Cùng con đi thi
Sài Gòn nóng và nắng gay gắt hơn vào buổi chiều trong ngày thi đầu tiên cũng không ngăn được những bậc làm cha, làm mẹ túc trực ở cổng trường thi chờ con.
Họ gửi gắm biết bao điều trong hành trang đưa con vượt qua kỳ thi lớn sau 12 năm đèn sách.
Phụ huynh đưa con vào trường thi xong vẫn hồi hộp đứng chờ ở cổng hội đồng thi Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM trước giờ thi môn văn sáng 2-6 – Ảnh: N.Hùng
Những hình ảnh quen thuộc và gần gũi nhưng chưa bao giờ thôi xúc động: chiếc xe máy cũ treo nào trái cây, nào sữa để chờ “tiếp tế” cho con ngay sau buổi thi, một ông bố lót đôi dép lê ngồi dựa gốc cây tranh thủ chợp mắt, người mẹ vẫn giữ trên người toàn bộ “phụ tùng” chống nắng và cả nón bảo hiểm, chống cằm kiên trì chờ đến hết giờ thi để đón con.
6g15, tại hội đồng thi Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, những ông bố bà mẹ xách nào bánh mì, gói xôi đứng giục con ăn để kịp vào trường. Con vừa ăn sáng vừa tranh thủ “dượt” lại cuốn đề cương môn văn, mẹ ngồi bên cạnh lặng im, chờ đợi. Hết giờ thi buổi sáng, một phụ huynh ở hội đồng thi Trường THPT Hà Huy Tập lại ngồi chờ con ăn cơm hộp ở ghế đá sân trường, rồi lục tục dắt xe đi cho kịp giờ làm.
Cảnh đưa con đi thi hình như ở bậc học nào cũng có những điểm gần gũi nhau: con cái luôn bé nhỏ bên cạnh sự bao dung của cha mẹ. Chị Trần Ngọc Mai, phụ huynh Trường THPT Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, chỉ vào chiếc túi nilông đựng hành lý mang theo chuyến “đi thi cùng con”: một chai nước, một tờ báo cũ, chiếc áo mưa cũ để lót ngồi, hai cái bánh bao cho mẹ và con và cả cuốn sách ngữ văn lớp 12 để mẹ tranh thủ đọc khi con đang thi và dò bài khi con làm xong. Con gái chị dự thi tại hội đồng thi THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh. Chị nói: “Ngồi ngoài này hồi hộp lắm. Nghe tiếng trống báo còn năm phút nữa thu bài, tui cũng giật mình. Con mình học khá nhưng cháu hay bị tâm lý. Con ở trong kia, mẹ ngoài này cũng bị tâm lý, cứ vừa hồi hộp vừa lo chờ hết giờ”.
Video đang HOT
Thức dậy cùng con từ 4g sáng dù nhà chỉ cách hội đồng thi THPT Nguyễn Trãi, Q.4 chừng 5km, chị Bích Thủy – phụ huynh có con học Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7 – lim dim chợp mắt ở bờ tường phía ngoài hội đồng thi trong khi chờ con thi môn hóa, vì: “Sáng hai mẹ con sốt ruột dậy sớm. Trưa ăn cơm xong, thằng bé lại không buồn ngủ. Đến 13g nó lại kêu mẹ ơi cho con chợp mắt 20 phút. Thế là mẹ cứ đứng ngồi không yên, nơm nớp sợ con ngủ quên nên cứ đi ra đi vào không nghỉ ngơi được gì”. Chị nói đã chuẩn bị tinh thần và sức khỏe để đi cùng con suốt ba ngày thi quan trọng này. Sở dĩ có thời gian đưa con đi thi là vì chị làm nhân viên ở trường trung học, đến mùa thi thì nhân viên có con đi thi phải tạm nghỉ làm trong những ngày thi. “Sơ sẩy một chút thôi là oan uổng cả đời nên tự mình phải tắt máy điện thoại cho con, rồi kiểm tra giấy tờ đi thi của con trước lúc ra khỏi nhà” – chị kể.
Tại hội đồng thi THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, người cha tên Long có vẻ mặt khắc khổ tâm sự với những ông bố bà mẹ khác đang ngồi dưới bóng râm ít ỏi của một quán cà phê dưới cái nắng đổ lửa: “Con gái tui thấp bé nhẹ cân, nó học quá rồi sốt, buổi tối cứ vừa học vừa chườm khăn ướt lên đầu cho tỉnh. Loay hoay vậy mà tới giờ tui cũng đưa con đi học, đi thi được 12 năm rồi đó. Nghĩ lại mình cũng giỏi, con mình cũng giỏi”. Người cha kể tới đó rơm rớm nước mắt. Làm nghề buôn bán nhỏ ở bến xe, ông nói mình và vợ đều ít học, chỉ trông vào hai đứa con học hành thành tài để phụ giúp gia đình. Tiếng trống báo hết giờ thi vang lên, người cha lại vội vã gửi xe và giành một chỗ đứng tốt nhất cạnh cổng trường để đón con…
LƯU TRANG
Theo Tuổi trẻ
12 năm ăn học, dại gì đánh đổi bằng "phao"
Khác với lo ngại của nhiều người là "phao" thi sẽ được tung ra trong ngày thi thứ 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn xã hội và Địa và Sử, nhiều thí sinh tại TPHCM cho rằng: "12 năm ăn học chờ đợi, dại gì đánh đổi bằng "phao".
Hôm nay 3/6 là ngày thi thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, đây được xem là ngày thi "khó ăn điểm" với rất nhiều thí sinh khi sẽ phải vượt vũ môn với các môn xã hội Địa lý và Lịch sử.Với sự góp mặt của hai môn xã hội này trong một đợt thi, trước đó tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đã "rộ" lên phong trao chuẩn bị "phao". Trong khi đó, nhiều thí sinh tại TPHCM chia sẻ lý do "nói không" với "phao" thi.
Nhiều nhóm HS tại TPHCM cùng "nói không" với phao thi.
"Cách đây mấy tuần, một số người bạn em cũng chuyền tay cho em tập "phao" môn Sử và Địa thủ sẵn vì "có còn hơn không". Tuy nhiên, sau ngày thi đầu tiên em thấy đề vừa sức, chỉ cần mình nhớ các kiến thức căn bản là đủ điểm đỗ. Vậy cớ gì phải bàn đến việc dùng tài liệu cho đau đầu, căng thẳng thêm ra", thí sinh tên Tuấn, HS Trường THPT Trưng Vương cho hay.
Cùng suy nghĩ như Tuấn, Quốc Anh (HS trường THPT Tơ - le - man) bày tỏ dù lực học của mình không phải giỏi, các môn xã hội lại càng "yếu thế" nên khá lo lắng trong ngày thi thứ 2. Tuy nhiên, Tuấn cùng nhóm bạn của mình khẳng định việc dùng "phao" không hề xuất hiện trong đầu họ vì: "12 năm ăn học, chờ đợi mới đến ngày hôm nay, dại gì đánh đổi bằng "phao".
Em đánh giá, trải qua ngày thi đầu tiên với đề vừa sức, trong khi giám thị làm việc cực kỳ nghiêm túc, nhiều bạn có ý định quay cóp tài liệu sẽ thay đổi ý định.
"Đề không khó, giám thị canh gắt gao lại còn mấy chú thanh tra đảo qua đảo lại liên tục, dùng "phao" quay được chữ nào chưa biết nhưng đảm bảo... "lên thớt. Chưa kể, bị lập biên bản vì quay tài liệu thì xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu cho hết, rồi còn đối mặt với bố mẹ nữa. Tự sức mà làm cho lành", Quốc Anh cảnh báo.
Em Trần Quế Hân (Trường THPT Lương Thế Vinh) chia sẻ hầu hết bạn bè mình đều không có ý định dùng phao trong các môn thi xã hội như thông tin "phao" tràn ngập trước đó. Thí sinh này công nhận, số đông thí sinh bây giờ học ban A, nên quả thật rất "ngại" các môn xã hội yêu cầu phải nhớ, học thuộc và trình bày trôi chảy.
Tuy nhiên theo Hân, thi tốt nghiệp không phải là một cuộc đua thành tích mà chỉ là dịp để khảo sát năng lực của mỗi người với cửa ải kiến thức cơ bản nhất. Các môn xã hội nếu không đạt điểm cao thí sinh vẫn hoàn toàn có thể cố gắng ghi điểm ở những môn thế mạnh của mình để bù vào những môn yếu hơn là đã qua nổi tốt nghiệp.
"Em nghĩ chỉ cần nhớ các kiến thức cơ bản là mình đã làm được bài, đủ điểm để qua dễ dàng. Còn mang tài liệu, nếu không bị bắt thì cũng căng thẳng, lo sợ mất hết tự tin còn đâu tâm trí làm bài. Còn nếu bị bắt thì uổng công học bao nhiêu năm mà em chắc là không ai qua được mắt giám thị đâu nên đừng tự mình tước đi cơ hội của bản thân", Hân phân tích.
Một thí sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu thật thà cho biết, trước đó thấy bạn bè chuẩn bị nhiều "ruột mèo", em cũng mua hết 65.000 đồng hai cuốn nhỏ li ti "đề phòng". Nhưng khi hai môn Văn và Hóa làm bài rất tốt, hơn nữa sau khi "thám thính" thấy tình hình giám thị làm rất gắt, em bỏ ngay ý định "chết người" đó. "Em nghĩ đề chắc cũng không khó, cố gắng được điểm trung bình là ổn. Giờ nhét tài liệu vào người, tim đập chân run làm viết chữ còn không nổi thì làm được gì nữa".
Thí sinh tại hội đồng thi trường Trần Đại Nghĩa nghe phổ biến nội quy phòng thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các năm trước, hầu như đều có tình trạng thí sinh bị đình chỉ vì sử dụng tài liệu trong các môn thi xã hội. Theo quy định, thí sinh mang tài liệu vào phòng dù chưa sử dụng cũng sẽ bị đình chỉ thi ngay lập tức.
Sáng qua 2/6, trong lễ khai mạc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại TPHCM, ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhắn nhủ các thí sinh, với kỳ thi tốt nghiệp, chỉ với lực học trung bình và tâm lý tốt, các em học sinh đều có thể vượt qua được kỳ thi này. Vì thế một trong những điều các em cần chú ý là chấp hành nội quy, quy chế phòng thi để tránh những sai sót đáng tiếc.
Hoài Nam
Theo Dân Trí
Đề Địa không khó, thí sinh phấn khởi 9h30, chuông báo hết giờ làm môn Địa lí, hầu hết các thí sinh bước ra khỏi hội đồng thi tỏ vẻ phấn chấn khi làm được bài. So với mọi năm, thí sinh đánh giá đề năm nay dễ hơn. Hà Nội: Nhiều thí sinh quên đồ dùng Ngày thi thứ hai (3/6) của kì thi tốt nghiệp THPT 2012 bắt đầu...