Cùng nỗ lực xóa bỏ rào cản ngôn ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số
GD&TĐ – Sáng nay (9/5), tại TP Lào Cai, Bộ GD&ĐT khai mạc Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng phương pháp dạy học tiếng Việt như là ngôn ngữ thứ 2 đối với học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Hội đồng dân tộc Quốc hội, các Cục, Vụ chức năng (Bộ GD&ĐT), Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Gunnar Andersen – Giám đốc Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, các sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ có học sinh dân tộc thiểu số trên cả nước.
Thách thức về ngôn ngữ kéo theo khó khăn trong giáo dục
Báo cáo đề dẫn của PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo & Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục- cho thấy: Học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) sống ở vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, không chỉ khó khăn về kinh tế, đời sống, khí hậu… mà còn là những khó khăn về ngôn ngữ khi các em đến trường học tập, giao tiếp bằng tiếng Việt.
Đây cũng là rào cản thách thức lớn không chỉ đối với các em mà cũng là với nhà trường, thầy cô giáo. Điều này dẫn đến nhiều trường, nhiều lớp, học sinh vùng DTTS chất lượng còn yếu kém.
Trong khi đó các trường sư phạm trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng không có nội dung, phương pháp dạy học riêng cho học sinh vùng DTTS, nên sinh viên ra trường đến những nơi này công tác đã gặp không ít khó khăn, mặc dù các thầy cô đã cố gắng học tiếng dân tộc để giao tiếp và hỗ trợ các em trong học tập.
Video đang HOT
Để khắc phục vấn đề trên, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ, tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS. Đồng hành cùng với ngành Giáo dục, nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cũng đã triển khai các hoạt động hỗ trợ học sinh DTTS học tiếng Việt.
Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam đã triển khai thí điểm phương pháp dạy học tiếng Việt như là ngôn ngữ thứ hai đối với học sinh DTTS tại một số trường của tỉnh Quảng Trị, Quảng Ninh, Yên Bái, Điện Biên và Lào Cai, được đánh giá hiệu quả cao.
Kế thừa thành công đó, Cục Nhà giáo & Cán bộ quản lý cơ sở GD (Bộ GD&ĐT) đã phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em triển khai nhân rộng ra 33 tỉnh có nhiều DTTS trên khắp cả nước từ năm 2012 đến nay.
Kết quả đã tổ chức tập huấn cho cốt cán giảng viên các trường sư phạm, các sở GD&ĐT, biên soạn phát triển tài liệu của Tổ chức Cứu trợ trẻ em trở thành tài liệu để các trường sư phạm bồi dưỡng sinh viên khoa Giáo dục tiểu học, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp đứng lớp ở vùng DTTS.
Nhân rộng những bài học hay từ kết quả bước đầu trong việc áp dụng thực hiện phương pháp dạy học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai cho học sinh ở vùng DTTS và việc triển khai bồi dưỡng cho sinh viên các trường sư phạm, cùng những định hướng thực hiện nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt trong thời gian tới là những nội dung quan trọng được bàn luận tại Hội thảo.
Các đại biểu chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu tại Hội thảo
Những việc cần làm
Nhiều tham luận gửi đến Hội thảo đã chỉ ra tính cần thiết phải đẩy mạnh việc dạy tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS, đề xuất các giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả. Đây là những bài học kinh nghiệm được cơ sở tích lũy, nhưng nghiên cứu khoa học của các chuyên gia hàng đầu.
Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Hội đồng dân tộc của Quốc hội) Nguyễn Mạnh Quỳnh có tham luận GD dân tộc và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới, trong đó lưu ý những nội dung cơ bản về dân tộc, cũng như công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong đó chỉ ra những yêu cầu quan trọng cần thực hiện.
TS. Đào Nguyên Phúc đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra một số vấn đề về giảng dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS trong đó nhấn mạnh tới việc cần quan tâm trong dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS, ông đặc biệt lưu ý tới trình độ song ngữ của thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp.
Đến từ Tổ chức Cứu trợ trẻ em, từ kinh nghiệm quốc tế, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu lên quan điểm cần xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và cơ hội giáo dục bình đẳng cho trẻ em DTTS Việt Nam khi cho rằng: Trẻ em không thể học nếu các em không thể hiểu ngôn ngữ trong sách giáo khoa hay ngôn ngữ mà các thầy cô giáo của mình đang sử dụng.
Nhiều tham luận của đại diện các sở GD&ĐT các trường sư phạm đến từ Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Gia Lai và Đại học Trà Vinh đều nhấn mạnh sự cần thiết cũng như đưa ra các bài học kinh nghiệm để triển khai sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Hội thảo đã đề ra 4 nhiệm vụ quan trọng cần làm trong thời gian tới, đó là:
1.Các cơ sở đào tạo giáo viên, các cơ sở GD&ĐT tiếp tục triển khai áp dụng phương pháp dạy học tiếng Việt như là ngôn ngữ thứ hai đối với học sinh DTTS với một quyết tâm cao hơn, linh hoạt, sáng tạo và phuh hợp hơn. Trong đó, việc bồi dưỡng cho sinh viên các trường sư phạm và bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, GV phải được xem là trọng tâm và then chốt.
2.Rút kinh nghiệm của việc triển khai áp dụng trong thời gian qua, cả các cơ sở đào tạo GV đến các sở/phòng/trường tiểu học cùng phải vào cuộc, cùng bắt tay nhau trong công việc bồi dưỡng. Ngoài việc phải bồi dưỡng tăng cường năng lực cho đội ngũ GV đang dạy hiện nay, còn phải đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ sinh viên để đáp ứng kịp thời yêu cầu dạy học. Cần nhân rộng những tập thể, cá nhân làm tốt, những cách làm tốt.
3.Phải đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý, sinh viên sư phạm có năng lực dạy học ở vùng DTTS một cách phù hợp. Nếu dạy học không chú ý cho sinh viên trải nghiêm thực tế ở vùng dân tộc thiểu số thì sẽ không có năng lực sư phạm, năng lực GD.
4. Phải xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết giữa các cơ sở đào tạo GV và các sở/phòng, phòng GD&ĐT, các trường tiểu học trong việc bồi dưỡng, triển khai áp dụng phương pháp.
Nằm trong khuôn khổ hội thảo, sáng 9/5 tại Trường tiểu học Bản Sen, huyện Mường Khương đã diễn ra ngày hội dành cho giáo viên, học sinh và cộng đồng sáng tác truyện. Một cuộc tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đại biểu với giáo viên, phòng GD huyện Mường Khương về việc áp dụng phương pháp dạy học tiếng Việt như là ngôn ngữ thứ 2 đối với học sinh DTTS.
Theo GD&DT