Cuộc phỏng vấn thách thức nhất của bà Harris
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa trải qua cuộc phỏng vấn khó khăn nhất kể từ khi trở thành ứng viên đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống năm nay.
Trước áp lực chứng minh năng lực có thể đảm đương vai trò lãnh đạo nước Mỹ, Phó tổng thống Kamala Harris trong lúc trả lời phỏng vấn Đài Fox News đã thẳng thắn hơn bao giờ hết khi khẳng định nếu đắc cử, nhiệm kỳ tổng thống của bà không phải là sự nối tiếp của người đương nhiệm Joe Biden.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại bang Pennsylvania hôm 16.10. ẢNH: REUTERS
Xuất trận trên đài “đối thủ”
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News, bà Harris lên tiếng bênh vực cách thức chính quyền Tổng thống Biden xử lý tình trạng dân nhập cư bất hợp pháp đổ vào Mỹ từ hướng biên giới với Mexico. Bà đổ lỗi cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã không thể thông qua dự luật an ninh biên giới, làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng dân nhập cư.
Trước những câu hỏi sắc bén từ người dẫn chương trình Bret Baier của Fox News, bà Harris cũng hoàn toàn ủng hộ Tổng thống Biden trong nhiệm kỳ hiện tại, làm rõ nhiệm vụ của bản thân trên vai trò phó tổng thống và bảo vệ quan điểm của mình khi ủng hộ phẫu thuật chuyển giới. Phó tổng thống nhắc “tên của ông Biden không có trên lá phiếu, nhưng tên ông Trump thì có”, và đặt nghi vấn về tình trạng sức khỏe của ứng viên đảng Cộng hòa.
Bầu cử Mỹ: Kỷ lục số người bỏ phiếu sớm ở bang chiến địa giữa tranh cãi quy định
Bên cạnh đó, ứng viên đảng Dân chủ nhấn mạnh: “Để tôi nói một cách rõ ràng, nhiệm kỳ tổng thống của tôi sẽ không phải là sự tiếp diễn của nhiệm kỳ ông Biden”. Bà Harris cho hay sẽ tiếp nhận những ý tưởng mới mẻ từ phe Cộng hòa và các nhà lãnh đạo thương mại để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, tiến tới mở rộng cộng đồng doanh nghiệp nhỏ.
Theo giới quan sát, việc bà Harris quyết định tiếp nhận phỏng vấn của Fox News là minh chứng mới nhất cho thấy trong chiến dịch tranh cử năm nay, đảng Dân chủ ngày càng sẵn sàng tiếp xúc với kênh truyền hình có khán giả gồm nhiều người ủng hộ đối thủ Donald Trump. Trước đó, ông Biden không xuất hiện trên Fox News khi tranh cử.
Thay đổi chiến lược
Cuộc phỏng vấn lên sóng hôm 16.10 là một phần chiến lược mới của Phó tổng thống Harris, theo đó tìm kiếm sự ủng hộ từ các cử tri đảng Cộng hòa. Trước sự kiện với mạng truyền hình trên, bà nêu bật sự ủng hộ quan trọng đến từ cử tri phe đối thủ tại cuộc mít tinh ở hạt Bucks thuộc bang Pennsylvania, một trong các bang chiến trường có thể định đoạt kết quả cuộc bầu cử Mỹ năm nay.
Hơn 100 thành viên đảng Cộng hòa đã tham gia cuộc mít tinh ở hạt Bucks, trong đó có cựu nghị sĩ Adam Kinzinger – người từng là thành viên ủy ban điều tra vụ tấn công Điện Captiol hôm 6.1.2021 do đám đông ủng hộ ông Trump thực hiện. Năm 2020, ông Biden đã đánh bại ông Trump ở hạt Bucks với khoảng 17.000 phiếu, trong khi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng giành được nhiều phiếu hơn đối thủ Trump vào năm 2016 cũng ở hạt này.
Mùa hè năm nay, cử tri đảng Cộng hòa lần đầu tiên trong một thế hệ đã có số lượt đăng ký vượt các cử tri đảng Dân chủ ở hạt Bucks. Reuters dẫn số liệu mới nhất cho thấy hiện số cử tri đảng Cộng hòa ở hạt này nhỉnh hơn 3.500 người so với cử tri đảng Dân chủ.
So kè quyết liệt
Cựu Tổng thống Trump có lợi thế so với Phó tổng thống Harris với tỷ số 50% – 48% trong cuộc khảo sát toàn quốc mới nhất do Đài Fox News công bố ngày 17.10. Kết quả này đảo ngược so với tháng trước, khi bà Harris dẫn trước với khoảng cách hẹp. Tuy nhiên, bà Harris lại hơn ông Trump 6% trong số các cử tri ở 7 bang chiến địa, và họ trong tình trạng so kè quyết liệt ở nhiều hạt quan trọng với tỷ lệ cùng đạt 49%. Cũng cần lưu ý, năm 2000 và 2016, ứng viên đảng Cộng hòa thua tổng số phiếu bầu nhưng lại đắc cử tổng thống nhờ thắng phiếu đại cử tri.
Pennsylvania - 'trung tâm của vũ trụ chính trị' bầu cử Mỹ 2024
Pennsylvania có nhiều khẩu hiệu và biệt danh: "tiểu bang Keystone", "bang Độc lập", "quê hương của bia, sô cô la, tự do và Taylor Swift", và bây giờ, là "trung tâm của vũ trụ chính trị".
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo phân tích gần đây của nhà thống kê chính trị Nate Silver, cách Pennsylvania biến động bầu cử vào ngày 5/11 có thể sẽ quyết định nhà lãnh đạo tiếp theo của nước Mỹ. Nếu bà Kamala Harris giành chiến thắng ở tiểu bang này, tỷ lệ bà vào Nhà Trắng sẽ đạt 91%. Nếu ông Trump thắng, tỷ lệ của ông sẽ tăng vọt lên 96%.
Đó là mức độ quan trọng của 19 phiếu đại cử tri mà Pennsylvania nắm giữ (cần tối thiểu 270 phiếu để giành được Đại cử tri đoàn) và tiểu bang này là thước đo toàn quốc về hiệu suất của từng ứng cử viên với các cử tri "phải thắng".
Hầu như mọi cuộc thăm dò toàn tiểu bang được tiến hành tại Pennsylvania trong tháng qua đều cho thấy sự cân bằng về mặt thống kê trong cuộc đua giành chức tổng thống.
Năm 2016, ông Trump đã gây bất ngờ sít sao ở Pennsylvania, đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton với tỷ lệ sít sao 48,2 so với 47,5%. Chiến thắng này đã phá vỡ "Bức tường xanh" quan trọng, cùng với Michigan và Wisconsin, mở đường cho ông Trump vào Nhà Trắng.
Năm 2020, Tổng thống Joe Biden, một phần nhờ vào việc quảng bá nguồn gốc gia đình mình thuộc tầng lớp lao động ở thành phố Scranton (bang Pennsylvania), đã đánh bại ông Trump ở bang này với tỷ lệ 50% so với 48,8%. Trong 10 cuộc bầu cử gần đây nhất, Pennsylvania đã "chọn" người vào Phòng Bầu dục đến 8 lần.
Tiểu bang "Chuông báo hiệu"
Thu nhỏ lại, bản đồ bầu cử của Pennsylvania trông rất giống với bản đồ của cả nước Mỹ: những mảng lớn màu đỏ của Đảng Cộng hòa ở vùng nông thôn, vùng trung tâm của tiểu bang và những mảng màu xanh đậm của Đảng Dân chủ ở phía đông và phía tây biểu thị các trung tâm dân số.
Pennsylvania phản ánh sự sắp xếp lại chính trị của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong hơn một thập kỷ qua. Người Mỹ chủ yếu là người da trắng, lao động chân tay đã chuyển sang đảng Cộng hòa. Trong khi đó, những người thành thị giàu có đã biến đảng Dân chủ - vốn trước đây là cơ sở của tầng lớp lao động - trở thành đảng của những người có trình độ đại học và những người ít có khả năng theo đạo. Nhưng đảng Dân chủ vẫn giành được 49% số người không có trình độ đại học và tỷ lệ phiếu bầu của họ ở vùng ngoại ô đang tăng lên.
Biểu ngữ trên một con phố ở Chambersburg, Pennsylvania, thể hiện sự ủng hộ dành cho ông Donald Trump. Ảnh: Conversation
Tuy nhiên, không ứng cử viên tổng thống nào đang bỏ qua các khu vực bầu cử quan trọng ở Pennsylvania. Nhóm bà Harris đã mở 50 văn phòng chiến dịch trên khắp Pennsylvania trong nỗ lực thâm nhập vào các cộng đồng bảo thủ, nông thôn. Trong khi đó, ông Trump đã có một bước tiến lớn đối với các cử tri da đen và có vẻ như ông đang trên đường giành được sự ủng hộ cao nhất từ các cử tri da đen so với bất kỳ ứng cử viên tổng thống Cộng hòa nào trong lịch sử.
Đặc biệt là những người ôn hòa ở ngoại ô, chẳng hạn như những người ở "Main Line" của Philadelphia (một khu vực ngoại ô khá giả) và ở vùng ngoại ô cao cấp tại thủ phủ Harrisburg của tiểu bang, những người có xu hướng tự do hơn về các vấn đề xã hội và bảo thủ hơn về các vấn đề kinh tế.
Đảng Dân chủ có lợi thế nhỏ về số lượng cử tri đăng ký chung ở Pennsylvania, ở mức 44% so với Đảng Cộng hòa ở mức 40% (trong khi 12% người Pennsylvania tự nhận là cử tri độc lập). Tuy nhiên, lợi thế đăng ký như vậy của đảng Dân chủ là mỏng nhất trong nhiều thập kỷ.
Chi phí "khủng" và các vấn đề "nóng"
Với tư cách là "giải thưởng" bầu cử lớn nhất năm 2024, không có tiểu bang nào được đầu tư nhiều tiền mặt và sự chú ý hơn Pennsylvania. Hai đối thủ Harris và Trump đã đi khắp tiểu bang trong nhiều tháng qua.
Bà Harris và các đồng minh của bà đã chi 21,2 triệu USD cho các quảng cáo chính trị ở Pennsylvania (gấp ba lần số tiền họ chi ở Georgia, gấp đôi số tiền chi ở Michigan và gấp 18 lần số tiền họ chi ở Bắc Carolina). Để tương xứng, ông Trump và các đồng minh của ông đã chi 20,9 triệu USD ở Pennsylvania (gấp đôi số tiền họ chi ở Georgia, gấp 3 lần số tiền chi ở Michigan và gấp 8 lần số tiền họ chi ở Bắc Carolina).
Tiền đã được đổ vào vô số quảng cáo về nhiều vấn đề tiêu cực mà người Mỹ nói chung phải đối mặt, bao gồm lạm phát và khủng hoảng chi phí sinh hoạt, tội phạm, phá thai và nhập cư. Bên cạnh đó, cuộc chiến ở Ukraine là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng người Ba Lan đông đảo ở Pennsylvania trong nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm khai thác những lo ngại về Nga.
Tuy nhiên, không có chủ đề nào gây ra nhiều tranh cãi hơn "fracking", quá trình khai thác dầu và khí đốt từ đá ngầm. Pennsylvania đã trở thành bang đi đầu toàn quốc về fracking, gây phẫn nộ trong những người bảo vệ môi trường, ngay cả khi những người ủng hộ coi ngành công nghiệp này là nguồn thu khổng lồ và tạo ra việc làm cho tiểu bang.
Bà Harris, người từng tuyên bố với tư cách là ứng cử viên sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2019 rằng: "Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi ủng hộ lệnh cấm fracking", giờ đây lại "quay xe", nói rằng "hãy để tôi nói rõ ràng, như tôi đã nói vào năm 2020, tôi sẽ không cấm fracking". Ông Trump đã ủng hộ fracking một cách rõ ràng như một phần trong thông điệp "Khoan, khoan, khoan" của ông về việc hạ giá và tạo ra vị thế độc lập về năng lượng cho nước Mỹ.
Điều gì đang chờ đợi
Nếu cuộc đua giành chức tổng thống của Pennsylvania diễn ra căng thẳng như các cuộc thăm dò cho thấy, người chiến thắng có thể không được công bố ở Pennsylvania hoặc trên toàn quốc vào đêm bầu cử. Với việc kiểm phiếu vắng mặt và ở nước ngoài (và khả năng kiểm phiếu lại), quá trình này có thể kéo dài trong nhiều ngày, nếu không muốn nói là nhiều tuần.
Cử tri xếp hàng bỏ phiếu sớm tại điểm bầu cử ở Atlanta, bang Georgia, ngày 14/12/2020. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN
Đó là một lý do tại sao cả hai bên đều đã thuê luật sư để chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý. Năm 2020, Tòa án Tối cao Mỹ đã từ chối can thiệp vào một vụ án ở Pennsylvania liên quan đến việc kiểm tra các quy tắc xung quanh thời điểm vẫn có thể kiểm phiếu qua thư. Tuy nhiên, các khía cạnh khác của giao thức bầu cử hoặc tính toàn vẹn của lá phiếu vẫn có thể lại bị thách thức ở năm nay.
Ngay trong năm 2024, Pennsylvania đã dính đến căng thẳng chính trị. Vụ ám sát hụt đầu tiên nhằm vào ông Trump xảy ra tại thị trấn nhỏ Butler của bang này. Quyết định của bà Harris khi từ chối thống đốc nổi tiếng Josh Shapiro làm người liên danh tranh cử cũng làm dấy lên lo ngại và có thể dẫn đến sự hoài nghi đáng kể nếu bà thua Pennsylvania và chức tổng thống. Pennsylvania cũng là nơi diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên (và có khả năng là duy nhất) của cặp Trump - Harris.
Việc bà Harris hay ông Trump trở thành tổng thống sẽ phụ thuộc vào việc các "ngôi sao chính trị" của họ có tỏa sáng hay không. Dù thế nào đi nữa, những ngôi sao đó đều xoay quanh Pennsylvania, trung tâm của vũ trụ chính trị.
Bà Harris công bố thông tin sức khỏe để chứng minh 'khỏe hơn' ông Trump Bà Kamala Harris, Phó tổng thống Mỹ, ngày 12.10 công bố thư từ bác sĩ của bà tuyên bố rằng bà có sức khỏe tốt. Trong một văn bản do Nhà Trắng đưa ra, bác sĩ Joshua Simmons của Bà Harris cho hay cuộc khám sức khỏe gần đây nhất của bà Harris vào tháng 4 là "không có gì đáng chú ý",...