Cùng kể chuyện ở nhà chồng nhưng Nàng dâu order không gây chú ý như Sống chung với mẹ chồng
Sống chung với mẹ chồng từng gây bão màn ảnh nhỏ Việt Nam và trở thành bệ phóng nâng tầm tên tuổi của nữ diễn viên Bảo Thanh, song bộ phim cũng lấy đề tài nàng dâu – nhà chồng Nàng dâu order lại không gây chú ý dù xuất phát từ ý tưởng khá triển vọng.
Những bộ phim lấy đề tài gia đình đang ngày càng thu hút khán giả trên màn ảnh nhỏ Việt Nam. Sau Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán, Gạo nếp gạo tẻ, tác phẩm truyền hình Nàng dâu order tiếp tục khai thác câu chuyện giữa nàng dâu và gia đình nhà chồng. Phim có sự góp mặt của dàn diễn viên thực lực như Minh Vượng, Lan Phương, Thanh Sơn, Phương Oanh…
Nàng dâu order theo chân đôi vợ chồng mới cưới Phong (Thanh Sơn) và Hoàng Yến (Lan Phương), một nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm viết về tình yêu. Dù mới quen biết và tìm hiểu được chưa đầy 1 tháng, Phong và Hoàng Yến đã nhanh chóng tổ chức đám cưới, Yến bước vào gia đình nhà chồng với nhiều bỡ ngỡ, nhất là khi cô không hề biết nấu ăn, thường phải thức đêm viết văn và ngủ dậy muộn. Trong khi đó, bà nội của Phong (Minh Vượng) là người rất kỹ tính, coi trọng công dung ngôn hạnh và hết mực cưng chiều cháu trai.
Dàn nhân vật chính “Nàng dâu order”.
Cùng tạo nên những tình huống dở khóc dở cười xoay quanh câu chuyện nàng dâu tại nhà chồng, thậm chí có nhiều phân cảnh gợi nhắc đến Sống chung với mẹ chồng nhưng Nàng dâu order không gây bão như những gì bộ phim của Bảo Thanh làm được. Đặt lên bàn cân với các tác phẩm khác được trình chiếu cùng thời điểm như Về nhà đi con và Mê cung, Nàng dâu order cũng nhận được ít chú ý hơn.
Lý giải sự kém thu hút của Nàng dâu order, nhiều khán giả cho rằng bộ phim đang đi vào lối mòn với đề tài không còn mới mẻ. Sống chung với mẹ chồng đã có được thành công không ngờ đến vì mang làn gió mới đến màn ảnh nhỏ Việt Nam, đem chính cuộc sống đời thường lên màn ảnh và trở thành món ăn độc đáo giữa hàng loạt phim ngôn tình gây bội thực lúc bấy giờ. Không những thế, cách cường điệu hóa nhân vật mẹ chồng cũng giúp phim tạo nên những lời thoại để đời, tạo “trend” cho giới trẻ trên mạng xã hội.
Ở Nàng dâu order, nhân vật bà nội chồng tuy cũng gây ức chế về sự khó tính và cổ hủ, nhưng cuộc sống của nàng dâu order Hoàng Yến cũng gặp không nhiều khó khăn vì vẫn được chồng thấu hiểu. Trong khi đó, “con giáp thứ 13″ Vy (Phương Oanh thể hiện) chỉ tạo sóng gió trong các tập đầu tiên rồi nhanh chóng hết đất diễn, điều này khiến nhiều khán giả tỏ ra thất vọng bởi nút thắt được gỡ giải quá dễ dàng.
Chân dung nữ chính trong bộ phim Nàng dâu order hiện lên rất quen thuộc với giới trẻ ngày nay, nhất là trong thời đại 4.0. Hoàng Yến, hay còn được gọi là Lam Lam là một nhà văn nổi tiếng, thường được ngưỡng mộ bằng cuộc sống hạnh phúc kiểu mẫu. Mỗi ngày, Hoàng Yến đăng tải lên mạng xã hội những bức ảnh đời thường đi kèm caption ý nghĩa như: “Không quan trọng là bạn ăn gì mà quan trọng là ăn với ai”… Hoàng Yến cũng gọi đây là “công cụ kiếm tiền” của mình. Đây được xem là điểm sáng của bộ phim khi tạo nên tính liên kết với các khán giả trẻ, tuy nhiên, nhân vật Lam Lam lại không khai thác được trọn vẹn điểm mới này.
Những mâu thuẫn xảy ra với cô nàng người nổi tiếng Lam Lam khá vụn vặn và có phần vô lý, hời hợt, bộ phim tạo nên hàng loạt rắc rối bởi sự quan tâm, thêu dệt thái quá của dư luận, truyền thông nhưng lại không khắc họa rõ nét, chân thực thế giới của người nổi tiếng. Bên cạnh đó, diễn viên Lan Phương cũng bị nhận xét quá già cho vai diễn nhà văn nổi tiếng, “sống ảo” để kiếm tiền Lam Lam.
Mẹ chồng khó tính và con giáp thứ 13 đáng gờm trong “Sống chung với mẹ chồng”.
Mặt khác, sự chênh lệch tuổi quá lớn giữa Lan Phương và bạn diễn Thanh Sơn cũng khiến cho những “phản ứng hóa học” của cặp đôi chính Nàng dâu order không còn tự nhiên. Khán giả tuy yêu thích anh chàng Phong yêu và hết lòng quan tâm vợ, nhưng không tỏ ra thích thú chuyện tình chị em trong bộ phim.
Sống chung với mẹ chồng từng gây bão màn ảnh nhỏ Việt Nam và trở thành bệ phóng nâng tầm tên tuổi của nữ diễn viên Bảo Thanh, song bộ phim cũng lấy đề tài nàng dâu – nhà chồng Nàng dâu order lại không gây chú ý dù xuất phát từ ý tưởng khá triển vọng. Một phần, những câu thoại và tình huống không có khả năng tạo “trend” như Sống chung với mẹ chồng cũng khiến Nàng dâu order trở nên kém hấp dẫn.
Theo saostar
Những phim truyền hình Việt giống nhau đến lạ, đáng chú ý nhất là trường hợp thứ 2
Nhiều bộ phim gây sốt màn ảnh Việt thời gian gần đây có những điểm tương đồng từ kịch bản, bối cảnh cho đến những chi tiết nhỏ nhất. Dẫu vậy, mỗi 1 tác phẩm lại thành công theo hướng khác nhau.
Những năm gần đây, phim truyền hình Việt đã có bước chuyển mình rõ nét. Bằng chứng là những tác phẩm được phát sóng trên khung giờ vàng của VTV3 hay VTV1 đều nhận được đông đảo sự theo dõi và ủng hộ của khán giả. Ngày càng nhiều người chọn xem phim truyền hình Việt bên cạnh các tác phẩm nước ngoài.
Dẫu vậy, nhiều bộ phim đình đám của màn ảnh Việt thời gian gần đây vẫn không tránh khỏi loạt 'sạn' đáng tiếc, thậm chí là không đáng có. Hơn nữa, nhiều tình tiết, nội dung bị lặp lại từ các tác phẩm trước đó.
Những cô gái trong thành phố và Những cánh hoa trước gió
Ngay khi lên sóng ở những tập đầu tiên, bộ phim mới của đạo diễn Vũ Trường Khoa đã được nhiều khán giả đánh giá khá giống với bộ phim từng lên sóng VTV6 năm 2015 Những cánh hoa trước gió.
Những cánh hoa trước gió cũng kể về cuộc sống của 4 cô gái trẻ từ nông thôn lên thành phố sinh sống, làm thợ may trong một khu công nghiệp. Khai thác đề tài không mới nhưng bộ phim vẫn được khán giả đón nhận bởi mang nhiều hơi thở hiện đại, có tính thời sự như chuyện học hộ, nghề tiếp khách thuê... Cuộc sống nơi đô thị vốn có nhiều cám dỗ mà những người trẻ không thể lường trước được. Vấp ngã đầy đau đớn, nhưng đó là những bài học thấm thía cho họ để sống tốt và bản lĩnh hơn.
Cuộc sống của 4 chị em ở cùng 1 căn phòng trọ trong Những cánh hoa trước gió.
Những cô gái trong thành phố là câu chuyện về 4 chị em có tính cách, lối sống khác nhau nhưng đều yêu thương, xem nhau như ruột thịt và luôn sát cánh bên nhau vượt qua những khó khăn, thử thách nơi thành thị. Ở môi trường nơi làm việc, trong cuộc sống, họ đều gặp phải những cám dỗ, cạm bẫy. Họ cũng mang trên vai gánh nặng gia đình với hoàn cảnh éo le khác nhau.
Cả hai bộ phim đều có bối cảnh chung là ở phân xưởng may - nơi làm việc và xóm trọ - nơi ở của họ. Ở đó có biết bao vui, buồn, kỉ niệm, những nụ cười và nước mắt của những người con xa nhà, xa quê, xa người thân... với mong ước tìm được công việc ổn định, có thu nhập khá hơn để thoát khỏi cái nghèo.
Xưởng may trong 2 phim.
Thậm chí đến cả bà quản lý xưởng may ở 2 phim, cũng trùng hợp là do 1 diễn viên đảm nhiệm.
Công việc uống bia thuê, tiếp khách thuê trong Những cánh hoa trước gió.
Và ngồi uống bia cùng khách trong Những cô gái trong thành phố.
Trailer tập 29 Những cô gái trong thành phố
Nàng dâu order và Sống chung với mẹ chồng
Vốn là bộ phim gây sốt màn ảnh Việt năm 2017 và trở thành tác phẩm kinh điển về những bà mẹ chồng ghê gớm, tai quái nên dư âm của Sống chung với mẹ chồng với khán giả vẫn còn rất lớn.
Có lẽ bởi thế mà ngay khi Nàng dâu order tung trailer với những hình ảnh đầu tiên, khán giả đã nhận ra rằng sống chung với bà nội bên chồng quả thực cũng là 'cuộc chiến' cam go chẳng khác nào 'sống chung với mẹ chồng'.
Trailer Nàng dâu order
Nếu bà Phương (NSND Lan Hương) dành hết tình yêu và sự quan tâm thái quá cho con trai duy nhất thì bà nội (NSƯT Minh Vượng) cũng dành tình cảm hệt như vậy đối với Phong (Thanh Sơn) - cậu cháu nội trong nhà, luôn bênh vực cháu mọi nơi, mọi lúc, kể cả khi cậu ta có sai đi chăng nữa.Tình yêu thương quá mức dành cho con trai/cháu nội của người mẹ/ người bà đã vô tình làm tổn thương đến bà xã của họ.
Sống chung với mẹ chồng
Bà Phương đúng đêm tân hôn vẫn lao vào phòng con trai để dò xét tình hình rồi ầm ĩ quát mắng dâu mới: ' Ai cho phép cô cưỡi lên người con trai tôi thế hả?' và mắng con trai: 'Tuyệt đối không được để đàn bà con gái cưỡi đầu cưỡi cổ, kẻo mai kia không ngóc đầu lên được'.
Đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ trong Sống chung với mẹ chồng bị mẹ chồng 'phá đám'.
Trong khi đó, ở tập 1 Nàng dâu order vừa lên sóng tối 8/4, dù cháu trai mới cưới vợ, đêm hôm, khi 2 vợ chồng Hoàng Yến (Lan Phương) - Phong chuẩn bị đi ngủ thì bà nội cũng 'mò' lên phòng với lý do: 'Nay chả biết giở trời thế nào mà bà thấy mỏi hết cả tay, vai; định sang đây nhờ thằng Phong xoa bóp cho 1 lúc'. Rồi sau đó, bà chen vào nằm giữa đôi vợ chồng mới cưới.
Đôi vợ chồng mới cưới trong Nàng dâu order cũng chẳng yên vì bị bà nội chen vào nằm giữa.
Cả bà Phương trong Sống chung với mẹ chồng và bà nội trong Nàng dâu order đều coi trọng chuyện bếp núc, luôn nhắc nhở con dâu cháu dâu phải biết dậy sớm, nấu nướng, chăm lo cho gia đình, biết yêu thương và vị tha, bao dung với chồng, dù anh ta có vướng sai lầm.
Con dâu, cháu dâu đều xinh đẹp, giỏi giang trong công việc nhưng lại bị chê bai chuyện bếp núc, đối nhân xử thế...
Cả mẹ chồng và bà nội đều là những người kỹ tính, hay để ý, săm soi đến con dâu, nàng dâu. Cả hai nhân vật này nhiều khi đã nói những câu khiến Minh Vân (Bảo Thanh) và Hoàng Yến phải đau lòng. Cũng chính vì sự 'không ưa' con dâu, cháu dâu nên cả hai bộ phim đều xuất hiện những căng thẳng, rạn nứt trong quan hệ vợ chồng của hai nhân vật làm dâu.
Hàng loạt tình huống hài hước éo le và đau khổ đã diễn ra. Dù phim chưa lên sóng, qua những hình ảnh trailer, khán giả đã có thể hình dung phần nào cuộc sống làm dâu đầy tủi hờn của hai cô gái thông minh, xinh đẹp. Bên cạnh đó là cuộc hôn nhân sớm đứng trước bờ vực đổ vỡ của họ, dù trước đó, họ rất yêu chồng và những tưởng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
Cuộc sống hôn nhân nước mắt nhiều hơn nụ cười của hai cô gái phận làm dâu.
Về nhà đi con và Khi người đàn ông góa vợ bật khóc
Ngay khi nhà sản xuất tung ra trailer, rất nhiều ý kiến khán giả đánh giá về sự tương đồng đến kì lạ giữa tác phẩm này và bộ phim Khi người đàn ông góa vợ bật khóc - gắn liền với tên tuổi của NSƯT Công Lý. Từ cảnh người cha 'gà trống nuôi con' vất vả cho đến 3 cô con gái với những nét cá tính, lối sống trái ngược nhau và thậm chí nhiều tình tiết cũng y hệt nhau.
Đó là chuyện người vợ trong cả hai bộ phim đều qua đời khi sinh con gái thứ 3, đến hình ảnh đau buồn, khắc khổ của người cha khi phải lủi thủi nuôi con một mình. Kịch bản với những chi tiết lặp lại giống nhau, có thể là thuận lợi, nhưng cũng là điều khó khăn để phim ra mắt sau không bị mang tiếng là sao chép ý tưởng từ phim trước hay bị mòn ý tưởng.
Mô tuýp chuyện gia đình giữa ông bố vất vả, kham khổ và 3 cô con gái.
Cuộc sống gà trống nuôi con nhiều tương đồng của hai ông bố.
Khán giả đánh giá về cốt truyện na ná giữa 2 bộ phim.
Khi tập 1 Về nhà đi con lên sóng tối ngày 8/4 trên khung giờ vàng của VTV1, ở phần giới thiệu phim, đạo diễn đã kèm dòng chữ 'Lấy cảm hứng từ bộ phim Khi đàn ông góa vợ bật khóc'. Lúc này khán giả mới 'à' ra lý do vì sao Về nhà đi con và tác phẩm ăn khách trước đó của NSƯT Công Lý lại giống nhau đến thế!
Trong nghệ thuật, sáng tạo luôn là yếu tố tiên phong để làm nên sức hấp dẫn và lôi cuốn cho các tác phẩm. Dẫu vậy, việc lặp lại ý tưởng nhưng nếu cách khai thác và xử lý tình huống khác nhau thì vẫn tạo được hiệu ứng tốt cho khán giả. Dù ai cũng hiểu rằng, để làm được điều này, ngoài đạo diễn, biên kịch thì khả năng diễn xuất của các diễn viên cũng góp một phần to lớn.
Cùng 1 tình huống đó, dưới góc nhìn khác nhau sẽ có cách xử lý khác nhau. Điều quan trọng là diễn viên có thổi hồn, thổi ngọn gió mới vào để biến cái quen thuộc thành mới lạ, biến cái chung thành cái riêng được hay không! Vậy nên, thiết nghĩ, dù có lặp lại yếu tố kịch bản với những tác phẩm trước gió, khán giả hãy vẫn theo dõi để nhìn ra nét sáng tạo và những khác biệt của các tác phẩm, để cảm thấu được các giá trị nội dung sâu sắc mà các bộ phim gửi gắm đến chúng ta.
Theo trí thức trẻ
Bố của nam sinh đòi kiện trường vì cô giáo xui con trai bỏ học trong Nàng Dâu Order Trong phần giới thiệu tập 13 phim Nàng Dâu Order, chàng Long đã khiến bố tăng xông khi dõng dạc tuyên bố sẽ bỏ học. Preview tập 12 Điểm nhấn rõ nét nhất của đoạn phim giới thiệu tập 13 của Nàng Dâu Order, đó là việc Long (Đình Tú) tuyên bố sẽ bỏ học đại học vì thấy bản thân không hợp...