Cuốn hút trẻ với hoạt động thực hành, trải nghiệm
Xác định vai trò quan trọng của các hoạt động trải nghiệm trong việc nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN, Trường Mầm non Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo – Hải Phòng) luôn quan tâm tạo điều kiện cho trẻ được tham gia các hoạt động thực hành, trải nghiệm.
Nhằm nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non (GDMN), đổi mới các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã tạo điều kiện cho trẻ được tham gia các hoạt động thực hành, trải nghiệm phù hợp với đặc điểm và các điều kiện thực tế sẵn có của địa phương, trường lớp.
Tiết học “Làm quen với pháo đất” của các bé Trường Mầm non Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo). Ảnh: T.G
Những tiết trải nghiệm thú vị
Xác định vai trò quan trọng của các hoạt động trải nghiệm trong việc nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN, Trường Mầm non Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo – Hải Phòng) luôn quan tâm tạo điều kiện cho trẻ được tham gia các hoạt động thực hành, trải nghiệm.
Điển hình là giờ dạy “Làm quen với pháo đất” do cô Bùi Thị Hạnh lên lớp cùng các cháu lớp 5 tuổi và bài “Sắc màu kỳ diệu” do cô Bùi Thị Điệp giảng dạy. Hai tiết dạy được lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo cùng các đồng nghiệp của các trường đánh giá cao bởi tính thực tiễn, phù hợp với độ tuổi của trẻ cũng như điều kiện thực tế địa phương.
Xuất phát từ ý tưởng giáo dục cho học sinh nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông, cô Hạnh xây dựng tiết dạy thực nghiệm cho học sinh ngay trong khuôn viên sân trường. Giờ dạy “Làm quen với pháo đất” đã thu hút sự tham gia hào hứng của học sinh, vừa giới thiệu được nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Trong tiết học, các cháu được cô hướng dẫn quy trình làm pháo đất, từ khâu chọn, nhào đất, nặn pháo… Với nhiều trẻ, đây là lần đầu tiên được làm quen với đất thật, được cùng các bạn nặn pháo, cùng cho pháo nổ. Những tiếng cười rộ lên sau màn pháo nổ khiến sân trường rộn vang. Giờ học kết thúc, nhiều con còn tiếc nuối. Có bé níu tay cô đề nghị giờ sau học tiếp…
Còn qua tiết học “Sắc màu kỳ diệu” của cô giáo Bùi Thị Điệp, học trò được tự tay pha chế màu, tạo nên những bức tranh đa sắc theo trí tưởng tượng. Mỗi tổ được chia thành từng nhóm, các trò được chủ động tạo ra những sản phẩm theo sở thích nên khuôn viên sân trường trở nên vui nhộn hơn.
Theo cô giáo Phạm Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Liên: Từ những kiến thức thực tế, phù hợp với đặc điểm của trẻ và các điều kiện sẵn có của địa phương, trường, lớp tổ chức các tiết học, buổi trải nghiệm cho trẻ. Các góc chơi đều là góc mở để trẻ thỏa sức tìm tòi và khám phá. Nhà trường đã tận dụng mọi không gian để trẻ được trải nghiệm và có những giờ học thực tế thú vị.
“Những giờ học trải nghiệm thực sự rất cần cho trẻ. Thông qua những hoạt động này, trẻ hình thành nên những kỹ năng cần thiết, trẻ được học khi chơi, thật nhẹ nhàng không khiên cưỡng. “
Bà Phạm Thị Hoan, Phó phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo
Video đang HOT
Để có được những giờ học lý thú cho các bé, với điều kiện một trường ngoại thành còn khó khăn về cơ sở vật chất cũng như kinh phí tổ chức, Trường Mầm non Tân Liên đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức trong đội ngũ giáo viên; thực hiện các giải pháp sáng tạo như các biểu bảng, pano, áp phích; tổ chức hội nghị trao đổi, thảo luận; họp trực tiếp giữa giáo viên và phụ huynh; phát động phong trào sáng tạo, cải tiến đồ dùng học tập… để giảm tối thiểu kinh phí, tạo được sự đồng tình của phụ huynh cùng đứng ra tổ chức tiết học cho trẻ đạt hiệu quả cao.
Các bé hào hứng cùng nhau tạo ra bức tranh sắc màu. Ảnh: T.G
Rèn đạo đức, kỹ năng
Để giúp học sinh hiểu về truyền thống của quân đội nhằm tạo sân chơi, giúp trẻ phát triển thể chất, tinh thần, sức bền, sự dẻo dai, Trường Mầm non Sao Sáng 4 (quận Ngô Quyền – Hải Phòng) đã tổ chức cho hơn 300 học sinh của trường đi thăm Sư đoàn 363 (đóng quân tại quận Kiến An).
Theo cô Phạm Thị Thao, Hiệu trưởng nhà trường, Ban giám hiệu cùng các cô giáo vất vả lên lịch, liên hệ với đơn vị quân đội và thiết kế các hoạt động cho trẻ: Tìm hiểu về công việc của các chú bộ đội, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, múa hát, hoạt động mọi lúc mọi nơi…
“Qua các hoạt động trải nghiệm, trẻ lĩnh hội được kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như lao động, tự phục vụ, giao tiếp, hợp tác trong nhóm bạn bè…, trẻ vui tươi, sảng khoái, phấn khởi, hiểu biết và tự hào về quê hương, đất nước của mình”, cô Phạm Thị Thao chia sẻ.
Để chứng kiến sự trưởng thành của các con, ban giám hiệu mời phụ huynh tham gia một số hoạt động trải nghiệm cùng cô, trò.
“Sau khi cho các con đi thực tế ở đơn vị quân đội, lãnh đạo nhà trường liên tục nhận được tin nhắn cảm ơn từ phía phụ huynh, đồng thời bày tỏ mong muốn nhà trường có thêm thật nhiều các tiết trải nghiệm để các cháu được tham gia, trưởng thành”, cô Thao tâm sự.
Nguyễn Dịu
Theo giaoducthoidai
Hoạt động trải nghiệm sao cứ nhất thiết phải đưa học sinh đi tham quan du lịch?
Tổ chức du lịch khám phá, số lượng càng lớn hoa hồng cho hiệu trưởng càng cao. Có công ty sẵn sàng bỏ từ 5-10% tổng số tiền đã thu trích lại cho hiệu trưởng.
Dù chưa đưa vào chương trình như một môn học chính thức nhưng từ nhiều năm nay, ở các trường học đã xuất hiện cụm từ "Hoạt động trải nghiệm" khá quen thuộc với học sinh và giáo viên.
Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh theo hình thức du lịch (Ảnh minh họa ninhbinh@moet.edu.vn)
Nội dung hoạt động trải nghiệm thì có nhiều, thế nhưng nhiều trường học hiện nay vẫn thích chọn hoạt động tổ chức cho học sinh đi du lịch xa.
Nói là trường học chứ thực chất chỉ là ý muốn của hiệu trưởng còn đa phần giáo viên đều không thích tổ chức hoạt động này.
Vì sao hiệu trưởng và giáo viên luôn bất đồng việc tổ chức cho học sinh đi du lịch khám phá?
Tổ chức tua du lịch khám phá với số lượng càng lớn thì hoa hồng của hiệu trưởng càng cao. Có công ty sẵn sàng bỏ ra từ 5-10% tổng số tiền thu về để trích lại cho hiệu trưởng.
Bởi thế, chỉ cần tổ chức cho học sinh đi du lịch trải nghiệm là nhiều hiệu trưởng có được hàng chục triệu đồng trong túi.
Ngược lại, giáo viên vô cùng khổ sở, vất vả. Từ việc vận động học sinh tham gia, thu tiền đúng tiến độ đến việc phải theo sát các em từng bước đã thấy hụt hơi.
Với học sinh lớp lớn còn đỡ hơn chút, học sinh nhỏ, số lượng học trò đông, hiếu động một giáo viên phải phụ trách vài chục em quả không hề đơn giản.
Không thể rời mắt khỏi trò, liên tục nhắc nhở, điểm danh, chạy theo các em suốt ngày nhiều thầy cô nói mình thật sự đuối sức.
Từ lúc đi đến nơi đến lúc về trao học sinh tận tay phụ huynh mới an tâm thở phào nhẹ nhõm.
Sao cứ nhất thiết đi du lịch mới là hoạt động trải nghiệm?
Du lịch gia đình chỉ hai vợ chồng với đứa con đôi khi còn xảy ra sơ xuất. Một vài giáo viên với vài chục học sinh thì hiểm nguy luôn rình rập.
Bởi thế, không ít phụ huynh vì sự an toàn của con đã không còn mặn mà cho con đi du lịch cùng nhà trường.
Nhưng nếu nhà trường đã tổ chức, lớp học nào có nhiều em không tham gia xem như giáo viên ấy làm công tác chủ nhiệm không tốt.
Và việc đánh giá xếp loại giáo viên cuối năm cũng bị ảnh hưởng. Nhiều thầy cô cũng bày tỏ quan điểm của mình không nhất thiết phải tổ chức đi du lịch mới dạy cho các em được nhiều kỹ năng sống, mới là thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm đề ra.
Cần linh hoạt thay đổi nhiều hoạt động bổ ích khác
Có khá nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích cho học sinh như: Hội thi "Tuyên truyền An toàn giao thông"; "Chúng em kể chuyện Bác Hồ";
"Đấu trường 50; 70 hoặc 100"; "Nấc thang vinh quang"; "Rung chuông vàng"; "Sinh hoạt Sao nhi đồng"; ngày hội "Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn"...
Hay tổ chức các diễn đàn, các hoạt động ngoại khóa, thi văn nghệ, các hoạt động trải nghiệm như "Trường em ngày Tết"; "Chợ quê"; "Hoạt động hội trại" với nhiều món ăn ẩm thực như làm bánh, nấu ăn...
Ngoài ra, nhà trường cần tổ chức những hoạt động trải nghiệm cố định xuyên suốt các năm học như chăm sóc vườn rau ngay từ việc làm đất, bón phân, vun trồng, tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ...
Giao mỗi lớp một khu vực riêng, có đánh giá, tổng kết theo từng đợt thi đua của nhà trường.
Với học sinh bậc trung học, hoạt động trải nghiệm còn liên quan đến việc: Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh.
Khuyến khích học sinh nói lên ước mơ của mình và sự quyết tâm để đạt được những ước mơ ấy nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em sau này.
Đăng Bình
Theo giaoduc.net
Tiền Giang: Hơn 500 cán bộ, giáo viên tiếp cận bộ SGK lớp 1 "Cánh Diều" Sáng 9/1, Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang phối hợp với nhà xuất bản Đại học Sư phạm tổ chức Hội thảo giới thiệu Bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 Cánh Diều. Cán bộ, giáo viên nghiên cứu bộ SGK Cánh Diều. Có hơn 500 đại biểu là Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông gồm: Phó Chủ tịch...