Cuộc sống của sinh viên nghèo tại đại học giàu nhất thế giới
Những sinh viên tài năng xuất thân từ gia đình nghèo phải đấu tranh để vượt qua nỗi mặc cảm, cô đơn khi học tập tại ngôi trường vốn dành cho giới thượng lưu như Harvard.
Khi Ana Barros lần đầu tiên bước vào khuôn viên Đại học Harvard, Mỹ với tư cách là sinh viên năm nhất, cô cảm thấy lúng túng như thể dòng chữ “con nhà nghèo” đã in trên trán mình.
Ngôi trường đẹp đẽ, toát lên vẻ giàu có ấy là khái niệm quá xa lạ đối với cô gái sinh ra và lớn lên ở vùng quê Newark như cô. So với Harvard, cuộc sống trong ngôi nhà mua từ tiền trợ cấp, thường xuyên phải lo nghĩ đến cái ăn cái mặc của gia đình Barros dường như phủ một màu xám, đối lập hoàn toàn với sự tươi sáng tại ngôi trường hàng đầu thế giới.
Sống thu mình vì tự ti
Bố mẹ Ana Barros di cư từ Colombia đến bang New York trước khi cô chào đời. Hai người nói tiếng Tây Ban Nha và Ana chỉ học tiếng Anh tại trường.
Khi nhận thư trúng tuyển từ Harvard kèm thông báo về suất học bổng cô nhận được, Ana biết sẽ không còn phải trải qua những tháng ngày sống bấp bênh như bố mẹ.
Với sinh viên nghèo tại Harvard, tấm bằng tốt nghiệp là cơ hội để họ thoát khỏi cuộc sống bấp bênh. Ảnh: Poets and Quants.
Năm nhất, nữ sinh từ Newark chọn phòng ký túc xá đơn vì cô sợ không thể hòa nhập với bạn cùng phòng nếu sống chung với người đến từ tầng lớp cao.
“Bạn sẽ thấy dấu hiệu phân biệt tầng lớp xã hội ở khắp mọi nơi, từ cách ăn mặc, nói chuyện”, Ana, hiện là sinh viên năm ba ngành Xã hội học, nói.
Trong hai năm đầu học tại Harvard, cô thậm chí ngại nói chuyện trong lớp vì thường phát âm sai dù cô hiểu nghĩa các từ nhưng ít khi đọc thành tiếng và dù nói sai, cũng không ai biết để sửa hộ cô.
Mang theo mặc cảm, Ana sống khép kín trong khi bạn bè xung quanh nhanh chóng làm quen, bắt cặp với nhau. Cô gần như bị loại khỏi mọi hoạt động tập thể.
Sau đó, Ana dần trở nên thân thiết với hai bạn học khác cùng xuất thân từ gia đình nghèo. Trừ hai người họ, cô dường như không nói chuyện với ai khi chủ đề của các bạn học là thứ mà nữ sinh nhà nghèo như cô không thể với tới.
Thỉnh thoảng, giảng viên yêu cầu sinh viên trong lớp nói về bối cảnh xuất thân của họ để bắt đầu cuộc thảo luận. “Trung lưu” hay “thượng lưu” là câu trả lời phổ biến.
Video đang HOT
Về phần Ana Barros, mặc dù đã quen với việc chia sẻ câu chuyện của mình với giảng viên, cô vẫn không tránh khỏi chút chạnh lòng và khó chịu.
“Đôi khi, việc thừa nhận mình nghèo trước mặt bạn học là một việc vô cùng đau đớn. Ai lại muốn trở thành đối tượng để những người khác bàn tán chứ?”, nữ sinh năm 3 tâm sự.
Hỗ trợ mở cánh cửa đại học cho sinh viên nghèo
Ở Mỹ, việc theo học các trường thuộc Ivy League (nhóm 8 trường tư thục hàng đầu) dường như đã được mặc định dành cho con em nhà giàu.
Tuy nhiên, năm 2004, nhằm đa dạng hóa tầng lớp sinh viên mà mang lại cơ hội cho những học sinh nghèo, Harvard bắt đầu gói hỗ trợ tài chính. (Năm 1998, Princeton đã có chính sách tương tự và Yale thực hiện từ năm 2005).
Theo đó, gia đình có mức thu nhập dưới 40.000 USD sẽ không phải đóng học phí cho con. Chính sách hỗ trợ người nghèo đã mở ra cánh cửa các trường đại học hàng đầu thế giới đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Song tài chính chỉ là trở ngại đầu tiên sinh viên nghèo gặp phải trong quá trình học tập tại một ngôi trường “thượng lưu”.
Hội Sinh viên Thế hệ thứ nhất tại Harvard là nơi để sinh viên nghèo trải lòng, cùng nhau vượt qua khó khăn. Ảnh: Boston Globe.
Sau khi nhập học, phần lớn họ cảm thấy cô đơn, bị xa lánh và mất tự tin. Dù được trợ cấp học phí và chi phí ăn ở, họ vẫn không đủ tiền để theo kịp mức chi tiêu thông thường của bạn học. Nhiều người cảm thấy họ không có quyền phàn nàn hay khiếu nại về bất cứ điều gì vì không muốn bị đánh giá là vô ơn.
“Mọi thứ đều là cơn sốc văn hóa”, Ted White, sinh viên năm hai tại Harvard, nói.
Cậu lớn lên trong khu dành cho nhân dân lao động ở Jamaica Plain. Cha cậu là tài xế xe buýt. Ted tốt nghiệp thủ khoa đồng thời là học sinh da trắng duy nhất trong lớp.
Ngay từ đầu, cậu cảm thấy Harvard không phải là môi trường dành cho những người có xuất thân như mình. Phần lớn sinh viên trong lớp đều đã bắt đầu hoạt động kinh doanh hay làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận (lấy nguồn vốn từ cha mẹ).
Cuộc sống trong trường không Ted không ít lần tự hỏi liệu Harvard có phải là sự lựa chọn đúng đắn.
Stephen Lassonde, người phụ trách phòng đời sống sinh viên, cho biết những sinh viên là người đầu tiên trong gia đình học đại học thường cảm thấy khó khăn. Các em phải đấu tranh với bản sắc riêng, đồng thời cố gắng để vượt qua rào cản về mặt kinh tế.
“Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để các em cảm thấy mình thuộc về Harvard. Tuy nhiên, nhiều khi, bạn cùng phòng và bạn học lại vô tình đặt những em này khỏi vòng giao tiếp”, ông nói.
Hiện tại, Ana Barros là chủ tịch và Ted White là phó chủ tịch Hội Sinh viên Thế hệ thứ nhất – tổ chức hỗ trợ, tạo ra sự thay đổi tích cực cho sinh viên có cha mẹ không theo học đại học.
Sau hơn 3 năm hoạt động, đây trở thành thiên đường dành cho những sinh viên nghèo nhất trường, nơi họ có thể gặp được tiếng nói chung, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua những khó khăn trong quá trình học tại ngôi trường vốn dành cho tầng lớp thượng lưu.
Theo Zing
Những trường đại học tuyển sinh khắt khe nhất ở Mỹ
Năm 2016, hơn 20 triệu học sinh chạy đua vào các trường đại học ở Mỹ. Business Insider xếp hạng những trường tuyển sinh khắt khe nhất trong số 50 đại học hàng đầu nước này.
Đứng đầu bảng xếp hạng là Đại học Stanford ở California với tỷ lệ trúng tuyển 5% và điểm SAT trung bình đạt 1.466. Trung bình, 10 năm sau khi nhập học, sinh viên trường này có thể nhận mức lương lên đến 80.900 USD. Stanford có thế mạnh về các chương trình kỹ thuật, khoa học máy tính và được coi là cái nôi đào tạo các ông lớn công nghệ của thế giới. Ảnh: Facebook.
Đại học Harvard ở Massachusetts đứng thứ hai trong danh sách. Tỷ lệ trúng tuyển năm nay là 6%, điểm SAT trung bình ở mức 1.501. Sau 10 năm kể từ ngày nhập học, cựu sinh viên Harvard kiếm mức lương bình quân là 87.200 USD. Đây cũng là một trong những trường danh tiếng nhất thế giới. Ảnh: Getty.
Đứng thứ ba trong danh sách cũng là cái tên quen thuộc trên các bảng xếp hạng thế giới - Đại học Yale ở Connecticut. Tỷ lệ trúng tuyển của trường chỉ ở mức 6% và điểm SAT trung bình đạt 1.497. Thu nhập bình quân của cựu sinh viên cũng thuộc top cao, 66.000 USD. Ảnh: Facebook.
Đại học Princeton - trường dẫn đầu bảng xếp hạng các đại học tốt nhất ở Mỹ năm 2016, cũng tuyển sinh rất khắt khe khi chỉ 7% thí sinh trúng tuyển. Điểm SAT trung bình của những người này là 1.495. Mức thu nhập bình quân sau khi nhập học 10 năm là 75.100 USD. Ảnh: Facebook.
Với tỷ lệ trúng tuyển là 7% và điểm SAT trung bình đạt 1.471, Đại học Columbia đứng thứ năm trên bảng xếp hạng. Ngôi trường lâu đời nhất bang New York này cũng mang lại cơ hội kiếm khoảng 72.900 USD cho sinh viên sau 10 năm nhập học. Ảnh: Facebook.
Viện Công nghệ Massachusetts xếp thứ sáu với 8% thí sinh trúng tuyển và điểm SAT trung bình đạt 1.503. Phần lớn cựu sinh viên trường này đầu quân cho các công ty công nghệ hàng đầu như Google, Microsft, Apple với mức lương bình quân khoảng 91.600 USD. Ảnh: Flickr.
Đại học Brown, một trong tám thành viên của nhóm đại học danh tiếng Ivy League, xuất hiện trong danh sách ở vị trí thứ bảy. Hàng năm, trường chỉ nhận khoảng 9% số thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Điểm SAT trung bình đạt 1.425 và mức thu nhập bình quân của cựu sinh viên đạt khoảng 59.700 USD. Ảnh: Facebook.
Đại học Chicago cũng nổi tiếng bởi quy trình tuyển sinh ngặt nghèo mà chỉ 9% thí sinh có cơ hội theo học tại đây. Chất lượng đầu vào của sinh viên ở mức cao, điểm SAT trung bình là 1.504. Chicago được coi là một trong những cái tên đảm bảo cho thành công trong tương lai khi mức thu nhập bình quân của cựu sinh viên đạt 62.800 USD. Ảnh: Facebook.
Viện Công nghệ California đứng thứ chín với tỷ lệ trúng tuyển đạt 9% và điểm SAT trung bình là 1.534. Sau 10 năm kể từ khi nhập học, cựu sinh viên trường này kiếm khoảng 74.000 USD. Ảnh: Flickr.
Xếp cuối cùng trên bảng xếp hạng là Đại học Pennsylvania với tỷ lệ trúng tuyển 10%. Điểm SAT trung bình của tân sinh viên năm nay đạt 1.442. Với chất lượng giảng dạy hàng đầu, UPenn đảm bảo cho cựu sinh viên cuộc sống ổn định, thu nhập bình quân khoảng 78.200 USD, cùng nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Ảnh: Facebook.
Theo Zing
Đại học Princeton có thực sự tốt hơn Harvard? Trên bảng xếp hạng của Business Insider, Đại học Princeton vượt Harvard. Trang này vừa có bài so sánh hai trường để khẳng định, Princeton hoàn toàn xứng đáng với vị trí số 1. Theo Zing