Cử tri bám sát quy định để lựa chọn được ứng viên thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đại biểu Quốc hội
Để kết quả bầu cử đảm bảo khách quan, cử tri cần bám sát các quy định để lựa chọn ứng cử viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có khả năng thực hiện được nhiệm vụ đại biểu Quốc hội tốt nhất.
Đó là chia sẻ của bà Tạ Thị Yên, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Thường trực Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, chung quanh công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Niêm yết danh sách người ứng cử để cử tri theo dõi tại xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Thời điểm này dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, bà có thể cho biết đợt bầu cử lần này sẽ có những điểm gì đáng lưu ý để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, đồng thời bảo đảm phòng, chống dịch?
Để ngày bầu cử thành công tốt đẹp, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về các tình huống mới phát sinh trong công tác chuẩn bị bầu cử. Ví dụ việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 và tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh; việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19…
Tiến tới Ngày bầu cử, để bảo đảm sức khỏe, an toàn trong công tác phòng, chống dịch cho thành viên phụ trách bầu cử và cử tri tham gia bỏ phiếu, Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/1/2021 của Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã quy định nếu tình hình dịch bệnh bùng phát, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét chỉ đạo, hướng dẫn phương án tổ chức bầu cử đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, trên tinh thần, địa phương chủ động xây dựng các phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đồng thời, UBND cấp tỉnh chủ động chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở chỉ đạo chung đó, để bảo đảm an toàn cho ngày bầu cử, các địa phương đặc biệt lưu ý công tác thực hiện đúng thông điệp 5K của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung…
Để làm được điều này, ngoài việc tăng cường ý thức phòng, chống dịch, bảo đảm cơ sở vật chất như máy đo thân nhiệt, trang bị sẵn dung dịch khử khuẩn, khẩu trang…, các tổ bầu cử phải chủ động trong việc bỏ sung hòm phiếu phụ, bổ sung dấu “Đã bỏ phiếu”, thậm chí bổ sung cả điểm bỏ phiếu và lên phương án phân công thành viên phục vụ tại các điểm bỏ phiếu bổ sung, khi cần có thể huy động thêm nhân sự có kiến thức, hiểu biết về pháp luật để hỗ trợ các tổ bầu cử.
Danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đến nay có gì thay đổi so với con số 868 ứng cử viên được Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố? Danh sách chính thức để cử tri bầu sẽ được niêm yết khi nào, thưa bà?
Theo quy định của Luật bầu cử, việc niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải được Tổ bầu cử thực hiện chậm nhất 20 ngày trước ngày bầu cử. Như vậy, đối với kỳ bầu cử này, ngày 3/5/2021 là ngày cuối cùng của việc niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử ở các khu vực bỏ phiếu, tạo thuận lợi để cử tri tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các ứng cử viên, phục vụ cho việc lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Như báo chí đưa tin, trong những ngày qua, có 1 trường hợp ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tham gia ứng cử tại địa bàn tỉnh Kiên Giang vì những yếu tố cá nhân, trong đó có vấn đề về sức khỏe nên đã có đơn xin rút khỏi danh sách ứng cử. Đơn xin rút của ứng cử viên đã được Ủy ban bầu cử tỉnh Kiên Giang xem xét và đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia chấp thuận.
Như vậy, so với con số 868 ứng cử viên được công bố theo Nghị quyết số 559/NQ- HĐBCQG ngày 27/4/2021 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, đến nay đã giảm 1 ứng cử viên. Như vậy, tổng số ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đến thời điểm hiện nay trên cả nước là 867 ứng cử viên được phân bổ tại 184 đơn vị bầu cử để bầu 500 đại biểu tham gia Quốc hội khóa XV.
Video đang HOT
Vậy 867 là số ứng cử viên được chốt để đến ngày 23/5 cử tri bầu, thưa bà?
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định số người ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội phải nhiều hơn số đại biểu Quốc hội được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất 2 người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu Quốc hội vì lý do bất khả kháng sẽ do Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định.
Từ nay đến ngày bầu cử, nếu có những tình huống phát sinh với các ứng cử viên, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ quyết định cụ thể đối với số dư tại đơn vị bầu cử. Như vậy, tổng số ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV trong phạm vi cả nước nếu có phát sinh tình huống mới, khả năng tổng số ứng cử viên đại biểu có thể sẽ có thay đổi.
Các trường hợp nào bị xóa tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội?
Điều 60 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định, người có tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia xóa tên người đó trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Bà con dân tộc Dao thôn Mùng, xã Dương Hưu, huyện Sơn Động (Bắc Giang) tìm hiểu danh sách cử tri được niêm yết. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Hiện các ứng cử viên đang thực hiện vận động bầu cử, trong trong quá trình này, theo bà điều gì đáng chú ý nhất trong hoạt động này?
Theo quy định của pháp luật về bầu cử, hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố, đến nay, các ứng cử viên đã cơ bản thực hiện chương trình vận động bầu cử thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri. Thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông cho thấy hoạt động vận động của các ứng cử viên luôn bám sát quy định về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Mỗi ứng cử viên luôn phát huy thế mạnh, ưu điểm cá nhân để mong muốn sẽ được cử tri tín nhiệm lựa chọn làm đại biểu Quốc hội khóa XV, có cơ hội thực hiện chức năng đại diện cho nhân dân và cử tri, tiếp đến cùng sẽ có những đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội ở địa bàn ứng cử nói riêng và cả nước nói chung.
Cũng thông qua hoạt động vận động bầu cử, điều đáng chú ý nhất là hình thức tiếp xúc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Đây là một giải pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng tại một số địa phương. Những giải pháp mang tính tình thế này đã mang lại hiệu quả tích cực vì có khả năng lan tỏa đến nhiều cử tri hơn.
Theo bà, để kết quả bầu cử đảm bảo khách quan, trung thực và chọn được người đại biểu dân cử xứng đáng, cử tri cần lưu ý những điều gì và các cơ quan phụ trách công tác bầu cử, kiểm phiếu cần phải làm gì?
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định rõ về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và trách nhiệm của các thành viên tham gia tổ chức phụ trách bầu cử.
Để kết quả bầu cử đảm bảo khách quan, cử tri cần bám sát các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND để lựa chọn được các ứng cử viên có đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn và có khả năng thực hiện được các nhiệm vụ đại biểu Quốc hội tốt nhất. Bên cạnh đó, cử tri cũng cần lưu ý đến các tiêu chuẩn được hướng dẫn cụ thể cho từng kỳ bầu cử. Cụ thể như việc lựa chọn nhân sự tham gia Quốc hội khóa XV, ngoài các tiêu chuẩn được quy định trong pháp luật bầu cử, các ứng cử viên còn phải đáp ứng được các quy định tại Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/1/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đối với các tổ chức phụ trách bầu cử và các thành viên tham gia tổ chức phụ trách bầu cử cần bám sát các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ bầu cử của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan chức năng để hướng dẫn cử tri bỏ phiếu và việc kiểm phiếu. Tránh trường hợp để cử tri bỏ phiếu không hợp lệ hoặc công tác tổng hợp, kiểm phiếu sai.
Các tổ bầu cử cần chủ động phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Trong công tác kiểm phiếu cần có sự phân loại phiếu theo từng cấp đại biểu được bầu để không lúng túng, khó khăn trong công tác kiểm phiếu.
Trường hợp các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương có thành viên là người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc COVID-19 (F1, F2) dẫn đến phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà, tùy tình hình, điều kiện thực tế và nhân sự cụ thể, các địa phương chủ động rà soát, bổ sung, thay thế thành viên tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử để vừa bảo đảm đủ số lượng theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, vừa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; khẩn trương tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử mới được bổ sung, nhất là thành viên các tổ bầu cử, có cơ chế, phương án sẵn sàng huy động, trưng tập thêm số nhân sự phù hợp, có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật về bầu cử tham gia hỗ trợ hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử. Đây cũng là một trong những giải pháp và là vấn đề các tổ chức phụ trách bầu cử cần lưu ý để đảm bảo thành công của cuộc bầu cử.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nơi có dịch hoặc cách ly y tế bầu cử thế nào?
Theo Hội đồng bầu cử quốc gia, trong ngày bầu cử, tổ bầu cử sẽ cử người mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cơ sở cách ly tập trung hoặc nơi ở, nơi lưu trú của cử tri đang được cách ly tại nhà hoặc địa điểm thuận tiện khác để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bỏ phiếu.
Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại tổ bầu cử số 3 tỉnh Thái Nguyên tiếp xúc với cử tri trực tuyến Ảnh: T.N
Vận động bầu cử trực tuyến để phòng dịch
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, t
rên cơ sở hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam , Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành đã xây dựng kế hoạch để tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến kết nối giữa điểm cầu ở tỉnh và điểm cầu tại trung tâm các huyện, thành phố, thị xã theo từng đơn vị bầu cử. Tại Thái Nguyên, trong ngày 6/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 tại đơn vị bầu cử số 1 và 3. Đây cũng là giải pháp linh hoạt được tỉnh Thái Nguyên áp dụng nhằm đảm bảo các ứng cử viên có thể vận động bầu cử đến cử tri một cách an toàn trong bối cách dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Tại Phú Thọ, MTTQ tỉnh cũng đã chuyển phương án từ hội nghị trực tiếp sang trực tuyến để những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vận động bầu cử. Để thực hiện việc này, tỉnh đã bố trí 238 điểm cầu tại các đơn vị bầu cử, trong đó có 13 điểm cầu trung tâm tại các huyện, thành, thị và 225 điểm cầu tiếp sóng tại các xã, phường, thị trấn. Đến nay, cơ bản các điểm cầu đều đảm bảo các điều kiện cần thiết sẵn sàng cho hội nghị... Tương tự các tỉnh, thành khác như Lào Cai, Đà Nẵng cũng đã xây dựng kế hoạch vận động tranh cử theo hình thức trực tuyến...
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, Hội đồng bầu cử Quốc gia yêu cầu địa điểm bỏ phiếu phải thông thoáng, bảo đảm khoảng cách khi nhận phiếu bầu cử, ghi phiếu và bỏ phiếu bầu cử vào hòm phiếu, đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn trước và sau khi bỏ phiếu.
Tại Nghệ An, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đề nghị tạm dừng tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh từ ngày 7/5 cho đến khi có kế hoạch thay thế. Trước mắt, Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị tăng cường vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đọc trên loa phát thanh tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của các ứng cử viên và niêm yết thêm chương trình hành động của các ứng cử viên tại các điểm bầu cử. Theo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, việc tổ chức vận động bầu cử theo hình thức trực tuyến vừa bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Người bị cách ly bỏ phiếu ra sao?
Về phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 và tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh, Hội đồng bầu cử quốc gia yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, cập nhật danh sách để thực hiện điều chỉnh, bổ sung danh sách cử tri và tạo điều kiện để cử tri tại cơ sở cách ly y tế tập trung thực hiện quyền bầu cử.
Đối với những người đang làm việc, thực hiện nhiệm vụ trong các cơ sở cách ly tập trung mà trong ngày bầu cử không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã đăng ký thì chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, người phụ trách cơ sở cách ly tập trung có trách nhiệm tổng hợp danh sách, thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã để cập nhật vào danh sách cử tri thông tin về việc cử tri bỏ phiếu ở nơi khác.
Đến ngày bầu cử, Tổ bầu cử sẽ cử người mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cơ sở cách ly tập trung hoặc nơi ở, nơi lưu trú của cử tri đang được cách ly tại nhà hoặc địa điểm thuận tiện khác để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bỏ phiếu.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân, người lao động tham gia bầu cử Ngày 6/5, Đoàn Giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia do ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát, kiểm tra công...