Cuộc tập trận suýt làm tan nát thế giới
35 năm trước, một cuộc tập trận suýt châm ngòi Thế chiến III. BBC Future mới đây trích dẫn một số thông tin tuyệt mật giải mã điều đã xảy ra.
Vào ngày 7-11-1983, khoảng 100 sĩ quan quân đội cấp cao tập trung tại trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels – Bỉ để tập trận, phòng khi Thế chiến III nổ ra. Cuộc tập trận thường niên này, có tên gọi Able Archer, diễn ra ngay sau cuộc tập trận truyền thống quy mô lớn Autumn Forge với sự tham gia của hàng chục ngàn binh sĩ NATO trên khắp Tây Âu.
Able Archer 83 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Chiến tranh lạnh leo thang, mối quan hệ giữa Khối Warsaw và NATO luôn “căng như dây đàn”. Trong khi đó, các quốc gia ở 2 phía “Bức màn sắt” đang trong quá trình triển khai vũ khí hạt nhân tầm trung, bao gồm tên lửa hành trình, có khả năng tấn công mục tiêu trong vòng 5 phút sau khi phóng. Một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Tháng 11-1983, Mỹ từng triển khai tên lửa hành trình BGM-109G Gryphon đến châu Âu. Ảnh: Unredacted
Viễn cảnh kinh hoàng
Theo kịch bản của cuộc tập trận Able Archer 83, những biến động ở khu vực Trung Đông “vắt cạn” nguồn cung cấp dầu khí cho Liên xô. Cùng lúc, Nam Tư – quốc gia trước đó duy trì vị thế trung lập – quyết định ủng hộ phương Tây. Giới lãnh đạo Liên Xô lo ngại điều này có thể gây hiệu ứng lan tỏa đến những quốc gia Đông Âu khác, khiến họ từ bỏ Khối Warsaw để theo NATO.
Kịch bản về “một cuộc chiến” bắt đầu với việc xe tăng Liên Xô băng qua biên giới, tiến vào Nam Tư rồi tiếp theo tới bán đảo Scandinavia. Cũng theo kịch bản trên, không lâu sau đó, binh sĩ Liên Xô sẽ tràn vào Tây Âu.
Bị áp đảo, quân NATO buộc phải rút lui. Vài tháng sau, chính phủ các nước phương Tây ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân. NATO phóng một quả tên lửa hạt nhân tầm trung, xóa thủ đô Kiev của Ukraine ra khỏi bản đồ. Kịch bản tiếp tục, đến ngày 11-11-1983, Thế chiến hạt nhân nổ ra. Phần lớn thế giới bị san phẳng. Hàng tỉ người thiệt mạng. Nền văn minh kết thúc!
Bộ binh tham gia diễn tập Able Archer 83 – cuộc tập trận suýt châm ngòi Thế chiến III. Ảnh: Foreign Policy
Tài liệu tuyệt mật
Video đang HOT
Cuối ngày 7-11-1983, giới chỉ huy quân sự rời trụ sở NATO ở Brussels và trở về nhà, tán dương bản thân vì thêm một cuộc tập trận nữa thành công. Tuy nhiên, điều mà chính phủ các nước phương Tây phát hiện sau đó là cuộc tập trận Able Archer 83 suýt châm ngòi một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự.
“Có bằng chứng ở các cấp độ cao nhất của quân đội Liên Xô cho thấy họ không phân biệt được Able Archer 83 là tập trận hay tấn công thực sự” – ông Nate Jones, giám đốc Dự án Đạo luật Tự do Thông tin cho tổ chức lưu trữ và nghiên cứu chính phủ mang tên Kho Lưu trữ Quốc gia ở Washington, cho biết.
“Chúng tôi đang lưu giữ lượng lớn tài liệu xác nhận Liên Xô từng rất e ngại phương Tây thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân” – ông Jones khẳng định, đồng thời chia sẻ thêm rằng để có được tài liệu “tuyệt mật” về cuộc tập trận Able Archer 83, ông phải liên tục trình đơn yêu cầu đáp ứng quyền tự do thông tin trong suốt 12 năm trời.
Tài liệu nói trên, được Ban Tư vấn Tình báo nước ngoài của tổng thống Mỹ soạn thảo vào năm 1990, có tựa đề là “The Soviet War Scare” (tạm dịch: Nỗi sợ chiến tranh Liên Xô) mô tả chi tiết về những hậu quả không mong muốn của cuộc tập trận Able Archer 83.
Able Archer 83 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Chiến tranh lạnh leo thang. Ảnh: National Security Archive.
Không giống những cuộc tập trận trước đó, Able Archer 83 có các thông tin liên lạc mã hóa và các giai đoạn hoàn toàn không có trao đổi qua radio. Trong khi đó, binh sĩ và khí tài quân sự lại được triển khai dưới mặt đất. Một vài căn cứ không quân Mỹ thậm chí còn diễn tập xử lý vũ khí – đưa vũ khí được gắn đầu đạn hạt nhân giả nhưng giống thật ra khỏi kho.
Dựa vào thông tin tình báo thu thập vài tháng sau khi Able Archer 83 kết thúc, báo cáo 1990 điều tra phản ứng của Liên xô. Theo đó, Liên Xô đã cho máy bay hạ cánh, vận chuyển vũ khí hạt nhân để sẵn sàng triển khai và xác định các mục tiêu ưu tiên. Ngoài ra, các biện pháp phòng vệ dân sự cũng được nhấn mạnh ở cấp độ chưa từng có. Dường như Liên Xô đã chuẩn bị toàn diện cho một cuộc chiến.
Giới lãnh đạo Liên xô không tin Able Archer 83 là một cuộc tập trận mà là vỏ bọc của một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu thực sự. Vì thế, họ chuẩn bị để đáp trả.
Vì sao Able Archer 83 bị hiểu lầm nghiêm trọng đến vậy?
Để giải đáp câu hỏi này, ông Jones và các đồng nghiệp của mình đã tìm kiếm các nguồn tin về Nga, bao gồm kho lưu trữ thông tin của Cơ quan An ninh Liên xô (KGB) ở Ukraine.
“Chúng tôi tìm thấy một tạp chí quân sự Liên xô tuyệt mật từ năm 1984 phân tích chi tiết Able Archer. Rõ ràng là giọng điệu lo lắng đã phản ánh nỗi sợ của Liên xô” – ông Jones nhấn mạnh.
Ông Nate Jones bên cạnh cuốn sách viết về cuộc tập trận Able Archer 83 của mình. Ảnh: ODCNP
Ông Martin Chalmers, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (RUSI – trụ sở London), giải thích rằng vào thời điểm đó, lãnh đạo Liên xô là ông Yuri Vladimirovich Andropov hồi tưởng lại những ký ức về cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Đức Quốc xã năm 1941.
“Tôi tìm thấy một tài liệu nói rằng ông Andropov nói với các sĩ quan KGB rằng: ‘Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các anh là không được bỏ lỡ bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào’. KGB được giao nhiệm vụ tìm cách phát hiện một cuộc tấn công hạt nhân và báo cáo mỗi hai tuần” – ông Jones chia sẻ.
Vì giới lãnh đạo ở Moscow muốn nghe về một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu tiềm tàng nên để chiều lòng họ, các đặc vụ của KGB đã báo cáo về Able Archer 83.
“Những đặc vụ này sống ở phương Tây và biết rằng không hề có kế hoạch tấn công phủ đầu nhưng họ phải báo cáo theo những gì được yêu cầu báo cáo. Moscow thu thập những báo cáo này và đưa ra các kết luận khủng khiếp” – ông Jones cho biết.
Xe tăng được triển khai tập trận Able Archer 83. Ảnh: Pinterest
Tuy nhiên, ông Jones khẳng định giới lãnh đạo phương Tây cũng không thấu hiểu mối nguy hiểm của việc giả định một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu. “Sự thiếu thông tin cùng với cuộc chạy đua vũ trang đã khiến căng thẳng leo thang” – ông Jones nhấn mạnh.
May mắn thay – cũng có thể là do một phần lo sợ hậu quả chiến tranh hạt nhân – những tháng và năm sau đó, căng thẳng được xoa dịu. Tổng thống Mỹ Reagan và tân lãnh đạo Liên Xô vào thời điểm đó là ông Mikhail Gorbachev đã bắt tay thực hiện hàng loạt hiệp ước cắt giảm vũ khí.
Không chỉ là một sự kiện đáng sợ trong lịch sử Chiến tranh lạnh, Able Archer 83 còn liên quan đến ngày hôm nay. Căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục leo thang giữa lúc Mỹ tố Nga vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khi phát triển một loại tên lửa tầm trung mới. Kết quả là, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước này.
Theo Cao Lực
Người lao động
NATO triển khai 45.000 binh sĩ sát biên giới Nga
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến triển khai 45.000 binh sĩ ở Bắc Âu, sát biên giới Nga, để tham gia cuộc tập trận phòng vệ lớn nhất của liên minh này kể từ Chiến tranh lạnh.
Binh sĩ NATO tham gia một cuộc tập trận năm 2015. (Ảnh: AFP)
Theo hãng tin RT, cuộc tập trận cũng có sự tham gia của 50 máy bay chiến đấu, 70 tàu chiến và khoảng 10.000 xe quân sự. Cuộc tập trận mang tên Trident Juncture 18 bắt đầu từ ngày 25/10 với các bài tập bắn đạn thật và tiếp tục cho đến ngày 7/11. Khoảng 1/3 quốc gia thành viên NATO dự kiến sẽ tham gia cuộc tập trận nói trên.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mô tả cuộc tập trận là "minh bạch và nhằm mục đích phòng vệ", đồng thời khẳng định thêm, tất cả thành viên của Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE), trong đó có Nga, đều được mời tham gia giám sát.
Cuộc tập trận sẽ mô phỏng các thao tác phòng vệ của một quốc gia thành viên NATO trong trường hợp bị tấn công. Ngoài ra, cuộc tập trận cũng nhằm đánh giá năng lực hoạt động của NATO trong điều kiện tác chiến lạnh giá.
Mặc dù đây không phải lần đầu tiên NATO tiến hành cuộc tập trận Trident Juncture, song quy mô cuộc tập trận năm nay lớn nhất kể từ năm 1991 khi Liên Xô tan rã. Năm 2015, cuộc tập trận có sự tham gia của 36.000 binh sĩ quốc tế với 60 tàu chiến, 200 máy bay.
NATO tăng cường hiện diện quân sự ở các khu vực giáp biên giới Nga, trong đó có các nước vùng Baltic và Đông Âu, sau khi Nga cho sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014 và bị cáo buộc hậu thuẫn lực lượng ly khai miền Đông Ukraine năm 2014. Chỉ trong vòng vài tháng, NATO liên tục tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn. Hồi tháng 6 năm nay, hơn 18.000 binh sĩ từ 19 quốc gia thành viên NATO đã tham gia cuộc tập trận kéo dài 2 tuần ở Ba Lan và vùng Baltic.
Số lượng binh sĩ NATO đồn trú ở khu vực cũng tăng. Ví dụ, Ba Lan sẵn sàng chi 2 tỷ USD để Mỹ thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài trên lãnh thổ của họ.
Minh Phương
Theo Dantri/RT
Gần 950 binh sĩ NATO đổ xô tới Ukraine, Nga giật mình? Lực lượng không quân của 8 quốc gia thành viên NATO bao gồm Mỹ sẽ tới Ukraine vào tháng tới để tham gia cuộc tập trận quân sự có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Ukraine. Theo thông tin được Stars and Stripes đăng tải hôm 19/9, căn cứ không quân Starokostiantyniv nằm cách thủ đô Kiev khoảng 150 dặm...