Cuộc sống bên trong ký túc xá Harvard
Những người trẻ đầy đam mê cùng sống, học tập và phát triển mối quan hệ suốt đời từ căn phòng của ký túc xá Harvard.
Sống cùng phòng ở tòa Thayer Hall, Đại học Harvard (Mỹ), ba nữ sinh Kristie Colton, Georgia Seidel, và Rebecca Chen (từ trái sang phải) có một tài khoản chung trên Instagram mà gia đình và bạn bè đang theo dõi. Theo website chính thức của trường, tài khoản này có tên “Thayer 403″, đăng những khoảnh khắc nổi bật về chuyến phiêu lưu của cả ba tại ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới.
“Cả nhà tôi đều theo dõi, kể cả anh chị em họ”, Seidel – người lớn lên trong một trang trại cừu không có Internet ở Australia nói.
Kristie Colton đến từ bang Utah, cho biết cô và Rebecca Chen thân thiết sau khi cùng nhau ăn kem. Chen không đồng ý: “Đó là khi chúng tôi vật tay với nhau và tôi thắng”. Georgia Seidel nhận xét: “Tất cả chúng tôi đều trở thành bạn bè khi cùng tham gia CollegeFest (lễ hội lớn dành cho sinh viên ở Mỹ)”.
Rebecca Chen (bang California) tiết lộ cô và các bạn cùng phòng rất thích xem chương trình truyền hình The Office bởi nhìn thấy bản thân trong một số nhân vật như Jim. Họ đều thích bày trò nghịch ngợm để chơi xỏ nhau và cùng cười đùa.
Đôi khi, họ cùng tới tiệm bánh ngọt Tatte trong trường, tiếp tục dành thời gian rảnh bên nhau.
Clifford “Scotty” Courvoisier, Kenneth Shinozuka, và Abdul Saleh có không gian riêng ở giường tầng trong Holworthy Hall. Ở với nhau từ năm ngoái, họ cùng thống nhất triết lý sống “một nhóm trở thành một cộng đồng khi mỗi thành viên khám phá bản thân mình trong những người còn lại”, theo Shinozuka.
Hai người khác là Luke Xu và Sung Ahn cũng chia sẻ không gian chung trong phòng. Dù chưa quen sống tập thể, các nam sinh này cảm thấy khá thoải mái bởi bạn bè luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của mình và giúp nhau tiến bộ hơn. “Nếu loại tranh luận có lý trí và tôn trọng lẫn nhau này là tiêu chuẩn ở mọi nơi, thế giới chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều”, Saleh nói.
Họ ngồi vắt vẻo ở lan can bên ngoài Annenberg Hall và trò chuyện. Phía sau là Trung tâm Khoa học của Harvard. “Mỗi thứ ba, khoảng nửa đêm, chúng tôi mặc quần áo đẹp để đi mua bánh tại Tasty Burger. Đó là cách chúng tôi xây dựng một gia đình trong khi đang sống xa nhà”, Saleh chia sẻ.
Video đang HOT
Các nam sinh chung phòng cùng nhau khám phá kiến thức bên trong Trung tâm Khoa học. Sự ham tìm tòi của mỗi người thách thức những người còn lại mở rộng vốn hiểu biết. Sung Ahn nhận xét: “Mọi thứ trở nên tốt hơn nhiều so với những gì tôi tưởng tượng”.
Tatiana Patino (trái) và Walburga Khumalo cùng chia sẻ nơi ở trong Stoughton Hall. Patino đến từ bang Georgia, còn Khumalo là người Nam Phi. Mười phút sau khi sắp xếp nơi ở, Patino đến gần Khumalo và hào hứng nói: “Bạn cùng phòng!” Cô nhớ đã giải thích với anh trai của mình, “Bạn ấy sẽ sống với em. Em không hành động như người khác được, cuối cùng thì bạn ấy cũng sẽ phát hiện ra điều đó thôi”.
Ở Harvard, Tatiana Patino và Walburga Khumalo lần đầu tiên nghe giọng địa phương của người kia. Họ dành năm đầu tiên để hiểu rõ về giấc ngủ của nhau (Khumalo là người thích dậy sớm, Patino thì không), thói quen học tập (cả hai đều thích thư viện), và thể loại phim yêu thích (Patino rất sợ các cảnh phim kinh dị, Khumalo thì không).
“Tatiana không giỏi hòa nhập với mọi người lắm”, nữ sinh Nam Phi nhận xét về bạn cùng phòng, trong khi cô nỗ lực hỏi chuyện mọi người trong tòa ký túc dành cho “tân binh”.
Sự gần gũi của họ thể hiện qua những nụ cười dành cho nhau. Họ có nhiều khác biệt, nhưng vẫn thắt chặt tình cảm nhờ tôn trọng sự riêng tư của đối phương. “Thật thú vị khi chúng tôi được xếp chung phòng, sau đó trở thành bạn bè, Tatiana nói.
Khumalo muốn đóng góp trong lĩnh vực khoa học môi trường và chính sách công. Cô làm việc cho viện nghiên cứu ở Nam Phi với vai trò đại sứ Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, Tatiana muốn trở thành giáo viên. Hiện cô là điều phối viên giáo dục cho một tổ chức, đồng thời tư vấn cho các học sinh trung học về các bước chuẩn bị vào đại học.
Những người bạn cùng phòng ở tòa Wigglesworth đang ngồi ở nơi họ gọi là “hiên nhà”, từ trái qua phải: Soheil Sadabadi từ Iran, Andrew Cho từ bang Arizona, Michael Shadpour từ bang California, Scott Kall từ bang Massachusetts và Arpan Sarkar từ bang Tennessee. Các chàng trai có nhiều khoảnh khắc bên nhau như hội bạn thân thời trung học.
Theo lời gửi gắm của nữ hiệu trưởng Drew Faust tới sinh viên khóa 2021, việc học tập ở Harvard diễn ra cả bên ngoài lớp học, trong giao tiếp hàng ngày với bạn bè. Bà tin rằng khi sống cùng nhau một cách hài hòa, sinh viên đang trau dồi kiến thức cho bản thân.
Ngoài những lúc tập trung nghiên cứu hoặc lên thư viện, những người bạn cùng phòng không ngần ngại rủ nhau chơi bóng bàn hoặc khúc côn cầu, nhờ đó ngày càng trở nên thân thiết.
Theo VNE
Bà mẹ TP HCM kể cách con vượt qua kỳ phỏng vấn học bổng du học Mỹ
Tôi nhớ có giám khảo trường trung học lớn ở tiểu bang Massachuset hỏi cháu "Nơi nào con muốn tới nhất khi tới Mỹ?" và cháu trả lời là "Harvard".
Sau các kỳ thi căng thẳng, 9 trường trung học nội trú công bố con chị Nguyễn Thị Bích Hậu (TP HCM) được nhập học và cấp học bổng. Trong đó có 5 trường tại Mỹ, 3 trường tại Anh và một trường tại Australia. Từ kinh nghiệm cá nhân, chị Hậu chia sẻ cách chuẩn bị cho kỳ thi học bổng.
Làm bài luận chỉn chu
Ở vòng một, các bạn hãy làm cho hồ sơ nổi bật. Ban đầu, gia đình tôi tham khảo khá nhiều cách công ty du học làm hồ sơ cho các cháu vì không phải gia đình nào cũng thông thạo tiếng Anh và cách điền hồ sơ.
Song sau đó tôi thấy thất vọng. Vốn có kinh nghiệm hàng ngày trong việc chuẩn bị hồ sơ công việc với người nước ngoài, tôi biết họ cần hồ sơ rất chỉn chu, đẹp đẽ, cẩn thận và ngăn nắp tới từng chi tiết. Đó là một tiêu chuẩn các bạn làm dịch vụ du học không hiểu được, nhất là một bộ hồ sơ để tìm học bổng, chứ không phải chỉ để nhập học thông thường.
Và dù có thể nộp hồ sơ qua mạng, gửi email nhưng có luôn cả những trường sẽ gặp trực tiếp các cháu, thì phải có hồ sơ sẵn sàng để trình cho họ. Do đó, chúng tôi quyết định tự làm hồ sơ, từng trang đều được soạn cẩn thận, nắn nót.
Các tài liệu tham khảo rất sẵn sàng, từ bảng khai theo mẫu cho tới bảng điểm, thành tích, chứng nhận đều được làm song ngữ chuẩn, kèm theo hình ảnh. Tất cả được đóng cuốn rất đẹp và nổi bật. Trước khi hoàn thiện lần cuối, tôi còn nhờ nhân viên của mình là chuyên gia về visual art coi lại lần chót.
Cần làm hồ sơ nổi bật. Ảnh: articles.bplans.com
Trong khi đó, bài luận essay được con tôi làm rất kỹ lưỡng. Thực ra ban đầu hai mẹ con rất lúng túng vì không biết phải viết essay như thế nào. Nhưng sau khi hỏi một anh bạn là tiến sĩ đang ở Mỹ, anh liền cho một bí kíp làm kim chỉ nam: "Cháu đã xem phim Mỹ nhiều rồi. Cháu hãy làm cho người đọc bài essay của cháu phải rơi vào cảm xúc mãnh liệt. Một là phải bật dậy ngay để hành động gì đó. Hai là phải khóc hoặc cười vì thực sự cảm thấy bị tác động từ bài viết. Nếu làm được như vậy thì sẽ thành công".
Với các cháu đang được dạy văn theo kiểu Việt Nam, đây là một thử thách cực kỳ lớn nhưng tự các cháu phải viết, không ai làm thay được. Yêu cầu của họ là các cháu viết ra những vấn đề sâu sắc, có tầm nhìn, có tư tưởng nhưng phải bằng giọng văn và cách nghĩ phù hợp với lứa tuổi.
Từ đề bài của các trường, con trai tôi đã chọn ra mấy đề để viết. Bài thứ nhất với đề đại ý là "Niềm tự hào của bạn trong cuộc sống của bạn từ trước tới nay", cháu viết về việc vì sao học Piano từ lúc năm tuổi, vì sao một đứa bé như cháu khi chuẩn bị thi vào Nhạc viện lại có thể thức dậy từ 5h mỗi ngày để học đàn.
Rồi kỳ thi cam go diễn ra, cháu vượt qua 500 thí sinh dự thi, cùng 50 bạn khác đậu vào Nhạc viện. Trong bài, cháu lý giải vì sao chọn nhạc của Bach để làm bài thi, trong khi nhạc của Bach hay nhưng rất khó.
Một bài khác yêu cầu kể về người bạn thân, cháu đã kể về tình bạn với một người bạn học chung từ năm lớp 1. Bạn này đã đẩy cháu bị ngã chảy máu phải đi cấp cứu, nhưng rồi hai cháu đã hàn gắn tình cảm và tiếp tục chơi với nhau như thế nào. Những nỗi buồn và sự lo sợ của trẻ con... Tất cả là chuyện có thật.
Thông thường, các trường yêu cầu essay phải viết tay và scan lại gửi đi trong khi con tôi không phải là đứa viết chữ đẹp. Học ở trường thì rất bận. Thế là cháu thường phải hì hục viết đi viết lại essay, tới khi có một bài đạt rồi thì viết tay ra giấy tới 2h sáng. Sau đi phỏng vấn được khen chữ đẹp, cả nhà cười mãi. Hóa ra học sinh Mỹ không tập viết như học sinh Việt Nam.
Tự tin và cá tính trong phỏng vấn
Sau khi hoàn tất hồ sơ và essay, cháu bắt đầu gửi cho các trường trong danh sách. Và niềm vui đầu tiên là các trường đều chấp nhận nên cháu bắt đầu bước vòng phỏng vấn. Ban đầu, cháu rất lo lắng vì cho tới khi đó, cháu chưa bao giờ nói tiếng Anh với người nước ngoài thực sự. Thầy dạy ở lớp là một người Mỹ gốc Việt giàu kinh nghiệm và đã hơn 60 tuổi.
Để trấn an, chúng tôi quyết định sẽ đi từng bước mà bước đầu tiên là cháu sẽ thi vào các trường trung học của Anh. Một số trường qua Việt Nam tuyển sinh, họ rất rõ ràng với hai bài thi viết và Toán, sau đó là phỏng vấn.
Cho tới khi đó, con tôi chưa từng học Toán bằng tiếng Anh bao giờ nên phải học cấp tốc chỉ trong 2 ngày. Tôi lên mạng tìm các trang web giải toán và chuyển cho cháu học. Cháu ngồi hai ngày cuối tuần để làm toán bằng tiếng Anh, chủ yếu để học từ vựng. Trang web cháu làm chính là trang web của Nasa, dành cho học sinh phổ thông.
Tôi cũng làm thử vài bài, làm xong thấy rất sướng bởi khi giải chỉ cần đưa ra đáp số là máy báo về "OK", không cần trình bày dài dòng. Xong xuôi rồi hai mẹ con chở nhau đi thi. Cháu rất run. Nhưng tôi dặn là cháu đừng sợ. Mình có gì mà mất đâu. Không thi đậu chả sao. Tỉnh bơ.
Thầy hiệu trưởng trường trung học ở Anh khi đó bay sang Việt Nam trực tiếp cho các cháu thi. Thầy cho cháu vào thi hai bài toán và viết văn cùng các bạn trong phòng riêng. Làm bài xong, từng cháu ra ngoài cho thầy phỏng vấn. Con trai tôi làm bài tốt và phỏng vấn trôi chảy.
Sau đó hai tuần, trường báo về là nhận cháu và cấp học bổng 40% cho suốt các năm học trung học ở Anh. Với số tiền này, gia đình tôi sẽ phải nộp thêm chừng 30.000 USD mỗi năm nữa vì du học ở Anh rất đắt tiền. Khi đó tôi chưa ra quyết định gì vì nghĩ đây chỉ là bước đầu.
Riêng cháu rất phấn khởi. Đây là dấu mốc rất quan trọng để cháu tiến lên vì kết quả này cho thấy cháu có thể tham gia thi cử. Gia đình tôi xin trường cho bảo lưu kết quả và sẽ trả lời sau hơn một tháng. Trong thời gian này, cháu tiếp tục thi vào các trường khác, tôi không ngừng động viên con là hãy tiếp tục, mọi chuyện không quá đáng sợ, con có thể làm được.
Một đội thể thao ở trường học của Mỹ. Ảnh: Nguyễn Thị Bích Hậu
Với các trường ở Mỹ, bài phỏng vấn khá gây căng thẳng cho các cháu. Bởi vì vào năm cháu thi cách nay sáu năm, mạng Internet chưa phát triển như bây giờ, phỏng vấn qua Skype mà nhiều khi sóng chập chờn. Cháu rất lo lắng, nhất là cho phần phỏng vấn đầu tiên vì sợ người Mỹ nghe mình nói mà không hiểu. Sau đó thì mọi việc đều ổn, cháu bắt đầu trả lời thoải mái và tự tin.
Các câu hỏi chia thành hai loại, một là thông tin cơ bản, hai là hỏi xoáy đáp xoay. Tôi nhớ có một giám khảo trường trung học lớn ở tiểu bang Massachuset hỏi cháu "Nơi nào con muốn tới nhất khi tới Mỹ?" và cháu trả lời là "Harvard". Bà hỏi vì sao thì cháu trả lời "Vì cháu có may mắn được xem một lớp học của Harvard về Đạo đức và Luật pháp trên Internet.
Sau đó, cháu rất mong muốn được theo học Mỹ, để được học hỏi những điều tuyệt vời từ kho tàng kiến thức phong phú của thế giới". Câu trả lời làm cho bà rất hài lòng.
Mọi chuyện từ mù mờ, càng ngày càng rõ dần ra, sáng tỏ hơn. Và khi tất cả trường trong danh sách báo kết quả, gia đình tôi cực kỳ hạnh phúc và vui sướng. Bởi vì giờ đây, việc khó khăn hơn cả là ngồi lựa chọn và viết thư để từ chối những trường còn lại như thế nào. Khi đó chúng tôi đã biết rõ ngày một ngày hai, cháu sẽ chính thức lên đường qua Mỹ.
Theo VNE
Harvard hủy kết quả trúng tuyển của 10 sinh viên vì tin nhắn khiêu dâm Đại học Harvard vừa hủy kết quả trúng tuyển của ít nhất 10 sinh viên lớp tốt nghiệp năm 2021 sau bê bối trao đổi tin nhắn khiêu dâm qua Facebook. Một nhóm trò chuyện trên Facebook gồm gần 100 sinh viên của lớp tốt nghiệp năm 2021 thuộc Đại học Harvard gặp rắc rối sau khi bị lộ nội dung chia sẻ....