Cua đá đặc sản khó cưỡng của đảo Cù Lao
Cù Lao Chàm luôn chào đón du khách bằng tiếng sóng rì rào, bãi cát dài trắng mịn và nước biển trong vắt.
Thêm vào đó, chuyến đi hẳn sẽ trọn vẹn hơn nếu bạn được thưởng thức các món ăn từ cua đá rất đỗi dân dã, thân thương với người Quảng Nam nhưng lại hiếm thấy ở những nơi khác.
Khi đi dạo trên bến cầu cảng của Bãi Làng Cù Lao Chàm, du khách có thể dễ dàng bắt gặp người dân đang bày bán những con cua có màu sắc kỳ lạ. Mai và các chi của chúng màu nâu tím, phần bụng dưới lại ngả vàng ươm. Đây là cua đá – đặc sản riêng có của Quảng Nam.
Cua đá là món ngon dân dã của xứ đảo Cù Lao.
Cua đá có con lớn bằng nắm tay. Loài này sống trong các hang đá trên núi cao, chỉ xuống biển đẻ trứng vào mùa sinh sản. Thức ăn của cua đá là cỏ cây, lá rừng nên thịt chúng rất chắc và ngọt thanh, không có vị tanh, hương thơm thì đặc biệt kỳ lạ.
Nhiều người dân truyền tai nhau, càng lên vùng núi cao, thịt cua đá càng dai và ngọt đậm, tạo nên sức hấp dẫn rất riêng. Khác với cua biển và ghẹ, gạch của cua đá nhiều và béo ngậy, nhất là hai càng cua to, dầy thịt, bọc trong lớp vỏ cứng. Thông thường 100% cua cái đều có gạch.
Thời điểm thích hợp để đi bắt cua đá là vào ban đêm – lúc cua rời hang đi kiếm ăn. Ban ngày, chúng rất khôn và tinh, chỉ cần nghe một tiếng động nhẹ là đã nhanh chóng lẩn vào các hốc đá, không tài nào bắt được.
Cua đá có cặp càng rất chắc khỏe.
Video đang HOT
Người đi bắt chỉ cần cầm theo đèn pin, rọi thẳng vào cua là chúng sẽ như bị thôi miên. Lúc này, người ta nhanh tay chộp cua bỏ vào giỏ. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng khi bắt cũng cần hết sức cẩn thận vì cua đá sở hữu cặp càng to khỏe. Chỉ một chút sơ sẩy là người bắt cũng có thể “dính đòn”, bị cua kẹp khó lòng gỡ nổi.
Cua đá khi bắt mang về được người dân chế biến thành nhiều món khác nhau như nướng, kho, rang muối, nấu bún riêu… Nhưng đơn giản và thường thấy nhất là món canh cua đá nấu với các loại rau rừng.
Cua đá có hương vị đặc trưng khiến thực khách phải nhớ mãi.
Lựa những con cua cỡ vừa, đem về rửa sạch thân ngoài, lấy gạch rồi giã cho cua giập sơ. Cua đá rất hợp với các loại rau rừng như rau sắng, rau dớn, rau lủi, chùm bao hoặc rau mồng tơi, cải cúc… Khi chín, vị thơm của thịt cua kết hợp với vị ngọt của rau rừng sẽ làm ấm lòng người thưởng thức.
Một món ngon đơn giản nữa là cua đá hấp sả. Chỉ cần hấp cách thủy trong nửa giờ, toàn bộ thân cua sẽ chuyển sang màu đỏ hồng, vỏ bóng loáng. Thực khách thường ăn kèm cua hấp với rau húng, rau răm chấm muối tiêu chanh. Vị đậm đà, ngon ngọt của cua đá quyện với mùi thơm của rau cứ ngấm dần và lưu lại mãi nơi cuống họng.
Cua hấp có màu sắc rất đẹp.
Cuối cùng, cua đá rang muối cũng được thực khách rất ưa chuộng. Đầu bếp chỉ cần khéo léo chế biến sao cho muối và các loại gia vị bám đều vào càng cua, thấm đẫm trong từng thớ thịt là món ăn đã đạt “chuẩn”.
Cua đá là đặc sản quý mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Quảng Nam. Có đến tận nơi, nhâm nhi một ít rượu nồng, ăn miếng cua đá ngọt lịm mới thấm thía hơn cái thú ẩm thực của người vùng cao, giản dị mà không kém phần tinh tế.
Tuy nhiên, để đảm bảo vệ sinh và an toàn, thực khách cũng nên lưu ý không ăn cua chưa được chế biến kỹ hoặc đã chế biến nhưng để ở ngoài quá lâu. Trong quá trình lựa chọn, cần tránh những con bị chết hoặc có mùi.
Theo Dân trí
Thưởng thức đặc sản "rồng đất" ở Hải Dương
Có nhà văn đã từng viết: "Ở Bắc Việt, ăn rươi là một thông lệ, đến mùa mà không được ăn thì như một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa". Quả đúng là như vậy
.Bất cứ ai đã từng thưởng thức các món ăn từ rươi cũng sẽ bị làm cho mê hoặc, cảm thấy nhớ nhung và quyến luyến mãi không nguôi.
Ở Hải Dương, con rươi xuất hiện rất nhiều ở các huyện Kinh Môn, Tứ Kỳ, Thanh Hà... Nhưng những thực khách sành ăn thì cho rằng, chỉ có rươi Tứ Kỳ là thơm ngon số 1 và xứng đáng được gọi là món lộc "trời cho". Mùa rươi khá ngắn nên nếu bỏ lỡ, thực khách chỉ có thể thưởng thức mùa rươi chiêm hoặc đợi đến năm sau mới có cơ hội.
Rươi có vẻ ngoài khiến nhiều người e dè.
Thoạt nhìn, rươi có vẻ ngoài khá đáng sợ. Chúng giống những con giun đủ màu xanh đỏ, cuộn vào nhau bò lổm ngổm. Dân gian còn gọi rươi là con "rồng đất". Thân rươi có nhiều lông tơ nhỏ, chúng xuất hiện nhiều vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch hàng năm, chủ yếu ở vùng nước lợ.
Khi nước ở sông tràn vào đồng vừa rút thì cũng là lúc người dân bắt đầu vào vụ đi "săn" rươi. Chỉ cần bổ vài nhát cuốc là đã thấy những con vật kỳ lạ, nửa giun nửa rết từ từ đùn đất chui lên, có con dài tới vài mét. Chẳng mấy chốc, chúng tự động phân khúc, đứt rời thành từng đoạn nhỏ và hình thành con rươi.
Cách đây vài năm, chỉ vài chục ngàn là có thể mua được một kg rươi. Nhưng 1, 2 năm trở lại đây, rươi rất khan hiếm, giá bán lên đến 450.000 đồng. Rươi chính vụ kéo dài chỉ mấy ngày, nhưng vậy cũng là đủ cho nhiều hộ kiếm được tiền triệu.
Việc lựa chọn rươi cũng nên được các bà nội trợ cân nhắc.
Từ lúc rươi được bắt lên, chúng sống trong lớp nhớt tự tiết ra, sau đó yếu dần đi và chết. Bởi vậy khi mua rươi, cần lưu ý chọn những con bò được, thân mập có màu hồng, thả vào nước sẽ thấy bơi rất nhanh. Ngược lại, rươi yếu hoặc sắp chết có màu xanh, xanh đậm ngả sang đen, ăn không ngon, khi đánh ít tan, rán lên sẽ rất khô.
Sau khi thu hoạch, những mẻ rươi tươi rói được bán lại cho các nhà hàng đặc sản hay khu chợ lớn. Vẻ ngoài xấu xí là vậy, nhưng người ta có thể chế biến rươi thành nhiều món thơm ngon như rươi om nồi đất, nem rươi, mắm rươi, rươi hấp, thậm chí có nơi còn làm canh rươi. Nhưng trên tất thảy, nổi tiếng nhất vẫn là chả rươi.
Chả rươi, theo cách gọi một số nơi là rươi đúc trứng, là một trong những món chả rán đặc biệt của người Việt. Đối với vùng quê Hải Dương, chả rươi là món ăn có thể làm hài lòng cả những vị khách khó chiều nhất.
Các nguyên liệu chính làm món chả rươi.
Dù mỗi vùng có cách chế biến riêng, nhưng làm theo kiểu nào vẫn có chung các nguyên liệu chính, từ thịt lợn xay nhuyễn, trứng gà, hành hoa, thìa là, chút ớt tươi và không thể thiếu vỏ quýt. Nghe thì đơn giản, nhưng thiếu đi một nguyên liệu cũng coi như "hỏng" cả món ăn tinh túy. Tuy ít phổ biến hơn, nhưng có nơi người ta còn cho thêm lá chanh hoặc lá lốt thái chỉ để gia tăng hương vị.
Rươi tươi sống sau khi được sơ chế sạch, nhặt hết rác, sẽ đem rụng qua nước sôi tầm 90 độ để "làm lông". Khi trút nguyên liệu chính vào bát, người nấu bếp sẽ cho cùng thịt lợn xay nhuyễn, trứng gà, hành lá, thìa là kèm gia vị nước mắm rồi đánh nhuyễn. Sẽ không đúng vị chả rươi nếu thiếu đi vỏ quýt. Tuy không cho nhiều nhưng tinh dầu của vỏ quýt tăng thêm hương vị đặc biệt, đồng thời giúp món ăn dễ tiêu hơn.
Khi hỗn hợp đủ dẻo, người ta sẽ đưa lên chảo rán. Thông thường, dùng mỡ nước rán chả sẽ cho thành phẩm thơm ngon hơn. Món rươi thành công khi có phần vỏ ngoài vàng ruộm màu cánh gián, ruột mềm ngọt đậm.
Chả rươi có màu sắc hấp dẫn và mùi vị khó lòng chối từ.
Chả rươi ăn kèm cùng rau mùi, húng thơm, chấm trong nước mắm pha chanh ớt đậm đà, quyện chút ớt cay và hạt tiêu bắc thơm lừng. Vào ngày miền Bắc chuyển lạnh, đĩa chả rươi trong mâm cơm gia đình có khả năng gắn kết mọi thành viên.
Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, rươi cũng xuất hiện ở một số tỉnh và được người dân huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đặc chế thành nước mắm.
Theo truyền thuyết, khi vua Gia Long trên đường lánh nạn đến vùng Duyên Hải đã dùng nước mắm rươi hằng ngày trong bữa cơm. Thấy hương vị thơm ngon đặc biệt nên khi đăng ngôi thiên tử đóng đô tại Huế, năm nào vua Gia Long cũng cử ghe bầu về nơi này mua nước mắm. Từ đó, nước mắm rươi còn có tên gọi "nước mắm ngự".
Theo Dân trí
Tròn mắt với món ăn kỳ dị từ biển cả, ăn một lần cả đời không quên Shirako là cái tên mỹ miều của món ăn được làm từ tinh hoàn của cá biển đực. Đây là món ăn đặc sản được nam giới Nhật Bản ưu ái và thường xuyên sử dụng bởi món ăn này chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 12, tức là thời điểm lập đông, người Nhật lại...