Cuộc chiến giữa chính phủ và các công ty công nghệ Mỹ
Việc Apple căng thẳng với FBI đã nêu ra một vấn đề: Việc đảm bảo thông tin khách hàng đã làm nên giá trị thương hiệu của các công ty công nghệ Mỹ nên không thể tự “hack” một thiết bị mình sản xuất theo ý muốn của chính phủ.
Mới đây, Tòa án Liên bang Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu Apple trợ giúp FBI trong việc mở khóa iPhone của một kẻ khủng bố đã giết liên hoàn 14 người tại California hồi cuối năm ngoái. Về phía mình, Apple tuyên bố hãng sẽ kháng cáo vì cho rằng quyết định của tòa đã đe dọa an toàn thông tin của khách hàng.
Sẽ cần ít nhất vài tháng nữa vụ việc mới ngã ngũ và phần thắng nghiêng về bên nào, nhưng một thực tế đã hiện rõ ở thời điểm này: Chính phủ và các công ty công nghệ Mỹ đang bước vào một cuộc chiến cân não ngày càng khốc liệt.
Ngày 16/2, Tim Cook, CEO Apple, viết “tâm thư” gửi khách hàng rằng chính phủ Mỹ đã yêu cầu hãng làm một việc “nguy hiểm, có thể đe dọa đến bảo mật khách hàng” nên họ đã từ chối.
Lý giải cho động thái đối đầu với các cơ quan lập pháp của Apple, The New York Times nhận định, công việc kinh doanh của những đại gia công nghệ như Apple, Google và Facebook phụ thuộc rất nhiều vào một lượng thông tin cá nhân khổng lồ mà họ có từ khách hàng. Nếu Apple đồng ý với yêu cầu mở khóa iPhone từ chính phủ Mỹ, trong tương lai, hãng sẽ phải hành động tương tự khi nhận được yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc, Iran hay bất cứ quốc gia nào khác. Và nếu Apple buộc phải viết code để mở khóa chiếc iPhone 5C của kẻ khủng bố, không điều gì có thể đảm bảo rằng kẻ xấu sẽ không lợi dụng điều này vào những mục đích phi pháp.
Các chuyên gia luật đánh giá, trong cuộc đối đầu giữa chính phủ Mỹ và các công ty công nghệ, tình thế đã thay đổi hoàn toàn. Ở những năm 1990 khi chính phủ Mỹ khởi xướng những vụ kiện xung quanh công nghệ mã hóa, khi đó chỉ có vài doanh nghiệp công nghệ tham gia vào lĩnh vực này. Nhưng giờ đây FBI nói riêng và chính quyền Mỹ nói chung đang rơi vào tình thế bất lợi khi một mình phải đối đầu với những công ty quyền lực nhất thế giới, với sức ảnh hưởng và sự hẫu thuận trên quy mô toàn cầu.
Còn về phía các công ty công nghệ, đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng đã làm nên giá trị thương hiệu toàn cầu của họ, vì thế không chỉ Apple, mà cả Google, Facebook sẽ làm mọi cách để bảo vệ và gìn giữ giá trị này. Một vài chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ nhận định, trong vụ việc pháp lý lần này giữa Apple và FBI, dù kẻ thắng người thua là ai, trong tương lai, thương hiệu “Quả táo cắn dở” chắc chắn sẽ siết chặt những biện pháp bảo mật và rào cản pháp lý để đảm bảo rằng chính phủ không thể can thiệp vào công việc kinh doanh của họ một lần nữa.
Điều này cũng phần nào lý giải tại sao CEO Google, Sundar Pichai đã lên tiếng ủng hộ quyết định kháng cáo của Tim Cook. Nếu Apple đồng ý làm theo yêu cầu của tòa án, tức là tự “hack” chính thiết bị mà mình sản xuất, nó sẽ tạo ra một tiền lệ chưa từng có. Các nhà lập pháp Mỹ sẽ dựa vào tiền lệ này để tiếp tục đưa ra những yêu cầu tương tự trong tương lai với các doanh nghiệp công nghệ, trong một cố gắng mà họ gọi là để “bảo vệ an ninh quốc gia”. Nếu điều này thành sự thật, các công ty công nghệ không còn cách nào khác là phải tuân theo yêu cầu của chính phủ, bằng không danh tiếng của họ sẽ bị hủy hoại nặng nề.
Video đang HOT
Tuy vậy, nhiều chuyên gia trong ngành vẫn đánh giá Apple sẽ có những nước cờ khôn ngoan trong tương lai để tránh viễn cảnh tồi tệ đó xảy ra. Không thiết bị nào an toàn 100% trước các hacker. Tuy nhiên, nếu trong tương lai, Apple phát triển những biện pháp bảo mật khiến cho chính bản thân hãng cũng không thể hack được iPhone mình sản xuất, thì mọi yêu cầu từ phía chính phủ sẽ trở nên vô dụng. Điều này có nghĩa, FBI có thể thắng trong vụ kiện lần này. Nhưng về dài hạn, họ vẫn là kẻ thua cuộc.
Nguyễn Mai Đức
Theo VNE
Cuộc chiến Apple và FBI sẽ thay đổi làng công nghệ
Những tranh cãi xung quanh việc tòa án Mỹ yêu cầu Apple hỗ trợ mở khóa iPhone đã cho thấy những quan điểm trái ngược về bảo mật giữa các nhà hành pháp và những công ty công nghệ.
Thực tế, sau vụ tấn công liên quan khủng bố và theo yêu cầu thu thập chứng cứ, điều mà tòa án muốn Apple "hỗ trợ" không phải là xóa bỏ mã hóa hoặc vượt qua hàng rào bảo vệ của chiếc iPhone 5C làm chứng cứ.
Apple thẳng thừng từ chối yêu cầu trên, trong bức "tâm thư" gửi đến người dùng, Tim Cook cho rằng thực hiện yêu cầu đó là một hình thức "phản bội khách hàng".
Mashable cho biết, FBI hoàn toàn có khả năng dò ra mật mã 4 chữ số của chiếc điện thoại, vấn đề họ gặp ở đây là cơ chế bảo mật của iPhone, theo đó mọi dữ liệu sẽ bị xóa nếu mật khẩu bị nhập sai quá 10 lần. Do vậy, họ yêu cầu Apple tạo ra một firmware nâng cấp nhằm loại bỏ tính năng bảo mật đó.
Mở khóa iPhone 5C là có thể về mặt kỹ thuật, nhưng đó không phải là điều khiến Apple băn khoăn. Ảnh: The Verge.
The Verge dẫn lời Dan Guido, CEO của công ty bảo mật Trail of Bits cho rằng, Apple hoàn toàn có khả năng thực hiện yêu cầu đó, bởi iPhone 5C chưa được trang bị nhiều lớp bảo mật so với các thiết bị đời sau như iPhone 5S, 6 hay 6S.
Ngay cả trong bức thư từ chối, Tim Cook không hề nói rằng Apple không thể tạo ra firmware hoặc không thể tìm ra giải pháp mở khóa, rõ ràng, việc từ chối này không liên quan đến vấn đề kỹ thuật.
Rõ ràng, với các công ty công nghệ, bảo mật hoàn toàn thông tin khách hàng là yêu cầu tiên quyết, điều này dường như trái ngược với quan điểm của các nhà hành pháp. Vụ việc này thực tế chỉ là giọt nước làm tràn ly, trước đó, cuộc chiến bảo mật đã nóng lên trên khắp chính trường Mỹ, khi nhiều nghị sĩ yêu cầu các công ty điện thoại không được cài đặt chế độ bảo mật trên thiết bị bán ra, những yêu cầu kiểu này khiến các nhà sản xuất nổi giận, dù chưa hề có quyết định chính thức nào được thông qua. Các nhà hành pháp dường như cho rằng mọi thông tin khách hàng luôn cần được bảo mật khỏi những cá nhân khác, nhưng phải được cung cấp cho họ khi cần.
Vụ việc cho thấy những quan điểm khác nhau về bảo mật. Trong ảnh, các nhân viên an ninh sau vụ tấn công vừa qua tại Mỹ. Ảnh: Mashable.
Nhiều chính khách Mỹ đã tỏ ra không hài lòng, ứng viên Tổng thống Donald Trump nổi giận trong cuộc phỏng vấn với Fox and Friends và cho rằng "Apple nghĩ họ là ai mà lại không cho phép (chính phủ) tiếp cận với thiết bị của họ". Ông cũng cho rằng chính phủ nên tạo ra một công nghệ phá hủy bảo mật nhằm sử dụng một lần duy nhất cho tình huống này.
Đây không phải lần đầu tiên Apple được yêu cầu kiểu này, khi tiến vào thị trường Trung Quốc, chính phủ nước này nhiều lần yêu cầu Apple cho phép "kiểm tra an ninh" trên các thiết bị bán ra tại đây, nói cách khác, Apple phải cho phép các cơ quan an ninh tiếp cận mã nguồn của iOS, thông qua đó tự tìm ra các lỗ hổng, điều này mở ra nguy cơ rất lớn cho việc tự do tiếp cận dữ liệu người dùng. Và rõ ràng, điều này đi ngược các cam kết bảo mật của Apple. Hiện tại, chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về câu trả lời của Apple với yêu cầu trên, theo Quartz.
Nguy cơ bảo mật sẽ tăng cao nếu Apple đồng ý yêu cầu này. Trong ảnh, tổng thống Obama đang nhận thư từ iPad. Ảnh: iPhone Developers.
Do vậy, đồng ý hỗ trợ FBI sẽ mở đường cho rất nhiều rắc rối về sau của Apple, khi họ phải giữ các lớp bảo mật đủ yếu để phá rào bất cứ lúc nào, nhưng đủ mạnh để bảo vệ hàng triệu người dùng, trong đó có cả những nhân vật quan trọng, như tổng thống Obama, vốn vẫn hằng ngày nhận thông tin tình báo thông qua iPad. Chưa kể, đây còn có thể là trường hợp đầu tiên và với sức ảnh hưởng của Apple, rất dễ trở thành tiền lệ đầy sức mạnh để thông qua một chính sách giới hạn bảo mật chung. Khi đó, toàn bộ làng công nghệ sẽ phải chịu ảnh hưởng, và không còn ai được bảo mật hoàn toàn.
Không phải tự nhiên mà cả CEO của Google Sundar Pichai lẫn nhà sáng lập Whatsapp Jan Koum đều lên tiếng bảo vệ Apple. Sundar Pichai cho rằng yêu cầu hỗ trợ bẻ khóa của FBI có thể tạo ra "một tiền lệ rắc rối", ông đăng trên Twitter cá nhân: "Chúng tôi tạo ra các sản phẩm bảo mật để giữ thông tin người dùng an toàn, và các cơ quan công quyền có quyền yêu cầu hợp pháp việc truy cập thông tin. Nhưng điều đó hoàn toàn khác với việc yêu cầu các công ty cho phép hack vào các dịch vụ và dữ liệu khách hàng".
CEO Sundar Pichai và vài nhân vật công nghệ nổi tiếng khác đã ủng hộ quyết định của Apple. Ảnh: The Verge.
Tương tự, Jan Koum nói rằng: "Chúng ta không được phép tạo ra tiền lệ nguy hiểm này." Trước đó, vào năm 2014, Whatsapp đã bị đóng cửa 1 ngày tại Brazil vì không tuân theo yêu cầu của chính quyền trong việc nới lỏng bảo mật và cho phép cảnh sát theo dõi một đối tượng tình nghi.
Theo The Verge, nếu Apple chấp thuận yêu cầu này, hệ thống bảo mật chuẩn mực của họ sẽ sụp đổ, Windows 10 và Chrome sau đó sẽ phải tái cơ cấu, Android cũng phải thay đổi để thích nghi. Và khi nước Mỹ đã thông qua được việc kiểm soát bảo mật người dùng, các quốc gia khác sẽ lần lượt có những chính sách tương tự. Và bất kỳ sản phẩm nào liên quan hoặc lấy cảm hứng từ Apple sẽ chịu ảnh hưởng. Trong thời đại hiện nay, đó chỉ là cách nói khác rằng tất cả mọi người sẽ chịu ảnh hưởng.
Lê Phát
Theo Zing
Đoàn người biểu tình ủng hộ Apple chống lại FBI Nhóm người tập trung cửa hàng Apple Store tại San Francisco (Mỹ), thể hiện đứng về phía Apple sau khi công ty này thông báo không hợp tác với FBI trong việc mở khóa iPhone của một kẻ khủng bố. Theo BI, khoảng 30 người đã tập trung trước Apple Store tại San Francisco (Mỹ) để ủng hộ cho cuộc đấu tranh pháp...