Cùng “Lan tỏa yêu thương – Giáo dục không bạo lực” với trẻ em
Ngừng đánh con, Ngừng quát mắng con, Cùng con tìm giải pháp, Con là duy nhất, sao phải so sánh… là những hashtag nổi bật, đồng thời cũng là những thông điệp, giải pháp cụ thể được đưa ra trong chiến dịch “Lan tỏa yêu thương – Giáo dục không bạo lực” vừa được phát động.
Ảnh minh họa: Trần Hải.
Ngày 19-10, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu Chiến dịch “Lan tỏa yêu thương – Giáo dục không bạo lực”. Chiến dịch được triển khai nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất trong việc nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, cộng đồng về loại bỏ những hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em; chấm dứt phân biệt đối xử với trẻ em và thực hành phương pháp giáo dục yêu thương, không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ hai trên giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Chúng ta đã xây dựng và ban hành khung pháp lý tương đối toàn diện để ghi nhận và bảo đảm thực thi các quyền của trẻ em, trong đó có quyền “được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn thương đến sự phát triển toàn diện của trẻ em” (Điều 27, Luật Trẻ em 2016)…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hành vi vi phạm quyền trẻ em vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại được thông tin, báo cáo. Tình trạng cha mẹ, người chăm sóc, thầy – cô giáo trừng phạt tinh thần hay trừng phạt thân thể trẻ vẫn diễn ra thường xuyên…, gây tổn thương cả về thể chất và tinh thần của trẻ.
Phát động chiến dịch, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD, chia sẻ, Chiến dịch “Lan tỏa yêu thương – Giáo dục không bạo lực” đưa ra những thông điệp và cũng những giải pháp cụ thể như: ngừng đánh con; ngừng quát mắng con, cùng con tìm giải pháp, con là duy nhất – sao phải so sánh… Với mong muốn các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo có thể thử thách bản thân bằng việc thực hiện các thông điệp – giải pháp này trong việc giáo dục con trẻ.
Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp của các bên trong việc thực hiện thành công chiến dịch. Theo bà Nga, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại không phải là công việc, nhiệm vụ của riêng một cá nhân hay tổ chức nào. Đó là hành trình dài “lan tỏa yêu thương” và thúc đẩy “giáo dục không bạo lực”, với sự vào cuộc của nhiều bên liên quan, đặc biệt phải kể đến vai trò của các tổ chức xã họi và các đơn vị truyền thông. Cục Trẻ em sẽ tích cực lắng nghe ý kiến của trẻ em và bảo đảm các quyền trẻ em được thực hiện.
Video đang HOT
Theo đó, Chiến dịch diễn ra từ tháng 10 đến giữa tháng 11-2018, với hàng loạt các hoạt động tập huấn, truyền thông cộng đồng, truyền thông xã hội và đối thoại chính sách tại Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh.
XUÂN ANH
Theo nhandan
GS Hồ Ngọc Đại: "Trong giáo dục không có kiểu phạt học trò tát nhau đến sưng má"
GS Hồ Ngọc Đại phản đối cách giáo dục bằng đòn roi và không chấp nhận kiểu trừng phạt học sinh bằng bạo lực, nhất là hành vi bắt học sinh tự tát vào mặt nhau.
Trường THCS Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) - nơi xảy ra sự việc phụ huynh tố giáo viên phạt học sinh tát nhau trong lớp
Hai học sinh nói chuyện riêng trong lớp, bị ghi sổ đầu bài khiến lớp bị trừ điểm thi đua. Giáo viên vì nôn nóng thành tích đã phạt các em lên đứng trên bục giảng để kiểm điểm trước lớp. Học sinh và phụ huynh tố, cô không chỉ "bêu" các em trước lớp mà còn bắt học sinh tự tát vào má nhau để răn đe.
Đây là vụ việc xảy ra ở Trường THCS Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) xôn xao dư luận những ngày qua.
Từ vụ việc này, một lần nữa vấn đề nên hay không sử dụng hình phạt trong môi trường giáo dục lại được đặt ra. Phụ huynh bức xúc tố giáo viên vì trong giáo dục không có kiểu phạt bắt học trò tát nhau đến sưng má như thế.
Phạt thế nào để vừa có tính răn đe, không gây phản cảm và không vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo là điều không phải giáo viên nào cũng biết.
Là người đề cao chủ trương "mọi đứa trẻ đều phải được yêu thương và tôn trọng", GS Hồ Ngọc Đại - tác giả chương trình "Công nghệ giáo dục" cho biết ông phản đối hình phạt bằng bạo lực mà giáo viên, phụ huynh sử dụng để dạy dỗ học sinh. Kể cả việc giáo viên bắt học sinh đứng trước lớp để bêu tên cũng không nên sử dụng trong môi trường giáo dục.
Ông kể những năm còn công tác tại Trường Thực nghiệm, ông luôn nhắc nhở giáo giáo viên, kể cả phụ huynh không được đánh và cần tôn trọng học sinh.
Có lần, GS Hồ Ngọc Đại chứng kiến việc một bà mẹ đánh con ở ngay trong sân trường. Lý do là học sinh này đến muộn. "Thấy thế tôi giận lắm. Tôi yêu cầu người mẹ phải xin lỗi học trò của tôi ngay. Người lớn không thể cho mình cái quyền được đánh trẻ như thế. Quan điểm của tôi là việc giáo dục bằng quyền uy, áp đặt. giáo dục trẻ bằng hình phạt, đòn roi không nên được khuyến khích" - GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.
Với TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng Khoa Văn hóa - Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền), thì việc sử dụng hình phạt khi học sinh mắc lỗi là điều cần thiết. Tuy nhiên, kỷ luật cũng phải có tính giáo dục, chứ không nên theo kiểu trừng phạt, khiến học sinh sợ hãi.
Bà khuyên các giáo viên trẻ nên áp dụng những hình thức kỷ luật tích cực khi học sinh mắc lỗi. Chẳng hạn yêu cầu trước hoặc sau buổi học, học sinh phải vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh, đọc sách, rồi trong giờ sinh hoạt lớp yêu cầu các em phải thuyết trình về ý nghĩa của những việc đó. Hình phạt này được giáo viên nhiều nước sử dụng vì mang tính giáo dục.
Nhiều giáo viên vi phạm quyền trẻ em mà không biết
Hiện nay nhiều giáo viên, kể cả phụ huynh chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về quyền trẻ em, chính vì vậy vô tình đã có những hành vi xâm phạm các quyền của trẻ trong việc sử dụng hình phạt để giáo dục.
Để tránh được điều này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm dẫn chứng quy định của pháp luật, để giáo viên và phụ huynh lưu ý trong quá trình dạy dỗ học sinh:
Điều 27 Luật Trẻ em 2016 quy định: "Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phat triên toàn diện của trẻ em".
Theo Điều 4 Luật Trẻ em đã giải thích "Bạo lực trẻ em" là hành vi ngược đãi, gây tổn thương thân thể; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em...
Nếu vi phạm những quy định trên, tùy theo mức độ, người lớn có thể bị xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
BÍCH HÀ
Theo laodong
Kinh nghiệm giúp trẻ mầm non làm quen tiếng Anh Cho trẻ làm quen với tiếng Anh (LQTA) không phải là mới trong nhiều trường mầm non (MN) hiện nay. Tuy nhiên, để tổ chức được một giờ LQTA cho trẻ thật sự như là một hoạt động học ngôn ngữ đòi hỏi giáo viên (GV) phải có kinh nghiệm và phương pháp giáo dục. ảnh minh họa Nói về vấn đề này,...