Cửa hàng điện thoại bị thiếu nhân viên, thiếu hàng khi mở cửa lại
Nhiều cửa hàng điện thoại gặp tình trạng thiếu hụt nhân viên, thiếu nguồn hàng bán khi mới mở cửa trở lại trong tháng 10.
Thiếu nhân viên bán hàng
TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước đã mở cửa trở lại sau thời gian chống chọi với Covid-19. Các cửa hàng điện thoại cũng đã được mở lại hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều nơi gặp tình trạng thiếu nhân viên, thiếu nguồn cung.
Nhiều cửa hàng điện thoại gặp tình trạng thiếu hụt nhân viên khi mở cửa trở lại.
Nói với ICTnews, ông Nguyễn Lạc Huy – đại diện hệ thống CellphoneS – cho biết, việc kinh doanh buôn bán đã thuận lợi hơn trước do khách hàng có thể đến trực tiếp cửa hàng để mua máy. Tuy nhiên chuỗi này đang gặp tình trạng thiếu hụt nhân viên, khoảng 30-40% nhân sự bán hàng chưa thể đi làm lại.
“Toàn bộ nhân viên phải tăng ca liên tục, nhưng vẫn xảy ra tình trạng khách phải đợi lượt phục vụ vào các khung giờ cao điểm (10-12h, 17-21h)”, ông Huy thông tin.
Việc thiếu hụt nhân viên bán hàng do những người này về quê tránh dịch chưa quay trở lại thành phố. Ngoài ra, nhiều người ở nội đô cũng bị lây nhiễm từ gia đình, hoặc có tiếp xúc với ca nhiễm nên phải tạm nghỉ việc trong thời gian cách ly.
Hệ thống Di Động Việt cũng đối mặt tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Ngọc Đạt, CEO chuỗi này cho hay, hiện số lượng nhân viên chỉ bằng khoảng 60-70% so với trước. Nhiều nhân viên đi làm nhưng dường như chưa bắt kịp được với nhịp công việc mới, xảy ra tình trạng lơ là.
Video đang HOT
“Có lẽ thời gian tránh dịch dài ở nhà khiến một số bạn có sức ì nhất định”, ông Đạt thông tin.
Do nhân sự thiếu hụt nên các hệ thống để những nhân viên này tập trung phục vụ khách, việc giao hàng được chuyển bớt sang cho đơn vị vận chuyển.
“Trước đây thường để nhân viên đi giao vì họ có thể cài đặt, hỗ trợ sản phẩm cho khách. Nhưng vừa mở cửa lại nên thiếu người, đành để nhân viên các hãng giao hàng thực hiện”, ông Huỳnh Phú Hải – chủ chuỗi 24H Store lý giải.
Tuy vậy, bản thân các hãng giao vận cũng gặp tình trạng thiếu hụt nhân sự. Do đó, các cửa hàng di động cho biết hàng hoá không được giao nhanh như trước, khiến khách hàng phải chờ đợi lâu hơn.
Thiếu hụt nguồn cung
Bên cạnh khó khăn về nhân sự, nhiều cửa hàng cũng xảy ra tình trạng thiếu hàng bán. Điện thoại, laptop, máy tính bảng đều không được đầy đủ.
Chẳng hạn iPhone 13 Series mới ra mắt nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng nhưng phía hãng phân phối nhỏ giọt xuống đại lý. Việc này khiến nhiều bên bị khan hàng. Tuy vậy, ông Huỳnh Ngọc Đạt cho rằng, việc thiếu iPhone mới cũng thường xảy ra ở giai đoạn mở bán tương tự các năm trước.
Riêng nhiều mặt hàng khác có thể phục vụ học tập và làm việc online thì bị thiếu hàng trầm trọng.
Đại diện Di Động Việt cho biết, những smartphone Samsung dòng A có màn hình lớn, pin lâu hầu như không còn hàng. Riêng một số loại máy tính bảng ra mẫu nào hết mẫu đó, không còn trong kho.
Phía CellphoneS cũng tương tự, một số sản phẩm như iPad hay laptop tầm trung ở phân khúc 10-15 triệu đồng liên tục cháy hàng và chưa có lịch về hàng cho các đợt tiếp theo.
Việc thiếu hàng hoá công nghệ hiện nay diễn ra trên toàn cầu vì hai lý do chính. Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà máy và hệ thống giao vận. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách tiết kiệm điện năng dẫn đến nhiều nhà máy không được hoạt động hết công suất cũng tạo ra sự khan hiếm.
Nói với ICTnews trước đây, ông Phùng Ngọc Tuyên – Giám đốc ngành hàng viễn thông di động Thế Giới Di Động – khẳng định chuỗi này đang không cung cấp đủ hết nhu cầu thị trường ở các mặt hàng điện thoại giá rẻ, màn hình lớn. Một số dòng laptop và máy tính bảng cũng khan hiếm.
Dù là chuỗi lớn thường được ưu tiên nguồn hàng, nhưng bản thân Thế Giới Di Động vẫn không đủ cung cấp một số dòng máy nhất định. Phía nhà bán lẻ này đã thực hiện trữ hàng từ giai đoạn bắt đầu dịch, nhưng nguồn cung vẫn không đủ do nhu cầu học tập, làm việc online lên cao.
Đối với việc thiếu hụt hàng hoá, các nhà bán lẻ nhận định việc mở cửa tại Việt Nam và trên thế giới sẽ góp phần giải quyết tình trạng này, tuy nhiên chưa ai chắc chắn được giai đoạn nào sản phẩm công nghệ sẽ đầy đủ hoàn toàn.
Từ sau 1/10, tất cả các cửa hàng điện thoại đã mở cửa toàn bộ. Tuy nhiên ở một số thời điểm quá đông thì nhân viên sẽ sắp xếp để khách hàng ngồi chờ bên ngoài nhằm giãn mật độ người trong cửa hàng.
Cửa hàng bị phạt 7,5 triệu đồng vì không dán mã QR
Một số quán cà phê, cửa hàng tạp hóa bị phạt 7,5 triệu đồng vì không tuân thủ việc quét mã QR.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, quận Hoàn Kiếm đã kiểm tra đột xuất một số cửa hàng kinh doanh tại các phường Tràng Tiền, Hàng Bạc, Hàng Trống... từ ngày 15/10 đến 20/10 và phát hiện một số địa điểm chưa nghiêm túc quét QR code.
Cụ thể, ba quán cà phê ở đường Tông Đản và đường Nguyễn Xí không hướng dẫn khách quét mã; một cửa hàng tạp hóa ở đường Nguyễn Khắc Cần không có mã QR. Các cơ sở này bị phạt 7,5 triệu đồng vì "không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm".
Khách hàng quét QR khi vào một cửa hàng.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trong ngày 19/10 và 20/10, Sở cũng tổ chức ba đoàn kiểm tra việc thực hiện tạo và quét mã QR tại các cơ quan công sở, cửa hàng, siêu thị, địa điểm công cộng ở 6 quận huyện Mê Linh, Thanh Oai, Long Biên, Thường Tín, Đống Đa, Ba Đình.
Trong 183 địa điểm được kiểm tra, phần lớn đã tuân thủ đúng quy định. "Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh chưa thực hiện nghiêm việc quét mã QR của người vào ra" và bị nhắc nhở, xử phạt, theo kết luận của Sở.
Đại diện Sở cho biết, việc triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra vào bằng mã QR là những biện pháp nhằm ứng dụng công nghệ trong trạng thái bình thường mới. Khi có ca F0, các trường hợp liên quan sẽ được khoanh vùng chính xác, truy vết nhanh chóng, từ đó kịp thời ngăn chặn sự lây lan.
"Công nghệ đang góp phần là lá chắn không thể thiếu trong phòng chống dịch. Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, sự tuân thủ của người dân sẽ giúp Hà Nội đảm bảo trạng thái bình thường mới", ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, nói.
Kiểm soát người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR là một trong các biện pháp công nghệ đang được Hà Nội và nhiều địa phương thực hiện thời gian qua. Mỗi cửa hàng, địa điểm cần tạo một điểm quét QR riêng. Người dân khi tới đây sẽ quét mã bằng ứng dụng như PC-Covid, hoặc đưa mã QR cá nhân của mình (trên ứng dụng chống dịch hoặc CCCD) để chủ địa điểm quét. Hoạt động này nhằm ghi lại các mốc dịch tễ. Khi có ca F0, cơ quan y tế có thể liên hệ được với những người xuất hiện cùng thời gian và địa điểm với ca bệnh để khoanh vùng và ngăn dịch bệnh lây lan.
Theo số liệu đến ngày 17/10, tổng số điểm quét mã QR tại Hà Nội là 613.266. Trong ngày 17/10, số địa điểm QR Code có lượt quét mã là 68.827. Tổng số người đi/đến đã thực hiện check-in tại các điểm quét mã trong ngày là 209.344 người.
Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc giám sát thông qua hệ thống quản lý. Hệ thống này thể hiện những quận, huyện, xã, phường và địa điểm có số lượt quét thấp, từ đó có biện pháp hướng dẫn, hoặc chấn chỉnh nếu chưa thực hiện nghiêm.
McDonald's Trung Quốc tặng NFT cho khách hàng và nhân viên McDonalds Trung Quốc sẽ tặng 188 NFT có tên cho nhân viên và người tiêu dùng. Tuy nhiên, chuỗi thức ăn nhanh này đã đi ngược lệnh cấm tiền số tại Trung Quốc. Theo CoinTelegraph , ngày 8/10, McDonalds Trung Quốc đã phát hành một bộ sưu tập gồm 188 NFT (token không thể thay thế) nhằm kỉ niệm 31 năm thành lập...