Cùng ‘vỗ béo’ lợn đất giúp bạn nghèo vượt khó
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, những năm qua, phong trào “Lợn đất gây quỹ tình thương Chữ thập đỏ giúp bạn nghèo vượt khó” của các Chi hội CTĐ trường học đã được nhân rộng tại huyện Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên), góp phần hỗ trợ các em học sinh nghèo và giáo dục tính tiết kiệm, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với cộng đồng cho học sinh.
Mô hình điểm hiệu quả
Phong trào “Lợn đất gây quỹ tình thương Chữ thập đỏ giúp bạn nghèo vượt khó” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hưng Yên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai tại các trường tiểu học và THCS từ năm học 2014-2015. Hưởng ứng Phong trào này, ngay từ năm đầu triển khai, Hội Chữ thập đỏ huyện Mỹ Hào phối hợp với ngành Giáo dục huyện làm điểm mô hình tại 4 trường học gồm: Trường tiểu học Dị Sử, Trường tiểu học thị trấn Bần Yên Nhân và hai trường THCS Lê Hữu Trác, THCS Nhân Hòa.
Đã có 95/342 trường tiểu học, trung học cơ sở tại tỉnh Hưng Yên triển khai Phong trào. Ảnh: Trần Đãi
Là một trong những điểm sáng về thực hiện phong trào “Lợn đất gây quỹ tình thương Chữ thập đỏ giúp bạn nghèo vượt khó”, việc tiết kiệm để “nuôi lợn đất” của học sinh Trường THCS Nhân Hoà (Mỹ Hào) từ lâu đã trở thành một trong những hoạt động thường xuyên.
Qua 5 năm thực hiện mô hình “Lợn đất gây quỹ tình thương Chữ thập đỏ giúp bạn nghèo vượt khó”, toàn tỉnh Hưng Yên đã có 95/342 trường tiểu học, trung học cơ sở triển khai Phong trào.
Được triển khai từ năm học 2014 – 2015, đến nay phong trào nuôi lợn đất tại nhà trường đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo học sinh. Với số tiền tiết kiệm từ 1.000 – 2.000đ từ tiền tiêu vặt hoặc bán phế liệu, các em sẽ cùng nhau nuôi lợn để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Dù giá trị khoản tiền tiết kiệm nuôi lợn đất không lớn nhưng chứa đựng tình cảm yêu thương của học sinh và giáo viên trường THCS Nhân Hoà dành cho các em học sinh nghèo. Đến nay, mô hình đã trở thành một nếp quen được nhiều bạn học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo hưởng ứng đông đảo.
Ông Trần Quý Cương, Hiệu trưởng Trường THCS Nhân Hoà (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Việc thực hiện phong trào “Lợn đất gây quỹ tình thương Chữ thập đỏ giúp bạn nghèo vượt khó” tại nhà trường trong những năm qua đã mang lại rất nhiều hiệu quả. Mô hình đã thực hiện từ năm học 2014-2015 và thu được số tiền hơn 20 triệu đồng. Trong năm học 2017-2018, số tiền triển khai nuôi lợn đất được gần 50 triệu đồng, đây là một con số rất tích cực. Cộng với số tiền tồn từ năm học trước, số tiền thu được đạt con số gần 90 triệu đồng. Hiện tại, trường có 18 con lợn do học sinh nuôi và 1 con do các cô giáo nuôi”.
Hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn của các em học sinh. Ảnh: Tuyết Nga
Để Phong trào thu được kết quả tốt, đội ngũ thầy, cô giáo nhà trường đã thường xuyên vận động, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào và truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam cho các em học sinh; từ đó giúp các em có ý thức tiết kiệm và tinh thần giúp đỡ bạn nghèo vượt khó. Thông qua các hình thức tuyên truyền cụ thể đã giúp các bậc phụ huynh và học sinh nhiệt tình hưởng ứng phong trào. Đặc biệt, với khẩu hiệu “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương”, bản thân các thầy giáo, cô giáo đều tích cực tham gia phong trào bằng việc đóng góp vào lợn đất hàng ngày.
Sự sẻ chia thiết thực
Đối với các em học sinh, vào các ngày trong tuần, các em mang số tiền mình tiết kiệm từ tiền bán giấy vụn, vỏ lon hoặc tiền ăn sáng, tiền ông bà, bố mẹ thưởng để nuôi lợn. Với cách làm này, phong trào nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh và các em học sinh.
Vào các ngày trong tuần, các em mang số tiền mình tiết kiệm từ tiền bán giấy vụn, vỏ lon hoặc tiền ăn sáng, tiền ông bà, bố mẹ thưởng để nuôi lợn. Ảnh: Tuyết Nga
Video đang HOT
Là một trong những học sinh tích cực trong việc tham gia phong trào thường xuyên vận động các bạn trong lớp cùng tiết kiệm nuôi lợn, em Chu Hà Nam, học sinh lớp 9A1 – Trường THCS Nhân Hoà, hồ hởi kể: “Mỗi ngày em bớt tiền ăn sáng đi khi thì 1.000đ, lúc 2.000đ để đến cuối mỗi tuần cho lợn ăn, đây là việc làm quen thuộc từ lâu nay của em. Em thấy phong trào nuôi lợn đất giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn rèn luyện cho chúng em tính tiết kiệm và biết yêu thương, chia sẻ với bạn bè nhiều hơn. Những số tiền mỗi ngày bọn em tích cóp lại có thể giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh kém may mắn hơn, ngay trong chính lớp em có bạn Linh, Duyên, Thanh, Thế Anh đã nhận được số tiền đó để mua đồ dùng học tập. Em thấy đây là hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa”.
Được nhận quà từ phong trào, em Nguyễn Thị Duyên, học sinh lớp 9A1 bày tỏ: “Nhờ có số tiền các bạn trong lớp nuôi lợn đất hỗ trợ mà em được tiếp tục cắp sách đến trường. Em rất vui và quý trọng số tiền mà các thầy cô, bạn bè chung sức giúp đỡ em trong suốt thời gian qua. Hiện tại, hàng tuần bản thân em cũng để dành một chút tiền thưởng; thu lượm giấy, sách, đồ dùng cũ bán lấy tiền cùng các bạn nuôi lợn đất của lớp chia sẻ đến những hoàn cảnh khó khăn hơn em”.
Phong trào nuôi lợn đất đã giúp được nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khan. Ảnh: Hội CTĐ huyện Mỹ Hào
Cô giáo Tuấn Thị Hiếu, Giáo viên chủ nhiệm lớp 9A1chia sẻ: ‘Từ phong trào này, bản thân các em đã có ý thức giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, các khoản tiết kiệm là từ tiền ăn sáng chỉ 1.000-2.000đ các em bớt lại sau mỗi cuối tuần sẽ cho lợn ăn, nhờ vậy trong lớp có một số bạn mồ côi đã nhận được số tiền hỗ trợ trích từ quỹ nuôi lợn dù không được liệt vào hộ cận nghèo, và chính bản thân các em đó cũng tích cực tham gia quỹ để giúp đỡ các bạn khác với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Năm ngoái, lớp thu được con số gần 4 triệu đồng từ sự tích cực của tất cả các em học sinh, một phần số tiền nuôi lợn được trích ra để giúp đỡ các em nhỏ ở Cao Bằng”.
Được biết, để phong trào nuôi lợn đất minh bạch, ở các trường trên địa bàn huyện Mỹ Hào đã thành lập Ban quản lý, công khai hoạt động của quỹ. Nhờ đó, phong trào nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh và các em học sinh.
Trao đổi về hoạt động nhân văn này, bà Phạm Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Mỹ Hào cho biết: “Bước sang năm thứ 5 thực hiện, các trường tham gia rất tích cực và phấn khởi. Mới đầu, phong trào chỉ được làm ở 4 trường điểm nhưng đến nay toàn huyện đã có 14/28 trường tiểu học và THCS triển khai phong trào nuôi lợn đất. Mỗi năm, sau khi mổ lợn xong sẽ hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn bằng cách trao tiền mặt, mua cặp sách hoặc mở sổ tiết kiệm, chỉ giữ lại một số tiền nhỏ để mua lợn giống”.
Bà Phương cũng cho biết thêm, số quỹ thu được sử dụng vào việc trao quà, dụng cụ học tập, tặng học bổng, sổ tiết kiệm, hỗ trợ lúc ốm đau, rủi ro… cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng Phong trào tại các trường học trong huyện để những ý nghĩa tốt đẹp của phong trào thực sự lan toả sâu rộng trong cộng đồng xã hội.
Có thể thấy, với sự hưởng ứng của đông đảo thầy giáo, cô giáo, học sinh và các bậc phụ huynh, phong trào “Lợn đất gây quỹ tình thương Chữ thập đỏ giúp bạn nghèo vượt khó” tại các trường học ở huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đã và đang trở thành phong trào giàu ý nghĩa giáo dục. Hiệu quả lớn nhất thu được từ phong trào chính là việc dần hình thành, bồi đắp ở các thế hệ học sinh tinh thần tương thân, tương ái; ý thức tiết kiệm và trách nhiệm với cộng đồng. Dù giá trị vật chất không lớn nhưng mỗi con lợn đất đều chứa đựng những tình cảm yêu thương của học sinh, giáo viên dành cho học sinh nghèo.
Tuyết Nga – Thùy Linh
Theo baonhandao
Hà Tĩnh: Ước mơ nhỏ bé của "người mẹ hiền" 20 năm cắm bản trồng người
Có thừa nhiệt huyết, niềm thương với lũ trẻ người Chứt ở bản Rào Tre, nên trước những thiếu thốn của lũ trẻ dân tộc Chứt, nhiều lúc cô giáo Hoàng Thị Hương đã lặng thầm bật khóc. Có những ước muốn nhỏ bé, giản dị của cô nếu thành sự thật sẽ có thể giúp những đứa trẻ nơi bản nghèo thêm tiếng cười...
Quên cả bệnh tật vì các em
Từng đi qua bao nhiêu ngôi trường ở mảnh đất miền Trung "chảo lửa, túi mưa", đã gặp gỡ, chứng kiến nhiều cô giáo vượt lên số phận, khó khăn trong hành trình gieo chữ, nhưng có lẽ cô giáo Hương là một trong những người để lại trong tôi và nhiều đồng nghiệp những rung cảm, xúc động đặc biệt. Chỉ mỗi chuyện chiến thắng bệnh tật để tiếp tục đến với lũ trẻ người dân tộc Chứt của cô Hương cũng đã lấy đi nước mắt của bao người.
Nhìn bên ngoài là người phốp pháp, khỏe mạnh, nhưng cô Hương lại đang phải vật lộn với chứng bệnh ung thư tuyến giáp. Làm cô nuôi ở một lớp học mầm non bình thường đã vất vả, nhiệm vụ của cô Hương ở một lớp học gộp các cháu từ 2 - 4 tuổi con em dân tộc nhiều bỡ ngỡ lại càng nặng nề, vất vả hơn. Để lớp học ổn định là chuyện không hề đơn giản. Cô phải nói, nói rất nhiều. Giọng cô đã khàn đi với lũ trẻ.
Cách đây vài năm, cô Hương miệt mài với lũ trẻ người Chứt mà không biết rằng cô đang mắc phải chứng bệnh ung thư tuyến giáp.
Cách đây vài năm, giọng nói của cô Hương đã khàn hơn, kèm triệu chứng ho nhiều, nuốt khó. Người mẹ của bao đứa trẻ ở bản nghèo không biết rằng, những triệu chứng ấy là chứng bệnh ung thư tuyến giáp, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
20 năm cắm bản, khí hậu, đi lại khó khăn, công việc nặng nề, nhưng chưa một lần ngã xuống vì bệnh tật, nên cô Hương nghĩ những triệu chứng ấy chỉ cần điều chỉnh các hoạt động ở lớp sẽ khỏi. Mỗi ngày trôi qua cô lại lặng thầm với công việc của 20 năm qua. Sáng sớm cô ngược bản đến từng nhà đón lũ trẻ. Tới lớp cô lại hăng, say rộn ràng tiếng ca với chúng. Rồi khi mặt trời sắp khuất sau đỉnh núi, cô lại chở, đưa các em về với gia đình.
Có lần vì ho nhiều, cô Hương xin phép nghỉ dạy ít hôm để đi khám bệnh. Nhưng rồi cứ nghĩ đến việc đã thành quen của lũ trẻ "không cô Hương, không đến lớp", nghĩ đến cảnh chúng ở nhà lăn lê với con suối, núi đồi là cô Hương lại thôi ý nghĩ xuống phố.
"Nhiều hôm buổi tối thấy cô xin phép nghỉ dạy để xuống phố, nhưng đến sáng lại thấy gọi điện báo không đi nữa. Cô bảo em khỏe, mà đi rồi các cháu lại nghỉ học, lại mất cái nếp đã đến lớp lâu nay thì rất tội. Vậy là cô lại lên lớp với các cháu" - cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên cho biết.
Cô giáo Hoàng Thị Hương bên "đàn con thơ".
Cứ như thế cho đến một ngày cách đây mấy tháng, tranh thủ nghỉ hè cô Hương mới có dịp xuống thành phố để khám bệnh. Rồi cô được chẩn đoán ung thư tuyến giáp.
Ngày biết chứng bệnh của cô Hương, bà con dân bản, các cô giáo ở Trường Mầm non Hương Liên, chính quyền xã Hương Liên, Phòng Giáo dục huyện Hương Khê rất buồn. Bao năm cô Hương bám bản gieo chữ, gieo niềm thương cho lũ trẻ người Chứt cô và người chồng là giáo viên tiểu học chưa tích góp được gì, lại phải nuôi thêm con ăn học. Vậy là các cô trong trường đã quyên góp chút ít hỗ trợ người mẹ của con trẻ của bản Rào Tre ra bệnh viện K (Hà Nội) điều trị.
Một ngày ở lại với lớp học của cô Hương, tôi cảm nhận được tình yêu mà cô dành cho lũ trẻ người Chứt là lớn như thế nào.
Ngày rời bản, cô Hương đã khiến đồng nghiệp và những người lính biên phòng cảm động với câu nói: "Lần này em phải quyết tâm đi điều trị, đi để còn kịp về khai giảng năm học mới với các cháu".
Trời thương, ca mỗ u tuyến giáp thành công. Đầu năm học rồi, dẫu chưa khỏe hẳn, cô Hương vẫn xin trở lại với lớp học. Những đứa trẻ của bà con bản Rào Tre không biết rằng, người mẹ đang ngày ngày vui đùa với chúng hiện vẫn đang phải định kỳ đến viện vì bệnh tật chưa khỏi hẳn.
Cô Hương vừa trải qua ca phẫu thuật cắt khối u nhỏ ở cổ vào hè vừa qua. Sau ca phẫu thuật dù được khuyến cáo nghỉ ngơi nhưng cô Hương vẫn quay trở lại với những đứa trẻ người dân tộc Chứt.
Ước vọng bé nhỏ của cô Hương
Một ngày ở lại với điểm trường mầm non ở bản Rào Tre, tôi thật ái ngại trước những thiếu thốn, thiệt thòi của những đứa trẻ ở đây khi cơ sở vật chất quá thiếu thốn. Học sinh học ở bản đã hình thành hàng chục năm nay nhưng lớp học vẫn phái tạm bợ ở hội quán chật chội đã xuống cấp trầm trọng. Đã thế ngôi nhà lại còn nhiều không, trong đó có "hai không" có thể được xếp vào loại đặc biệt: không công trình phụ (nhà vệ sinh) và không có sân chơi cho trẻ nhỏ.
"Thiếu gì cũng được, nhưng thiếu công trình phụ thì khổ cho giáo viên nuôi dạy các cháu vô cùng. Có những chuyện tế nhị và tội lắm anh ạ" - cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoa rầu lòng nói với tôi.
Nỗi vất vả của cô giáo phụ trách điểm trường mà cô Hoa nói tôi đã được tận mắt chứng kiến, ghi lại. Ấy là mỗi lần các cháu học ở điểm trường thiếu thốn này đau bụng, đi tiểu, cô Hương phải bố trí những cái bô bằng nhựa. Các cháu đi vệ sinh xong, cô Hương lại phải xách từng bô xếp ở phía sau. Tan học, chở các cháu về nhà, cô Hương lại phải quay trở lại lớp đánh xe đưa đi đổ.
Điểm trường không có công trình phụ, cô Hương phải xách từng bô các cháu đi vệ sinh đi đổ.
Đấy là ngày nắng, còn những ngày mưa gió, như cô Hương nói, việc thiếu công trình phụ là cả một nỗi gian truân của cô và trò. "Các cháu thì có bô còn đỡ, còn các cô và ai đến thăm khi có việc thì chỉ còn biết... chịu thôi!" - cô Hoa nói một cách đầy ái ngại.
Điều không đặc biệt thứ hai là điểm trường của các cháu không có sân chơi. Đây là thiệt thòi mà cô Hương nói rằng, đã nhiều lần cô bật khóc vì thương các em nhỏ nơi đây.
Mấy chục phút vui cùng các cháu nhỏ nơi lớp học thiếu thốn, thật buồn cho các em, gần 20 cháu nhỏ chỉ có thể nô đùa trong căn phòng bé nhỏ khoảng hơn 20m2. Sân trước nhà hội quán làm điểm học của các em bé xíu, lại không có mái che. Những hôm trời râm mát, cô Hương có thể cho các em ra ngoài cái sân bé xíu để chơi đùa. Còn lại nắng nóng, mưa gió thì cô trò cùng phải tá túc, vui đùa trong căn phòng bé nhỏ.
Không có sân chơi, không có mái che nên nắng, mưa là cô trò chỉ còn biết vui đùa trong lớp học nhỏ bé này
"Mới rồi thương các các cháu nhỏ quá thiếu thốn có đơn vị lên thăm đã quyên góp, vận động giúp đỡ cho các cháu một số đồ chơi bằng cầu trượt, bấp bệnh. Tấm lòng của các đơn vị, cá nhân ở miền xuôi mang lên chúng tôi và bà con cảm động lắm, nhưng thiếu mặt bằng, thiếu mái che nên thiệt thòi cho các cháu rất nhiều" - cô Hương chỉ tay vào những đồ chơi đặt giữa trời chạnh lòng nói.
Cũng vì thiệt thòi ấy của lũ trẻ, hiểu được khó khăn của một địa phương còn quá khó khăn như xã biên giới Hương Liên, mà cô Hương không có những ước vọng bé nhỏ, thậm chí cô nói rằng ước vọng ấy nếu đạt được còn lớn hơn, còn quý hơn những phần thưởng cá nhân mà Bộ GD&ĐT, tỉnh Hà Tĩnh dành cho cô.
Cô Hương ước điểm trường có cái mái che để lũ trẻ có thể chơi đùa khi tới lớp
"Đã chọn lên với con em của bản thì tôi không có nguyện vòng gì cho bản thân, hạnh phúc, niềm vui lớn nhất của tôi là thấy các cháu được đến lớp, được nở nụ cười, được biết con chữ. Bởi vậy, tôi ước cho các cháu có được một công trình phụ đủ để các cháu thuận tiện hơn, sạch sẽ hơn khi ở trên lớp học. Tôi ước cho các cháu có được cái mái che, cái sân chơi để các cháu có chỗ vui đùa, để các cháu quên đi hốc đá, con suối kia, để lớp học luôn rộn ràng tiếng cười của trẻ" - giọng cô Hương đượm buồn khi nói về những ước vọng bé nhỏ.
Văn Dũng
Theo Dân trí
Hà Tĩnh: Cô giáo 20 năm cắm bản trồng người Suốt hơn 20 năm về với bản Rào Tre, cô giáo Hoàng Thị Hương chưa một lần bỏ lớp. Không đơn thuần là cô giáo dạy chữ, cô còn là y sĩ, họa sĩ, ca sĩ đem cả bầu trời yêu thương đến với những đứa trẻ dân tộc Chứt dưới chân núi Ka Đay... "Chốt" tuổi xuân ở bản nghèo Người dân...