“Cửa” vẫn hẹp với thí sinh huyện nghèo
Mặc dù còn có nhiều bàn luận, nhưng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì các quy định ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng đã được chính thức áp dụng trong năm 2013. Các thí sinh (TS) năm nay đã có thêm nhiều thông tin về các quy định này để có thể tận dụng cơ hội, bên cạnh đó, các trường cũng chủ động hơn để có thể thực thi một chính sách nhân văn mà vẫn bảo đảm chất lượng TS.
Tuyển thẳng nhưng phải bảo đảm công bằng
Đó là yêu cầu mà Trường ĐH Y Hà Nội đã đặt ra khi thay đổi một số quy định về ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng trong mùa tuyển sinh năm nay. Theo đó, với ngành bác sĩ đa khoa, chỉ có TS đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn sinh học mới được tuyển thẳng. Các TS đạt giải nhì, giải ba chỉ được ưu tiên xét tuyển ngành bác sĩ đa khoa và chỉ được tuyển thẳng vào ngành y học cổ truyền, y học dự phòng, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng và dinh dưỡng. Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú, thay đổi này nhằm tạo sự công bằng cho tất cả các TS, nhất là với ngành có sự cạnh tranh quyết liệt như bác sĩ đa khoa. Năm 2013, chỉ tiêu của ngành này là 550 thì đã có tới 100 trường hợp tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, trong khi có rất nhiều TS đạt điểm cao mà không đậu bởi điểm chuẩn của ngành lên tới 27,5 điểm. Trường cũng đặt ra yêu cầu riêng với đối tượng đoạt giải nhất, nhì, ba trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức. Với các TS này, hiệu trưởng, Hội đồng khoa học của trường sẽ dựa trên kết quả dự án hoặc đề tài mà TS đoạt giải để xem xét có tuyển thẳng hay không.
Hướng dẫn nội quy, quy chế thi tại kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013.Ảnh: Nhật Nam
Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng có thêm một “lưới lọc” với TS đoạt giải nhất, nhì, ba trong Hội thi khoa học kỹ thuật. Các TS này năm nay được đăng ký vào ngành khoa học máy tính hoặc ngành hệ thống thông tin quản lý. Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ xem xét quyết định trên cơ sở kết quả dự án hoặc đề tài mà TS đoạt giải phù hợp với ngành đăng ký. Với đối tượng ưu tiên xét tuyển, trường đề ra mức ưu tiên cụ thể: Giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được thưởng 2 điểm, giải nhì 1,5 điểm, giải ba 1 điểm, giải khuyến khích 0,5 điểm. Ngoài ra, các em còn được ưu tiên khi tham gia tuyển sinh vào chương trình tiên tiến, chất lượng cao sau khi nhập học.
Đó là những yêu cầu khắt khe của những trường có điểm chuẩn cao nhất cả nước nhiều năm nay. Còn với các trường có đầu vào “thoáng” hơn, các quy định thường không chặt hơn so với khung quy định của Bộ.
Vẫn quá tầm với thí sinh huyện nghèo
Video đang HOT
Năm nay, các trường vẫn tiếp tục đưa ra các yêu cầu khá cao với học sinh thuộc các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ. Chỉ tiêu cho đối tượng này cũng rất ít ỏi. Trường ĐH Y Hà Nội có 5 chỉ tiêu ngành y học dự phòng, 5 chỉ tiêu ngành điều dưỡng, 5 chỉ tiêu ngành y tế công cộng. Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay tuy đã bớt khắt khe khi bỏ yêu cầu TS vừa phải đạt học lực giỏi cả 3 năm, vừa phải tốt nghiệp loại giỏi. Thay vào đó, trường yêu cầu: Thí sinh người Kinh phải có lực học từng năm đạt khá trở lên (7,0), trong đó 3 môn học lớp 12 tương ứng với 3 môn thi tuyển sinh vào trường, mỗi môn phải đạt 7 điểm trở lên; Thí sinh là người dân tộc thiểu số phải có kết quả tương đương từ 6,0 trở lên. Trường tuyển thẳng vào tất cả các ngành song đề ra chỉ tiêu theo địa bàn: Mỗi huyện tuyển không quá 1 chỉ tiêu; riêng ngành tài chính – ngân hàng 1 chỉ tiêu, ngành kế toán 1 chỉ tiêu, chuyên ngành kinh tế đầu tư 1 chỉ tiêu (tính chung cho toàn quốc). Mặc dù đã được nới lỏng so với 1 – 2 năm trước, song những yêu cầu như trên vẫn được cho là quá tầm với của các TS huyện nghèo. Có ý kiến cho rằng, nếu Bộ không có quy định cụ thể mà để các trường tự đưa ra điều kiện thì cánh cửa vào ĐH của các TS huyện nghèo vẫn sẽ rất hẹp. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, những em vào ĐH theo chính sách ưu tiên này liệu có trở về địa phương phục vụ, hay trước mắt, các em có thể theo học được hay không, sau này liệu có thể đáp ứng yêu cầu của xã hội? Liệu hình thức ưu tiên này có phù hợp với bậc đào tạo nghề bậc cao là ĐH? Nói về băn khoăn này, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nhã (Trường ĐH Nguyễn Trãi) chuyên gia tuyển sinh dày dạn kinh nghiệm, cho rằng: Nếu không có chính sách ưu tiên này, những vùng khó khăn sẽ mãi tụt hậu về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, có những trường chú trọng bồi dưỡng nhân tài, có trường tập trung nâng cao dân trí hoặc phát triển nhân lực địa phương. Vì vậy, cần có quy hoạch cụ thể để các học sinh huyện nghèo, vùng khó khăn được phân luồng để đào tạo một cách hợp lý và khoa học.
Theo VNE
Bất cập ngay từ đề án
Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội vừa công bố đề án đổi mới mô hình và chương trình đào tạo để lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia. Theo đề án này, nếu sinh viên học đủ tín chỉ và đảm bảo chuẩn chất lượng đối với giáo viên trung học cơ sở thì có thể lựa chọn dừng việc học và chỉ lấy bằng cao đẳng. Tuy nhiên, đề xuất này hiện đang nhận được những phản hồi không tích cực.
Đổi mới hai giai đoạn
Trước tình trạng "báo động đỏ" về chất lượng nguồn nhân lực ngành giáo dục, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm đặt vấn đề: Giáo dục phổ thông nước ta đã trải qua 3 cuộc cải cách giáo dục các năm 1950, 1956 và 1979; nhưng vẫn chưa có cuộc đổi mới cơ bản nào trong đào tạo ở các trường ĐH đào tạo ngành sư phạm. Vì vậy, trường ĐH Sư phạm Hà Nội có trọng trách đặc biệt trong việc chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo của nước nhà. Tuy nhiên, mô hình đào tạo, chương trình, giáo trình hiện hành của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn nhiều hạn chế và đã bộc lộ nhiều bật cập trước những đòi hỏi của ngành giáo dục.
Ông cũng cho rằng, tiến trình đào tạo giáo viên của Việt Nam đang chậm đổi mới so với thế giới. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mô hình giáo viên phổ thông trực tiếp kèm cặp cho sinh viên ngành sư phạm về kỹ năng, phương pháp giảng dạy, sinh viên vừa học vừa thực hành liên tục (đan xen một buổi lên lớp với một buổi thực tập thực tế môi trường giảng dạy tại các trường phổ thông) cũng rất được quan tâm phát triển tại nhiều quốc gia.
Sinh viên có quyền dừng học để nhận bằng CĐ và giảng dạy tại trường THCS.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, quan điểm đổi mới chương trình đào tạo sư phạm hiện nay phải được xây dựng trên quan niệm mới về người giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đất nước. Mặt khác, chương trình mới được xây dựng tổng thể với tầm nhìn xuyên suốt cả quá trình và trong mỗi giai đoạn trước mắt, trung hạn và dài hạn, đảm bảo sự liên kết chặt chẽ có tính bền vững tương đối giữa nội dung chương trình trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT).
Đồng thời, chương trình đào tạo lại phải tinh giản, thiết thực và hiệu quả, hình thức thích hợp với từng đối tượng; ngành học phải có tính liên thông để sinh viên phát triển nghề nghiệp và chuyên môn trong tương lai.
Theo đề án đổi mới mô hình và chương trình đào tạo của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khung chương trình đào tạo vẫn giữ mức 4 năm, nhưng sẽ đào tạo để dạy tích hợp - phân hóa và được chia 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, nếu sinh viên đã học đủ tín chỉ, đảm bảo chuẩn chất lượng đối với giáo viên trung học cơ sở (90 tín chỉ) thì có thể lựa chọn dừng việc học, lấy bằng cao đẳng (CĐ). Giai đoạn 2 đào tạo để dạy phân hóa, đạt chuẩn của giáo viên trung học phổ thông, cấp bằng ĐH (150 tín chỉ, trong khi khung chương trình Bộ Giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) quy định chỉ khoảng 130 tín chỉ).
Không thể đào tạo kiểu "cắt khúc"
Khi vừa được đưa ra để lấy ý kiến, đề án đổi mới mô hình và chương trình đào tạo của trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã khiến các chuyên gia giáo dục và giáo viên băn khoăn, bởi hiện nay ngành GD-ĐT đang hướng đến mục tiêu tất cả giáo viên ở các bậc học phải có trình độ cử nhân; đặc biệt với bậc ĐH sẽ dần xóa bỏ tình trạng "cử nhân dạy cử nhân". Đồng thời, chương trình đào tạo giáo viên THCS và giáo viên THPT không thể là phép cộng đơn giản khi đối tượng người học có tâm sinh lý rất khác nhau.
Nhiều ý kiến cho rằng, với khung chương trình mới này, ĐH Sư phạm Hà Nội đang coi đào tạo giáo viên bậc THCS là "trạm dừng" trong đào tạo giáo viên bậc THPT. Nghĩa là sinh viên được đào tạo trong giai đoạn một để dạy tích hợp và có thể lựa chọn dừng học khi chưa đạt chuẩn trình độ cử nhân.
TS Ngô Thị Thu Dung, trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nếu chỉ đào tạo một giai đoạn rồi cấp bằng CĐ cho sinh viên thì cũng đồng nghĩa với việc các trường ĐH sư phạm cung cấp một "sản phẩm" dang dở cho xã hội.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
TS Dung băn khoăn: "Đặt mình vào vị trí người học, chúng ta cũng không làm như vậy. Chỉ trừ trường hợp như bị kỷ luật, bị đuổi học, chúng ta nói nếu em xuống CĐ thì chúng tôi cấp bằng cho em. Như vậy liệu bậc THCS người ta có nhận những giáo viên mà vì một lý do gì đấy không được phép tiếp tục học cử nhân, chỉ có bằng CĐ về dạy không? Chắc chắn với tư cách là người sử dụng, các trường họ sẽ không nhận".
Mục tiêu của đề án đổi mới chương trình đào tạo giáo viên của trường ĐH Sư phạm Hà Nội là đào tạo ra các cử nhân sư phạm có thể giảng dạy được nhiều chương trình giáo dục. Tuy nhiên, phương án chia khung chương trình thành 2 giai đoạn và có thể cấp bằng cao đẳng cho sinh viên mới học hết giai đoạn một được coi như một cách đào tạo "nửa vời".
GS Đỗ Đức Thái - Khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng việc cố gắng giảm nhẹ số tín chỉ đào tạo giáo viên, nhất là với giáo viên giảng dạy các môn tích hợp tới đây là không tưởng. GS nhấn mạnh: "Nói đơn giản, một quyển sách giáo khoa toán quá mỏng là thảm họa, không thể tạo ra môi trường trải nghiệm đủ để kiến tạo kiến thức. Đó chỉ là cách đánh lừa dư luận. Tôi có đứa con học lớp 6, một tiết 45 phút cô giáo phải dạy nào mặt phẳng tọa độ, cách xác định điểm trên mặt phẳng tọa độ, cho một điểm tìm hai tọa độ, cho hai tọa độ tìm ra điểm, rồi đồ thị hàm số... Những khái niệm khó như thế, tôi là giáo sư toán và cũng là một "thợ dạy", một thầy, một trò mà mất cả giờ".
Trước băn khoăn của các chuyên gia giáo dục về đề án đổi mới chương trình và đào tạo của trường ĐH Sư phạm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh yêu cầu đặt ra cho xây dựng chương trình đào tạo trong các trường Sư phạm là phải đáp ứng tính linh hoạt và mang hướng mở; trong đó lại phải vừa mang tính tích hợp cao, vừa phân hóa và phải đáp ứng liên thông cả CĐ và ĐH. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh theo chuẩn nghề nghiệp thì cử nhân sư phạm tốt nghiệp phải dạy được cả THCS và THPT. Sinh viên sư phạm cần được trải nghiệm thực tế nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu nhà giáo sau này.
Thứ trưởng cho rằng, tới đây tiếp tục bàn kỹ hơn chương trình đào tạo nên xây dựng 135 hay 150 tín chỉ, nhưng phải khẳng định đạo tạo ở các trường sư phạm là 4 năm, không thể ít hơn và cũng không thể kéo dài. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đồng tình với tỷ trọng thời gian dành cho đào tạo nghiệp vụ sư phạm là 25% thời gian khung chương trình đào tạo. Đồng thời lưu ý, bổ sung và làm đậm nét nội dung phẩm chất đạo đức của người giáo viên, chú trọng hơn đến việc đưa giáo sinh vào trải nghiệm thực tế giáo dục ở các trường Phổ thông.
Theo VNE
Học giỏi văn được chọn tuyển thẳng vào nhiều trường đại học Hàng loạt trường đại học (ĐH) vừa chính thức công bố tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào học sau khi đạt học sinh giỏi quốc gia môn Văn. Cụ thể, đó là các trường: ĐHSP Hà Nội 2, ĐH Luật Hà Nội, ĐH khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, ĐH Huế, ĐH Nội vụ ... Theo...