Cuộc vượt biên giá 8.000 tệ
“Em mệt quá, không đi được nữa đâu. Cho em về”, giọng người phụ nữ miền Nam vang lên, đứt quãng trong đêm đen. Nhưng không ai đáp lời.
Gần chục người, đàn ông lẫn đàn bà đầu cúi thật thấp theo ánh đèn pin rọi sát mặt đất, tránh đá tai mèo, cây gai. Hai người đàn ông bản địa dẫn đường, đưa nhóm người vượt biên sang Trung Quốc, một đi phía trước, một canh chừng phía sau. Lan bế bụng bầu hơn bảy tháng, toàn thân toát mồ hôi lạnh trong đêm đông cuối tháng Mười Hai. Cô thở phì phò, rướn người bước theo nhưng vẫn bị tụt lại phía sau.
“Lúc đó, em chỉ ước gặp bộ đội biên phòng nhà mình để bị bắt về, kết thúc chuỗi ngày khổ cực”, Lan, 22 tuổi, ngồi trong khu cách ly tập trung nhớ về cái đêm vượt biên sang Trung Quốc cuối tháng 12/2020.
Lan, 22 tuổi, khóc khi kể về hành trình vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Ảnh: Giang Huy
Sản phụ nằm trong số 20 người Việt nhập cảnh trái phép bị lực lượng chức năng Trung Quốc trả về hồi tháng Một, tại mốc giới thuộc thôn Mỏ Phàng ( xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc), sau khi lập biên bản và cách ly 14 ngày phòng dịch. Năm 2020, Bộ đội biên phòng Hà Giang tiếp nhận gần 1.400 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép bị Trung Quốc trao trả về.
“Hay là sang bên này nấu cơm cho anh”, Lan nhận được tin nhắn của bạn trai đang làm việc bên Trung Quốc hồi cuối năm 2020. Lúc này cô không còn hy vọng tìm được việc làm và số tiền dành dụm cho đứa con sắp chào đời sắp cạn kiệt. Cô công nhân mất việc sau đợt thải loại lao động khi đã hết đơn hàng của công ty giày da ở Bình Dương. Lan đi khắp khu công nghiệp Tân Uyên tìm việc làm mới, nhưng nhìn chiếc bụng lùm lùm của cô, nhân sự đều lắc đầu.
Bạn trai Lan 28 tuổi, vượt biên sang Trung Quốc từ cuối 2019 và kẹt lại khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng lên hồi đầu năm 2020. Người đàn ông làm chui trong xưởng giày giáp biên, mỗi năm về nước một lần, bằng cách đi tắt qua đường mòn để trốn tránh sự truy quét của lực lượng biên phòng hai bên.
Họ cùng quê miền Tây, gặp nhau trong nhà máy ở Bình Dương vào bốn năm trước, lúc Lan 18 tuổi. Cả hai không định làm đám cưới, chỉ đăng ký kết hôn và chờ ngày sinh con. Nhưng mọi dự định của đôi trẻ bị đảo lộn khi đại dịch ập đến và Lan mất việc làm.
Bằng nhiều cách móc nối, thiếu phụ tìm được nhà xe chuyên đưa người sang Trung Quốc. “Họ quảng cáo trên zalo, rằng đường an toàn, ok lắm và kèm số điện thoại”, Lan mô tả, nói rằng tìm thấy số nhà xe bằng chức năng “tìm bạn bè quanh đây”.
Một nhóm lao động bị Trung Quốc trao trả về qua mốc giới 450, thuộc xã Thượng Phùng ( Mèo Vạc, Hà Giang) tháng 1/2021. Ảnh: Giang Huy
“8.000 tệ (hơn 28 triệu đồng)”, đầu mối báo giá. Đó là số tiền trọn gói để đưa người trót lọt qua biên, vào sâu nội địa Trung Quốc. Dọc đường có người hướng dẫn và các giao dịch đều qua điện thoại. Nghĩ đến cảnh được đoàn tụ với “chồng”, Lan chấp nhận chuyển tiền, dù cái giá của cuộc vượt biên khiến cô vét nhẵn tài khoản tiết kiệm sau mấy năm đi làm công nhân.
Hai ngày sau, bà bầu gói ghém quần áo, dắt túi thêm hai triệu, hai chai nước kèm túi bánh quy, một mình bắt xe khách từ Bình Dương ngược ra phía Bắc, nơi mà cô chỉ biết đến qua sách vở hồi học phổ thông. “Đầu mối” là một người đàn ông bản địa, gom Lan cùng vài người tỉnh khác ngay sau khi xuống bến xe. Họ nghỉ lại nhà trọ bình dân ở thị trấn Đồng Văn một đêm và sáng hôm sau trung chuyển tiếp một chặng xe ôm đã đợi sẵn đến khu vực biên giới.
Lan mù tịt đường, cô chỉ biết “toàn núi là núi”. Cả nhóm trốn ở nơi có cây đủ che khuất, đợi “xe ôm” gom thêm những người khác. Cuộc vượt biên bắt đầu lúc nhập nhoạng tối, lúc mà lực lượng biên phòng thay ca kiểm soát. Khi Nga trông thấy ánh đèn từ làng xóm bên kia biên giới là 2h sáng hôm sau. Đoàn người lên tiếp một chiếc xe chờ sẵn, nhưng đi được một đoạn, đã bị công an biên cảnh Trung Quốc bắt giữ.
Trung tá Đặng Hải Như, Đồn phó Đồn biên phòng Xín Cái. Ảnh: Giang Huy
Năm 2020, Bộ đội biên phòng Hà Giang triệt phá 3 vụ tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, xử lý 13 người; buộc quay lại 18 vụ công dân có ý định vượt biên sang Trung Quốc.
Trung tá Đặng Hải Như, Đồn phó Đồn biên phòng Xín Cái, đơn vị thường xuyên tiếp nhận người bị trao trả về cho biết qua khai thác thông tin, cơ quan chức năng phát hiện những đường dây đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới. Người cầm đầu chủ yếu bên Trung Quốc móc nối với người bản địa, đưa người đi đa số là lao động các tỉnh miền Trung, miền Nam không thuộc địa hình. Các mắt xích móc nối với nhau qua wechat, zalo, nền tảng mạng xã hội.
Trong hồ sơ của lực lượng chức năng về các vụ đưa người vượt biên trái phép, dễ tìm ra nhiều điểm chung. Cư dân bản địa giữ vai trò gom người, dẫn đường qua biên giới. Thù lao mà các trai bản nhận được dao động từ vài trăm đến 1.000 tệ mỗi người nếu trót lọt qua biên.
Vừ Mí Lừ, 26 tuổi, một thanh niên người Mông trú tại Mèo Vạc là người dẫn đường điển hình trong các đường dây như thế. Theo hồ sơ, tháng 7/2020, Lừ cùng bốn người trú ở Mèo Vạc thông qua mạng xã hội đã tìm được 14 người quê các tỉnh miền Trung, miền Nam có nhu cầu vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Nhóm người dùng xe tải đưa 14 công dân đến biên giới Xín Cái tìm thời cơ vượt biên, nhưng bị lực lượng biên phòng bắt giữ. Bốn tháng sau, cả nhóm bị xét xử lưu động trên Sân vận động huyện Mèo Vạc. Lừ nhận bản án 5 năm tù về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Chiều cuối năm, trong khu cách ly tập trung do Đồn biên phòng Xín Cái quản lý. Ảnh: Giang Huy
Việc người địa phương tham gia dẫn đường gây khó cho lực lượng biên phòng. Họ thạo địa hình, lại có thể theo dõi hoạt động của các chốt kiểm soát, trung tá Như đánh giá. Ông nhận định sau Tết, nhu cầu lao động phổ thông bên Trung Quốc vẫn lớn, trong khi lao động trong nước dư thừa hoặc mất việc, đường xuất cảnh chính ngạch còn hạn chế thì hoạt động xuất cảnh trái phép “vẫn tiếp diễn và phức tạp hơn”. Bộ đội biên phòng không còn cách nào khác, ngoài tăng tuần tra, tăng kiểm soát và lắp đặt camera để quản lý chặt biên giới.
“Vì miếng cơm manh áo, song đó là việc phạm pháp. Bà con đi không có giấy tờ thì việc bảo hộ công dân rất khó, chưa kể tiềm ẩn nhiều rủi ro khi bên Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt việc nhập cảnh”, trung tá Như khuyến cáo.
“Bao năm tích lũy từ nhà máy mất hết trơn”, Lan cười khổ, nhưng nói nhẹ lòng dù bị bắt và trả về Việt Nam, không phải sống trong sợ hãi vì trốn tránh. Cô tiếp tục cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm phòng Covid-19. Trung tâm cách ly cải tạo từ chợ trung tâm xã Thượng Phùng. Suốt một năm qua, ba khu cách ly của Đồn biên phòng Xín Cái luôn trong tình trạng đầy người, có thời điểm quá tải khi đơn vị ngăn chặn lẫn thu dung hơn 7.500 công dân xuất nhập cảnh trái phép.
Bữa cơm đầu tiên sau hành trình vượt biên của bà bầu có thịt luộc, đậu rán. Cán bộ thấy cô bầu bì, thương cho phần thức ăn nhiều hơn người khác. Mượn điện thoại trong khu cách ly, Lan gọi cho ba má báo tin, ngóng ngày về ăn Tết. Nhớ đến những cay đắng trên hành trình khổ ải sang nơi đất khách quê người, Lan bật khóc, lắc đầu khi nghe hỏi “Chị tính sang Trung Quốc nữa không?”.
Tiếp nhận 20 công dân xuất cảnh trái phép
Lao động làm thuê trái phép tại Trung Quốc được trao trả về qua mốc giới thuộc xã Thượng Phùng (Mèo Vạc), chiều 11/1.
Đồn biên phòng Xín Cái tiếp nhận các công dân từ Công an biên cảnh Điền Bồng (Trung Quốc). 19 người ở Hà Giang, một người quê Kiên Giang. Trong đó có ba phụ nữ mang thai từ ba đến tám tháng.
Cán bộ Đồn biên phòng Xín Cái tiếp nhận các công nhân được trao trả. Ảnh: Giang Huy
Ôm bụng bầu tám tháng, Hồng Nga (quê Kiên Giang) rét run dưới cái lạnh 1 độ C. Nga vượt biên theo đường mòn, sang Vân Nam với chồng từ cuối tháng 12. Cô bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ, phạt hành chính rồi trao trả về.
Thiếu tá Mua Mí Cáy, Chính trị viên Đồn biên phòng Xín Cái, dặn dò nhóm người tuân thủ quy định "Luôn phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc và không được bỏ trốn, hoàn thành cách ly 14 ngày để sớm trở về quê ăn Tết".
Cán bộ biên phòng thông tin quy định cách ly 14 ngày với các công dân xuất cảnh trái phép. Video: Huy Phương
Quản lý 24 km đường biên giới thuộc hai xã Thượng Phùng và Xín Cái của huyện Mèo Vạc, Đồn biên phòng Xín Cái duy trì sáu chốt, ba trung tâm cách ly y tế phòng chống Covid-19. Đây là khu vực phát hiện nhiều công dân xuất nhập cảnh trái phép trên toàn tuyến biên giới Hà Giang, hơn 7.400 người từ tháng 2/2020 đến nay.
Trong năm 2020, bộ đội biên phòng đã ngăn chặn, xử lý 31.460 người nhập cảnh trái phép, cùng các đơn vị liên quan triển khai 15 chuyên án, khởi tố, bàn giao cho cơ quan chức năng 83 vụ với 153 cá nhân đã tổ chức, đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép; xử phạt hành chính 2.780 người.
Hà Giang: Rào chắn đường lên "mỏm đá tử thần" Sau sự việc một du khách gặp tai nạn mới đây, chính quyền địa phương đã tiến hành rào chắn lối lên "mỏm đá tử thần". Chính quyền địa phương tiến hành rào chắn lối lên "mỏm đá tử thần" sau sự cố khách du lịch gặp nạn. Chiều ngày 13/1, ông Lý Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Pải Lủng (huyện Mèo...