Cử tri chất vấn về gian lận thi cử, Bộ GD-ĐT trả lời việc hoàn thiện cách thi!
Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, như vậy, Bộ GD-ĐT chỉ trả lời kiểu… rất chung, chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ trong công tác quản lý nhà nước của mình khi để xảy ra vụ việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay…
Sáng 9/5/2019, UB Thường vụ Quốc hội có phiên thảo luận về báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri. Theo tổng hợp của Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội, đến thời điểm này, có 2.173/2.174 kiến nghị gửi đến Chính phủ, các Bộ, ngành đã được xem xét, giải quyết, trả lời (chiếm 99,95%).
Về vấn đề văn hoá, cử tri đề cập tình trạng như vừa qua , tổ chức quá nhiều cuộc thi sắc đẹp nhưng chưa đảm bảo được mục đích, ý nghĩa của các cuộc thi. Dẫn đến một số vụ việc vi phạm pháp luật có liên quan đến các người đẹp đạt giải (như môi giới mại dâm, bán dâm, có lối sống không lành mạnh, thiếu trách nhiệm với danh hiệu đạt được,…) đã tác động lớn đến đạo đức, lối sống một bộ phận thanh niên, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục nhất là hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Đáp lại thông tin phản ánh, Bộ VHTT&DL giải thích, hiện nay một số quy định của pháp luật đối với tổ chức, quản lý hoạt động thi người đẹp đã không còn phù hợp và hiện Bộ đang tiến hành rà soát, xây dựng dự thảo Nghị định để thay thế các quy định còn bất cập này, trình Chính phủ trong năm 2019.
Lĩnh vực giáo dục, vấn đề tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cử tri TP.Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ĐT luôn thay đổi đề án thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh, đề nghị có giải pháp lâu dài để khắc phục những bất cập này.
Cử tri một số tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắk Lắk,… phản ánh rất bất bình trước hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, yêu cầu Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này và các giải pháp khắc phục hậu quả.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chủ trì việc tổng hợp báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội, kỳ họp thứ 6
Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ GD&ĐT cho biết , Bộ đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi. Ngày 4/12/2018, Bộ GD&ĐT đã ra thông báo nêu rõ, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm 2017 và năm 2018, đồng thời thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để hạn chế, bất cập, đặc biệt là hiện tượng gian lận, đảm bảo tổ chức kỳ thi được khách quan, an toàn, nghiêm túc.
Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, Bộ Giáo dục cũng cho biết, về cơ bản giữ nguyên phương án xét tuyển như năm 2017 và năm 2018.
Video đang HOT
Lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, báo cáo của Ban Dân nguyện đề cập, cử tri TPHCM, Đà Nẵng, Yên Bái, Thái Bình… phản ánh hoạt động băng nhóm xã hội đen, bảo kê, buôn bán ma túy, các vụ giết người, cho vay nặng lãi, xâm hại tình dục trẻ em,… gây hoang mang, bức xúc trong Nhân dân và đề nghị có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.
Trả lời, Bộ Công an đã thông tin đến cử tri về việc Bộ đã xây dựng các chương trình kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng tội phạm. Năm 2018, tình trạng vi phạm pháp luật hình sự trên toàn quốc giảm 0,61% số vụ so với năm 2017; phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy nhiều hơn 6,33% số vụ, 2,8% số đối tượng, thu giữ ma túy tăng gần 250kg, hơn 3 tấn và hơn 1 triệu viên ma túy tổng hợp; điều tra, khám phá gần 45.000 vụ tội phạm về trật tự xã hội… Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng, vẫn gây lo lắng, bức xúc dư luận như cử tri phản ánh.
Trả lời cử tri kiểu… “lờ” trách nhiệm
Đánh giá chung, Ban Dân nguyện cho rằng, về cơ bản, các bộ ngành đều nghiêm túc, trách nhiệm trong việc tiếp thu kiến nghị cử tri nêu, trả lời rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm. Hiện tượng trả lời chung chung, “lạc đề”, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn, sơ suất trong văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri, so với các kỳ họp trước hầu như đã được khắc phục. Hầu hết văn bản trả lời cử tri đều do các Bộ trưởng trực tiếp trả lời và ký.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo thường xuyên với những vấn đề phát sinh như nạn “tín dụng đen”; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng tại nhữngthời điểm rất gần nhau, trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài khiến lượng điện sử dụng và tiền điện tăng làm người dân lo lắng, băn khoăn; chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất tăng mạnh chế tài xử phạt trước tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng…
Tuy nhiên, cơ quan dân nguyện vẫn “phê” nhiều văn bản trả lời cử tri chỉ thiên về trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, trong khi cử tri đánh giá các quy định này đã và đang bất cập, không phù hợp, lạc hậu với thực tiễn nhưng không giải trình thấu đáo. Một số văn bản trả lời cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề mà cử tri nêu còn rất chung chung như đã giao, đang chỉ đạo giải quyết mà chưa đi thẳng vào vấn đề mà cử tri phản ánh, không nhận trách nhiệm của các Bộ, ngành mình trong công tác quản lý hoặc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực mà cử tri kiến nghị nên còn thiếu thuyết phục.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải dẫn chứng việc trả lời chất vấn về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong vụ gian lận thi cử, Bộ này cũng chỉ chủ yếu nêu giải pháp điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Về trách nhiệm của mình Bộ chỉ nêu, ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi.
“Như vậy, Bộ GD&ĐT chỉ trả lời rất chung, chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ trong công tác quản lý nhà nước của mình khi để xảy ra vụ việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay, như trách nhiệm của Bộ trong việc ban hành các quy định về chấm thi, quản lý bài thi,.. chưa khoa học, còn sơ hở chưa đảm bảo chặt chẽ, công khai nhưng đã không được thường xuyên rà soát, kiểm tra rút kinh nghiệm từ các kỳ thi trước; công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức kỳ thi tại các địa phương còn hình thức, thiếu hiệu quả nên không chủ động phát hiện được sai phạm” – Trưởng Ban Dân nguyện nhận xét.
Theo cơ quan này, Bộ Giáo dục cũng chưa nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định làm căn cứ để xử lý đối với kết quả thi của các thí sinh được nâng điểm,… nên còn lúng túng trong việc hướng dẫn các trường đại học xem xét kết quả của các thí sinh gian lận điểm thi này; việc xử lý các cá nhân tập thể của Bộ trong việc để xảy ra những tiêu cực nêu trên cũng không được nhắc đến trong các văn bản trả lời với cử tri.
Cơ quan theo dõi việc giải quyết kiến nghị cử tri cũng nhận xét, nhiều kiến nghị liên quan đến việc đầu tư vốn cho các công trình thường được trả lời chung ở dạng “theo kế hoạch” trong khi cử tri cần biết thời điểm cụ thể khi nào kế hoạch được thực hiện.
Một số kiến nghị thuộc phạm vi trách nhiệm giải quyết của nhiều ngành nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên kết quả giải quyết chưa đạt chất lượng, thời gian cử tri chờ đợi kéo dài, từ chuyện đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, minh bạch trong thu phí BOT, tiêu cực xảy ra trong ngành giáo dục như bạo lực học đường…
P.Thảo
Theo Dân trí
Để các trường ĐH chấm thi THPT Quốc gia: Có hạn chế được tiêu cực?
Việc giao các trường chấm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 theo nhiều chuyên gia sẽ góp phần hạn chế tiêu cực. Nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn lo ngại...cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sắp tới.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Mới đây, Bộ GD ĐT vừa giao nhiệm vụ chấm thi THPT Quốc gia 2019 cho các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng, các trường đào tạo giáo viên phối hợp với các Sở GDĐT thực hiện.
Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng gian lận thi cử như năm 2018, trong Quyết định, Bộ GDĐT đã quy định rõ các đơn vị - trường đại học chấm thi trắc nghiệm.
Trao đổi về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPQ Quốc gia 2019, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết, năm nay nhà trường sẽ phối hợp cùng ĐH Phan Thiết, ĐH Kinh tế tài chính và Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019 và chấm thi tại tỉnh Bình Thuận.
Ông Phạm Thái Sơn chia sẻ: "Là đơn vị chủ trì chấm thi tại tỉnh Bình Thuận cộng với áp lực của kỳ thi năm nay nên công tác chuẩn bị của trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cần kỹ hơn để tránh xảy ra sai sót, tiêu cực.
Bên trường đã cử người tham gia Ban chỉ đạo thi theo yêu cầu của tỉnh và tập huấn công tác chấm thi theo phần mềm mới của Bộ. Nhà trường năm nay sẽ tăng cường công tác tuyển chọn cán bộ tham gia công tác coi thi, chấm thi và hạn chế sử dụng người "quê gốc" tại tỉnh Bình Thuận về làm nhiệm vụ".
Ngoài ra, ông Phạm Thái Sơn cũng cho biết thêm, nhiệm vụ chấm thi THPT Quốc gia cũng vừa vinh dự nhưng cũng vừa áp lực cho nhà trường. Áp lực lớn nhất là thực hiện một kỳ thi minh bạch, an toàn.
Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cũng cho hay, ông rất ủng hộ việc Bộ GD ĐT có chủ trương giao cho các trường ĐH kết hợp với các Sở GDĐT tổ chức kỳ thi và chấm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.
"Theo nhận định chủ quan của tôi, nhiều năm qua và cho đến kỳ thi THPT QG năm 2018, bên cạnh một số địa phương làm tốt và khá tốt việc coi thi, còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc. Nhiều nơi còn dễ dãi trong khâu coi thi vì bệnh thành tích, vì "thương" học trò... Vì vậy, việc giao cho các trường ĐH chắc chắn sẽ góp phần làm giảm tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019" - ông Nguyễn Văn Ngai nói.
Còn ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GDĐT cho rằng: "Việc giao cho các trường ĐH chấm thi THPT Quốc gia năm nay hy vọng sẽ hạn chế được tiêu cực vì các trường ĐH cần thí sinh chất lượng phục vụ cho công tác tuyển sinh nên sẽ cần kết quả minh bạch".
Tuy nhiên, ông Vinh cũng chỉ ra e ngại ở việc cán bộ coi thi khi chấm thi ngay tại địa phương thì dễ bị chi phối bởi những người của địa phương.
"Cán bộ chấm thi không thể tách ra khỏi Sở GDĐT địa phương do địa phương có thể phải chuẩn bị hậu cần ăn uống cho cán bộ chấm thi. Vì thế cần có giải pháp giúp cán bộ chấm thi làm việc và sinh hoạt ăn nghỉ độc lập thì sẽ tốt hơn, tránh phát sinh tiêu cực, gian lận" - ông Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
ANH NHÀN
Theo laodong
Bộ GD chống gian lận thi THPT quốc gia 2019 thế nào? Bộ GD-ĐT vừa đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm lập lại trật tự thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo đó, nhằm tiếp tục hoàn thiện và ổn định kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng; khắc phục tình trạng tiêu cực, gian lận trong thi cử, tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã tổ chức...