Cụm thi được tổ chức như thế nào?
Trong quá trình triển khai kỳ thi THPT quốc gia 2015, việc tổ chức các cụm thi xem ra còn bị động và lúng túng, thời gian cập rập và liên tục phải điều chỉnh
Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 theo phương thức 3 chung (3 đợt), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã thăm dò ý kiến về việc hợp nhất 2 kỳ thi này.
Từ những thay đổi mang tính chủ trương
Ngày 9-9-2014, khi chính thức thông báo năm 2015 chỉ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhằm 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa dùng làm cơ sở xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ; Bộ GD-ĐT cũng đã công bố dự thảo quy chế thi THPT quốc gia. Theo đó (điều 4 dự thảo), Bộ GD-ĐT sẽ thành lập cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh (TS) của ít nhất 2 tỉnh (gọi là cụm thi liên tỉnh). Chỉ ở những tỉnh có khó khăn và nếu UBND tỉnh có đề nghị thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT.
Video đang HOT
Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhưng điều quan trọng nhất trong điều 4 của dự thảo quy chế là việc tổ chức thi ở cụm thi tỉnh và liên tỉnh đều giống nhau, đúng theo quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do các trường ĐH chủ trì. Quan điểm này vẫn tiếp tục còn giữ ngay cả khi Bộ GD-ĐT tiếp tục công bố dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi sau các buổi họp của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Cục Khảo thí với các trường ĐH, CĐ, các sở GD-ĐT ở phía Bắc và phía Nam vào tháng 12-2014.
Tuy nhiên, trong quy chế chính thức ban hành sau đó gần 3 tháng (ngày 26-2), khái niệm và chức năng của cụm thi đã được định nghĩa lại hoàn toàn. Theo đó, không còn gọi là cụm thi tỉnh hay liên tỉnh mà được gọi là các cụm thi do trường ĐH chủ trì gồm TS của ít nhất 2 tỉnh (khoản 1, điều 5), các cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì (khoản 2, điều 5) và cũng không còn nội dung quy định về việc các cụm thi này phải tổ chức thi giống nhau theo cùng một quy trình.
Trong những văn bản mang tính chất hướng dẫn thực hiện và triển khai tiếp theo có nêu nội dung cụm thi do trường ĐH chủ trì sẽ phối hợp với các sở GD-ĐT và tương tự cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì cũng sẽ phối hợp với các trường ĐH được phân công. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các đơn vị này tại cụm thi trong công tác tổ chức thi và coi thi thì không được quy định chi tiết cụ thể.
Đến những điều chỉnh kỹ thuật liên tục
Sau khi làm việc với các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ và các địa phương, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định 768 ngày 16-3-2015 giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi cho 38 trường ĐH theo tinh thần của khoản 1, điều 5 quy chế thi THPT quốc gia. Trong 38 cụm thi này, chỉ Trường ĐH Nông Lâm TP HCM không có cơ sở chính (chỉ có phân hiệu) trên địa bàn được phân công chủ trì cụm thi. Trong quyết định này, TS tỉnh Long An không dự thi tại các cụm thi ở TP HCM mà sẽ thi tại cụm thi Đồng Tháp. Nhưng nửa tháng sau và ngay trước ngày TS bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi, Bộ GD-ĐT đã “điều” phần lớn học sinh Long An quay lại TP HCM dự thi thay vì dự thi ở Đồng Tháp vừa xa hơn vừa không thuận tiện di chuyển.
Tuy nhiên, các học sinh ở các huyện phía Bắc Phú Yên không được may mắn như vậy, phải vào Khánh Hòa chứ không được ra Bình Định gần hơn để dự thi. Dù ngày 13-6, Bộ GD-ĐT ngỏ ý điều chỉnh địa điểm thi cho phù hợp hơn bằng cách chuyển các TS này trở ra Bình Định nhưng Bình Định lẫn Phú Yên đều không đồng tình vì ở thời điểm đó, công tác tổ chức thi cơ bản đã hoàn tất nhưng quan trọng hơn cả là chính TS cũng phản đối vì các em đã chuẩn bị xong chỗ ăn, nghỉ cho kỳ thi xa nhà.
Các cụm thi do trường ĐH chủ trì là vậy nhưng ở các cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì cũng gặp nhiều bất cập. Theo quy định, từ ngày 1-4, TS bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia, trong đó phải ghi rõ chọn cụm thi nào để dự thi (mục 9 và 10 của phiếu đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia). Nhưng mãi đến ngày 6-4, Bộ GD-ĐT mới có Quyết định số 1011 giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi cho 59 sở GD-ĐT địa phương và Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng (có 4 tỉnh, thành phố không tổ chức cụm thi địa phương là TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Thái Bình).
Tất nhiên, việc giao nhiệm vụ “trễ” cho các cụm thi địa phương không ảnh hưởng nhiều đến việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi của TS nhưng cho thấy rõ ràng công tác chuẩn bị cho các cụm thi còn nhiều cập rập, lúng túng. Thành phần các ủy viên của hội đồng thi và ủy viên của các ban chức năng của hội đồng thi cũng rất rối rắm, nhiều hội đồng thi không biết phải cấu tạo như thế nào khi mà yêu cầu phải có cả thành viên từ các trường THPT. Đó là chưa kể những bất cập khác mà chính các cụm thi địa phương cũng phải linh động tìm cách tự giải quyết khi mà số lượng TS đăng ký dự thi tại nhiều cụm do sở GD-ĐT khá ít, gây lãng phí tốn kém và khó khăn trong các khâu tổ chức thi, in đề thi và chấm thi.
Kỳ thi THPT quốc gia đã đi qua nhưng còn nhiều điều để lại cho các nhà quản lý phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm nhằm chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi năm sau.
Độ vênh trong coi thi, chấm thi?
Phải chăng những thay đổi giờ chót trong chủ trương giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi đã đưa đến độ vênh nhất định giữa các cụm thi trong công tác coi thi vừa qua, khi mà số vụ vi phạm quy chế thi năm 2015 tăng gấp 3 lần so với tổng số vi phạm trong 3 đợt thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 mà hầu hết chỉ được phát hiện và xử lý tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì? Điều này chỉ có thể khẳng định thêm nếu như tiếp tục có độ vênh trong công tác chấm thi giữa các cụm thi do trường ĐH chủ trì với các cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì trong thời gian tới.
Theo NLĐO