Cuối năm, lãi suất có nhảy múa?
Ghi nhận thị trường cho thấy, việc giảm lãi suất trong mùa cao điểm kinh doanh cuối năm nay sẽ khó, nhất là lãi suất huy động vẫn đang nhảy múa liên tục.
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tiếp diễn cuộc đua huy động vốn
Thị trường tài chính những ngày qua cho thấy, dù thanh khoản trên thị trường 2 (liên ngân hàng) rất dồi dào nhờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành 0,25%/năm vào trung tuần tháng 9-2019, nhưng tiền dư thừa trên thị trường 2 chỉ đáp ứng các nhu cầu tạm thời, không dùng để cấp tín dụng, nên tính liên thông với thị trường 1 (thị trường giữa ngân hàng thương mại với dân cư và tổ chức kinh tế) không cao. Do đó, giới chuyên gia cho rằng, động thái giảm lãi suất điều hành trên chỉ mang ý nghĩa tâm lý chứ không mang ý nghĩa là nới lỏng tiền tệ.
Theo thống kê từ các công ty chứng khoán, từ ngày 14 đến 18-10-2019, NHNN đã bơm ròng 2.505 tỷ đồng trên thị trường mở, cho thấy thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất tiếp tục giảm sâu xuống dưới mốc 2% với cả kỳ hạn qua đêm và một tuần.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm nhằm chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, cũng như giải quyết áp lực tái cơ cấu nguồn vốn theo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng thương mại đã lên đến gần 9%/năm. Nhiều ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên 10% như Ngân hàng Bản Việt (10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng, lãnh lãi cuối kỳ; kỳ hạn 24 – 48 tháng, lãi suất 9,5% – 10%/năm); SCB cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 469 ngày, lãi cuối kỳ, lãi suất lên đến 8,9%/năm…
Khó giảm lãi suất
Video đang HOT
Theo phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán SSI, việc giảm lãi suất điều hành có thể giảm bớt áp lực thanh khoản trong giai đoạn cao điểm cuối năm, giúp lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định, nhưng khả năng giảm lãi suất trong quý 4-2019 là khá thấp vì dư địa cho tăng trưởng tín dụng trong quý 4-2019 còn lớn, nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại sẽ vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, nếu duy trì được đà tăng trưởng huy động tốt như quý 3-2019 (có mức tăng trưởng huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng), lãi suất huy động có khả năng sẽ giảm vào đầu năm 2020. Ông Phạm Hồng Hải, Hội đồng thành viên Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết với nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam dồi dào (ở mức khoảng 70 tỷ USD) và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất sẽ tác động tích cực lên tỷ giá.
Tuy nhiên, áp lực lên mặt bằng lãi suất VND sẽ vẫn còn vì các ngân hàng thương mại nhỏ hiện đang khát vốn nên đã tăng lãi suất huy động lên cao. Điều này sẽ tác động lên mặt bằng lãi suất chung của thị trường và các ngân hàng thương mại lớn cũng khó có thể giữ nguyên mặt bằng lãi suất.
Khách gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Ảnh: THÀNH TRÍ
Đánh giá về xu hướng lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2019, chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Trung Minh cho rằng, xu hướng lãi suất đầu vào đang nhích lên, nhất là đối với kỳ hạn dài. Song, lãi suất đầu ra khó có thể tăng mạnh, bởi nếu lãi suất tăng, các ngân hàng khó có thể thu hút được khách hàng vay vốn, kể cả với tín dụng tiêu dùng và cho vay mua nhà.
“Quyết định liên quan đến các mức lãi suất hiện nay là một trong những bài toán khó nhất trong việc điều hành chính sách tiền tệ để hài hòa lợi ích của người đi vay và người cho vay, hài hòa cả chỉ số lạm phát, hỗ trợ lãi suất cho người đi vay nhưng cũng phải đảm bảo lợi nhuận của các ngân hàng thương mại để giữ hiệu quả trong hoạt động. Từ giờ đến cuối năm, lãi suất sẽ không tăng, còn có giảm nữa hay không sẽ phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.
“Từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó giảm, nhưng cũng không thể tăng cao”, ông Minh nhận định. Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại liên tục phát hành trái phiếu, chủ yếu để huy động vốn cấp 2 nhằm tăng hệ số an toàn vốn (CAR) và đáp ứng Basel II, nên mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm sẽ ổn định.
Bởi, NHNN đã giảm lãi suất điều hành hỗ trợ cho thanh khoản cũng như đưa ra văn bản “tuýt còi” các ngân hàng chạy đua lãi suất huy động. Hơn nữa, 9 tháng đầu năm, tín dụng chung của toàn ngành mới tăng trưởng trên 9%, nên từ nay đến cuối năm, để đẩy mạnh tín dụng nhằm đạt chỉ tiêu về doanh số và lợi nhuận, các ngân hàng không thể tăng lãi suất cho vay vì sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu của doanh nghiệp.
NHUNG NGUYỄN
Theo sggp.org.vn
Lãi suất cuối năm: Khó giảm từ đỉnh cao
Mặt bằng lãi suất hiện nay của Việt Nam vẫn ở mức cao dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nhiều động thái để kéo giảm lãi suất. Vì thế, tại thời điểm cuối năm khi mà nhu cầu về vốn sẽ tăng cao, "bài toán" về lãi suất vẫn đang là thách thức đối với nhà điều hành chính sách tiền tệ.
Lãi suất sẽ ổn định nhưng khó giảm trong thời gian cuối năm. Ảnh: ST.
Lãi suất vẫn cao
Thông tin về hoạt động ngân hàng trong tuần đầu tháng 10 của NHNN cho biết, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,2-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm. Với lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-6%/năm.
Nhưng tại các ngân hàng thương mại, "cuộc đua" lãi suất huy động suốt từ quý II/2019 vẫn chưa dừng lại, nhiều ngân hàng không chỉ tăng lãi suất kỳ hạn dài mà các kỳ hạn trên 6 tháng cũng được nâng lên. Ghi nhận từ thị trường, mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện đã lên tới 9%/năm cho loại tiền gửi trên 100 tỷ đồng và kỳ hạn dài trên 18 tháng. Mức lãi suất huy động "cao chót vót" này đã kéo theo lo ngại về sự gia tăng tương ứng của lãi suất cho vay, điều này sẽ gây khó cho doanh nghiệp khi mùa kinh doanh cuối năm đã tới, nhu cầu vay vốn là rất lớn.
Tại cuộc họp báo quý III vào đầu tháng 10, đại diện lãnh đạo NHNN đã thừa nhận, lãi suất hiện được xem là bài toán khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô, phải tính toán để làm sao hài hòa giữa các thành phần kinh tế, giữa người vay - người gửi tiền, hài hòa với chỉ số lạm phát, đảm bảo chi phí nghiệp vụ của các ngân hàng thương mại để có lợi nhuận đảm bảo tài chính...
Vì thế, vào giữa tháng 9, NHNN đã thông báo giảm 0,25% lãi suất điều hành như lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất OMO và tín phiếu... được xem là hành động nhằm tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại tham chiếu vào lãi suất điều hành để giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với hành động này, các chuyên gia và nhiều tổ chức nhận định, đây chỉ là động thái mang tính định hướng, chưa phải động thái dẫn dắt thị trường. Các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI nêu rõ, việc giảm lãi suất không mang ý nghĩa là nới lỏng tiền tệ vì NHNN điều hành chính sách tiền tệ trực tiếp thông qua các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2)..., không phải qua trung gian là lãi suất điều hành như các nước khác. Chính vì thế, mức lãi suất hiện nay vẫ còn cao như đã nói ở trên.
Liệu có giảm?
Nói về nguyên nhân của việc tăng lãi suất, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực biết, lãi suất huy động tăng nhưng trong cục bộ ở các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ. Nguyên nhân là để các ngân hàng này chuẩn bị dòng vốn cuối năm, đáp ứng lộ trình Basel II và yêu cầu giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của NHNN. Ngoài ra, có một nguyên nhân rộng hơn đó là năm nay các ngân hàng liên tục phát hành trái phiếu, chủ yếu để huy động vốn cấp 2 để tăng hệ số an toàn CAR và đáp ứng Basel II.
Chính vì những nguyên nhân này mà theo TS.Lực, mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm sẽ ổn định. Bởi NHNN đã giảm lãi suất điều hành hỗ trợ cho thanh khoản cũng như đưa ra văn bản "tuýt còi" các ngân hàng chạy đua lãi suất huy động. Vì thế, hệ thống tổ chức tín dụng đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo chung của cơ quan quản lý về ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, tín dụng chung của toàn ngành mới tăng trưởng trên 9%, nên để đẩy mạnh tín dụng hơn từ nay đến cuối năm nhằm đạt chỉ tiêu về doanh số và lợi nhuận, các ngân hàng không thể tăng lãi suất vì sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, các chuyên gia SSI cho rằng, thanh khoản liên ngân hàng rất dồi dào nhưng vốn huy động từ kênh này chỉ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng nên các ngân hàng thương mại phải giữ nguyên hoặc tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất điều hành có thể giảm bớt áp lực thanh khoản trong giai đoạn cao điểm cuối năm, giúp lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định nhưng khả năng giảm trong quý IV là khá thấp.
Ngoài ra, một tác động nữa giúp mặt bằng lãi suất có thể giữ được ổn định trong cuối năm là thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng tích cực giúp các ngân hàng chủ động huy động được vốn. Theo số liệu thống kê, tổng cả khối ngân hàng và doanh nghiệp phát hành khoảng 157 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân hàng chiếm 50%. Nhưng chính vì phát triển nên kênh huy động này cũng đang chịu sự cạnh tranh khá lớn và có những "biến tướng" ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế và mặt bằng lãi suất ngân hàng. Do vậy, NHNN cũng phải có văn bản yêu cầu các ngân hàng thuơng mại rà soát các quy định, đặc biệt các quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, mục tiêu của NHNN vẫn là sẽ ổn định lãi suất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Nhưng với các mục tiêu phát triển của ngành ngân hàng như đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn... thì các chuyên gia vẫn không đặt nhiều lạc quan vào khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới. Vì thế, sự ổn định của lãi suất vẫn đang ưu tiên hơn cả, để lãi suất tuy khó giảm nhưng cũng không thể tăng, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của nền kinh tế.
Hương Dịu
Theo Haiquanonline.com.vn
Lãi suất tăng cao, gửi tiết kiệm đang là kênh đầu tư hấp dẫn Cuối năm, nhiều ngân hàng đẩy lãi suất huy động tăng cao khiến gửi tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Sau đợt tăng lãi suất huy động trong quý 3/2019, một số ngân hàng tiếp tục đẩy lãi suất ngay trong những ngày đầu quý 4/2019 nhằm chuẩn bị vốn đáp ứng nhu cầu mùa kinh doanh cao điểm của...