Cười, khóc với những bài văn tiểu học
“Ông nội em rất phúc hậu. Vầng trán ông cao và nhiều nếp nhăn. Buổi tối, ông thường dạy em học bài. Em thích ông nội vì ông không quát mỗi khi em làm bài sai”.
Bài văn được cô giáo gạch chân ở câu kết với lời phê: “Chưa thể hiện được tình yêu thương với ông nội”.
Nhiều ý kiến cho rằng, cách dạy văn cho học sinh – nhất là học sinh tiểu học, THCS – mang tính rập khuôn, máy móc và mang tính áp đặt. Giáo viên không dạy theo hướng mở, để trẻ tự tìm hiểu, sáng tạo mà đang đưa trẻ vào kiểu học bài mẫu, học thuộc. Chính những khuôn mẫu này là một trong những nguyên nhân đẩy trẻ vào sự “què cụt” trong câu chữ.
Ảnh minh hoạ
Đúng “phom” điểm cao
Anh Tuấn Phong (đường Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) phàn nàn: Thấy con trai học lớp 2 viết câu văn tả con vật yêu thích hay mà phấn khởi. Nào ngờ, hoá ra là con đã được cô giáo “mớm” lời để viết bài. Bài viết tả con vật yêu thích của con anh Tuấn Phong như sau: “Con lợn nhà em kêu ụt ịt. Khi được ăn no, nó lim dim và thở phì phò”.
Theo anh Tuấn Phong, câu văn thế này mà trẻ lớp 2 viết được thì phải mừng vì hiện trẻ ở thành phố không được tiếp xúc với con trâu, bò, lợn, gà… như trẻ nông thôn. Ngày đưa con về quê, anh Tuấn Phong “ngã ngửa người” khi thấy con chỉ vào con bò reo lên thích thú: “Ôi mẹ ơi, con lợn màu vàng kìa”. Khi anh hỏi con, hôm trước tả con lợn hay thế, sao giờ lại bảo đây là con lợn màu vàng, cháu thật thà: “Thì cô con dạy, con lợn có bốn chân, khi tả con lợn là phải kêu ụt ịt chứ con đâu biết nó như thế nào nữa ạ”.
Cháu Việt Anh (huyện Từ Liêm, Hà Nội) mang vở chạy qua nhà tôi, mếu máo: “Cháu làm bài văn tả ông nội nhưng chỉ được có điểm 6. Bài văn viết: “Ông nội em rất phúc hậu. Vầng trán ông cao vào nhiều nếp nhăn. Buổi tối, ông thường dạy em học bài. Em thích ông nội vì ông không quát mỗi khi em làm bài sai”. Bài văn được cô giáo gạch chân ở câu kết với lời phê: “Chưa thể hiện được tình yêu thương với ông nội”.
Video đang HOT
Việt Anh cho biết, ở lớp cô giáo dạy: Tả ông nội tóc bạc phơ, da nhăn nheo; Còn tả cô giáo thì dáng người phải thon thả, tóc dài, nói năng nhỏ nhẹ. “Nhưng ông cháu tóc cắt ngắn và không bạc. Còn cô giáo thì hay quát các bạn nên cháu không dám tả”. Việt Anh phụng phịu kể. Hoá ra, những học sinh nào làm bài đúng theo “phom” mà cô giáo đưa ra sẽ được điểm cao. Còn tả đúng thực tế như Việt Anh thì điểm sẽ thấp.
Dạy học sinh nói dối?
Cô giáo Hải Yến (Trường Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cách học môn tiếng Việt và Tập làm văn của học sinh tiểu học hiện nay yêu cầu vận động nhiều hơn, ngôn ngữ phong phú hơn.
Nhưng đáng buồn là nhiều trẻ không có khái niệm ngôn ngữ do đọc truyện tranh nên tư duy cằn cỗi.
Cũng theo cô Hải Yến, có những đề bài, giáo viên yêu cầu học sinh phải quan sát để đặt câu nhưng có học sinh đặt những câu cụt lủn, diễn đạt lòng vòng rất buồn cười. Chẳng hạn, đề bài “tả mùa hè”, các học sinh chỉ dừng lại cách tả như: “Mùa hè có nắng, có gió”, ngoài ra không mô tả được gì phong phú hơn.
Việc giảm tải chương trình có cái hay nhưng theo cô Yến, giảm tải vừa thừa, vừa thiếu khiến việc dạy Tập làm văn cho học sinh tiểu học có cái khó. Chẳng hạn, trước đây có 3 tiết tập đọc/ tuần, hiện nay chỉ còn 2 tiết/ tuần, cùng một tiết tập đọc kể chuyện, hoặc có những bài cung cấp vốn từ cho học sinh lại bị bỏ đi. Đặc biệt, việc thiếu vốn từ một phần do trẻ hiện nay quá mê đắm vào truỵện tranh nên ngôn ngữ nhiều từ hi hi, ha ha… rất hời hợt.
Cô giáo Nguyệt Thị Kỳ, người có hơn 30 năm dạy lớp chuyên văn ở trường THPT Hậu Lộc 1 (TP Thanh Hoá) nhận xét, điểm yếu của việc dạy Văn ngày xưa là thiếu tài liệu, đặc biệt văn học nước ngoài.
Hiện nay, tài liệu nhiều hơn lại dẫn đến tình trạng học sinh và giáo viên quá phụ thuộc vào văn mẫu. Các bài văn đọc lên đều na ná giống nhau, không có tính phát hiện. Đặc biệt, ở tiểu học, kiến thức bậc học này tuy dễ mà khó. Dễ vì học sinh còn học đơn giản, nhưng khó là vì nếu dạy sai, sẽ ảnh hưởng đến tư duy của trẻ về sau.
Theo chị Thu Vân (Bắc Linh Đàm, Hà Nội), nếu sự vật không đúng như vậy nhưng giáo viên cứ vạch sẵn “phom” để học sinh viết theo, nghĩa là đang dạy cho trẻ nói dối. Dạy chữ nhưng phải dạy trẻ nhân cách làm người. Vì vậy, hãy dạy sao để tôn trọng suy nghĩ thật của trẻ.
Theo Gia Đình & Xã Hội
Bí quyết "nhập vai"
Sau khi bài văn "nhập vai" Cám (chỉ được 3,25 điểm) của một bạn học sinh ở Hà Nội được đưa lên mạng, nhiều teen băn khoăn: "nhập vai" thế nào để đạt điểm cao khi làm văn?
Mực Tím đã nhờ cô Lê Kim Mai (Tổ trưởng chuyên môn bộ môn Ngữ Văn, THPT Võ Thị Sáu, Q. Bình Thạnh) giải đáp thắc mắc ấy.
"Ác" thôi chưa đủ
Cô Lê Kim Mai
Sau khi bài văn được đưa lên mạng, cô thấy nhiều bạn đã bình luận: "Cám thì phải ác chứ, bài phải được phải cao điểm hơn thế!". Tuy nhiên, theo cô nhận thấy, bài văn tuy đã làm tốt việc hóa thân và thống nhất cách xưng hô khi hóa thân nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót:
- Bài văn không có phần mở bài để giới thiệu được thể loại (truyện cổ tích), phạm vi (truyện Tấm Cám) và vào vai nào (Cám) khi kể.
- Đề bài KHÔNG yêu cầu kể bằng ngôn ngữ hiện đại. Việc người viết thêm vào những từ ngữ hiện đại có thể tạo cảm giác vui tươi sinh động nhưng chỉ phù hợp với dạng đề sáng tạo - tưởng tượng, chứ không phải ở dạng kể lại này.
- Phần thân bài, lẽ ra bạn ấy phải kể lại toàn bộ diễn biến theo đúng vai và không được thêm thắt chi tiết.
- Phần kết luận, người làm bài chưa rút ra được bài học kinh nghiệm và thông điệp hành động. Ví dụ: Nếu nhập vai Tấm, bạn có thể củng cố niềm tin: "Sau những biến cố đó, tôi càng tin hơn vào cái thiện và cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác. Mai này, dù hoàn cảnh có khắc nghiệt hơn nữa, tôi vẫn quyết giữ vững bản chất của mình". Hoặc, nếu là Cám, bài học có thể là: "Ai cũng có nhu cầu được hạnh phúc, đó là ước nguyện chính đáng. Nhưng mưu cầu hạnh phúc bằng cách hãm hại và chiếm đoạt của người khác là một phương pháp sai lầm mà lẽ ra tôi không nên chọn".
Các bạn thấy đó, văn tự sự, dạng nhập vai luôn tạo hứng thú, vì chỉ cần "kể lại" cái đã có. Nhưng bạn phải tỉnh táo trước khi nhập vai...
Tự phỏng vấn mình trước khi "nhập vai"
Nếu lần sau lại được "nhập vai", bạn nhớ tự phỏng vấn mình trước nhé:
- Kiểu bài và phương pháp? Tự sự, nhưng nếu là nhập vai để kể lại, bạn phải kể đúng vai và tình tiết nếu đề cho phép tưởng tượng - sáng tạo (dạng một kết cục khác: cuộc hội ngộ của Tấm và Cám ở địa ngục, hội ngộ của Mỵ Châu Trọng Thủy nơi Long Cung...) bạn có thể tha hồ "chế biến".
- Phạm vi dẫn chứng? Nếu không được yêu cầu kể bằng ngôn ngữ hay bối cảnh hiện đại thì bạn phải kể đúng truyện được yêu cầu, đúng tình tiết và bối cảnh lịch sử.
- Ai cũng muốn sống tốt hơn? Bạn muốn người khác đọc văn của bạn, sau đó yêu đời hơn, sống tốt hơn, hay đọc văn xong, chẳng thay đổi được gì thậm chí mất niềm tin? Hãy luôn đánh giá lại vấn đề, nhận thức được gì từ việc đó và gửi đến người đọc một thông điệp sống thật ý nghĩa bạn nha!
Hi vọng sau khi đọc bài viết này, các bạn sẽ trở thành những người "nhập vai" tuyệt vời trong các bài tập làm văn tiếp theo!
Theo mực tím
Đề mở vô tư, chấm văn vô cảm Thời gian gần đây, dư luận lên tiếng trước những bài văn sai kiến thức vẫn được điểm cao hay đề văn quá mở đến mức quá đà. Điều này một lần nữa đặt lại vấn đề cách dạy, học và chấm bài môn văn hiện nay. Giáo viên chấm thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 (Ảnh...