“Cuộc nổi loạn” của các CEO sau bình luận của Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/8 quyết định giải thể hai hội đồng cố vấn kinh tế cấp cao sau khi một số giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) rút khỏi các hội đồng này để phản đối bình luận của người đứng đầu Nhà Trắng về bạo loạn ở Virginia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Reuters cho biết, Tổng thống Trump hôm qua thông báo giải thể Hội đồng sản xuất Mỹ và Diễn đàn chính sách và chiến lược bao gồm thành viên là lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Mỹ.
“Thay vì gây sức ép cho các lãnh đạo doanh nghiệp thuộc Hội đồng cố vấn sản xuất và Diễn đàn chính sách và chiến lược, tôi quyết định giải thể cả hai”, ông Trump viết trên Twitter.
Quyết định trên được đưa ra sau khi CEO của tập đoàn 3M, Campbell Soup, Johnson & Johnson, và United Technologies tuyên bố rút khỏi hội đồng cố vấn. Trước đó, lãnh đạo của các tập đoàn gồm Under Armour, Merck, Intel cũng rút khỏi hội đồng này.
Khi CNN phỏng vấn khoảng 20 giám đốc điều hành thuộc hội đồng về việc họ muốn đi hay ở, một số người đã lên án sự thù địch và niềm tin mù quáng, một số khác không đưa ra bình luận.
Video đang HOT
Các lãnh đạo doanh nghiệp đang chịu sức ép để tránh vướng vào rắc rối sau khi dư luận dậy sóng bởi những bình luận của Tổng thống Trump liên quan đến vụ bạo loạn có thương vong ở thành phố Charlottesville, bang Virginia.
Sau cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc, chống lại những người theo đuổi chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ở Virginia cuối tuần trước, thay vì lên án những người cực đoan, Tổng thống Trump hôm 13/8 chỉ đưa ra bình luận chung chung cho rằng các bên phải chịu trách nhiệm. Bình luận này bị truyền thông và dư luận Mỹ chỉ trích là không rõ ràng của ông chủ Nhà Trắng. Bất chấp những nỗ lực “xử lý khủng hoảng” của Nhà Trắng, ông Trump hiện phải đối mặt với sức ép dư luận.
Ông Brian Krzanich, CEO của Intel, cho biết: “Tôi rút khỏi hội đồng để kêu gọi sự chú ý tới những tổn hại nghiêm trọng mà môi trường chính trị bị chia rẽ của chúng ta đang gây ra cho nhiều vấn đề rất quan trọng”.
Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, một thành viên của một trong hai hội đồng cố vấn trên, nói rằng ông rất không đồng tình với cách phản ứng của Tổng thống Trump với vụ việc ở Charlottesville. Ông Dimon nói rằng: “Phân biệt chủng tộc, bạo loạn tất cả đều không thể chấp nhận được”.
Hai hội đồng cố vấn kinh tế được ông Trump lập ra hồi đầu năm nay sau khi nhậm chức để cố vấn về vấn đề tăng trưởng trong ngành sản xuất, tăng trưởng việc làm nhằm thúc đẩy kinh tế.
Những phản ứng của ông Trump về vụ bạo loạn ở Charlottesville không chỉ vấp phải sự phản đối của những người trong đội ngũ cố vấn, trợ lý của ông mà còn từ các nghị sĩ và những người tiền nhiệm, trong đó có cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama.
Minh Phương
Tổng hợp
Theo Dantri
Trump tiếp tục lên án cả hai bên trong hỗn loạn ở Virginia
Tổng thống Mỹ khẳng định những người cực đoan cả cánh tả và hữu gây ra tình trạng bạo lực ở thành phố Charlottesville, bang Virginia.
Tổng thống Mỹ tiếp tục đổ lỗi cho các bên trong hỗn loạn ở Virginia. Ảnh: Metro.
Ông Donald Trump ngày 15/8 cho rằng những người phân biệt chủng tộc "chắc chắn phải bị lên án", nhưng những người phản đối "cũng có những thành phần gây sự", khi họ đến với mũ bảo hiểm và gậy bóng chày, theo Reuters.
"Họ dùng gậy để 'nói chuyện với nhau', thật là điều kinh khủng", Tổng thống nói, trả lời các phóng viên ở sảnh Tháp Trump tại New York về vụ bạo loạn hôm cuối tuần ở thành phố Charlottesville, bang Virginia.
Tổng thống Mỹ đã trở lại bình luận ban đầu, ngay sau khi vụ việc xảy ra, đổ lỗi "nhiều bên". Phát ngôn của ông Trump đã khiến đảng Dân chủ và một số thành viên đảng Cộng hoà chỉ trích mạnh mẽ vì không nêu đích danh những nhóm theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng và tư tưởng phân biệt chủng tộc là nguyên nhân chính khiến căng thẳng gia tăng.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ hôm 12/8 lên kế hoạch tổ chức tuần hành để phản đối việc chính quyền thành phố Charlottesville muốn tháo dỡ tượng tướng Robert E. Lee, người lãnh đạo Liên minh miền Nam, nhóm thất bại trong cuộc nội chiến Mỹ giai đoạn 1861-1865. Tuy nhiên, cuộc tuần hành bùng phát thành bạo lực khi những người ủng hộ và phản đối biểu tình xô xát với nhau. Vụ việc khiến một người chết và 19 người bị thương.
Sau tuyên bố của ông Trump, David Duke, cựu lãnh đạo Ku Klux Klan, một tổ chức ủng hộ thuyết người da trắng thượng đẳng, hoan nghênh trên Twitter, gửi lời cảm ơn tổng thống vì "sự trung thực và dũng cảm khi nói lên sự thật về tình hình ở Charlottesville và lên án những nhóm chống phân biệt chủng tộc".
Các thành viên đảng Dân chủ coi tuyên bố mới nhất của ông Trump là bằng chứng cho thấy ông coi hai phe trong hỗn loạn tương đương nhau về "mặt đạo đức".
"Bằng cách nói không đứng về bên nào, Donald Trump rõ ràng đang đứng về một bên. Khi David Duke và những người ủng hộ người da trắng thượng đẳng hoan nghênh, ông đã làm sai, rất sai", Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện, nói.
Khánh Lynh
Theo VNE
Hành trình rời bỏ Trump của các CEO Mỹ Phát ngôn gây tranh cãi của Trump về bạo lực ở Charlottesville thúc đẩy lãnh đạo các công ty hàng đầu Mỹ quyết định rời bỏ ông. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp với hội đồng cố vấn gồm các CEO. Ảnh: AP. Ngày 15/8, Indra Nooyi, giám đốc điều hành (CEO) PepsiCo, có một cuộc điện thoại quan trọng...