Cuộc sống đầy sắc màu của chàng cử nhân khiếm thị
Năm lên ba, cậu bé Hoàng Nhật Minh nhận một “bản án” khắc nghiệt: bị viêm võng mạc sắc tố, một bệnh hiếm gặp gây ra bởi rối loạn gien, dự báo sẽ mù hoàn toàn vào năm 18 tuổi.
Dù bị khiếm thị, nhưng bằng nghị lực và sự sẻ chia, Minh đã đạt được nhiều thành công rực rỡ trong đó có tấm bằng cử nhân truyền thông.
Bệ phóng từ người mẹ mắc ung thư
20 năm trước, Nhật Minh – đang là nguồn hạnh phúc của hai bên gia đình nội ngoại khi là đứa cháu đầu tiên được sinh ra sau bao mong đợi – thì bị chẩn đoán mắc chứng viêm võng mạc sắc tố bẩm sinh. Lúc bác sĩ dự báo cậu bé sẽ mù hoàn toàn vào năm 18 tuổi, cô Trần Kim Bình – mẹ của Minh – chỉ ước có phép mầu để đổi cho con trai bé bỏng đôi mắt khỏe mạnh của mình.
Không dễ dàng từ bỏ hy vọng, có bệnh thì vái tứ phương, hễ có bệnh viện mắt nào uy tín, gia đình đều đưa Minh đến điều trị. Nhưng cuối cùng, “chúng tôi chấp nhận hiện thực con khiếm thị và chuẩn bị hành trang tốt nhất cho con tự tin và trưởng thành khi vào đời”, cô Bình nhớ lại.
Khi con vào tiểu học, dù bận với đứa con gái nhỏ, cô Bình vẫn quyết định không nhờ gia sư mà đồng hành cùng con. Cô mua tất cả bộ sách các lớp tiểu học dành cho giáo viên và học sinh để học cùng con. Từ đó, “lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo”, hai mẹ con “đánh vật” với từng con chữ, phép tính để Minh theo kịp chương trình. Khi chuyển cấp, dù Minh đủ điểm để vào một trường điểm ở Q.1 (TP.HCM) nhưng cô Bình hiểu, con đến lúc cần phải trang bị những kỹ năng của người mù để đáp ứng cho diễn biến xấu hơn.
Từ lớp Sáu, Minh vào học ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Bằng linh tính của một người mẹ, cô Bình muốn chuẩn bị cho Minh thật nhiều sự tự lập để tự tin. Người mẹ kiên trì cho con học bơi, học võ Aikido, tham gia các giải điền kinh của học sinh khuyết tật… Và Minh đã đạt được huy chương bạc và vàng ở cự ly chạy 100m.
Minh học và trở thành huấn luyện viên Aikido cho nhiều trẻ khuyết tật
Năm học lớp Mười, mắt Minh mờ dần. Lúc này, người mẹ luôn sát cánh cùng em lại nhận thêm một “phán quyết” bất ngờ: mắc bệnh ung thư giai đoạn 3. Khi thứ ánh sáng đẹp đẽ bên ngoài đang tắt dần thì cũng là lúc con người tự thắp cho mình nguồn ánh sáng nội tâm để bước tiếp.
“Tâm trạng tôi ngổn ngang. Con gái út mới 10 tuổi, con trai khiếm thị cũng chỉ đang học lớp Mười, làm sao có thể yên lòng. Rồi tôi nhận ra, điều gì không hạ gục được bạn thì sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn. Tôi bắt đầu liệu trình 13 tháng điều trị và vẫn đi làm để tinh thần thoải mái, và cũng để truyền năng lượng tích cực, tinh thần lạc quan cho các con và gia đình trước những biến cố của cuộc sống”, cô Bình chia sẻ.
Sau ba năm học võ, Minh bắt đầu vào vị trí trợ giảng cho võ sư Thanh Loan, dạy võ cho các bạn tự kỷ, đa tật, khiếm thị. Để công việc thiện nguyện này có kết quả tốt nhất, Minh đã cố gắng đạt nhất đẳng huyền đai và chứng chỉ huấn luyện viên Aikido.
Video đang HOT
Học bổng toàn phần ngành truyền thông
Rõ ràng, khi có một bệ phóng vững chắc thì bạn sẵn sàng cho những cuộc bay cao bay xa, nhất là khi bệ phóng đó được xây dựng bằng niềm tin và ý chí mạnh mẽ của người mẹ.
18 tuổi – năm mà chẩn đoán y khoa đặt dấu chấm hết cho đôi mắt của Minh – lại trở thành bước ngoặt mở ra khung trời đầy trải nghiệm rực rỡ cho cậu. Minh tự tin viết thư ứng cử bản thân bằng tiếng Anh và đã thuyết phục hội đồng giáo sư phỏng vấn để đạt học bổng toàn phần Chắp cánh ước mơ cho bốn năm đại học ngành truyền thông, cùng sinh hoạt phí tại Trường đại học RMIT.
Minh chia sẻ: “Để vào được RMIT là một quá trình lâu dài của cả hai mẹ con. Vì có sự đi trước của hai bạn khiếm thị cùng học Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, nên tôi đã hình dung được môi trường học tập ở đây. Mẹ và tôi đã lên kế hoạch chi tiết cho những việc cần làm. Từ việc duy trì điểm trung bình cấp III thật tốt, đến việc dạy võ cho trẻ khuyết tật cũng như tham gia các hoạt động thiện nguyện. Học tiếng Anh và luyện thi IELTS cũng là thử thách rất lớn, vì tại TP.HCM duy nhất Hội đồng Anh có chương trình luyện thi cho người khiếm thị”.
Hoàng Nhật Minh (thứ hai từ trái sang) với các bạn cùng nhóm và giảng viên tại một buổi thuyết trình cho khách hàng trong khuôn khổ chương trình cử nhân truyền thông chuyên nghiệp
Hạn chót nộp học bổng năm đó là ngày 15/7/2016 nhưng Minh đã chuẩn bị mọi thứ từ đầu năm với tất cả tài liệu được sắp xếp đầy đủ và dịch ra tiếng Anh; kèm bốn thư giới thiệu từ Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và ba tổ chức phi chính phủ. Khi phỏng vấn, Minh tự tin trình bày kế hoạch thực hiện mục tiêu hỗ trợ các bạn khuyết tật cải thiện đời sống bằng kinh nghiệm, kiến thức của mình một cách rõ ràng để thuyết phục hội đồng giáo sư.
Thực sự, trong thời gian học tập, Minh đã đóng góp kiến thức và tâm huyết vào các dự án hỗ trợ cộng đồng và hỗ trợ Dịch vụ bình đẳng giáo dục của trường. Cô Carol Witney, Quản lý Dịch vụ bình đẳng giáo dục tại Trường đại học RMIT, cho biết: “Trong thời gian học, Minh đã hỗ trợ rất nhiều cho các sinh viên khác. Không chỉ chăm sóc về tinh thần hay hỗ trợ kỹ thuật, cậu ấy còn tư vấn để trường đẩy mạnh áp dụng các phương pháp dạy và học tốt nhất bao gồm thiết kế phổ quát cho học tập. Tôi rất mong được chứng kiến những dự án và sáng kiến tuyệt vời tiếp theo mà Minh sẽ tham gia trong sự nghiệp”.
Bước gần đến ước mơ nhà hoạt động thiện nguyện
Đối với Hoàng Nhật Minh, tốt nghiệp đại học là dấu mốc quan trọng trên hành trình khát vọng cải thiện cuộc sống của bản thân và những người khuyết tật khác. Minh hạ quyết tâm nỗ lực hết mình để cống hiến cho cộng đồng ngay từ ngày đầu bước chân vào cánh cổng đại học. Truyền thông là một ngành rất đa dạng, cần sự năng động và có tính cạnh tranh cao. Vì thế, Minh chọn cho mình hướng đi phù hợp là truyền thông theo hướng thiện nguyện, truyền thông giáo dục đặc biệt.
Minh tâm sự: điều khó nhất khi học chuyên ngành này là gặp phải một số hạn chế với những tài liệu bằng hình ảnh và giới hạn bởi kỹ năng thiết kế. Trong học tập, gần như các tài liệu đều có ở dạng thức mà Minh có thể tiếp cận được. Nhưng khi giáo viên viết lên bảng, Minh thường sẽ ghi chú lại để sau đó email cho giáo viên hoặc trao đổi trực tiếp với thầy cô trong giờ phụ đạo đến khi nào thông suốt thì thôi. Cần cù và cầu thị, không giấu dốt là phương châm sống của Minh để vượt qua khó khăn.
Đến nay, Minh hoàn toàn tự chủ trong cuộc sống, tự sử dụng các phần mềm đặt xe để đi làm, đi học, đi dạy và làm cộng tác viên cho các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật. Tân cử nhân ngành truyền thông chuyên nghiệp cho biết, chặng đường bốn năm qua đã nuôi dưỡng sự tự tin và lòng nhân ái của bản thân. Sau thời gian thực tập, Minh đã nhận được công việc tại Phòng Truyền thông và Gây quỹ của tổ chức từ thiện Saigon Children, chuyên phụ trách mảng nội dung trang web. Đồng thời, Minh đang là điều phối viên cho dự án truyện tranh về an toàn mạng của tổ chức này.
“Điều làm tôi hạnh phúc nhất là vào sinh nhật 20 tuổi của Minh, khi hỏi con có cảm thấy thiệt thòi với khiếm khuyết thể chất như thế không, câu trả lời của con đã làm tôi rưng rưng: “Con thấy mình may mắn mẹ ơi, nếu con bình thường thì có khi lại ham đua xe, mê game mà không có được học bổng và không biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình”, cô Bình tâm sự trong niềm hạnh phúc.
Hoàng Nhật Minh tốt nghiệp ngành cử nhân truyền thông chuyên nghiệp Trường đại học RMIT. Trong ảnh: Minh cùng ba mẹ và cô Carol Witney
Minh chia sẻ: “Nhờ cổng thông tin tuyển dụng CareerHub, tôi đã có bốn tháng thực tập tại tổ chức Saigon Children rồi trở thành nhân viên tại đây. Tôi rất vui khi được bước tiếp trên con đường mình đã chọn, đó là làm việc liên quan đến giáo dục đặc biệt và công tác xã hội. Đồng thời, sẽ tiếp tục tham gia những khóa học và hội thảo liên quan đến những vấn đề này để nâng cao trình độ”.
Bên cạnh đó, Minh dự định tiếp tục đóng góp công sức cho các kênh truyền thông của những nơi đang cộng tác cũng như xây dựng kênh podcast của riêng mình. Tiếp đó, sẽ nộp hồ sơ ứng tuyển chương trình thạc sĩ giáo dục đặc biệt tại nước ngoài và sẽ không dừng lại… Đó là những hoạch định mà chắc chắn chàng trai nghị lực này sẽ làm được.
Cuộc sống của Minh luôn tràn đầy sắc màu và hy vọng, hoài bão dù là một người khiếm thị. Với kết quả cao nhất ở kỳ thực tập, Minh đã xuất sắc nhận tấm bằng cử nhân truyền thông và chuẩn bị mở ra nhiều hướng đi cho tương lai.
Rèn con tự lập thông qua "du học tại chỗ"
Du học tại chỗ, học sinh vừa nhận bằng quốc tế, vừa được trang bị kỹ năng tự lập để bắt nhịp với cuộc sống mới.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tham quan doanh nghiệp. Ảnh: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
Môi trường tự lập
Chị Nguyễn Thị Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chứng kiến con vấp ngã, con thất bại khiến cha mẹ nào cũng đau lòng. Nhưng nếu làm thay con, không để con tự tay trải nghiệm sẽ khiến con ỷ lại, chính là làm hại con.
Từ khi con gái đăng ký học ngành Truyền thông tại Trường Đại học RMIT, cơ sở TPHCM, chị Thu nhận thấy con thay đổi rất nhiều khi trở về nhà. "Con chủ động làm việc nhà thay mẹ, biết tự chăm sóc bản thân, cởi mở hơn. Khi gia đình thảo luận, con mạnh dạn cho ý kiến, không còn "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" như trước đây. Điều này làm tôi bất ngờ nhưng quyết định cho con học trường nước ngoài tại Việt Nam là đúng đắn".
Thạc sĩ Lý Thiên Trang, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng: "Bên cạnh sở hữu bằng quốc tế, sinh viên theo học chương trình liên kết quốc tế được trau dồi và rèn luyện khả năng tự lập cùng nhiều kỹ năng mềm.
ác em được làm quen với phương pháp giảng dạy theo hình thức tích hợp giữa trực tiếp và trực tuyến thông qua hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM triển khai từ năm 2014.
Hình thức đào tạo này giúp người học thích nghi nhanh chóng với việc chuyển đổi số một cách có hệ thống. Khi tham gia các hoạt động của trường, cuộc thi học thuật từ lĩnh vực Kỹ thuật đến Kinh tế,các em cũng phát triển các kỹ năng như tư duy độc lập, sáng tạo, làm việc nhóm".
Bà Trang cho biết thêm phương pháp dạy học của các trường quốc tế là học theo dự án. Giảng viên sẽ đưa ra bài toán từ thực tế cuộc sống. Để giải quyết bài tập này, người học phải ứng dụng kiến thức lý thuyết đã học vào tình huống thật, giúp hình thành kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian... Những kỹ năng mềm này góp phần xây dựng khả năng tự lập cho các em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường và hình thành tư duy làm việc trong tương lai.
Ngoài ra, việc học dựa trên tình huống thật đòi hỏi sinh viên không chỉ nhớ, hiểu, mà phải vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá được thông tin, vấn đề.
Người học sẽ là trung tâm của việc giảng dạy. Như vậy, các em phải giữ tâm thế làm chủ trong việc học, không được xao nhãng hoặc hời hợt trước bài giảng, bài tập do giảng viên đưa ra.
Phụ huynh "thoát nợ", con hết "ỷ lại"
Bước vào môi trường học tập theo hướng quốc tế, bên cạnh sự giúp đỡ của nhà trường, phụ huynh phải giúp con biết tự lập hơn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc học là ưu tiên hàng đầu nên thay con làm hết mọi việc. Còn có người muốn con có thành tích học tốt nên làm bài tập hộ con. Nhưng không hay biết rằng những hành động này sẽ khiến con sinh ra tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào cha mẹ mà không thể tự chuẩn bị cho cuộc sống cá nhân. Vì thế, phụ huynh hãy dạy từ nhỏ, kiên định với mục tiêu xây dựng tính tự lập cho con.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chuyên gia Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0 không bị giới hạn bởi không gian, học sinh có thể học tập mọi lúc mọi nơi nên việc du học tại chỗ hay du học nước ngoài không có nhiều điểm khác biệt. Điều quan trọng là xây dựng khả năng tự học, tự lập cho trẻ.
Để giúp con xây dựng kỹ năng tự lập ngay từ nhỏ, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, trong các bài tập, nhiệm vụ được giao, cha mẹ không nên hướng dẫn mà hãy đặt câu hỏi để trẻ suy nghĩ. Từ đó, các em phải tìm cách tự thực hiện, đồng thời thúc đẩy khả năng tư duy phản biện, tính sáng tạo. Thay vì tư duy "học để lấy kiến thức", phụ huynh hãy khuyến khích trẻ làm nhiệm vụ, dự án thực tế liên quan đến bài học để nhớ sâu và có thể áp dụng những gì đã học vào cuộc sống.
"Ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy giúp con nhận ra sở thích, mối quan tâm cá nhân. Sau khi trẻ đã xác định được, hãy để các em chủ động nói lên quan điểm và hành động để đạt được mục tiêu. Bạn cũng hãy ủng hộ các ý tưởng của con và bạn bè. Thậm chí, dù dự án có thất bại, trẻ cũng sẽ học được kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề. Thất bại nên được nhìn nhận là cơ hội để thành công trong tương lai", PGS. TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên.
Một trong những yếu tố cần có để tự lập là kỹ năng quản lý sức khỏe cá nhân vì "sức khỏe là vốn quý nhất". Nếu không đủ sức khỏe, trẻ khó có thể bắt nhịp với phương pháp giảng dạy lấy người học làm chủ. Cha mẹ nên khuyến khích con chơi thể thao, hướng dẫn con những bài tập rèn luyện sức khỏe thể chất và cùng con luyện tập. Để trau dồi năng lực quản lý sức khỏe tinh thần, cha mẹ hãy cùng con làm các động tác thư giãn, bố trí thời gian học và nghỉ ngơi hợp lý.
Đặc biệt, việc học tập hiện nay gắn liền với công nghệ thông tin. Trẻ dễ dàng nắm bắt và điều khiển các thiết bị công nghệ nhưng có thể sử dụng không đúng cách. Vì vậy, để trẻ có thể tự chủ khi sử dụng công nghệ, trước hết, cha mẹ phải cải thiện trình độ, kỹ năng của mình. Phụ huynh được khuyến khích thảo luận với trẻ về vấn đề an toàn an ninh mạng từ khi cho phép con sử dụng thiết bị di động, iPad.
Khi trẻ cần tra cứu tài liệu học tập trên Internet cũng là lúc cha mẹ dạy con cách xác định từ khóa, lựa chọn công cụ tìm kiếm thông tin an toàn, chính xác, phù hợp với mục đích học tập. Kỹ năng này có thể giúp trẻ tự chủ tìm kiếm thông tin, đánh giá mức độ an toàn, tính đúng đắn của thông tin.
Thạc sĩ, cử nhân chạy xe ôm công nghệ: Lãng phí chất xám? Một lượng lớn sinh viên ra trường không xin được việc làm liền đổ xô chạy xe ôm công nghệ với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Do tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" nên nhiều cử nhân phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Hiện có bộ phận không nhỏ sinh viên sau khi ra trường cất bằng đại học,...