Cứ nhất thiết bắt học sinh phải học trong mùa đại dịch?
Nhìn mấy bức hình, bạn có tiên liệu được hiệu quả của giờ dạy học trong dáng điệu cô trò đồng loạt bịt miệng bằng khẩu trang, thậm chí mặc bộ đồ chống nắng?
Quan sát trong mấy ngày đầu tuần sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, cho đến nay, thừa lệnh của cấp Chính phủ, cấp tỉnh, hàng loạt các trường đại học và các trường trong hệ thống giáo dục từ nhà trẻ, mẫu giáo đến PTTH đã tạm đóng cửa trường phòng dịch.
Con số thống kê cho biết có 52 tỉnh thành cho các trường nghỉ học theo các khung thời gian khác nhau, cao nhất là 1 tuần, thấp nhất 3 ngày. Đây là một chủ trương đúng, một ứng phó kịp thời để phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây lan.Tuy nhiên, không hiểu vì sao một số tỉnh và một số trường đại học vẫn tổ chức dạy và học bình thường.
Tôi cho rằng, giờ dạy học mà thầy trò đeo khẩu trang lên lớp là một tình cảnh mang tính hài hước, phản cảm.
Dĩ nhiên trong các công văn hành chính cấp Chính phủ và cấp tỉnh vẫn có độ mở cho phép các cơ sở giáo dục tùy tình hình thực tế để xử lý tình huống hợp lý. Thế nhưng có nên vin vào đó để làm riêng một kiểu khiến người dân và học sinh/sinh viên hoang mang?
Liệu có phải họ đinh ninh là dịch corona không bén mảng được tới địa phận của mình? Hay có phải họ muốn báo cáo thành tích với cấp trên rằng ta đây vẫn kiên cường bám trụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ do “cấp ủy đã đề ra ngay từ đầu năm học”? Hay có phải do lịch học thêm của nhà trường (như kế hoạch làm thêm để tăng thu nhập) không muốn bị suy giảm?
Có một số bình luận trên các trang mạng xã hội, chắc là sinh viên của một số trường không được nghỉ giễu rằng sinh viên trường XYZ sẵn thương hiệu đẳng cấp “có khả năng vô địch chống virus corona, nên cứ vô tư đến trường”…
Tôi, người viết mấy dòng này cho rằng giờ dạy học mà thầy trò đeo khẩu trang lên lớp là một tình cảnh mang tính hài hước, phản cảm.
Tấm hình cho biết cô giáo đang lên lớp với tiết giảng văn về tác giả Kim Lân. Ôi chao, đồng loạt các mặt nạ, khẩu trang các kiểu trưng ra trong một giờ giảng văn chương mang tính giao tiếp thẩm mỹ thì làm sao cô trò có thể để tâm vào nội dung bài giảng được?
Giờ giảng kiểu này là một cách cưỡng bức tinh thần đối với học trò, thậm chí phản văn chương, phản nhân văn. Mà chẳng phải chỉ giờ dạy văn, dạy môn gì cũng vậy, nó chỉ có thể tồn tại trong một môi trường sư phạm lành tính, an ninh, chứ không thể dạy và học như trong một môi trường đang bị đe dọa bởi corona được. Tôi cứ đang tưởng tượng với một giờ thanh nhạc thì tình hình diễn ra sẽ hài hước đến thế nào nhỉ?
Khi tôi hỏi một giáo viên ở một trường nọ, được cô ấy nói rằng: “ Trên không cho nghỉ thì cô trò đâu dám nghỉ!” Lại hỏi: “Sao không làm đơn?”, cô giáo đáp vui vui, ra chiều buông xuôi rằng “Em hổng dám đâu”.
Thì ra ở xứ này, nhiều nơi, cái ý thức phản biện đã tê liệt mất rồi!
NGÔ VĂN GIÁ (Nhà văn)
Theo VTC
Bộ Giáo dục cải cách, nhiều mục như "đẽo cày giữa đường"
Khi đổi mới Bộ Giáo dục thực hiện thay đổi giống như "đẽo cày giữa đường", sai đâu sửa đó mà không xử lý từ gốc.
Tại buổi thảo luận trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa XIV), nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại về những cải cách trong giáo dục chưa đạt hiệu quả cao, nhiều người dân mất niềm tin vào hệ thống giáo dục.
Phát biểu trong một phiên thảo luận tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đã từng cho biết, cử tri An Giang vô cùng bức xúc về nhiều vấn đề bức xúc của ngành giáo dục trong thời gian vừa qua trong đó có vấn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia.
Video đang HOT
Ông cho rằng: "Mỗi năm 1 lần, Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi cách thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng càng cải cách, kết quả lại càng kém hơn, tiêu cực nhiều hơn".
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận đánh giá, ngành giáo dục vẫn được coi là một khoảng tối trong xã hội hiện nay.
Theo ông Cương, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ loay hoay với những vấn đề mà dường như ít đem lại kết quả cho mục tiêu phát triển giáo dục đã đề ra.
Cụ thể, nhiều sáng kiến về cải cách, tuy nhiên, trong khi chưa đạt được thành tựu gì rõ ràng mà sai phạm vẫn tiếp tục nảy sinh.
Khi tiếp xúc với các cử tri, ông cho biết nhiều người liên tục phàn nàn về chất lượng giáo dục, điều đó cho thấy người dân không chỉ không yên tâm mà còn đang mất niềm tin vào ngành giáo dục.
"Thử hỏi rằng một nền giáo dục sẽ đi về đâu khi tiêu cực vẫn còn diễn ra khá nặng nề đi kèm với một thị trường văn bằng, chứng chỉ giả rất sôi động", ông Cương đặt vấn đề.
Chất lượng thực chất chưa?
Chúng ta còn nhớ trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo từng phát động phong trào chống bệnh thành tích từ năm 2006 đến nay là hơn 13 năm nhưng kết quả đạt được là gì?
Có thể nói căn bệnh thành tích hay "giả dối" đã lên đến đỉnh điểm khi mà hiện nay hầu hết chất lượng các trường đều lên cao chót vót và không có điểm dừng vì chỉ tiêu chất lượng, học sinh giỏi,...
Năm sau cao hơn năm trước, đầu năm thì yêu cầu các trường dạy thật học thật, cuối năm xét thi đua, đánh giá thì lấy chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước.
Hiện nay, con số tốt nghiệp trung học phổ thông hơn 99%; hoàn thành tiểu học, trung học cơ sở 100% hay như thống kê tỷ lệ chất lượng học sinh giỏi hiện nay là những minh chứng cho căn bệnh thành tích, căn bệnh giả dối, gian lận... trầm kha trong giáo dục mà không có lối thoát
Bộ càng phát động phong trào chống bạo lực học đường thì bạo lực học đường càng nhiều, vi phạm đạo đức của thầy cô giáo càng nhiều, biểu hiện nhiều vụ thầy giáo đánh dã man học sinh; thầy giáo dâm ô học sinh; học sinh đánh thầy cô; học sinh vào nhà nghỉ không chỉ với học sinh mà còn xuất hiện việc học sinh vào nhà nghỉ với cô giáo...số lần vi phạm cả phía giáo viên, học sinh, người thân học sinh...tăng lên cả về số lượng và chất lượng.
Bộ đã ban hành Thông tư 17 về dạy thêm học thêm trong đó có nội dung cấm dạy thêm ở bậc tiểu học thì đến nay các thành phố lớn hầu hết 100% học sinh tiểu học phải học thêm, còn việc dạy thêm học thêm, o ép dạy thêm học thêm,...đang diễn ra công khai, thách thức Bộ.
Nó làm mất đi trí lực, sức lực, vật lực của cả phía giáo viên, học sinh và cả gia đình, gây bức xúc cho xã hội.
Với những điều trên, việc thay đổi căn bản và toàn diện (thay đổi cả gốc, rễ, kết cấu...) sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Tại sao các lần thay đổi của Bộ đều khó thành công?
Khi đổi mới Bộ Giáo dục thực hiện thay đổi giống như "đẽo cày giữa đường", sai đâu sửa đó mà không xử lý từ gốc.
Khi một vấn đề để đổi mới thành công chúng ta phải đi từ mục tiêu - nội dung - phương pháp - phương tiện - kiểm tra, đánh giá.
Cần có những giải pháp nhằm đổi mới nền giáo dục (Ảnh minh họa: TTXVN).
Ví dụ, muốn có học sinh đạt kỹ năng biết vâng lời thì chúng ta đưa mục tiêu vào và phải thay đổi nội dung dạy, phương pháp, phương tiện, để đạt mục tiêu rồi mới nói đến việc kiểm tra đánh giá có đạt mục tiêu không, thì Bộ lại không đi theo đúng trình tự, ví dụ như chưa đổi mới về mục tiêu nhưng Bộ lại thay đổi cách kiểm tra đánh giá, đó là việc đổi mới từ ngọn xuống gốc.
Bên cạnh đó, Bộ chưa kiên quyết, quyết tâm xử lý vi phạm. Bộ chỉ kiên quyết xử các sai phạm đã diễn ra, hàng loạt sai phạm khác của giáo viên Bộ lúng túng...
Ngoài ra, việc giáo viên vi phạm đạo đức, dạy thêm thì rất ít giáo viên bị phạt, kỷ luật.
Bộ chưa xác định được triết lý giáo dục là đào tạo con người như thế nào cho hợp lý, đúng đắn.
Công cụ quan trọng của giáo viên đã bị tước đoạt
Tại sao càng đổi mới hay chương trình mới hiện đại, tiên tiến nhưng khi áp dụng thì lại không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng?
Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định chính giáo viên là những người trực tiếp giảng dạy và quyết định sự thành bại của giáo dục.
Nhưng Bộ có biết là hiện nay "giá" của thầy cô giáo trong mắt lãnh đạo, trong mắt nhân dân, học sinh đang bị "rớt giá" thê thảm.
Nói là quan trọng nhưng hầu như hiện nay các công cụ, phương tiện "hành nghề", "dạy người" đã bị tước đoạt.
Tại sao? Vì hiện nay với áp lực thành tích kinh khủng thì nền giáo dục hiện nay đang là nền giáo dục chạy theo chỉ tiêu mà không quan tâm đến cách thức thực hiện như thế nào? Hiệu quả thực chất ra sao?
Với chỉ tiêu "khủng" mà các cấp lãnh đạo chính quyền, nhà quản lý giáo dục thì giáo viên miễn sao phải đạt chỉ tiêu mà không cần quan tâm đến quá trình thực hiện.
Có thể nói với việc áp các chỉ tiêu về giáo viên giỏi, chất lượng bộ môn, học sinh giỏi... đã tước đoạt 2 công cụ "hành nghề" quan trọng của giáo viên là xử lý học sinh vi phạm và cho điểm thật.
Bên cạnh đó, chính việc áp các chỉ tiêu không phù hợp đã biến giáo viên thành công cụ để các trường báo cáo thành tích "láo", gian dối... việc đẹp của ngành giáo dục chỉ trong các báo cáo.
Chúng ta cứ mơ hồ rằng, tạo ngôi trường hạnh phúc, học sinh hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc... nhưng thực chất hình như các trường đang làm điều ngược lại, áp lực lên thầy, trò hiện nay vô cùng lớn.
Có người cho rằng, giáo dục nghiêm khắc sẽ tạo ra thế hệ học trò kỷ luật, thành công, giáo dục dễ dãi sẽ tạo ra thế hệ học sinh dễ dãi, hư hỏng.
Tại sao ngày càng có nhiều học sinh chưa ngoan, vi phạm pháp luật...Bộ đã tìm hiểu nguyên nhân và có cách gì đổi mới chưa?
Phải kiên quyết thay đổi
Tôi cũng ghi nhận một số sự quyết liệt, nỗ lực trong ngành của cá nhân Bộ trưởng và các lãnh đạo ngành nhưng với một ngành "khó" như giáo dục những hiệu quả chưa đạt kỳ vọng của nhân dân đúng như nhận xét của các đại biểu, nhà giáo và nhân dân.
Hai vấn đề lớn quyết định đến chất lượng giáo dục là bệnh giả dối trong giáo dục và dạy thêm học thêm chưa được quan tâm đúng mức, hai vấn đề trên ngày càng nghiêm trọng hơn.
Để lấy lại vị thế của nhà giáo cũng như của ngành giáo dục tôi nhận thấy để thay đổi đồng loạt hay một bước lên mây là rất khó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quyết tâm thực hiện từng đầu việc cụ thể.
Theo cá nhân tôi, Bộ nên xác định mức độ quan trọng và quyết tâm thực hiện các việc cụ thể sau đây:
Thứ nhất, nên dừng dạy thêm ngoài nhà trường ngay lập tức.
Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT năm 2019 công bố hết hiệu lực một số điều của Thông tư 17 về dạy thêm học thêm (có thể hiểu là quyết định trên chấm dứt hiệu lực của dạy thêm ngoài nhà trường) thì nhân dân, giáo viên rất vui mừng, như thoát gánh nặng về việc o ép dạy thêm hay tạo áp lực dạy thêm như hiện nay.
Tuy nhiên, việc dạy thêm vẫn tiếp tục thậm chí nhiều hơn, có nơi giáo viên sợ rút giấy phép dạy thêm nên tăng cường dạy thêm nhiều hơn, tăng số buổi dạy thêm đương nhiên là tiền dạy thêm sẽ tăng lên, việc dạy thêm đến nay là chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn bùng phát mạnh mẽ.
Việc dạy thêm hiện nay đã gây ra biết bao nhiêu hệ lụy từ trong và ngoài nhà trường, biết bao nhiêu người vì số tiền hàng tháng phải cho con học thêm đã lao tâm, lao lực.
Thậm chí vi phạm pháp luật để có tiền cho con học thêm, bao nhiêu người nghèo khổ phải làm kiệt sức để có tiền cho con học thêm, mà giáo viên đã dạy thêm vì tiền thì chuyện "lương tâm" sẽ không còn, đừng bao giờ có suy nghĩ người giáo viên dạy thêm thì sẽ là giáo viên giỏi.
Tôi tin rằng, trí tuệ của người Việt ta so với thế giới không hề thua kém nhưng cách đào tạo, cách học hiện nay không chú trọng vào nghiên cứu mà chỉ học để đi thi, học thêm để có điểm số đẹp hay dạy theo thành tích, chỉ tiêu đã góp phần làm cho nền giáo dục chưa đáp ứng kỳ vọng.
Giáo viên không ai dạy thêm hoặc chỉ dạy thêm toàn bộ học sinh trong nhà trường thì chắc chắn khi lên lớp sẽ cố gắng hết sức mà dạy, không có trường hợp giáo viên lên lớp chỉ giảng 15 - 20 phút, thời gian còn lại là để chiêu dụ học thêm.
Thứ hai, chấp nhận chất lượng giáo dục hiện nay thấp.
Tôi hy vọng có dịp nào đó đích thân Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức "vi hành" nhiều trường trong cả nước và khảo sát chất lượng thật của từng học sinh để có cái nhìn và đánh giá toàn diện, thực chất về chất lượng giáo dục hiện nay, tôi tin các lãnh đạo sẽ "ngã ngửa" với chất lượng thật hiện nay, đừng tin vào các báo cáo của các đơn vị gởi lên.
Những con số báo cáo láo, báo cáo giả dối phải chấm dứt. Chỉ có đánh giá thực chất trình độ giáo viên, chất lượng thật của học sinh thì từ đó mới có cách thay đổi phù hợp.
Hiện nay, một số việc thay đổi giống như "đẽo cày giữa đường", có tin được không với những con số 60-70% học sinh giỏi, có tin được không khi trên 90% học sinh lên lớp thẳng,...
Ngành giáo dục rất được mọi người quan tâm, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước kỳ vọng cao, chỉ khi tư lệnh ngành là Bộ trưởng quyết tâm hành động, thay đổi thì mới hy vọng về tương lai tươi sáng ở phía trước.
NHẬT KHOA
Theo giaoduc.net
Đào tạo giáo viên phải coi trọng rèn nghề, thực hành sư phạm Việc thành lập các trường thực hành trong hệ thống giáo dục của các trường đại học giúp nâng cao chất lượng thực tập, thực hành trong đào tạo giáo viên. Việc thực hành, thực tập nghề trong các trường cao đẳng, đại học là một công việc rất quan trọng, liên quan tới chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường...