Cuộc đời gắn liền với thăng trầm của ngành giáo dục
“Mặc dù đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, nhưng nhìn tổng thể thì người dân hiện nay vẫn chưa thực sự hài lòng với nền giáo dục nước nhà” – đó là nhận xét của GS-TSKH Phạm Minh Hạc (ảnh), người mà cả cuộc đời đã cống hiến và góp phần (nhỏ thôi, như lời ông nói) tạo nên nền giáo dục hiện nay.
Dòng sự kiện Trọn đời theo Đảng
Vẫn say sưa như còn đương chức
Chị giúp việc mở của mời chúng tôi vào phòng khách. “Các anh chị ngồi chờ chút, tôi đi mời Giáo sư xuống. Giáo sư đang làm việc”- chị thoăn thoắt leo lên lầu 2. Chừng 2 phút sau Giáo sư Phạm Minh Hạc từ lầu 2 xuống. Dáng đi ông hơi khập khiễng, nhưng nhanh nhẹn. Ông nắm tay chúng tôi. Bàn tay chắc nịch. Ông tươi cười: “Mình đang chuẩn bị bài tham luận cho Hội thảo nhân dịp 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 5 tới với tiêu đề “Triết lý Hồ Chí Minh về giáo dục và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam”.
Ông rót nước mời chúng tôi. Nếu nhìn cái cách ông tráng ấm chén, cho trà vào, nâng phích rót nước vào ấm không ai nghĩ ông đã ở vào cái tuổi 80. Nghe chúng tôi nói ông khỏe và nhanh nhẹn hơn nhiều so với tuổi 80, ông bảo chế độ sinh hoạt của ông vẫn được duy trì như khi còn trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục mấy chục năm về trước, tuy có điều thời gian dành cho nghiên cứu và viết lách thì giảm xuống còn một phần tư.
Video đang HOT
“Vẫn cứ là 5 giờ sáng dậy tập thể dục. Trước đây là chạy, cầu lông, bóng bàn. Nay thì ngồi thiền. 8 giờ mình ngồi vào bàn làm việc cho đến 10 giờ thì nghỉ ngơi. 14 giờ chiều lại làm việc cho đến 16 giờ. Sau đó đi bộ, giao lưu, hàn huyên với bạn bè trong khu tập thể. 22h đi nghỉ” – GS liệt kê. Cô bạn đồng nghiệp đi cùng nói: “Sức làm việc của Giáo sư vẫn còn rất đáng nể”. Giáo sư Hạc cười rất tươi: “Nhằm nhò gì. Trước đây, từ lúc còn làm thứ trưởng đến khi nghỉ hưu tôi làm việc mỗi ngày 15 tiếng là bình thường”.
Rồi ông trở lại bài tham luận đang viết: “Trước đây tôi có viết cuốn sách “Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam” NXB Giáo dục in năm 2011. NXB Chính trị quốc gia tái bản năm 2013. Hôm gặp anh Luận (Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ GDĐT – NV), anh ấy bảo: “Muốn đặt anh một bài tham luận về triết lý Hồ Chí Minh trong giáo dục đào tạo cho hội thảo nhân Ngày Sinh nhật Bác vào tháng 5 năm 2015. Chắc anh Luận có đọc cuốn sách này của tôi. Tôi bảo: “OK, nếu anh đặt thì tôi viết!”.
Một thời đáng nhớ
Câu chuyện của chúng tôi với Giáo sư Phạm Minh Hạc cuối cùng cũng quay trở lại với những vấn đề thời sự của giáo dục. Từ chuyện dạy thêm, học thêm, trường chuyên, lớp chọn đến chuyện xét tuyển, thi cử, rồi chuyện trào lưu du học. Trong câu chuyện có lúc ông hào hứng, say sưa, có lúc ông trầm ngâm tư lự.
Ông bảo: “Mục tiêu cao nhất của giáo dục là phát triển con người. Nhiệm vụ của nhà trường là dạy chữ, dạy người. Tuy nhiên đến nay, sau mấy chục năm đổi mới rồi mà chúng ta chỉ mới chú trọng đến dạy chữ thôi, vẫn thiếu về dạy nghề, dạy người”. Ông trăn trở nhiều về những câu chuyện hôm nay của nền giáo dục nước nhà là điều không có gì lạ. Gần như cả cuộc đời ông gắn liền với sự thăng trầm của ngành giáo dục và ông đã góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo của nền giáo dục này.
Giáo sư Phạm Minh Hạc từng học Đại học Văn khoa Hà Nội (1954-1955), tốt nghiệp Đại học Tâm lý học (1962); tiến sĩ tâm lý học (1971), tiến sĩ khoa học tâm lý học (1977) tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, Mátxcơva; được phong Giáo sư chuyên ngành tâm lý học (1984), phong Viện sĩ Hàn lâm khoa học chính trị Nga (1999). Ông từng giữ các chức vụ: Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ GDĐT; rồi Phó ban thứ nhất Ban Khoa giáo Trung ương.
Ông từng là Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Uỷ viên thường trực Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Khoa học Hội đồng Nghiên cứu giá trị thế giới. Đồng thời ông còn là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VI, VII, VIII (1986 – 2001).
Ông là tác giả, đồng tác giả và chủ biên hơn 60 cuốn sách về: Tâm lý học thần kinh, tâm lý học nhân cách, tâm lý học đại cương, tâm lý học nhân học; giáo dục học: Đường lối, chính sách, chiến lược giáo dục; nghiên cứu con người, văn hóa và nguồn nhân lực. Ông là người phụ trách biên soạn Nghị quyết Trung ương 2 về giáo dục năm 1996.
Mặc dù kinh qua nhiều, rất nhiều cương vị công tác như vậy, nhưng ông vẫn cho rằng thời ông làm Bộ trưởng vẫn là thời kỳ sôi nổi và đáng nhớ nhất. “Tháng 2 năm 1987, tức là ngay sau Đại hội đổi mới (tháng 12.1986) tôi được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Có thể nói đây là thời kỳ khó khăn nhất của nền giáo dục nước nhà. Đất nước chạm đáy khủng hoảng, đổi tiền, lạm phát trên 800%. Đời sống giáo viên vô cùng khó khăn. Nhiều người bỏ dạy, con trẻ bỏ học. Nhiệm vụ cấp bách nhất của chúng tôi lúc này là giữ cho các trường đừng tan vỡ” – Giáo sư Phạm Minh Hạc nhớ lại.
Tháng 7.1987 Bộ trưởng Phạm Minh Hạc triệu tập Hội nghị giáo dục toàn quốc tại Vũng Tàu gồm 81 đại biểu. Hội nghị đã thống nhất: Phải chấm dứt việc thầy bỏ dạy, trò bỏ học. Khôi phục trường lớp. Khôi phục đến đâu, giữ vững đến đấy. Sau đấy mới là phát triển. Và cũng tại hội nghị này đã ra lời kêu gọi cả hệ thống chính trị, chính quyền và nhân dân tham gia vào công cuộc giáo dục mà sau này gọi là “ xã hội hóa giáo dục”. Nền giáo dục kiệt quệ vì khó khăn được hồi phục và phát triển dần từng bước.
“Một trong những mục tiêu mà tôi chọn ưu tiên đó là mang con chữ đến cho người nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa. Tôi yêu cầu cán bộ lãnh đạo bộ, kể cả Bộ trưởng phải đi thực tế các địa phương ít nhất một năm 3 lần, phải trực tiếp kiểm tra, thậm chí là tham gia đứng lớp”- Giáo sư Hạc nhớ lại.
Tôi nhớ có lần báo chí từng viết, trong một chuyến đi kiểm tra ở huyện U Minh, sau hơn một giờ đồng hồ đi từ huyện xuống một lớp học ở rừng U Minh kiểm tra thì thấy chỉ có trò mà không có thầy. Hỏi ra mới biết thày bỏ lớp đi nhậu. Bộ trưởng Hạc hôm đó đã làm thầy đứng lớp. Hết giờ, đám trò cứ níu lấy ông như không hề muốn chia tay. Nghe tôi thuật lại câu chuyện này, ông trầm ngâm một hồi, nhè nhẹ đưa ly trà lên miệng nhấp một ngụm: “Một thời đáng nhớ”.
Học chỉ để thi đại học là một thảm họa
Giáo sư Hạc cho rằng, cái suy nghĩ học chỉ để đi thi đỗ đạt ra “làm quan” đã ăn sâu vào máu của nhiều người Việt Nam qua nhiều thế hệ. “Cái tư tưởng “hư văn, khoa cử, quan trường” có từ hàng chục thế kỷ nay tiếp tục tác động lên đời sống xã hội nước ta. Nuôi con học đến lớp 12 thì đại bộ phận đều cho, thậm chí là bắt con thi vào đại học, vào trường nào cũng được, dù không biết học ra để làm gì. Học để đi thi, chỉ lấy đi thi vào đại học là con đường gần như là duy nhất đối với thanh niên nước nhà. Đó là một thảm họa. Lãng phí tiền, thời gian, công sức của cả gia đình và xã hội”- Giáo sư Phạm Minh Hạc nói.
Nhấp một ngụm trà Giáo sư Hạc thở dài: “Thế mới có chuyện thừa thầy, thiếu thợ. Thế mới có chuyện thạc sĩ y khoa ra mở cửa hàng gỗ”. Rồi ông bảo, để khắc phục chuyện “thừa thầy thiếu thợ” ta phải triệt để thực hiện phân luồng. “Ở các nước người ta tổ chức phân luồng rành mạch. Ở Đức, sau lớp 5 người ta đã phân luồng: Đi học để ra nghề hay đi vào một trường trung học để lên đại học. Ở Pháp, học sinh học đến lớp 7 thì học thêm một năm. Năm học đó được gọi là năm “hướng học và hướng nghiệp”. Tức là vẫn học chương trình bình thường nhưng tính hướng nghiệp rất rõ ràng. Ở Anh, sau lớp 10 thì được phân luồng. Em nào tiếp tục lên học lớp 11, 12 gọi là A (phân ban hẹp để vào các trường đại học tương ứng). Ở Trung Quốc là 50:50. Tức là 50% học hết THCS thì đi học nghề, còn 50% học tiếp để vào đại học.
Ở Việt Nam chúng ta thì làm chẳng giống ai. Tuy có chủ trương phân ban, nhưng phân theo khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội. Do quá ít người vào học khoa học xã hội nên người ta “đẻ” ra một ban chung. Chẳng giống ai là vậy, nhưng rồi cuối cùng trên thực tế chương trình phân ban cũng đã bị hủy bỏ” – Giáo sư Hạc nói.
Trong câu chuyện dài hôm ấy tôi có hỏi Giáo sư Hạc rằng, ông từng là một trong những “Kiến trúc sư” của nền giáo dục nước nhà: Từng là Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, rồi Bộ trưởng, rồi trở thành người cầm “đèn xanh – đèn đỏ” cho ngành giáo dục (Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Khoa giáo Trung ương – NV) chẳng nhẽ không lái nổi “con thuyền giáo dục Việt Nam” đi đúng hướng? “Cha đẻ” của Nghị quyết Trung ương 2 về giáo dục trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Từ năm 1996, tại Hội nghị Trung ương 2, khóa VIII đã đặt ra vấn đề phân luồng và được cụ thể hóa ngay trong Nghị quyết Trung ương 2. Nhưng từ đó đến nay không ai thực hiện”.
Cuối câu chuyện, Giáo sư Hạc khoe với chúng tôi rằng cháu nội ông học giỏi, được học bổng và du học tại New Zealand. “New Zealand có nền giáo dục rất tốt” – ông tươi cười bắt tay chúng tôi và khép cánh cổng ra vào.
Theo laodong.com.vn