Cử tri TPHCM “hoang mang” trước nạn cướp giật quá táo tợn
Tình hình cướp giật tại TPHCM ngày càng táo tợn, như vụ cướp túi xách của cô gái trên đường Nguyễn Hữu Cảnh; giật dây chuyền của cô dâu đang chụp hình bên đường; chặt tay cô gái trên đại lộ để cướp xe SH… khiến người dân không yên tâm khi ra đường.
Bảng tổng hợp kiến nghị của cử tri TPHCM sẽ được đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp thứ 7, HĐND TPHCM khóa VIII dự kiến diễn ra từ ngày 4-7/12.
Cử tri bày tỏ sự quan tâm, lo lắng khi tình hình cướp giật đang ngày càng gia tăng với mức độ vô cùng táo tợn. Những vụ cướp trên các tuyến đường liên tiếp xảy ra như vụ cướp túi xách của cô gái trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh); vụ giật dây chuyền của cô dâu đang chụp hình bên đường; vụ chặt tay cô gái trên đại lộ để cướp xe SH…
Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, tình hình tội phạm cướp giật càng gia tăng. Cần ngăn chặn tình trạng này để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Một vụ cướp táo tợn khi kẻ cướp giật dây chuyền vàng của cô dâu đang chụp hình bên đường
Cử tri quận 4 kiến nghị ngành công an thường xuyên tuần tra để ngăn chặn và hạn chế tình trạng cướp giật trên đường phố. Cử tri quận 6, 10, Bình Thạnh, Thủ Đức phản ánh tình hình an ninh trật tự thành phố đang có chiều hướng xảy ra phức tạp, các vụ trọng án xảy ra rất nhiều, nhất là các ngày cận Tết. Lực lượng công an quá mỏng nên phát sinh trộm, cướp, trấn lột người dân bất cứ lúc nào, làm cho người dân không an tâm khi ra đường. Cử tri đề nghị tăng cường cảnh sát khu vực cho các phường đê giúp chính quyên giữ gìn an trật tự trên địa bàn dân cư; tăng cường tuần tra trên đường phố, ngăn chặn và phát hiện tình trạng cướp giật, kiên quyết xử lý tình trạng đua xe trái phép trên địa bàn thành phố hiện nay.
Đối với ngành công an thành phố, cử tri cho rằng số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố ngày càng tăng, đề nghị có biện pháp hạn chế kéo giảm tai nạn. Cử tri xã Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh kiến nghị tăng mức phạt gấp đôi các tình trạng không đội mũ bảo hiểm, đua xe lạng lách đánh võng. Cử tri huyện Củ Chi đề nghị xem lại cách làm việc của Đội Cảnh sát giao thông An Sương vì chỉ kiểm tra xe ô tô, còn xe máy chạy ngược chiều, lấn tuyến, chạy lạng lách đánh võng cũng không thấy xử lý. Cử tri quận Bình Tân đề nghị công an không nên chốt phạt dưới đường xuống cầu hay nơi có khúc cua quá hẹp, gây khó cho người tham gia giao thông.
Video đang HOT
Nạn nhân của vụ chặt cánh tay cướp xe SH
Cử tri quận Tân Phú phản ánh tình trạng các cơ sở kinh doanh buôn bán (như kinh doanh gas, nước đá,…) sử dụng phương tiện xe 2 bánh giao nhận hàng hầu hết đều không bảo đảm tiêu chuẩn lưu thông (hư hỏng nặng, không đèn, không rõ nguồn gốc…). Cần nâng cao mức xử phạt đối với những người sử dụng các loại phương tiện này.
Không chỉ kiến nghị đến các sở, ban ngành, cử tri cũng đã gửi những ý kiến liên quan đến hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND).
Cử tri quận 10 phản ánh việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong thời gian qua đã tinh giản bộ máy, tiết kiệm được ngân sách nhưng làm như vậy có vô tình “cắt xén” quyền làm chủ của nhân dân hay không? Theo luật HĐND có 4 cấp, nếu thí điểm không có HĐND quận, phường thì phải sửa Luật cho phù hợp với quy định pháp luật.
Cử tri phường Phước Long A, quận 9 phản ánh việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã bộc lộ một số mặt mà nhân dân lo lắng như: hiện tượng tiêu cực ngày càng tăng; hiện tượng chạy chức chạy quyền gần như công khai; vấn đề an toàn xã hội không còn được bảo đảm; vai trò của Mặt trận Tổ quốc về lĩnh vực phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chỉ phản ảnh, kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri nếu không được các cơ quan có liên quan trả lời hoặc chuyển đơn qua các cơ quan khác gây tâm lý bức xúc của người dân phải đi đến nhiều nơi đã hạn chế đến quyền làm chủ của người dân.
Cử tri quận Bình Tân đề nghị lãnh đạo HĐND có lịch tiếp công dân hằng tháng và công khai rộng rãi trên đài, báo chí cho người dân được biết.
Dự kiến ngày mai (4/12), kỳ họp lần thứ 7 HĐND TPHCM khóa VIII sẽ chính thức khai mạc. Kỳ họp sẽ bàn bạc nhiều vấn đề, trong đó tập trung nghe UBND TPHCM báo cáo kết quả thực hiện kinh tế – xã hội năm 2012, quyết toán ngân sách năm 2011, tình hình thu chi ngân sách năm 2012 và phương hướng trong năm 2013; kết quả thực hiện “Năm An toàn giao thông 2012″…
Kỳ họp cũng nghe và xem xét các tờ trình của UBND TP như tờ trình về bảng giá đất năm 2013, kế hoạch biên chế trong các cơ quan tổ chức, hành chính và một số tờ trình khác. Trong ngày làm việc thứ 2 và 3 (được truyền hình và phát thanh trực tiếp), các đại biểu sẽ thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội TPHCM năm 2012, nhiệm vụ năm 2013 và tham gia phiên chất vấn, trả lời chất vấn các sở, ngành TP.
Theo Dantri
'Đừng biến mình thành mồi ngon của cướp'
Không chỉ lực lượng công an TP HCM mà các hiệp sĩ SBC đều cho rằng người dân hiện chưa biết tự bảo vệ mình, để tài sản hớ hênh, thiếu cảnh giác trước tình hình tội phạm đang gia tăng.
Trước tình hình cướp giật ngày càng gia tăng ở TP HCM, anh Nguyễn Văn Minh Tiến (hiệp sĩ đường phố Sài Gòn) cho biết, ngoài một số vụ cướp mà kẻ thực hiện phải lên kế hoạch chuẩn bị hay dàn cảnh từ trước, đa phần là do người dân chủ quan, để tài sản hớ hênh, tạo điều kiện cho chúng dễ dàng ra tay khi có cơ hội.
Theo hiệp sĩ Tiến, những kẻ cướp giật khá đa dạng về thành phần, không đơn thuần là những người có bề ngoài nghèo khổ, hom hem. "Có những tên trông rất sáng sủa, đi xe SH... nhưng vẫn là thủ phạm của những vụ cướp giật. Vì vậy, khi đi đường và mang theo những tài sản quý, người dân nên lưu ý đề phòng, đừng biến mình thành 'mồi ngon' của bọn cướp", anh Tiến cho hay.
Nhiều người đi đường vẫn còn chủ quan trong việc tự bảo quản tài sản, dễ trở thành "con mồi" cho bọn cướp giật. Ảnh: H. D.
Trong những lần tuần tra trên đường anh Tiến thấy không ít người dân chủ quan khi mang túi xách ở trước đầu xe, vừa đi đường vừa lấy điện thoại ra nghe. Trong khi, những người dùng điện thoại đắt tiền thường sẽ lọt vào tầm ngắm của bọn cướp và chỉ trong tích tắc sơ hở, bọn chúng có thể "vớt" được mà chủ nhân chỉ biết ú ớ vì bất ngờ.
"Gặp những trường hợp như vậy trên đường tôi luôn nhắc nhở, nhưng họ lại cho rằng mình rảnh hơi. Đặc biệt, một số cô gái còn có lời lẽ thiếu tế nhị vì nghĩ tôi chọc ghẹo họ. Trong khi chính họ đang tạo điều kiện cho bọn cướp ra tay", vị hiệp sĩ đường phố phân trần.
Anh Tiến cho rằng, trong trường hợp phải dừng xe nghe điện thoại ngoài đường, người dân nên tìm một vị trí đứng an toàn, có thể quan sát trước sau. Một kinh nghiệm mà hiệp sĩ Tiến chia sẻ thêm là người đi đường nên để ý quan sát những dấu hiệu bất thường xảy ra trên đường thông qua tiếng động cơ xe, biểu hiện của những người xung quanh.
"Thông thường khi bọn cướp phát hiện ra 'con mồi' chúng sẽ theo dõi trong một khoảng cách nhất định sau đó mới ra tay. Nếu trong 10 người cùng đi đường mà có một hoặc hai tên có biểu hiện lạng lách, ánh mắt khác thường vẻ lấm lét... thì chúng ta nên phòng trước bằng cách tránh vào chỗ an toàn, có đông người hơn để chúng khó có cơ hội ra tay", anh Tiến nói.
Anh Nguyễn Thanh Hải - Đội trưởng đội hiệp sĩ SBC Bình Dương lưu ý thêm rằng, người dân đeo các loại trang sức có giá trị như dây chuyền, vòng vàng, lắc tay... khi ra đường cần mặc áo khoác dài hoặc khăn choàng để không gây sự chú ý của bọn cướp. Còn đối với những tài sản có giá khác như tiền bạc, giấy tờ tùy thân thì nên bỏ túi xách vào trong cốp xe. Khi dừng lại để lấy áo mưa, hay tiền đổ xăng... mọi người phải quan sát xung quanh, giữ cự ly an toàn với người bên cạnh. Nếu phát hiện có người khả nghi, thì phải tìm một vị trí khác an toàn hơn.
Khi mang theo máy tính xách tay, người dân nên đeo về phía trước ngực để đề phòng kẻ cướp giật. Ảnh: H. D.
Một trong những tài sản bọn cướp nhắm tới khi ra tay mà các hiệp sĩ SBC thường bắt gặp đó là máy tính xách tay của sinh viên hoặc nhân viên công sở. Phần lớn những trường hợp này đều do người đi đường bất cẩn mang phía trước xe. Anh Hải cho biết, cách đây không lâu, các anh em trong đội SBC Bình Dương đã phải truy đuổi cả 10km để bắt tên cướp giật túi xách đựng laptop của một nữ sinh ĐH Thủ Dầu Một.
"Trong trường hợp mang máy tính, người dân nên bỏ vào một ba lô chắc chắn và đeo vào người hoặc về phía trước ngực để dễ quan sát và chủ động ứng phó khi có tình huống bất trắc xảy ra", hiệp sĩ Hải nói.
Không chỉ ra tay cướp nữ trang, máy tính, túi xách, mà theo các hiệp sĩ đường phố, bọn cướp hiện nay khá táo tợn, chúng có thể ngang nhiên chặn người đi đường cướp xe đặc biệt là đối với phụ nữ. Trong khi đó, tâm lý người dân hay chọn đường tắt để đi cho nhanh, trong khi những tuyến đường này lại thường vắng người.
Kinh nghiệm mà anh Hải chia sẻ khi phải đi trên đường quốc lộ là nên bám theo những người khác thành nhóm, hoặc xe ôtô lưu thông cùng hướng để bọn cướp khó ra tay hơn, hoặc nếu gặp sự cố sẽ có người xung quanh hỗ trợ. Đối với phụ nữ, trong mọi trường hợp không nên chạy xe một mình ngoài đường vào đêm khuya, nhất là trên những khúc đường vắng.
"Nếu không may gặp cướp và bị thương tích, người dân nên bình tĩnh, truy hô tìm người giúp sức chứ không nên một mình kháng cự, bởi chúng có thể ra tay không thương tiếc để chạy thoát. Điều cuối cùng và quan trọng nhất là phải trình báo với cơ quan công an địa phương, cung cấp thông tin để họ điều tra, xử lý", anh Hải cho biết.
Theo VNE
Người Sài Gòn tập 'sống chung' với cướp Không đeo vàng bạc hay sử dụng xe đời mới, ra đường chỉ dám đi taxi... là một trong số cách người dân Sài Gòn áp dụng để tự bảo vệ mình trước nạn cướp giật đang hoành hành. Sáng đầu tuần, sau khi đưa con đi học, chị Hồng (40 tuổi) dừng chiếc Spacy tại cây xăng trên đường Tô Hiến Thành...