Cử nhân ở Anh tìm đủ cách để sống sót qua thời kỳ bão giá
Đối mặt với những khoản chi đắt đỏ, nhiều cử nhân ở Anh chọn sống cùng gia đình, hạn chế chi tiêu và từ bỏ việc học thạc sĩ để tiết kiệm tiền.
Nhiều tuần gần đây, các trường đại học ở Anh náo nhiệt hơn bao giờ hết khi tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên. Tuy nhiên, trái với vẻ náo nhiệt của buổi lễ quan trọng, tâm trạng nhiều sinh viên chùng hẳn xuống vì phải đối mặt với loạt khó khăn mới.
Năm nay, chi phí sinh hoạt (gas, điện, nước, lương thực) tăng vọt khiến nhiều tân cử nhân ở Anh rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo The Guardian, hệ cử nhân mới ra trường luôn chật vật trong một thời gian dài sau khi tốt nghiệp. Shreya Nanda, làm việc tại Viện Nghiên cứu Chính sách công, cho biết cô và những người bạn cùng tuổi từng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi tiêu trong nhiều năm. Những sinh viên mới ra trường như Shreya chỉ tìm được một công việc mức lương khiêm tốn, trong khi giá thuê nhà, chi phí sinh hoạt và thuế suất cận biên lại tăng cao.
Không chỉ riêng Shreya Nanda, nhiều tân cử nhân tại Anh cũng đang chật vật với cuộc sống khi bước vào thị trường lao động. Họ buộc phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí từ bỏ sở thích để có thể sống sót qua thời kỳ bão giá.
Nhiều sinh viên Anh mới ra trường không dám chi tiêu hoang phí vì giá cả leo thang. Ảnh: Northwestern Mutual.
Không dám đi du lịch
Rachel Boani (21 tuổi), sinh viên Đại học Edinburgh, nói rằng khủng hoảng chi phí sinh hoạt chính là yếu tố khiến cô quyết định tìm việc ngay sau khi tốt nghiệp, thay vì đi du lịch hoặc nghỉ ngơi. Cô cho rằng việc đi du lịch sẽ khiến cô mất đi thời gian làm việc. Bản thân nữ sinh 21 tuổi cũng ý thức được cô không có khoản tiền tiết kiệm lớn để phục vụ cho sở thích của bản thân.
“Tôi thích đi du lịch vào mùa hè, nhưng tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà và lo chi phí sinh hoạt. Tôi không thể tiết kiệm nổi đồng nào để đi chơi”, nữ sinh nói với The Guardian.
Trong năm qua, Boani đã chi phần lớn số tiền tiết kiệm cho lễ tốt nghiệp. Dù được cha mẹ hỗ trợ trả chi phí trang phục, nữ sinh vẫn phải bỏ tiền thuê khách sạn, tổ chức tiệc liên hoan và loạt chi phí lặt vặt khác khi mời gia đình, bạn bè đến dự ngày lễ quan trọng này.
Không chỉ riêng nữ sinh Đại học Edinburgh, nhiều sinh viên khác cũng khó chịu vì số tiền phải bỏ ra cho lễ tốt nghiệp quá lớn. Các trường đại học lại không thể hỗ trợ sinh viên trong những khoản chi tiêu này.
Sau khi tốt nghiệp, Boani trở về nhà. Hiện, cô đang tìm kiếm một căn nhà trọ giá cả phải chăng ở Manchester. Nữ sinh từng có ý định ở lại Edinburgh sinh sống khi ra trường, nhưng chi phí đắt đỏ ở thành phố này buộc cô phải suy nghĩ lại và thay đổi kế hoạch.
Video đang HOT
Tân cử nhân 21 tuổi mong muốn chuyển đến London để bắt đầu sự nghiệp. Tuy nhiên, cô dự tính bản thân sẽ phải chờ ít nhất 1-2 năm để tiết kiệm đủ tiền để thuê nhà và trang trải chi phí sinh hoạt.
Ở cùng cha mẹ để tiết kiệm tiền
Tốt nghiệp là cơ hội để nhiều người trẻ bắt đầu cuộc sống mới ở một vùng đất mới. Nhưng với Hannah Munden (22 tuổi), sinh viên Đại học Sussex, tốt nghiệp lại khiến cô phải đắn đo trước những lựa chọn. Nữ sinh quyết định chuyển về sống cùng gia đình ở Brighton để tiết kiệm chi phí.
Hiện, Hannah tìm được công việc trong ngành quản lý tiếp thị. Công việc có thể làm trực tiếp và trực tuyến nên cô không cần đến văn phòng thường xuyên. Hannah dành phần lớn thời gian ở nhà, nhưng điều này cũng khiến cô cảm thấy không thoải mái.
Khi là sinh viên Đại học Sussex, Hannah đã được tận hưởng cuộc sống độc lập, không bị cha mẹ kiểm soát. Giờ đây, cô lại phải trở về nhà và đấu tranh giữa việc chọn cuộc sống tự do nhưng đắt đỏ hay chọn cuộc sống có ràng buộc nhưng chi phí “dễ thở” hơn.
Dù không hề mong muốn, Hannah vẫn phải chấp nhận sống cùng gia đình vì việc chuyển ra riêng quá khó khăn, nhất là trong thời điểm chi phí sinh hoạt tăng vọt như hiện nay.
Nếu muốn chuyển đến London, Hannah Munden phải tốn khoảng 800 bảng/tháng (tương đương 965 USD) cho một căn nhà trọ phù hợp. Chưa kể, cô còn phải chi tiền cho các khoản sinh hoạt và thanh toán lãi suất cho khoản nợ sinh viên. Ở tuổi 22, Hannah nhận thức rõ bản thân chưa thể kham nổi những khoản tiền đó.
“Điều tôi lo lắng hơn cả là những thế hệ sau này, ví dụ con tôi, sẽ phải sống như thế nào với cuộc sống đắt đỏ này. Dù có những lựa chọn thay thế, liệu chúng có thể sống khi chi phí cứ tăng từng ngày thế này không?”, cô gái đặt vấn đề.
Không thể học lên thạc sĩ
Deyna Grimshaw (21 tuổi), sinh viên Đại học Birmingham, do dự khi nói về việc tiếp tục học lên thạc sĩ. Cô nhận thấy việc tiếp tục theo đuổi chương trình sau đại học sẽ tạo thêm áp lực mới do vấn đề chi tiêu, bao gồm học phí và tiền sinh hoạt.
Hiện, Deyna tìm kiếm công việc ở quê nhà. Cô chấp nhận thử sức với những công việc không hoàn toàn hứng thú để đảm bảo bản thân tìm được công việc trong mùa hè này.
Với cô gái 21 tuổi, chi phí thuê nhà luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Cuộc khủng hoảng chi phí khiến Deyna chỉ có thể ở nhà và không thể dọn ra ở riêng. Dù muốn sống cùng bạn bè, nữ sinh buộc phải tạm hoãn vì không thể bỏ hơn 1.000 bảng mỗi tháng (tương đương 1.200 USD) chỉ để trả tiền thuê nhà.
Chi phí cho các khoản ăn uống cũng là một bài toán khiến Deyna đau đầu. Cô nhận thấy khoản chi cho thực phẩm tăng cao hơn so với vài tháng trước, dù cô chỉ mua những món đồ tương tự, thậm chí mua ít đi.
Chia sẻ về việc học đại học, nữ sinh Đại học Birmingham thẳng thắn nói rằng những trải nghiệm ở trường không hề xứng đáng với khoản nợ cô phải gánh chịu để được đi học. Deyna Grimshaw đã phải vay 60.000 bảng (tương đương 72.000 USD) để vào đại học. Nữ sinh lo lắng với công việc và mức lương hiện tại, cô không thể trả hết khoản nợ sinh viên.
Ý nghĩa của quyền trượng và vòng cổ hiệu trưởng mang tại lễ trao bằng
Màu sắc trên áo cử nhân tượng trưng cho ngành học, quyền trượng tượng trưng cho uy quyền, là lời nhắc nhở sinh viên học tập không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Hình ảnh hiệu trưởng cầm quyền trượng (cây chùy), đeo vòng cổ thường xuất hiện tại lễ tốt nghiệp của các đại học ở châu Âu và Mỹ.
1. Quyền trượng
Nguồn gốc và ý nghĩa của quyền trượng trong lễ tốt nghiệp được lý giải theo nhiều hướng khác nhau. Trang Dreamstime nói rằng tất cả lễ tốt nghiệp đại học tại Mỹ đều có nghi thức mở đầu bằng việc giáo sư hoặc người đứng đầu nhà trường tiến vào cùng quyền trượng của trường.
Truyền thống này bắt nguồn từ thời kỳ Phục Hưng và thời kỳ đen tối ở châu Âu. Cây chùy được dùng để bảo vệ sinh viên khỏi những kẻ lưu manh quấy rối khi đi qua thị trấn.
Cây chùy trong lễ tốt nghiệp đại học. Ảnh: The State University of New Jersey.
Trong khi đó, trang University of Washington thông tin quyền trượng tượng trưng cho cơ quan quản lý của trường đại học và chỉ xuất hiện khi có sự hiện diện của người đứng đầu nhà trường cùng các thành viên trong hội đồng quản trị.
Vật dụng này là biểu tượng cổ xưa của uy quyền, mang ý nghĩa các trường đại học đang bảo vệ truyền thống học tập lâu đời, đồng thời ban tặng sức mạnh cho người học. Cây chùy cũng là lời nhắc nhở rằng quá trình học tập không phải lúc nào cũng thoải mái và dễ dàng.
2. Vòng cổ
Đây là vật dụng không thể thiếu trong các buổi lễ quan trọng của đại học tại các nước châu Âu, châu Mỹ, thường được gọi là The President's Medallion.
Vòng cổ được lãnh đạo trường sử dụng trong các buổi lễ quan trọng. Ảnh: Bentley University.
Người duy nhất được đeo loại vòng này là người đứng đầu của trường đại học, nhằm tượng trưng cho quyền điều hành, cũng là lời nhắc nhở người sử dụng phải khôn ngoan, cẩn thận khi đưa ra những quyết định quan trọng.
Vòng cổ của mỗi trường được thiết kế khác nhau nhưng thường được in logo hoặc câu khẩu hiệu của trường.
3. Lễ phục của cử nhân
Lễ phục của cử nhân trong lễ tốt nghiệp gồm áo, mũ đội và mũ choàng (loại mũ được thiết kế rộng, to bản, dùng để choàng qua vai).
Bộ lễ phục tốt nghiệp được cho là đã có từ thời trung cổ. Thời kỳ đó, các học sinh, sinh viên thường mặc loại trang phục này để giữ ấm khi ngồi học trong những hội trường ẩm thấp, lạnh lẽo.
Theo U niversity of Washington, mũ đội đầu là biểu tượng của sự tự do trong học tập. Nhiều trường đại học tại Mỹ đã đặt ra quy định cụ thể cho việc đặt tua trên mũ đội đầu. Cụ thể, các cử nhân trước khi nhận bằng sẽ để tua mũ ở bên phải. Tua mũ sẽ được chuyển sang trái ngay khi cử nhân được ban giám hiệu trao bằng.
Trang phục của sinh viên trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Rutgers University.
Áo, hay còn gọi là áo thụng, là biểu tượng cho nền dân chủ trong học tập vì chiếc áo này có khả năng "che phủ" mọi địa vị, tầng lớp xã hội.
Áo thụng thường là màu đen và được thiết kế riêng cho từng đối tượng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Áo của cử nhân thường có ống tay rộng, thuôn dài. Áo của thạc sĩ thường cắt ngang phần khuỷu tay và đuôi tay áo kéo dài. Những người tốt nghiệp tiến sĩ được mặc trang phục với phần tay áo hình chuông, phồng to.
Tại Việt Nam, mũ choàng trong bộ lễ phục cử nhân không phổ biến. Nhưng tại các đại học ở Mỹ, mũ được thiết kế với màu sắc riêng nhằm phân biệt ngành học của các cử nhân.
Ví dụ, tại ĐH Rutgers (Mỹ), mũ màu vàng dành cho sinh viên thuộc nhóm ngành khoa học, màu trắng dành cho sinh viên thuộc nhóm ngành nghệ thuật, màu hồng là biểu tượng của nhóm sinh viên ngành sức khỏe, màu tím dành cho nhóm ngành luật.
Trao bằng tốt nghiệp cho 648 dược sĩ, cử nhân Sáng 19-3, Trường đại học Công nghệ Miền Đông (H.Thống Nhất) đã long trọng tổ chức lễ tốt nghiệp năm 2022. Theo đó, có 648 tân dược sĩ, cử nhân được trao bằng tốt nghiệp trong đợt này, trong đó phần lớn là sinh viên thuộc khoa Khoa học sức khỏe. PGS-TS Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Miền...