Cụ ông 84 tuổi tham dự kỳ thi đại học ở Trung Quốc
“Bỏ nhiều công sức cho kỳ thi, tôi không muốn kết thúc khi chưa đạt thành tích mong muốn”, ông Yao Keliang chia sẻ lý do thi lần thứ tư.
Yao Keliang, công nhân về hưu sống tại thị trấn Hoài Nam, phía đông nam tỉnh An Huy, Trung Quốc, đã chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh đại học (gaokao) trong nhiều năm. Kỳ thi ngày 7-8/6 là lần thứ tư cụ ông 84 tuổi đăng ký tham dự.
Ông Yao từng tham gia ba kỳ thi đại học vào các năm 2012, 2014 và 2018 với mục tiêu đỗ vào một trong những trường hàng đầu Trung Quốc, như Đại học Bắc Kinh, hoặc Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Điểm thi không đủ, nhưng ông không từ bỏ, quyết định thi lại vào năm nay. Yao chia sẻ đây sẽ là lần cuối cùng tham gia kỳ thi “khắc nghiệt nhất thế giới”.
“Đã bỏ nhiều công sức và thời gian cho kỳ thi này, tôi không muốn kết thúc nó khi chưa đạt được thành tích mong muốn”, ông nói và cho biết Toán là môn khó nhất đối với mình. Năm nay, Yao vui mừng vì được thi cùng cháu gái, nhưng không coi đó là cuộc cạnh tranh.
Cụ Yao Keliang dành 2 tiếng mỗi ngày để học bài, chuẩn bị cho kỳ thi gaokao. Ảnh: The Paper.
Mắt kém, không còn nhìn rõ chữ nên ông Yao phải dùng kính lúp học bài. Mỗi ngày ông dành hai giờ học, bỏ qua những hoạt động giải trí phổ biến của người già như chơi bài. Các con rất ủng hộ tham vọng học tập của Yao vì không muốn ông lãng phí thời gian cho cờ bạc như nhiều người cao tuổi khác.
Sự bền bỉ của Yao khiến cộng đồng khâm phục, đặt biệt danh cho ông là “Ông ngoại gaokao”. Còn Yao hy vọng những gì đang làm sẽ truyền cảm hứng cho mọi người về việc sống và học tập không ngừng nghỉ.
Video đang HOT
Gaokao được xem là kỳ thi quan trọng nhất ở Trung Quốc, có thể xây dựng hoặc phá vỡ tương lai của một người trẻ, san bằng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Thí sinh sẽ thi 4 môn, mỗi môn 3 tiếng, gồm: Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh, Hóa, Lý), hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa, Sử, Chính trị). Năm nay, có 10,31 triệu người tham dự kỳ thi.
Trước đây, gaokao giới hạn thí sinh tham gia phải dưới 25 tuổi và chưa kết hôn. Từ năm 2001, quy định này được bãi bỏ, không ít người đã đăng ký tham dự kỳ thi nhiều lần để thực hiện ước mơ vào đại học.
Tú Anh
Theo SCMP/VNE
Mong đỗ đại học, sĩ tử Trung Quốc 'di cư', làm giả hộ khẩu
Trước khi kỳ thi khắc nghiệt bắt đầu, một bộ phận học sinh Trung Quốc chuyển tới các khu vực thưa dân đăng ký thi với hy vọng tăng cơ hội giành suất vào đại học.
Xinhua đưa tin ngày 7/6 tới, hơn 10 triệu học sinh Trung Quốc sẽ bước vào kỳ thi cao khảo (gaokao) khắc nghiệt nhất thế giới. Kết quả thi được xem như chiếc chìa khóa quyết định tương lai những bạn trẻ ở đất nước tỷ dân.
Trong cuộc đua khốc liệt này, một bộ phận thí sinh được gọi là "cao khảo di dân". Họ đăng ký dự thi tại các khu vực thưa dân như Tân Cương, Ninh Hạ để giảm áp lực cạnh tranh và tăng cơ hội đạt điểm số cao hơn.
Những năm gần đây, hiện tượng cha mẹ thí sinh sẵn sàng làm giả sổ hộ khẩu để con được dự thi ở khu vực "dễ thở" hơn trở nên phổ biến ở Trung Quốc.
Cao khảo được đánh giá là kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới. Ảnh: Reuters.
Trước kỳ thi năm 2019, cơ quan giáo dục tỉnh Quảng Đông đã tiến hành kiểm tra toàn bộ hồ sơ học sinh chuyển từ các trường trung học phổ thông ở địa phương khác tới.
Động thái này được cho là nhằm ngăn chặn tình trạng "di dân", được thúc đẩy sau khi phòng giáo dục thành phố Thâm Quyến phát hiện trong số 100 học sinh đứng đầu trường tư thục Fuyuan, cứ 10 em xuất sắc sẽ có 1 người chuyển từ Trung học Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc tới đây học, theo Xinhua Daily Dispatch.
"Họ sẽ xuất hiện 1-2 ngày trước kỳ thi và rời khỏi Thâm Quyến ngay sau đó", một học sinh trường Fuyuan nói.
Fuyuan là một trong 4 trường trung học hàng đầu thành phố Thâm Quyến. Năm 2018, 9 sinh viên của trường trúng tuyển ĐH Thanh Hoa và Bắc Kinh (2 ngôi trường lần lượt được xem là Oxford và Cambridge của Trung Quốc), theo Dute News.
Tờ Jing Bao đưa tin trường Fuyuan và Trung học Hành Thủy thiết lập quan hệ từ năm 2016 để trao đổi chuyên môn giảng dạy.
Qua chương trình trao đổi, một số học sinh trường Hành Thủy có thể chuyển đến học tại Fuyuan và có thể dự thi cao khảo ở thành phố này.
Một số học sinh có thành tích tốt nhất trường Fuyuan ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông chuyển đến đây từ trường học ở tỉnh Hà Bắc. Ảnh: Guancha.cn.
Tỉnh Quảng Đông quy định tất cả ứng viên cao khảo có hộ khẩu ngoài tỉnh phải cung cấp bằng chứng cư trú ở đây trong vòng 3 năm. Bên cạnh đó, họ cũng cần chứng minh cha mẹ làm việc dài hạn trong khu vực.
Sau quá trình kiểm tra hộ khẩu của học sinh trường Fuyuan, phòng giáo dục Thâm Quyến thông báo các sĩ tử tuân thủ yêu cầu đăng ký cao khảo.
Tháng 5 vừa rồi, Cục khảo thí tỉnh Quý Châu thông báo 3 học sinh làm giả hồ sơ để đăng ký thi cao khảo ở đây vào năm ngoái đã bị đuổi khỏi ĐH Thanh Hoa ở Bắc Kinh và ĐH Phục Đán ở Thượng Hải.
Quý Châu là một trong những khu vực nghèo và ít dân cư nhất Trung Quốc.
Theo SCMP/Zing
10 từ giúp con bạn thành đạt hơn cả IQ Chênh lệch khoảng cách giữa trẻ em thường không phải là IQ mà là 5 cụm từ: kiềm chế, hiệu quả, đọc sách, nghiêm túc và kiên trì. Đây là bài chia sẻ quan điểm của giáo sư Zhu, giảng dạy trong ngành giáo dục học của Đại học Bắc Kinh. Mọi người thường nghĩ đứa trẻ học giỏi sẽ rất thông minh...