hợp
Cô Trần Thị Tú Quyên, giáo viên Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM), chia sẻ: "Có những phụ huynh, nhiều khi vô tâm không để ý, khi đến đón con hay để con ngồi trên mặt tủ đựng đồ dùng cá nhân của các bé. Theo thói quen đó, trẻ rất dễ leo trèo lên tủ đựng đồ để chơi. Điều này gây nguy hiểm khôn lường".
Bà Chung Bích Phượng, nguyên Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú (TP.HCM), cũng cho rằng hiệu trưởng cần có sự bao quát, giáo viên không được lơ là, không bỏ lớp để làm việc riêng vì có khi chỉ cần trong "tích tắc" là nguy hiểm đã xảy ra. Và theo bà Phượng, giáo viên mầm noncó sự khác biệt với giáo viên các bậc học khác, đó là việc quan sát một cách tỉ mỉ, không dạy kiến thức mà là dạy kỹ năng cho trẻ. Ngay khi lường trước những nguy hiểm cần có sự chủ động nhắc nhở cho học trò.
Đồng thời, theo bà Phượng, phụ huynh cũng cần có sự phối hợp với nhà trường, với giáo viên để trang bị kỹ năng cho con trẻ. Chẳng hạn như giúp các bé điều chỉnh sự khám phá, tò mò một cách phù hợp để làm sao khi thấy khám phá có tính rủi ro thì biết phân vân, có sự lựa chọn nên hay không nên làm?
Thêm vào đó, giáo viên mầm non "kêu gọi": "Chắc chắn, dù có cố gắng đến đâu thì việc giáo viên quan sát sẽ không bao quát và đầy đủ bằng có sự "để tâm" của phụ huynh. Khi đưa, đón trẻ, nếu phát hiện hoặc băn khoăn, lo ngại bất cứ điều gì liên quan đến an toàn cho trẻ thì phụ huynh hãy chia sẻ với cô giáo ngay. Như vậy trẻ sẽ càng được đảm bảo an toàn hơn"
Theo thanhnien.vn
Đối xử thiên vị khiến trẻ tổn thương Việc nuôi dạy đứa con đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ cả về thể chất và tinh thần, nhưng trong đó điều quan trọng không kém là cha mẹ phải cần có sự công bằng khi đối xử với các con. Bởi cách đối xử của người lớn ảnh hưởng không nhỏ tới việc hình thành nhân cách của trẻ. Những cách...