Cuộc sống tươi đẹp: Giấc mơ của Khoai – Giấc mơ hạnh phúc
Sau khi xem “ Giấc Mơ Của Khoai” trong chương trình Cuộc Sống Tươi Đẹp, tôi đã nghĩ về hàng triệu đứa trẻ sống trong gia đình có bố mẹ ly hôn khác…
Tôi vừa xem “Giấc Mơ Của Khoai” trong chương trình Cuộc Sống Tươi Đẹp của VTV3. Trải nghiệm lần đầu của cậu bé Khoai khiến tôi nghĩ đến hàng triệu đứa trẻ sống trong một gia đình khuyết hao sau ly hôn. Bao nhiêu đứa trẻ còn được hạnh phúc sau khi bố mẹ chúng ly dị?
Những đứa con có cha mẹ ly dị luôn là những đứa trẻ gặp vô số những tổn thương. Cho dẫu người mẹ bù đắp bao nhiêu mà thiếu vắng người cha cũng thành hụt hẫng. Cho dù người cha có làm đủ mọi điều cho con mình thì khi không có mẹ ở bên, lũ trẻ vẫn thiếu hụt như thường. Ly dị chưa bao giờ là một việc bình thường. Nó luôn là một bước ngoặt vô cùng phức tạp với không chỉ hai con người trong cuộc mà còn là bước ngoặt cực lớn với những đứa trẻ.
Bao nhiêu đứa trẻ được chuẩn bị tâm lý cho việc cha mẹ ly hôn? Và ngay cả khi được chuẩn bị tâm lý đi chăng nữa, bao nhiêu đứa trẻ có thể vui vẻ nổi khi cha mẹ chúng ly hôn? Vết thương của người lớn còn có thể chữa lành vì họ là người lớn nhưng đứa trẻ thì không. Bởi những đứa trẻ không có trải nghiệm cho việc này. Bởi đứa trẻ nào cũng yêu cha mẹ ngang nhau dù khi được hỏi chúng sẽ trả lời khác nhau. Tự nhiên đang có bố một bên, mẹ một bên mà đùng một cái như khuyết hẳn nửa người. Nhiều người mẹ tâm sự với tôi rằng: “Con em trầm hẳn đi sau khi cha mẹ ly hôn. Nó dễ phản ứng cực đoan mỗi khi ai đó nói về gia đình”. Nhiều người cha cũng kể: “Tôi mua rất nhiều đồ chơi cho con nhưng lần nào cậu bé cũng chăm chú nhìn vào những gia đình đầy đủ bố mẹ, bỏ qua những món đồ chơi nó yêu thích. Hóa ra thứ nó cần là gia đình đầy đủ chứ không phải những món đồ chơi kia”. Ứa nước mắt mỗi khi nghe những tâm sự đó. Để lại thấy muốn trách cứ những cuộc ly dị khi người cha hoặc người mẹ biến nhau thành kẻ thù, coi con cái như thứ vũ khí để hủy diệt lẫn nhau. Những đứa trẻ tổn thương ấy ngày càng nhiều trong cuộc sống hiện đại hôm nay.
Video đang HOT
“Giấc mơ của Khoai” là một giấc mơ chung của hàng trăm đứa trẻ giống Khoai. Những đứa trẻ không bao giờ thích tổ chức sinh nhật 2 lần. Thứ chúng muốn là thổi nến bên cả cha lẫn mẹ. Tôi nhớ, tôi đã từng ngồi cùng trong hàng chục cuộc hòa giải trước tòa, khi thẩm phán hay tổ hòa giải nói rằng: “Anh chị có ly hôn thì con cái vẫn là con chung, anh vẫn là bố đứa trẻ, chị vẫn là mẹ đứa trẻ. Tòa xử ly hôn cho anh chị, phân việc chăm sóc nuôi dưỡng con cái cho ai đi chăng nữa thì điều đó không có nghĩa là tước quyền làm cha, làm mẹ của người còn lại. Anh chị nhớ không?”. Nhưng bao nhiêu người chồng được quyền nuôi con đã không nhớ? Bao nhiêu người vợ được quyền nuôi con đã vạch đường biên giới với quyền làm bố của người chồng đã cũ? Những đứa trẻ tổn thương vì gia đình tan vỡ lại thương tổn vì có bố là không có mẹ, có mẹ là không có bố. Những sinh nhật tổ chức 2 lần mà vẫn hụt hẫng, không vui.
Tôi vẫn ước rằng mọi đứa trẻ đều phải được nói chuyện đầu tiên khi bố mẹ chúng quyết định ly dị. Tùy theo độ tuổi của chúng mà cha mẹ nên nói chuyện với chúng. Nhưng nhất định phải cho chúng biết cha mẹ sẽ không còn là vợ chồng nhưng chúng ta vẫn cứ là bố mẹ của con. Chúng ta không còn là một gia đình toàn vẹn nhưng con sẽ không mất đi gia đình của con, vẫn còn bố, còn mẹ. Con không mồ côi. Tôi vẫn ước như thế, về sự toàn vẹn yêu thương trong mỗi đứa trẻ. Tôi ước lũ trẻ ngay cả khi đã có thêm 2 gia đình, thêm những đứa em cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha thì chúng vẫn còn vẹn nguyên một gia đình trong trái tim của chúng với đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Mà nếu muốn vậy thì cần lắm những người cha, người mẹ vượt qua được cảm xúc cá nhân mình để quan tâm đến cảm xúc của con. Như anh Lương Ngọc Châu, cha của Khoai. Như chị Hoàng Hải Nga, mẹ của Khoai. Họ đã vượt qua những cảm xúc cá nhân của mình thế nào để có thể cùng Khoai ( Lương Minh Huy) tham gia trải nghiệm, hiện thực hóa Giấc Mơ Của Khoai?
“Giấc Mơ Của Khoai” là một Giấc Mơ Hạnh Phúc mà rất nhiều đứa trẻ mong làm được điều đó. Chỉ là không nhiều cha mẹ sẵn sàng. Dù họ đã có rất nhiều can đảm trong việc quyết định ly hôn nhưng lại thiếu can đảm trong việc dẹp bỏ đi những vấn đề tâm lý của bản thân, của cuộc hôn nhân đã hết hạn sử dụng để cùng con tạo ra những khoảnh khắc hạnh phúc cho con. Cảm ơn Cuộc Sống Tươi Đẹp, cảm ơn VTV3 đã tạo ra một đề xuất Hạnh Phúc này, cho những đứa trẻ, cho những người làm cha, làm mẹ không còn là vợ là chồng của nhau. Tại sao không? Tại sao không thử một Lần Đầu như thế? Cho con mình câu trả lời chắc nịch rằng: Dù cha mẹ không còn là vợ chồng thì con vẫn còn đầy đủ cha mẹ trong đời mình. Ly dị là chuyện của chúng ta chứ không phải là vấn đề của con. 18h10 tối nay, bạn sẽ bật VTV3 để cùng xem Giấc Mơ Của Khoai chứ?
Cuộc sống tươi đẹp: "Lần đầu" của hiểu, "lần đầu" của thương
Theo bạn, Thương để Hiểu hay Hiểu để Thương? Không Thương làm sao Hiểu? Nhưng không Hiểu thì làm sao Thương?
Sợ con không chịu nổi áp lực mà lấy cả thân mình là phẳng con đường phía trước của con.
Lo con bé bỏng, ngốc xít mà gồng cả lên chiến đấu với tất thảy những gì mà bản thân mình nghĩ nó có thể gây hại cho con. Nhiều nỗi Thương xa quá mà vô trùng cả thế giới quanh con. Nhiều nỗi Thương sâu quá mà tự cắt da cắt thịt mình những mong bù đắp cho con. Như anh Bách nhà tôi, nặng đến 86kg rồi mà bố thương con vẫn cứ giục giã chàng: "Ăn thêm đi con! Bố không ăn món này đâu (dù bố thèm món đó lắm)". Khiến cậu chàng phải gắt lên: "Bố cứ bảo con béo quá rồi, giảm cân đi nhưng suốt ngày ép con ăn là sao?".
Là Thương con đúng nhưng lại Hiểu con sai vậy. Bao nhiêu cha mẹ giống tôi trong hành trình Thương con như thế?
Trong tập cuối cùng của xê ri LẦN ĐẦU, một xê ri kiểu truyền hình thực tế trong chương trình lúc 18h10 hàng ngày của VTV3: Cuộc Sống Tươi Đẹp khép lại hành trình du lịch của một gia đình. Gia đình ông Lạc bà Thủy và 2 cô con gái Tiên và Huyền đã có 1 hành trình du lịch chữa lành với chuyên gia tâm lý Tô Nhi A.
Là một hành trình của Hiểu để Thương sau 40 năm Thương để Hiểu. Của những chất chứa từ lá thư không bao giờ gửi mẹ: Thương mẹ lắm mà cũng Giận mẹ lắm. Của những giọt nước mắt của: Một gia đình không bình thường. Của rất nhiều tâm tư người vợ 40 năm "ông ấy không bao giờ nhận sai, tôi chẳng biết ông ấy làm được điều gì cho cái gia đình này" nhưng dù bà Thủy tuyên bố sẽ không thèm quan tâm đến ông Lạc thì khi ông vào viện, bà vẫn cứ vào chăm sóc ông không thiếu ngày nào. Là Thương nhưng bà coi là Nợ.
Còn ông Lạc cũng vậy, người chồng, người cha thiết tha xiết bao với gia đình, Thương vợ, Thương 2 con gái nhưng không sao Hiểu nổi vợ mình, 2 con mình. Hành trình của họ chính là hành trình của Học Hiểu Nhau để Biết Thương Nhau. Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A đã đồng hành cùng họ với rất nhiều những bài tập giúp họ học Hiểu bạn đời, học Hiểu con cái, học Hiểu cha mẹ (Tô Nhi A rất xuất sắc và tuyệt vời).
Hiểu để Thương. Chính xác là vậy, hãy Hiểu đúng để Thương đúng chứ đừng Thương đúng lại Hiểu sai. Bởi cái chữ Thương hay đi cùng chữ Lo, chữ Thương hay bị gán cùng với sự Mong, chữ Thương đôi khi lại đẩy sự Hiểu đi vì thế. Vợ chồng cũng vậy. Cha mẹ con cái cũng vậy. Học Hiểu để Thương chính là cách để Thương đúng vậy.
Cảm ơn Tô Nhi A, cảm ơn gia đình ông Thủy, bà Lạc, nhân vật trải nghiệm. Và cảm ơn CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP mà VTV3 đã tạo ra. 18h10 mỗi ngày, trở về nhà bật VTV3 xem Cuộc Sống Tươi Đẹp cũng là cách để mỗi gia đình tự chữa lành, xích lại gần nhau hơn, trân trọng khoảnh khắc gia đình, các kết nối vợ chồng- cha mẹ con cái. 18h10 rồi, bạn sẽ bật VTV3 để xem Cuộc Sống Tươi Đẹp hôm nay chứ?
Khám phá hậu trường cực vui của "Cuộc sống tươi đẹp" Chương trình "Cuộc sống tươi đẹp" dù mới lên sóng những đã nhận được nhiều sự yêu mến và quan tâm của khán giả. Chương trình Cuộc sống tươi đẹp được phát sóng vào 18h10 hàng ngày trên kênh VTV3 đã mang đến nhiều thông tin bổ ích, thú vị và thiết thực dành riêng cho gia đình. Với cách thể hiện trẻ...