Cuộc đời ly kỳ của một điệp viên Triều Tiên
Một cựu điệp viên Triều Tiên vừa xuất bản cuốn hồi ký về cuộc đời đầy ly kỳ phục vụ trong cơ quan tình báo Triều Tiên của mình.
Trong cuốn hồi ký mới được xuất bản gần đây, cựu điệp viên Triều Tiên Kim Dong-Sik đã cung cấp những thông tin vô cùng thú vị hé lộ cho ta biết những bí mật “thâm cung bí sử” trong cơ quan gián điệp của Triều Tiên.
Ông Kim cho hay bên cạnh các khóa học chế tạo bom, chương trình huấn luyện điệp viên chuyên sâu ở Triều Tiên còn yêu cầu học viên phải ghi nhớ hàng trăm bài hát và vũ điệu nhạc pop của Hàn Quốc.
Cựu điệp viên Triều Tiên Kim Dong-Sik
Những chương trình huấn luyện trang bị cho các điệp viên tương lai các kỹ năng cần thiết để có thể hòa nhập vào xã hội Hàn Quốc này được cho là tối quan trọng để tránh cho các điệp viên bị nghi ngờ.
Năm nay 51 tuổi, điệp viên Kim bị cơ quan phản gián Hàn Quốc phát hiện và bắt giữ vào năm 1995, và sau nhiều năm bị thẩm vấn, ông đồng ý gia nhập cộng đồng tình báo Hàn Quốc với tư cách là một chuyên gia phân tích.
Trong cuốn hồi ký của mình, ông Kim nhớ lại thời điểm được cơ quan tình báo Triều Tiên lựa chọn khi ông mới 17 tuổi, và sau đó vào học học viện quân sự chính trị Kumsong ở Bình Nhưỡng, cái lò đào tạo các điệp viên chuyên thực hiện các chiến dịch ngầm ở Hàn Quốc.
Ông là một trong số 200 học sinh được lựa chọn mỗi năm sau một cuộc tìm kiếm trên toàn quốc, trong đó tiêu chuẩn để được tuyển chọn là ngoại hình, hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn và hơn hết thảy là lòng trung thành tuyệt đối đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Các học viên xuất sắc này không được phép rời khỏi trường hay liên lạc với bất cứ ai bên ngoài bốn bức tường, thậm chí với cả gia đình.
Trường hợp ngoại lệ duy nhất là những tấm thiệp chúc mừng năm mới mà họ được phép gửi về nhà nhưng không được đề địa chỉ phản hồi.
Hàng ngày, họ phải trải qua các khóa huấn luyện chuyên sâu về nhiều kỹ năng, từ võ thuật, vũ khí, chế tạo bom cho tới trèo tường, địa chất, mã Morse và định vị hàng hải, bên cạnh các môn học bắt buộc về tư tưởng.
Điệp viên Triều Tiên phải trải qua chương trình huấn luyện rất khắc nghiệt (Ảnh minh họa)
Trong một cuộc phỏng vấn với AFP ở Seoul, ông Kim nói rằng các chuyên gia huấn luyện liên tục nhồi vào đầu họ lý tưởng rằng họ phải luôn sẵn sàng hy sinh thân mình vì nhiệm vụ.
Video đang HOT
Nếu bị đối phương bắt được, họ phải ngay lập tức nuốt những viên thuốc độc cyanua còn hơn là để bị bắt sống hoặc bị thẩm vấn.
Ông Kim thổ lộ: “Suy nghĩ về cái chết luôn đè nặng trên vai chúng tôi…, nó là một gánh nặng quá lớn đối với những thanh niên mới 20 tuổi đầu.”
Hàng chục người đã bị đào thải qua các chương trình huấn luyện căng thẳng, tuy nhiên Kim vẫn trụ vững với hy vọng rằng mình sẽ được thăng tiến nhanh chóng trong đảng Lao động Triều Tiên.
Sau khi các học viên tốt nghiệp, cơ quan tình báo Triều Tiên lại chú trọng vào việc huấn luyện cho họ cách hòa mình vào người dân địa phương.
Những người Triều Tiên bị bắt cóc và quay trở lại được Triều Tiên trở thành các huấn luyện viên hướng dẫn họ cách phát âm sao cho đúng giọng và hiểu được văn hóa chính trị, xã hội ở đất nước Hàn Quốc tư bản.
Quá trình “địch hóa” này đưa lại cho các học viên những cảm nhận thực tế đầu tiên về thế giới bên ngoài đất nước Triều Tiên bị cô lập, khi hàng ngày họ được tiếp thu các chương trình truyền hình, phim ảnh, báo chí và sách vở của Hàn Quốc.
Họ cũng phải ghi nhớ các bài hát và vũ điệu phổ biến, cùng với tên tuổi và sự nghiệp của những ngôi sao truyền hình và các nhân vật thể thao nổi tiếng.
Tài liệu huấn luyện cho các học viên thấy rằng cuộc sống ở Hàn Quốc rất khác so với hình ảnh mà bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên vẽ ra rằng Hàn Quốc là “con rối nghèo đói dưới ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc Mỹ”.
Tuy nhiên ông Kim cho hay ông và các học viên khác chẳng thấy điều gì là không đúng cả. Ông kể: “Chúng tôi trung thành với chế độ đến mức chẳng lay động gì vì những điều như vậy. Chúng tôi được dạy rằng chỉ có những kẻ tư bản giàu có mới có thể hưởng thụ những điều tốt đẹp ở Hàn Quốc, và chúng tôi không bao giờ nghi ngờ điều đó.”
Sau gần 10 năm huấn luyện, cuối cùng Kim cũng được giao thực hiện nhiệm vụ đầu tiên và được cử đi Triều Tiên vào năm 1990 để tuyển mộ một số nhà hoạt động cánh tả cũng như tìm cách đưa điệp viên lão luyện Ri Son-Sil đang điều hành một mạng lưới tình báo rộng lớn ở Hàn Quốc trở về Triều Tiên.
Hai năm sau, tên của bà Ri trở thành một đề tài nóng trên các tờ báo Hàn Quốc sau khi hàng chục nhà hoạt động cánh tả bị bắt và bị cáo buộc hợp tác với điệp viên này để làm gián điệp cho Triều Tiên trong những năm 1980.
Ông Kim cho biết: “Các nhà hoạt động này là các mục tiêu quan trọng vì họ có thể cung cấp những thông tin vô giá và giúp định hướng dư luận có lợi cho Triều Tiên nếu họ luồn được vào trong chính giới.”
Nhiệm vụ của ông thành công và ông được tặng huân chương “Anh hùng Cộng hòa” đầy danh giá khi trở về Triều Tiên.
Năm 1995, ông được đưa trở lại Hàn Quốc trong một đội gồm 2 người để tìm mọi cách, kể cả dùng vũ lực nếu cần thiết, đưa một điệp viên trong vỏ bọc một nhà sư trở về Triều Tiên vì ông này bị nghi ngờ làm điệp viên hai mang cho cơ quan tình báo Hàn Quốc.
Thế nhưng nhiệm vụ lần này thất bại và cả hai bị lực lượng an ninh Hàn Quốc truy đuổi. Sau một trận đấu súng quyết liệt, người đồng đội của Kim bị bắn hạ, còn ông này bị thương và bị bắt.
Ông Kim không chịu tiết lộ bất cứ thông tin nào về 4 năm ông bị cơ quan tình báo quân sự Hàn Quốc giam giữ, chỉ nói rằng đó là quãng thời gian “rất khó khăn”.
Cuối cùng, ông thoát án tù sau khi chấp nhận trở thành một chuyên gia phân tích tình báo cho Hàn Quốc và chịu từ bỏ lòng trung thành với Triều Tiên.
Ông nhận định: “Có lẽ họ nghĩ rằng với tất cả những kinh nghiệm và thông tin mà tôi đang nắm giữ, tôi sẽ có giá trị với tư cách là một chuyên gia phân tích tình báo hơn bất cứ cương vị nào khác.”
Tuy nhiên cơ quan tình báo Triều Tiên không dễ dàng tha thứ cho ông Kim như vậy. Sau này ông Kim biết được rằng bố mẹ ông ở Triều Tiên đã bị “trừng phạt” sau khi ông bị bắt, điều đó đồng nghĩa với việc họ đã bị đưa đi trại cải tạo hoặc bị hành quyết.
Ông nói: “Trong con mắt của giới chức Triều Tiên, tôi đã gặp phải thất bại kép – vừa thất bại trong nhiệm vụ vừa không thành công trong việc tự sát khi bị bắt.”
Ông đã bắt đầu một cuộc sống mới ở Hàn Quốc, cưới vợ và có 2 đứa con trai, theo học và bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ với chủ đề về chiến lược gián điệp của Triều Tiên.
“Cuộc đời tôi một thời đã đầy những bi kịch…, có quá nhiều ngày cái chết cứ liên tục treo lơ lửng trên đầu. Nhưng tôi đã học được cách sống một cuộc đời bình thường và thầm lặng. Tôi ước gì mình sẽ được già đi và chết theo cách đó.”
Ông Kim cho biết ông viết cuốn hồi ký này cho các con của mình, để “một ngày nào đó chúng sẽ hiểu được quá khứ của tôi. Tôi muốn trút cái gì đó đang trĩu nặng trên ngực… và ghi lại những mảnh ghép lịch sử mà người ta chưa hề biết tới.”
Theo Khampha
Điệp viên Triều Tiên tỏa sáng màn ảnh Hàn Quốc
Đẹp trai, thông minh, dũng cảm và có khả năng chiến đấu siêu hạng, các điệp viên Triều Tiên đang trở thành những người hùng mới trong điện ảnh Hàn Quốc.
Diễn viên Kim Soo-Hyun trong bộ phim về các điệp viên Triều Tiên. Ảnh: AFP
Ở Hàn Quốc, các đạo diễn đang có xu hướng miêu tả các điệp viên Triều Tiên như những người hùng hành động, đầy tình yêu thương đồng loại. Các bộ phim với nội dung như vậy hiện được giới trẻ Hàn Quốc, những người chưa từng phải trải qua cuộc chiến tranh Triều Tiên hồi những năm 50 hưởng ứng và đón nhận.
Mặc dù chiến tranh đã kết thúc được 6 thập kỷ, nhưng cả hai quốc gia vẫn đang bị đặt trong tình trạng chiến tranh kéo dài từ năm 1953. Căng thẳng giữa hai miền cũng không ít lần bị đẩy lên cao trào sau những vụ đụng độ đẫm máu hoặc đe dọa tấn công hạt nhân, trong khi cả Bình Nhưỡng và Seoul đều được cho là không ngừng gửi điệp viên làm nhiệm vụ theo dõi hoặc thăm dò các hoạt động bí mật của đối phương.
Nhưng đó là chuyện của các chính trị gia và quan chức quân đội. Còn với các nhà làm phim Hàn Quốc, Triều Tiên mang tới cho họ "một niềm cảm hứng hoàn hảo", bằng việc kết hợp giữa trí tưởng tượng và thực tế về một nước láng giềng đã nhiều lần đe dọa sẽ đẩy Seoul vào "biển lửa".
"Triều Tiên vẫn là một quốc gia bí ẩn và ít được biết tới, nơi có đủ không gian cho người ta tưởng tượng", nhà phê bình điện ảnh Kim Sun-Yub nói. Một bộ phim hành động pha tình cảm công chiếu đầu tháng 6 vừa qua thu hút 6,9 triệu lượt người xem, là bộ phim đắt khách thứ ba của Hàn Quốc trong năm nay.
Phim ăn khách trên là câu chuyện về một điệp viên siêu hạng của Bình Nhưỡng, được gửi tới một khu ổ chuột ở Seoul với nhiệm vụ ám sát sát các nhân vật cao cấp của đối phương. Tại đây, anh ta được yêu cầu đóng vai một kẻ ngốc để không gây chú ý cho những người hàng xóm. Chàng điệp viên trẻ đã nhanh chóng sống trong tình yêu mến của những người láng giềng, rồi sau đó tình thế gay cấn nổ ra.
Một bộ phim khác nói về giới điệp viên Triều Tiên cũng đang xếp thứ hai trong danh sách những tác phẩm điện ảnh được nhiều người xem nhất trong năm. Bộ phim kể về cuộc đời của một điệp viên Triều Tiên tìm đường đào tẩu sang Hàn Quốc cùng vợ, một phiên dịch viên của đại sứ quán.
Cả hai tác phẩm nói trên đều được xây dựng dựa trên trí tưởng tượng của đạo diễn và biên kịch, kết hợp với những sự kiện có thật, như vụ đụng độ trên biển hồi năm 2001.
Những anh chàng điệp viên Triều Tiên đẹp trai đang trở thành một xu hướng trong giới điện ảnh Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Những điệp viên nhân ái
Chính sách Ánh dương, với mục tiêu hòa giải hai miền Hàn - Triều, do các cựu tổng thống Kim Dae-Jung, Roh Moo-Hyun sáng lập và thực hiện từ cuối thập niên 80, đã góp phần khuyến khích giới điện ảnh Hàn Quốc xây dựng hình ảnh những điệp viên Triều Tiên giàu lòng nhân ái.
Đạo diễn Jang Cheol-Soo cho biết, rất nhiều diễn viên trẻ Hàn Quốc đang cạnh tranh khốc liệt để giành các vai diễn điệp viên Triều Tiên, họ không còn lo ngại rằng một vai diễn như thế ảnh hưởng tới hình ảnh của họ.
Từ năm 2010, có 5 bộ phim nói về các điệp viên cấp cao của Triều Tiên đã được công chiếu, trong khi ba phim khác, bao gồm một phim của đạo diễn nổi tiếng Kim Ki-Duk, người từng giành giải tại liên hoan phim Venice hồi năm ngoái, đang trong quá trình sản xuất.
Xu hướng này đánh dấu một sự thay đổi lớn so với quá khứ, khi mà việc đưa hình ảnh của các nhân vật Triều Tiên lên truyền hình là một hành động không thể chấp nhận và thậm chí còn vi phạm Luật An ninh Quốc gia. Đạo diễn nổi tiếng Lee Man-Hee thậm chí còn từng bị bỏ tù và ra tòa vào năm 1965 vì đã miêu tả các binh sĩ Triều Tiên như "những con người đầy lòng nhân ái" trong một bộ phim do ông thực hiện. Nay những quy định có được nới lỏng và "thoáng" hơn, nhưng các đạo diễn vẫn phải ghi nhớ một số nguyên tắc về nội dung.
Đời không như phim
Vai chính trong bộ phim "Secretly, Greatly" được giao cho một trong những nam diễn viên trẻ, triển vọng và nổi tiếng nhất Hàn Quốc, Kim Soo-Hyun. Vẻ đẹp của chàng trai này khiến rất nhiều người hâm mộ, chủ yếu là các cô gái trẻ, la hét và vỗ tay ầm ĩ khi hình ảnh của anh xuất hiện.
"Anh ấy trông rất tuyệt trong bộ quân phục Triều Tiên. Anh ấy là chàng điệp viên Triều Tiên nóng bỏng nhất từ trước tới nay!", một người hâm mộ hết lòng khen ngợi Kim Soo-Hyun.
Tuy nhiên, theo một số nhà phê bình điện ảnh, việc các nhà làm phim quá đề cao giới mật vụ Triều Tiên trong thời gian gần đây đang gây ra một hiệu ứng không tốt. Đáp lại, đạo diễn Jang cho rằng, các khán giả trẻ ngày nay thừa thông minh để phân biệt các nhân vật trong phim với những điệp viên ngoài đời thực.
Theo VNE
Gia đình gián điệp nước Mỹ Kỳ 8 Laura Walker, con gái của John. Cuộc bám đuôi đầy cam go của các đặc vụ FBI để bắt quả tang John bán tài liệu. Cuộc bám đuôi đầy cam go FBI theo dõi điện thoại của John trong ba tuần dài mà không nghe được bất cứ điều gì có giá trị cho tới ngày 18/4, John nhận được điện thoại của...