Cuộc đua khốc liệt và tốn kém
LTS: Trong mùa tuyển sinh năm 2020, để đủ điều kiện thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Ams), học sinh phải đạt kết quả kiểm tra định kỳ cuối năm là 10 điểm ở hầu hết các môn.
Trước yêu cầu này, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, một cựu học sinh Trường Ams khóa 1992-1995 đã cho rằng, cần xóa bỏ mô hình Trường Ams, đưa về thành trường công bình thường hoặc bán đấu giá cho tư nhân để biến Ams thành trường tư. Những ngày qua, quan điểm trên đã nhận được sự quan tâm, tạo nên cuộc tranh luận nảy lửa trong cộng đồng mạng cũng như trên nhiều tờ báo.
Để có được một suất vào lớp 10 trường chuyên ở Hà Nội, thí sinh không chỉ đối mặt với “tỷ lệ chọi” cao mà “chất lượng chọi” cũng rất cao. Do đó, hành trình của học sinh vào chuyên rất vất vả.
Tỷ lệ chọi ngất ngưởng
Sở GD-ĐT Hà Nội có 4 trường có lớp chuyên là THPT chuyên: Ams, Chu Văn An, Nguyễn Huệ, Sơn Tây. Trong đó, Trường THPT Chu Văn An được tuyển sinh toàn quốc. Năm nay, trường có số lượng thí sinh đăng ký đông nhất là Nguyễn Huệ với 2.606 em, tiếp đó là Chu Văn An với 2.406 em, Ams là 2.322 em, Tây Sơn 803 em. So với chỉ tiêu xét tuyển, tỷ lệ chọi cao nhất thuộc về Chu Văn An (1/6,9), Nguyễn Huệ (1/4,9), Ams (1/3,9), Sơn Tây (1/2,5).
Ngoài lựa chọn các trường chuyên của sở, học sinh Hà Nội còn có cơ hội học các trường THPT chuyên của các trường đại học, gồm: THPT chuyên Sư phạm (Đại học Sư phạm Hà Nội); THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Vào trường chuyên là mơ ước của rất nhiều học sinh, gia đình. Ảnh: QUANG PHÚC
Mức độ cạnh tranh vào các trường chuyên này đều… “kinh khủng”. Năm nay, Trường THPT chuyên Sư phạm nhận 4.860 hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10, trong khi chỉ tiêu là 305. Trong 7 lớp chuyên, lớp tiếng Anh có tỷ lệ chọi cao nhất: 1/29, tức 1 học sinh phải cạnh tranh với gần 30 bạn khác để giành 1 suất vào trường.
Trường THPT chuyên Ngoại ngữ cũng có tỷ lệ chọi rất cao: 3.962 hồ sơ đăng ký dự trong khi chỉ có 475 chỉ tiêu. Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên năm nay tuyển 450 học sinh, tỷ lệ chọi các năm đều khoảng 1/10. Đặc biệt, năm nay, ngay cả Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn lần đầu tiên tuyển sinh cũng nhận được hơn 800 hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 cho 100 chỉ tiêu.
Ở các tỉnh thành khác, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cũng chỉ tuyển 570 học sinh; Trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) tuyển sinh tối đa 455 học sinh cho 13 lớp chuyên. Các trường đều yêu cầu học sinh phải xếp loại tốt nghiệp THCS từ khá trở lên mới được thi tuyển. Tỷ lệ chọi của các trường chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa (TPHCM) xung quanh mức 1/1.
Để vượt qua được kỳ thi khốc liệt này, rất hiếm học sinh có đủ tự tin nếu chưa từng qua các lò luyện thi chuyên mà các em học từ đầu cấp. Để tham gia các lớp học luyện thi này, phụ huynh phải bỏ thời gian, công sức, tiền bạc rất nhiều. Do đó, câu chuyện chạy đua vào lớp 6 các trường nhóm đầu ở Hà Nội nói chung, Ams nói riêng đã nảy ra những tranh cãi về mô hình trường chuyên, trường chất lượng cao ở các cấp học hiện nay.
Nhiều ý kiến đã khẳng định, cách thức tuyển sinh bất bình đẳng như cách vào lớp 6 của Ams hiện nay nói riêng, hay sự khốc liệt của kỳ thi vào chuyên nói chung, chỉ tạo lợi thế cho con nhà có điều kiện, có tiền đi luyện thi, nói cách khác, trường chuyên chỉ là sân chơi của những đứa trẻ nhà giàu.
Video đang HOT
Tốn kém
Nhiều phụ huynh cho biết, để đỗ vào trường chuyên THPT, các em phải xác định học thêm và luyện thi cả 4 năm THCS, dồn lực trong năm lớp 9. Còn để đỗ lớp 6 chuyên thì học sinh phải chăm chỉ luyện thi ít nhất từ lớp 2.
4 năm THCS luyện thi Toán – Văn – Anh vào trường chuyên, tổng chi phí học thêm cho một học sinh ở Hà Nội có khi lên tới 300 – 400 triệu đồng, vì mỗi buổi luyện chuyên khoảng 2-3 giờ hiện có chi phí từ 150.000 – 400.000 đồng, tùy uy tín của giáo viên và tùy địa bàn. Cụ thể, nếu học ôn thi chuyên suốt 4 năm THCS, nếu khoảng 40 tuần/năm, 4 buổi/tuần thì tổng số là 640 buổi. Rẻ nhất 200.000 đồng/buổi sẽ tốn khoảng 130 triệu đồng; nếu 300.000 đồng/buổi sẽ là 200 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, nếu không luyện chuyên rất khó đỗ, nếu có chỉ là những trường hợp hy hữu, đặc biệt xuất sắc. Còn để đỗ chuyên phải học thêm, luyện thi chuyên rất nhiều, tốn kém. Theo chị Hà Hồng Thắm (Hà Nội), một giáo viên từng dạy Văn ở trường chuyên (hiện là giáo viên ở trung tâm luyện thi), có con học lớp 12 Trường THPT Chuyên ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), con gái chị sau một năm lớp 9 chiến đấu cật lực đã đỗ cả 3 trường chuyên nổi tiếng Hà Nội là Ams, chuyên Sư phạm, chuyên Ngoại ngữ.
“Từ cuối năm lớp 8, con tôi bắt đầu luyện chuyên. Văn đã có mẹ dạy, chỉ học thêm Toán, tiếng Anh nhưng tổng từ đầu đến thi xong cũng chi hết khoảng 150 triệu đồng tiền luyện thi. Tôi đơn thân, không giàu có, nhưng dồn lực cho con học thêm, tích lũy kiến thức và mơ ước đỗ chuyên đâu có gì sai?”, chị Hồng Thắm đặt vấn đề. Theo vị phụ huynh này, trường chuyên là tất yếu để đào tạo tinh hoa của đất nước. Vào trường chuyên là mơ ước của rất nhiều học sinh, gia đình.
Nhu cầu là thật, năng lực là thật, vấn đề còn lại là cách thức quản lý, con đường quản lý mà thôi. “Thế hệ trường chuyên 7x của tôi nay đã gần 50 tuổi, đã qua tất cả các cung bậc ái, ố, hỉ, nộ cuộc đời, nhưng chúng tôi đều rất yêu, tự hào về ngôi trường chuyên đã đào tạo, chắp cánh cho mình. Dù không thành công ở lĩnh vực nào đó thì học sinh chuyên đều trở thành những con người kiên cường và luôn cố gắng vươn lên với nền tảng đạo đức tốt”, chị Hồng Thắm tâm sự.
Tương tự, chị Nguyễn Minh Huệ, giáo viên Văn của Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết, dù biết con đi học Trường chuyên Phan Bội Châu ở TP Vinh xa nhà gần 80km sẽ vất vả, tốn kém hơn rất nhiều nếu con học ngay Trường THPT Hoàng Mai, nhưng gia đình vẫn quyết tâm cho con thuê trọ học trường chuyên.
“Chưa tính chi phí học thêm để thi đỗ Trường chuyên Phan Bội Châu, mà sau khi đỗ để học, chi phí cho 2 tháng học Trường chuyên Phan Bội Châu bằng cả 1 năm học ở trường gần nhà, con lại phải ở trọ học rất vất vả cho cả gia đình, nhưng tôi vẫn cho cháu học vì con học khá thì cần được học chung với các bạn có cùng trình độ.
Học chuyên, con cũng được học thầy cô giỏi với tư duy khác biệt, được tham gia nhiều câu lạc bộ rèn luyện kỹ năng mềm cho con mà trường thường khó có được”, chị Nguyễn Minh Huệ nói. Chị cũng cho rằng, không chỉ trường chuyên, mà ngay cả trường thường cũng đều có lớp chọn, đó là nơi tập hợp những học sinh có năng lực vượt trội. Đó là lý do mà dù cuộc đua này khốc liệt và tốn kém, nhiều học sinh, nhiều gia đình vẫn quyết tâm “chạy đua”.
Phụ huynh Nguyễn Quốc Vinh (6/62 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) có con chuẩn bị thi vào trường chuyên cũng cho rằng, cuộc chạy đua này quá mệt mỏi cho cả phụ huynh và học sinh. Nhưng vì biết trường chuyên được đầu tư nhiều, chất lượng đầu ra tốt nên phải cố. Chị Lê Hiền (có con học Trường THCS Trần Văn Ơn, TPHCM) năm nay đặt mục tiêu cho con thi vào chuyên Sinh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa cũng như Trường phổ thông Năng khiếu của Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, con chị đam mê môn Sinh và có năng lực môn này (năm học vừa qua cháu đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Sinh lớp 9 cấp thành phố). Theo chị Lê Hiền, con có năng lực, lại ham học hỏi, nên trường chuyên là ưu tiên hàng đầu. Đó cũng là môi trường con gặp được bạn giỏi, thầy giỏi để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao trong học tập cũng như thỏa mãn niềm đam mê môn Sinh.
Đề xuất bán trường chuyên: Hàng loạt cựu học sinh Amsterdam bày tỏ tâm tư
Nhiều cựu học sinh trường Amsterdam cho rằng việc bán trường chuyên cho tư nhân không tạo ra sự bình đẳng, thậm chí sẽ làm học phí tăng và biến chất trường chuyên.
Những ngày qua, quan điểm "nên giải thể hoặc tư nhân hóa trường chuyên, đặc biệt là trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam" của PGS-TS Nguyễn Đức Thành - một chuyên gia kinh tế - khiến dư luận tranh cãi nảy lửa.
Một số ý kiến đồng thuận, ủng hộ việc bán trường chuyên để đảm bảo sự công bằng trong giáo dục, tất cả học sinh đều được hưởng quyền lợi như nhau trong học tập.
Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và hệ thống trường chuyên trên cả nước góp phần không nhỏ bồi dưỡng nhân tài mang lại niềm tự hào cho đất nước, cho các địa phương. Và đặc biệt là không nên giải thể trường chuyên.
Xoá bỏ trường chuyên là cào bằng!
Chị Nguyễn Thu Hiền (cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam khoá 1991- 1994) cho rằng, ngoài việc tuyển sinh đầu vào gắt gao thì tỷ lệ học sinh tham gia các cuộc thi khoa học quốc tế rất nhỏ so với tổng số học sinh toàn trường.
" Phần lớn mục tiêu của các em là làm đẹp hồ sơ để có nhiều lựa chọn xét học bổng du học. Trước đây các trường chuyên đào tạo học sinh xuất sắc để cống hiến cho đất nước. Còn bây giờ, các trường chuyên có còn đúng nghĩa như vậy không? Hay chỉ là nơi "luyện gà nòi" để chọi nhau, lấy thành tích du học. Điều này có đang làm lãng phí ngân sách?", chị bày tỏ quan điểm.
Cả hai vợ chồng đều là học sinh trường chuyên Amsterdam những năm đầu thập kỷ 90, tuy nhiên chị Hiền thừa nhận không muốn con vào học tại ngôi trường này vì tiêu chuẩn tuyển sinh của trường hiện nay quá cao, gây áp lực về điểm số.
Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam.
Trái ngược với luồng ý kiến cho rằng nên xóa bỏ và bán trường chuyên cho tư nhân, không ít cựu học sinh mong muốn giữ lại ngôi trường được đánh giá nổi bật trong hệ thống giáo dục phổ thông ở thủ đô.
Anh Đỗ Hoàng Hà (cựu học sinh trường Amsterdam khoá 1999- 2001) thẳng thắn phản biện, người đưa ra đề xuất này đang cào bằng tất cả các trường chuyên cả nước.
" Cạnh tranh khốc liệt khi xét tuyển, ngân sách đầu tư rất lớn, chỉ có học sinh "giàu" và giỏi mới có cửa vào... liệu có đúng với tất cả trường chuyên các tỉnh và trường chuyên tổng hợp, sư phạm?
Trường Amsterdam chỉ là một, còn ít nhất 63 trường chuyên ở 63 tỉnh, thành phố nơi mà phần lớn là các em học sinh xuất thân từ gia đình không khá giả gì và vẫn vươn lên bằng chính sức học của bản thân. Dẹp bỏ trường chuyên là cướp đi cơ hội được học tập ở môi trường chất lượng cao hơn của những em vốn có năng lực xuất sắc hơn", anh phản bác đề xuất của TS Thành.
Đồng thời, vị này cho rằng việc bán trường chuyên Amsterdam cho tư nhân không hề tạo ra sự bình đẳng như đề xuất này đưa ra. Thậm chí tư nhân hoá sẽ làm học phí tăng cao và biến chất trường chuyên.
"Bình đẳng ở đâu khi trường đã bị tư nhân hóa, những học sinh có học lực tốt, đáng lẽ được thi công khai, có cơ hội để được vào trường chuyên, được đào tạo lên sẽ phải ngậm ngùi từ bỏ vì không đủ học phí? Nếu nói rằng cấp học bổng cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thì chi bao nhiêu cho đủ?"
Theo anh Hà, hiện nay trên thế giới vẫn tồn tại và duy trì hệ thống các trường chuyên, trong đó có cả các quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới như: Mỹ, Canada, Australia, Anh, Singapore... nên xóa bỏ trường chuyên là bất cập và không tiệm cận với quốc tế.
Phá bỏ cái nôi đào tạo người tài?
Bên cạnh áp lực trong việc chạy đua về điểm số, một số lập luận cho rằng các trường chuyên được đầu tư quá nhiều, vô tình trở thành trường học của con nhà giàu.
Phản bác lại quan điểm, anh Lê Ngọc Phương (cựu học sinh trường Amsterdam khoá 2005-2008) cho rằng, mục tiêu của trường chuyên là để đào tạo "người tài" cho mỗi địa phương, cho đất nước. Cho tới ngày hôm nay, trường chuyên Amsterdam và chuyên trong cả nước đang làm rất tốt nhiệm vụ đó.
Ngoài kiến thức, trường chuyên là môi trường cạnh tranh công bằng từ học lực đến cơ hội thành tài. Những lứa học sinh chúng tôi đều đã thành công từ trong nước đến quốc tế. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho việc chú trọng bồi dưỡng đào tạo từ gốc, trái ngọt thành công càng đậm đà, anh Phương nói.
Từ những thành quả đó, các trường chuyên được địa phương ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý và giáo viên là điều dễ thấy, dễ hiểu.
Thử hỏi, "nếu môi trường học không có sự cạnh tranh, không có ganh đua thì học sinh lấy đâu ra động lực để cố gắng và thi đua học tốt. Nếu vì lý do ngân sách thì nên xem xét điều chỉnh phương thức huy động các nguồn lực của xã hội cho việc đổi mới phương thức đào tạo của các trường chuyên, không nên quá cực đoan xoá bỏ", vị này cho hay.
Từ lâu, mô hình trường chuyên được coi là chuẩn mực, đầu tàu tạo ra những thế hệ học sinh "học tập tốt, rèn luyện tốt, ý thức tốt". Chính vì lí do đó, khiến phụ huynh đã không tiếc tiền chạy đua cho con trẻ 1 suất vào môi trường học tập tốt toàn diện. Các trường chuyên vẫn luôn là niềm tự hào, là đặc sản giáo dục của mỗi địa phương.
Học sinh khối THPT. (Ảnh minh hoạ)
Anh Hoàng Công Minh, (cựu học sinh trường chuyên Hà Nội- Amsterdam khoá 2009-2012) cho rằng, đây không phải lần đầu tiên dư luận tranh cãi việc nên xoá bỏ hay thay đổi mô hình trường chuyên lớp chọn.
Là một cựu học sinh trường chuyên, Công Minh chưa bao giờ hối hận vì đã vào trường chuyên Hà Nội- Amsterdam để học. Cậu cho rằng, trường không chỉ dạy những lứa học sinh học sinh kiến thức mà dạy mình rất nhiều kiến thức về hoạt động xã hội.
"Tôi không tán thành việc bỏ trường chuyên nói chung và Amsterdam nói riêng. Bởi vì trường chuyên đang mở ra cơ hội học tập chất lượng cao, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về một môn học, chuyên môn để phát huy thế mạnh của họ. Mô hình trường chuyên được coi như tinh hoa, là cái nôi của khác biệt và thành công", vị này nói.
Đa số cựu học sinh đều cho rằng, trường chuyên khác trường thường ở chỗ chia ra thành nhiều lớp với môn chuyên khác nhau, những học sinh có thế mạnh về môn học nào sẽ xếp chung lớp để được đào tạo sâu hơn, đó cũng là điểm lợi trong bồi dưỡng và định hướng tương lai mà họ được hưởng.
Tuyển sinh lớp 10 chuyên tại Hà Nội: Tỷ lệ "chọi cao", cạnh tranh gắt gao giữa những học sinh giỏi Kỳ thi vào lớp 10 THPT chuyên tại Hà Nội sắp tới được dự báo là căng thẳng bởi ngoài tỷ lệ "chọi" cao, thí sinh cũng phải cạnh tranh gắt gao giữa những học sinh giỏi. Tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên tại Hà Nội luôn căng thẳng trong những năm qua. Ảnh minh họa: Q.Anh Trường chuyên có tỷ lệ "chọi"...