“Cú sốc Afghanistan” – cơn đau đầu thực sự của ông Biden
Sự sụp đổ nhanh chóng không ngờ của chính phủ Afghanistan trước nhóm vũ trang Taliban đã khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với một cơn đau đầu thực sự, chỉ nửa năm sau khi ông lên nắm quyền.
Tổng thống Joe Biden (Ảnh: AP).
Taliban từ ngày 15/8 đã kiểm soát hoàn toàn Afghanistan và tuyên bố sớm thành lập “ Tiểu vương quốc Hồi giáo”. Một số chuyên gia nhận định, sự sụp đổ nhanh chóng của Chính phủ ở Kabul chính là sự thất bại từ từ và kéo dài của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Biden khẳng định, nước Mỹ đã nhận ra những rủi ro trong tương lai và có sự chuẩn bị tốt cho từng tình huống, Washington sẽ không mắc phải những sai lầm trong quá khứ.
Sự kiện 11/9
Để trả đũa vụ khủng bố lịch sử ngày 11/9, ngày 7/10/2001, Mỹ, Anh cùng các đồng minh bắt đầu chiến dịch trên lãnh thổ Afghanistan bằng một loạt phi vụ không kích các căn cứ quân sự của Taliban với lý do “chứa chấp trùm khủng bố Osama bin Laden”, kẻ bị cáo buộc là chủ mưu các vụ khủng bố 11/9. Đúng 2 tháng sau, ngày 7/12/2001, chế độ Taliban đã sụp đổ hoàn toàn.
Tuy nhiên, các thành viên Al-Qaeda và Hồi giáo cực đoan khác, từng chiến đấu trong hàng ngũ Taliban còn sống sót trong những ổ kháng cự trước kia, đã tái nhóm và tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan.
Tháng 3/2002, các quân đội Mỹ tiến hành Chiến dịch Anaconda. Hơn 800 tay súng Taliban và Al-Qaeda đã bị đánh bật khỏi Thung lũng Shah-i-Kot. Sau khi lật đổ Taliban, Mỹ và NATO đã chi hàng tỷ USD để tái thiết đất nước Afghanistan. Năm 2003, sau khi triển khai 8.000 binh lính ở Afghanistan, Mỹ bắt đầu chuyển nguồn lực chiến đấu sang cuộc chiến ở Iraq.
Năm 2004, một chính quyền thân Mỹ được dựng lên ở Kabul, tuy nhiên, các cuộc tấn công của Taliban vẫn tiếp diễn. Năm 2009, Mỹ tăng quân tại Afghanistan, giúp đẩy lùi Taliban, nhưng tình thế không duy trì được lâu. Năm 2012, các lực lượng NATO đã bắt đầu chiến lược rút lui, Mỹ tuyên bố các hoạt động tác chiến lớn của họ sẽ kết thúc vào tháng 12/2014.
Năm 2014, các lực lượng quốc tế của NATO chấm dứt hoạt động giao tranh và trao lại việc đảm bảo an ninh cho quân đội Afghanistan. Điều này khiến cho Taliban có đà tiến lên, và họ đã chiếm được thêm lãnh thổ.
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban được khởi động, trong đó chính phủ Afghanistan gần như không tham gia, thỏa thuận rút quân đã đạt được vào tháng 2/2020 tại Qatar. Theo đó, các lực lượng Mỹ sẽ rời Afghanistan vào ngày 1/5/2021. Tuy nhiên, thỏa thuận không làm chấm dứt các cuộc tấn công của Taliban. Thay vào đó, họ chuyển mục tiêu tấn công vào các lực lượng an ninh Afghanistan, dân thường và các mục tiêu cần ám sát. Những vùng đất do Taliban kiểm soát ngày càng rộng lớn thêm.
Nắm bắt cơ hội sau khi Mỹ rút quân, Taliban đã tiến quân khắp miền Bắc Afghanistan. Tại nhiều khu vực, quân chính phủ thậm chí đầu hàng mà không chiến đấu. Trong hơn tuần qua, Taliban đã ồ ạt tấn công vào hàng loạt các vị trí chính phủ Afghanistan kiểm soát. Ngày 15/8, Taliban đã chiếm thủ đô Kabul, Tổng thống Afghanistan nhanh chóng chạy khỏi đất nước. Taliban tuyên bố sẽ sớm thành lập “Tiểu vương quốc Hồi giáo”.
Có thể nói 20 năm qua, Mỹ mặc dù tiêu tốn sức người, sức của nhưng không tiêu diệt được Taliban, mà buộc phải chấp nhận sự hiện diện của lực lượng này trong đời sống chính trị Afghanistan. Theo một thống kê, tính đến tháng 4 năm nay, có 2.448 binh lính Mỹ thiệt mạng, hơn 20.000 lính Mỹ bị thương. Số binh lính của đồng minh và các quốc gia thành viên NATO thiệt mạng là 1.144 người.
Mức phí tổn cho cuộc xung đột, bao gồm các khoản chi cho quân sự và tái thiết Afghanistan là 978 tỷ USD tính đến 2020. Ngoài ra, số tiền Mỹ phải dùng để trả chi phí y tế, trợ cấp thương tật, chôn cất và các chi phí khác cho khoảng 4 triệu cựu binh Afghanistan và Iraq là hơn 2.000 tỷ USD.
Tương lai nào cho Afghanistan?
Một số chuyên gia cho rằng, sau khi Taliban giành quyền lực một tương lai bất định sẽ dành cho Afghanistan. Những năm 90 của thế kỷ trước, Taliban hứa hẹn những điều tốt đẹp nhưng trên thực tế lại duy trì quy tắc Hồi giáo nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với phụ nữ. Mới đây, thủ lĩnh tối cao Taliban, Hibatullah Akhundzada, tuyên bố Taliban đang trên đà thiết lập một “hệ thống Hồi giáo thuần túy” ở Afghanistan, nơi phụ nữ và các nhóm thiểu số không được hưởng các quyền.
Tuyên bố trên làm dấy lên lo ngại, người dân Afghanistan sẽ một lần nữa phải chịu một trong những hình thức khắc nghiệt nhất của chủ nghĩa toàn trị tôn giáo, đảo ngược hai thập niên tiến bộ của phụ nữ và các nhóm thiểu số. Một hệ lụy khác là nguy cơ truyền bá các tư tưởng cực đoan thánh chiến, sự trở lại của tổ chức như IS, hay Al-Qaeda. Vì vậy, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về tương lai của phụ nữ và trẻ em gái, yêu cầu Taliban “thực hiện kiềm chế tối đa”.
Thế nhưng, cũng có các đánh giá khác rằng lực lượng Taliban ngày đã khác rất nhiều so với trước đây. Bằng chứng là Taliban mới đây kêu gọi người dân không nên lo sợ, lực lượng này không có ý định trả thù bất cứ ai. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 6, người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban mô tả Afghanistan thời hậu chiến sẽ là đất nước tuân thủ luật pháp, là một thành viên của cộng đồng quốc tế, mở mang kinh doanh, hòa thuận cả bên trong lẫn với láng giềng và thế giới.
Ngày 16/8, người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban, Mohammad Naeem, khẳng định rằng phong trào này không muốn tồn tại trong tình trạng bị cô lập và hy vọng thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, rằng lực lượng này “sẽ hành động một cách có trách nhiệm trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia”. Taliban sẵn sàng giải quyết những quan ngại của cộng đồng quốc tế thông qua đối thoại. Ông Shaheen cũng hé lộ, chính phủ mới sẽ bao gồm những người Afghanistan không phải thành viên Taliban.
Bài toán khó của ông Biden
Về phần Mỹ, theo các nhà phân tích, sẽ có những rủi ro chính trị mới đối với Tổng thống Biden. Washington hiện đã rút gần hết các lực lượng đồn trú tại Afghanistan, sẽ rất khó để chính quyền Biden duy trì ảnh hưởng đối với các diễn biến trên thực địa cũng như quá trình thành lập chính phủ do Taliban đứng đầu. Cựu Tổng thống Donald Trump thì cho rằng “đây sẽ trở thành một trong những thất bại vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ” và kêu gọi ông Biden từ chức.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden không có ý định đảo ngược quyết định rút quân. Ông khẳng định, nước Mỹ đã nhận ra những rủi ro trong tương lai và đã có sự chuẩn bị tốt cho từng tình huống, Washington sẽ không mắc phải những sai lầm trong quá khứ. Trong bài phát biểu, ngày 16/8, ông Biden nhấn mạnh: “Tôi kiên định ủng hộ quyết định của mình. Sau 20 năm, tôi buộc phải chấp nhận thực tế rằng không có thời điểm nào là thích hợp cho việc rút các lực lượng Mỹ”.
Ông Biden cũng cho biết ông phải lựa chọn hoặc tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban, hoặc tiếp tục cuộc chiến tại quốc gia này. Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo sẽ đáp trả “nhanh chóng và mạnh mẽ” đối với bất kỳ cuộc tấn công nào để bảo vệ người dân của mình cũng như những người Afghanistan đã hỗ trợ Mỹ. Giới chức Mỹ cũng cho biết, hành động của Taliban sẽ quyết định liệu Washington có công nhận chính quyền mới ở Afghanistan hay không.
Như vậy, dù muốn hay không, Mỹ vẫn phải chấp nhận thực tế là Taliban đã kiểm soát Afghanistan và chuẩn bị cho thiết lập chính quyền mới. Dư luận cho rằng, để có một tương lai tốt đẹp cho Afghanistan, một cuộc đối thoại hòa giải dân tộc giữa các bên, trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó là sự nỗ lực cộng đồng quốc tế, góp phần mang lại hòa bình và ổn định cho Afghanistan, đảm bảo môi trường an ninh của khu vực và thế giới.
Cựu binh Mỹ tuyệt vọng cứu đồng đội cũ kẹt ở Afghanistan
Kiernan giúp phiên dịch viên Afghanistan của mình nộp đơn xin visa vào Mỹ từ năm 2015, song tức giận và thất vọng vì không thể làm gì hơn.
Cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ James Kiernan ngày 16/8 thúc giục phiên dịch viên Afghanistan của mình đốt tài liệu mà người này thu thập hơn một thập kỷ, nhằm chứng minh từng làm việc cho Mỹ, sau khi có thông tin Taliban gõ cửa từng ngôi nhà để khám xét ở thủ đô Kabul.
"Tôi ước gì mình biết đổ lỗi cho ai", Kiernan nói. "Tôi không thể đợi cho tới lúc chúng ta buộc những người đó chịu trách nhiệm về hành động phản bội này. Chắc chắn có những người nắm quyền cho rằng đây không phải là trường hợp ưu tiên".
Phiên dịch viên của Kiernan đã phải ẩn náu cùng gia đình suốt ngày 16/8. Cựu binh Mỹ dành gần như cả ngày hôm đó để gọi điện cho tất cả mối quan hệ mà anh biết để có thể xin visa trước khi quá muộn cho người đồng đội cũ từng hỗ trợ mình rất nhiều trong thời kỳ tham chiến ở Afghanistan. Cứ 12 tiếng một lần, anh lại gọi cho người phiên dịch này để kiểm tra tình hình.
Nhiều cựu binh Mỹ nói rằng họ có mối quan hệ gắn bó lâu dài với các phiên dịch viên Afghanistan, những người dùng cùng bữa, ngủ chung giường và đôi khi cứu mạng họ.
James Kiernan trong một lần làm nhiệm vụ tại Afghanistan. Ảnh: Washington Post.
Chiến thắng của Taliban trước quân đội chính phủ khiến hàng nghìn đồng đội cũ của binh sĩ và cựu binh Mỹ mắc kẹt và đối mặt rủi ro ở Afghanistan. Điều này khiến các cựu binh Mỹ điên cuồng tìm mọi cách đưa các phiên dịch viên ra nước ngoài, đồng thời khiến họ cảm thấy cay đắng, tội lỗi và xấu hổ trước cách nước Mỹ bỏ rơi những người này.
"Một số người hoàn toàn đặc biệt", Kiernan nói về những người Afghanistan hỗ trợ lực lượng Mỹ trong suốt 20 hiện diện quân sự tại quốc gia Trung Á. "Không phải chúng tôi không biết điều này sẽ tới. Tôi thấy vô cùng cay đắng khi chúng ta từ bỏ mối quan hệ bạn bè thân thiết và bỏ rơi đồng minh của mình".
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/8 cho biết vẫn ủng hộ quyết định rút quân khỏi Afghanistan, dù thừa nhận lối thoát cho chiến dịch quân sự 20 năm "không hề hoàn hảo".
Chính quyền Biden cho biết khoảng 22.000 người Afghanistan có thể được di tản trong những tuần tới, dù cơ chế của hoạt động này chưa được xác định, trong lúc hàng nghìn người chen chân tìm lối thoát an toàn.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 17/8 khẳng định Taliban sẽ cho phép mọi người đến sân bay một cách an toàn, dù có báo cáo cho biết nhóm vũ trang này đã lập nhiều chốt kiểm soát an ninh trên đường phố Kabul và các tuyến đường đến sân bay.
Giống Kiernan, cựu binh Doug Livermore mất ngủ trong nhiều ngày qua. Livermore có lúc dành 20 tiếng mỗi ngày để gọi điện, trả lời email và cố gắng giúp đỡ những người nộp đơn xin Thị thực Nhập cư Đặc biệt để tới Mỹ định cư.
Cựu đặc nhiệm lục quân Livermore hiện là thành viên hội đồng quản trị tổ chức Không ai bị bỏ lại với nhiệm vụ "đảm bảo Mỹ giữ lời hứa với các phiên dịch viên Afghanistan và Iraq".
Livermore chỉ dừng lại khi máy tính gặp sự cố vào đêm 16/8 sau 48 tiếng làm việc liên tục, buộc cựu binh này phải nghỉ ngơi. "Những người này đầu tư vào giấc mơ Mỹ ngay cả trước khi họ thành công dân Mỹ, khi họ chiến đấu cùng chúng tôi", Livermore nói.
Hàng trăm người tập trung bên ngoài sân bay quốc tế ở Kabul hôm 17/8. Ảnh: AP .
Tổ chức Không ai bị bỏ lại thành lập năm 2013, khi một phiên dịch viên Afghanistan gặp khó khăn trong quá trình xin thị thực nhập cảnh đặc biệt vào Mỹ và muốn giúp đỡ những người chung cảnh ngộ.
Tổ chức này tăng cường nỗ lực sơ tán các phiên dịch viên Afghanistan sau khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi quốc gia Trung Á vào đầu năm ngoái.
Các thành viên tổ chức mua vé từ nhiều hãng hàng không thương mại và tìm mọi cách để tăng tốc độ duyệt đơn xin thị thực nhập cảnh vào Mỹ, song tất cả nỗ lực trên tan vỡ khi Taliban tiến vào Kabul và hoàn tất quá trình kiểm soát Afghanistan.
Khi đó, tổ chức Không ai bị bỏ lại ngập trong email và những lời cầu cứu tuyệt vọng. Nhiều cuộc gọi trong số này đến từ các cựu binh Mỹ, những người đã kết nối lại với phiên dịch viên Afghanistan của họ.
Ismail Hussainy, người có 4 năm làm phiên dịch viên, cố vấn và bảo vệ cho một nhà thầu thuộc đơn vị công binh lục quân Mỹ ở sân bay Bagram, cho biết ông đã cố gắng xin thị thực Mỹ từ năm 2014. Đơn xin thị thực của Hussainy bị từ chối sau khi giám sát viên cũ, người viết thư giới thiệu cho ông, qua đời. Hussainy nói không thể tìm thấy người Mỹ nào khác bảo lãnh cho mình.
"Cuộc sống của chúng tôi đang gặp nguy hiểm", Hussainy cho biết trong cuộc điện thoại từ Kabul, nơi ông sống cùng cha mẹ, vợ và 4 người con. Hussainy gần đây kết nối lại với một đồng nghiệp Mỹ tại Bagram là Ryan Jackson, người cam kết sẽ bảo lãnh và giúp đỡ cho ông trong quá trình xin thị thực.
Jackson lùng sục trên mạng Internet để tìm các địa chỉ liên hệ, song chỉ nhận được địa chỉ hòm thư hay số điện thoại chung chung và không hề được hồi đáp. "Tôi chẳng biết chúng tôi sẽ đi đâu về đâu", Jackson nói. "Chẳng có một đầu mối liên hệ nào".
Andrew Darlington, cựu binh thủy quân lục chiến từng được triển khai tới Afghanistan hai lần, nỗ lực để đưa phiên dịch viên của mình là Sayed Obaidullah Amin rời khỏi quốc gia Trung Á. Darlington dành nhiều ngày để thuyết phục Amin di tản, đồng nghĩa với việc phiên dịch viên Afghanistan phải bỏ lại vợ con.
"Anh sẽ bị Taliban giết đấy", Darlington cảnh báo. Phiên dịch viên Amin sau đó trả lời "tôi sẽ đi một mình", dường như chấp nhận bỏ lại gia đình. Tuy nhiên, Amin sau đó không thể tiếp tục với lựa chọn khó khăn như vậy. Darlington cho biết Amin ngày 17/8 trở về với gia đình mình, chọn ở lại Kabul để chờ đợi.
Darlington cùng nhiều cựu binh Mỹ khác muốn đưa đồng đội cũ ở Afghanistan ra nước ngoài và đưa những câu chuyện về tình trạng chậm trễ hay nhầm lẫn đến giới lãnh đạo. "Hãy gây áp lực lên Washington để họ bắt tay vào làm việc. Những người ở Afghanistan không còn thời gian nữa", Darlington nói
Cuộc họp báo đầu tiên của Taliban ngày 17/8 sau khi kiểm soát Kabul. Video: AP, NY Times.
Cựu binh Kiernan nói những phiên dịch viên Afghanistan giúp Mỹ hoàn thành các sứ mệnh của mình. Kiernan kể lại một chuyến đột kích trong đêm của các binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ, song không tìm thấy thành viên Taliban bị nghi có mặt tại địa điểm đó và cho rằng thông tin tình báo bị sai.
Phiên dịch viên của Kiernan phát hiện một phụ nữ mặc áo trùm kín đầu đang ôm một em bé khóc dữ dội, nhưng không có động thái dỗ dành nào. Khi phiên dịch viên đến bên người này để hỏi về em bé, một giọng nam trung cất tiếng trả lời.
"Anh ta biết đó là một người đàn ông. Gã này sau đó ném em bé và bỏ chạy", Kiernan nói và cho biết phiên dịch viên Afghanistan đỡ được em bé khi thủy quân lục chiến Mỹ đuổi theo bắt thành viên Taliban nói trên. "Kẻ đó đã thấy mặt và có thể nhận ra anh ấy. Taliban đã thả nhiều tù nhân khi nhóm này đánh chiếm lãnh thổ những ngày qua".
Cựu binh Kiernan cho biết phiên dịch viên Afghanistan của mình và gia đình ở Herat khi Taliban vây hãm thành phố này hồi tuần trước. Người này sau đó đưa gia đình chạy đến thủ đô Kabul.
Kiernan khuyên người đồng đội cũ đốt bỏ mọi thư khen ngợi, thư giới thiệu và các giấy tờ khác được phía Mỹ cấp trong nhiều năm, kiểm tra tài khoản xã hội, xóa tin nhắn và lịch sử cuộc gọi phòng trường hợp thành viên Taliban đến nhà khám xét.
"Tôi rất phẫn nộ với giới chức Mỹ", Kiernan nói. "Không thể đổ toàn bộ trách nhiệm lên vai Tổng thống Biden, song trong nhiều tháng chúng ta biết rằng vẫn còn đồng minh kẹt lại đó, gồm các phóng viên và phiên dịch viên. Họ từng đưa tay ra giúp chúng ta khi cần".
NATO ra điều kiện với Taliban, cảnh báo kịch bản "tấn công quân sự" NATO cảnh báo Taliban không để Afghanistan trở thành "nơi nuôi dưỡng" các nhóm khủng bố lần nữa, tuyên bố liên minh này có đủ năng lực để tấn công bất cứ mối đe dọa nào gây ra đối với các nước NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Reuters). Trong cuộc họp báo ngày 17/8, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg...