Củng cố niềm tin
Đúng như cam kết, trong hai ngày 31/3 và 1/4 , Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo các môn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Ảnh minh họa/INT
Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có 5 bài thi, trong đó 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Để tạo thuận lợi cho nhà trường và học sinh có định hướng ôn tập, Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo tương ứng với 9 môn thi thuộc 5 bài thi.
Đón nhận và nghiên cứu đề tham khảo, đa số giáo viên và học sinh bày tỏ sự vui mừng về việc Bộ đã công bố đúng hẹn và kịp thời. Tính từ thời điểm Bộ công bố đến thời gian dự kiến lịch thi tốt nghiệp, nhà trường và học sinh có hơn 3 tháng, khá yên tâm cho công tác dạy học, ôn tập.
Nhiều hiệu trưởng cho biết học sinh vừa hoàn thành thi giữa kỳ, có đề thi tham khảo vào dịp này trường sẽ chủ động thời gian để hướng dẫn các em làm quen với định dạng đề qua các bài kiểm tra, thi cuối kỳ II, cũng như sẽ tổ chức 1 – 2 đợt thi thử.
Lứa học trò tốt nghiệp năm 2021 đã trải qua hai đợt tạm ngừng đến trường nhưng không dừng việc học, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Chia sẻ với điều kiện học tập từ xa, trực tuyến của học sinh trong bối cảnh phòng dịch, Bộ GD&ĐT đã định dạng đề thi ở mức độ vừa sức và có sự tương đồng về cấu trúc và nội dung so với đề thi các năm trước.
Video đang HOT
Theo cấu trúc đề thi tham khảo, phần lớn nội dung đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chương trình THPT chủ yếu lớp 12. Nội dung đề thi không ra vào phần kiến thức đã giảm tải, bao gồm cả nội dung trong chương trình lớp 11 và 12.
Như trong đề thi tham khảo môn Toán, các câu hỏi thuộc lớp 11 không có câu ở mức độ vận dụng, vận dụng cao, đúng với tinh thần tinh giản do tình hình dịch bệnh năm 2020 ảnh hưởng đến vấn đề học tập của học sinh khối 11. Ở đề thi môn Văn, xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết so với các kỳ thi trước đây.
Mặc dù, định dạng đề thi hướng đến mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng đề tham khảo 2021 vẫn duy trì một tỉ lệ câu hỏi có độ khó cao hơn nhằm mục đích phân hóa học sinh, tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi làm cơ sở tuyển sinh.
Các đề thi tham khảo bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 25% còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao thuộc dạng khó và rất khó. Với định dạng đề này việc học sinh đạt 6 – 7 điểm không khó nhưng để có được điểm 9 – 10 phải thực sự xuất sắc.
Nhiều trường ĐH, CĐ dành tỷ lệ lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT cho biết khá yên tâm về sự phân hóa này.
Sau việc ban hành quy chế thi với tinh thần xuyên suốt giữ sự ổn định, giờ đây, với việc công bố kịp thời đề tham khảo có định dạng hợp lý, khoa học, Bộ GD&ĐT một lần nữa tạo sự thuận lợi nhất cho giáo viên và học sinh trong dạy học, các trường ĐH-CĐ yên tâm trong xét tuyển.
Những chính sách, định hướng khởi đầu nhận được nhiều sự đồng thuận có ý nghĩa to lớn, không chỉ tạo nền tảng vững chắc mà còn củng cố thêm niềm tin của ngành và xã hội vào sự thành công của kỳ thi sắp tới.
Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Không gây áp lực cho học sinh
Bộ GD&ĐT vừa công bố đề thi tham khảo 7 môn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 gồm: Toán học, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Phản ứng của đa số giáo viên, học sinh (HS) sau khi đọc và làm đề đều cho rằng, cấu trúc đề tham khảo các môn chuẩn kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chương trình THPT và chủ yếu ở lớp 12.
Các dạng đề quen thuộc, bám sát chương trình SGK
Thầy Đặng Thanh Bình - Hiệu trưởng trường THPT Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ: Qua đọc và tham khảo ý kiến của các giáo viên bộ môn, nhìn chung các thầy cô cho rằng cấu trúc đề tham khảo 2021 phù hợp, bám sát chương trình, không quá khó, HS khá dễ dàng đạt điểm cao nên không gây áp lực.
Với môn Toán, HS có kiến thức cơ bản đạt điểm 7, điểm 8 không quá khó khăn. Với môn Ngữ văn, đề yêu cầu cao hơn năm 2020, tương đương các năm trước đó, tuy nhiên cũng không quá thách thức HS. Vì vậy, HS cần có kế hoạch ôn luyện hợp lý, bám sát chương trình SGK, chăm chỉ, chịu khó để có điểm thi đạt yêu cầu.
Đề thi tham khảo hợp lý nên tạo nhiều cơ hội cho học sinh đạt điểm tốt. ảnh: Điệp Quyên
Nhận xét về đề tham khảo môn Toán, thầy Nguyễn Văn Khiêm - giáo viên môn Toán trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu: Nội dung các câu hỏi của đề thi chủ yếu đề cập đến các kiến thức của lớp 12, chỉ 3 - 4 câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11.
Đề thi chia ra nhiều mức độ, từ câu 1 - 35 là các câu hỏi ở mức độ dễ (nhận biết, thông hiểu); HS chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong SGK là có thể làm tốt. Các câu hỏi này nhằm đảm bảo cho HS có thể đạt được điểm xét tốt nghiệp. Từ câu 36 - 45, mức độ khó nâng dần lên nhưng cũng chỉ ở mức độ vận dụng thấp (trừ câu 40, 44 có thể gây khó khăn cho HS trung bình và khá).
Các câu hỏi này nhằm phân loại HS từ mức điểm 7 đến điểm 9. Từ câu 46 - 50 ở mức độ vận dụng cao, đòi hỏi HS phải biết vận dụng sáng tạo các kiến thức đã học để tính toán. Các câu hỏi này nhằm phân loại HS từ điểm 9 đến điểm 10.
Nhìn chung đề thi phù hợp với xét tốt nghiệp, có sự phân loại cho xét tuyển đại học. Tuy nhiên, mức độ phân hóa không rõ lắm vì dải phân hóa ngắn (2 điểm).
Cô Nguyễn Thị Hiên - giáo viên môn Sinh học, trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội cho biết: Ở 20 câu đầu kiến thức cơ bản và dễ, HS chỉ cần đọc và nhớ lại những kiến thức cơ bản trong SGK là chọn đúng, làm rất nhanh nên những HS ôn thi tốt nghiệp qua điểm 5 là dễ.
Phần bài tập tập trung trong khoảng 10 câu cuối nên chỉ cần ôn kỹ lý thuyết trong SGK là có thể đạt được từ 7 - 8 điểm. Đề tham khảo giúp HS định hướng được nội dung kiến thức các phần và mức độ để đạt mục tiêu điểm khi làm bài. Phần câu hỏi vận dụng cao vẫn thuộc các dạng quen thuộc đã học và thi nên HS cần cẩn thận đọc kỹ đề là ổn.
Đề thi khối xã hội hơi khó và dài
Nêu ý kiến về đề tham khảo môn Ngữ văn, em Mai Tường Vi - lớp 12A1, trường THPT Phương Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: Đề minh hoạ môn Ngữ văn của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021 có độ phân hóa trung bình. Đối với HS nắm chắc kiến thức cơ bản thì đề này phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội có thể dễ dàng vượt qua. Riêng phần Nghị luận văn học bài "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là một bài khó và dài; trong thời gian 120 phút khó có thể hoàn thành.
Đối với những bạn lười học, thiếu kỹ năng làm bài cơ bản thì phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội khá khó nhằn, còn phần Nghị luận văn học thì rất khó. Đối với HS có sức học tốt thì có nhiều khả năng sẽ đạt điểm 7 ở môn này.
Còn em Lê Ngọc Yến Nhi - lớp 12D1, trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội bày tỏ: Trong 7 đề tham khảo, em ấn tượng với đề thi môn Địa lý. Phần lý thuyết của đề thi Địa lý khá dài. Còn lại, các câu có sử dụng Atlat và bài tập thì không khó để giải quyết bởi kỹ năng đọc, vẽ biểu đồ, xem Atlat của môn Địa lý thì hầu như trường nào cũng đã được học từ cấp II.
Theo nhận xét của em Phan Hà Chi - lớp 12A12, trường THPT Kim Liên, Hà Nội thì môn Lịch sử và Địa lý tuy khá dài (4 trang) nhưng nội dung đề bám sát chương trình SGK; phân loại các câu từ nhận biết đến vận dụng cao rõ ràng. HS chăm chỉ học thuộc và nắm chắc kỹ năng không khó để đạt điểm 8 hoặc 9. Với môn Ngữ văn, cấu trúc đề vẫn như mọi năm gồm hai phần: Đọc hiểu và làm văn. Đề văn minh họa bám sát vấn đề trong đời sống, đó là tình hình bão lũ miền Trung.
Được biết, ngay trong sáng 1/4, các thầy cô bộ môn trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội đã cho HS khối 12 làm hầu hết các đề thi thuộc đề tham khảo. Thầy Nguyễn Việt Hà - giáo viên nhà trường nhận xét: Những năm gần đây, duy nhất có năm 2018 đề chính thức khó hơn đề tham khảo, còn lại đề tham khảo thường rất sát đề thi chính thức; HS đạt điểm thấp hẳn và điểm cao hẳn đều không quá nhiều. Đề thi hợp lý nên tạo nhiều cơ hội cho HS đạt điểm tốt. Kiến thức đề môn nào cũng chủ yếu ở lớp 12, một số bài ở chương trình lớp 11 nhưng đều thuộc dạng cơ bản, không làm khó HS.
Thi tốt nghiệp THPT: Những sai lầm thường gặp của học sinh khi ôn theo đề thi tham khảo Giáo viên cho rằng học sinh thường có tâm lý ôn theo đúng dạng bài đã xuất hiện trong đề tham khảo, hoặc loại trừ những bài đã gặp. Điều này khiến các em tự thu hẹp và giới hạn kiến thức của bản thân. Bộ GD-ĐT vừa công bố đề thi tham khảo các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm...