Cú lừa trăm tỉ của kiều nữ thành Vinh
Nguyễn Thúy Quỳnh, con gái của một ông chủ nhà hàng lớn ở TP Vinh ( Nghệ An) với chiêu bài kêu gọi góp vốn đầu tư mua đất, đã khiến hàng chục người sập bẫy để chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Trong đó, đến nay Cơ quan CSĐT đã làm rõ, riêng số tiền có yếu tố hình sự mà đối tượng này lừa đảo là xấp xỉ 80 tỉ đồng.
Vẫn chiêu bài kêu gọi góp vốn đầu tư để lừa đảo
Suốt gần một năm nay, cuộc sống của chị Phan Thị C. (sinh năm 1984), trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh (Nghệ An) bị đảo lộn hoàn toàn, kể từ khi vướng vào việc hùn hạp tiền bạc, góp vốn đầu tư, đầu cơ đất sinh lời theo lời mời gọi của Nguyễn Thúy Quỳnh (sinh năm 1993), trú tại khối 14, phường Bến Thủy, TP Vinh (Nghệ An).
Nguyễn Thúy Quỳnh bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo lời kể của chị C., Quỳnh là con gái của ông chủ nhà hàng lớn, một trong những cơ sở kinh doanh nổi tiếng và làm ăn có uy tín nhất thành Vinh từ trước đến nay. Trong những lần gom quần áo ở chung cư đến tiệm giặt là của vợ chồng Quỳnh, chị C. trở thành thân quen.
Đầu năm 2022, Nguyễn Thúy Quỳnh kêu gọi chị C. cùng góp vốn để kinh doanh bất động sản, do bố của Quỳnh là ông Ng.V.H – chủ nhà hàng H.Đ. làm chủ dự án, hiện đang rất cần vốn để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng nhiều dự án trên địa bàn. Theo lời mời gọi của Quỳnh, chị C. chỉ cần đưa tiền mặt cho người này, cứ theo chu kỳ từ 20 – 30 ngày, sau khi bán được lô đất nào, sẽ phân chia lợi nhuận lô đất đó một cách sòng phẳng. Tin tưởng, chị Nguyễn Thị C. đã vay mượn tiền của anh em, bạn bè, người thân để đưa tiền cho Nguyễn Thúy Quỳnh. Từ đầu năm 2022 đến tháng 4/2022, chị C. đã nhiều lần đưa tiền cho Nguyễn Thúy Quỳnh với tổng số tiền là gần 11,5 tỉ đồng. Cùng với việc trước đó, Quỳnh còn giữ của chị số tiền hơn 2,8 tỉ đồng, tổng cộng số tiền Quỳnh đang chiếm giữ của chị C. đến nay là hơn 14,2 tỉ đồng. “Quá trình kêu gọi góp vốn đầu tư, vì quá tin tưởng nên tôi cũng không tìm hiểu thực tế các dự án mà bố Quỳnh đang thực hiện. Chỉ đến khi tôi yêu cầu chuyển trả lại tiền, Quỳnh trốn tránh, sau đó không liên lạc được thì tôi mới tá hỏa là đã bị lừa”, chị C. cho biết.
Đơn tố giác tội phạm của nạn nhân
Tương tự, trong thời gian nói trên, chị Nguyễn Thị T. (sinh năm 1990), trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh (Nghệ An) tin lời kêu gọi góp vốn từ Nguyễn Thúy Quỳnh, đã đứng ra gom tiền từ nhiều người để chuyển cho Quỳnh tổng số tiền là hơn 26,1 tỉ đồng. Quá trình sau đó, chị T. đã được chuyển trả lại một phần tiền, hiện nay Quỳnh còn chiếm đoạt số tiền hơn 7,8 tỉ đồng. Ngoạn mục hơn, sát thời điểm bị phát hiện lừa đảo, chỉ trong thời gian 20 ngày, từ ngày 1/4 đến 22/4/2022, Quỳnh đã khiến cho chị Trần Thị L. (sinh năm 1983), trú tại phường Quang Trung, TP Vinh (Nghệ An) phải chuyển khoản cho mình với số tiền 37,5 tỉ đồng. Theo đơn tố giác tội phạm, tính đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 22 người đã trở thành nạn nhân của Nguyễn Thúy Quỳnh, với số tiền lừa đảo, chiếm đoạt là khoảng 150 tỉ đồng.
Video đang HOT
Theo chia sẻ của các bị hại, sở dĩ những người này nhanh chóng trở thành “con mồi” của Quỳnh, là ngoài việc đối tượng đánh bóng bản thân bằng việc thường xuyên đi chơi, làm đẹp, sở hữu nhiều xe ô tô hạng sang; trước đó quá trình vay mượn tiền của nhiều người để đảo khế ước ngân hàng, Quỳnh thường trả lãi sòng phẳng và rất đúng hẹn, thì điều khiến nhiều người tin tưởng nhất chính Quỳnh là ái nữ của ông Ng.V.H., chủ nhà hàng H.Đ. có tiếng nhất nhì ở xứ Nghệ. Sau khi biết mình bị lừa, nhiều người mới cất công tìm hiểu thì mới vỡ lẽ, ông chủ nhà hàng này vẫn chỉ kinh doanh nhà hàng chứ không hề lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, nên thực tế chẳng có dự án nào đang triển khai như con gái ông ấy kêu gọi để góp vốn cả.
Lừa đảo có chủ đích
Quá trình sao kê giao dịch tài khoản ngân hàng của Nguyễn Thúy Quỳnh, các bị hại phát hiện số tiền sau khi lừa đảo, chiếm đoạt được của nhiều người, đối tượng này đã chuyển vào tài khoản của nhiều người quen biết, anh em bạn bè thân thiết. Có thể kể đến là tài khoản của hai mẹ con bà Trần Quỳnh M. và Đoàn Trần Q.M, trú tại tỉnh Kom Tum với số tiền được chuyển vào lần lượt là 61,9 tỉ đồng và 54,9 tỉ đồng; tài khoản của Trần Thị N.H và Nguyễn Minh T., cùng trú tại TP Hà Nội cũng được chuyển vào số tiền hơn 41,3 tỉ đồng và 16,1 tỉ đồng; tài khoản của bà Thái Thị H.G, trú tại TP Vinh trong thời gian nói trên cũng nhận từ tài khoản của Nguyễn Thị Thúy Quỳnh với tổng số tiền là hơn 161,8 tỉ đồng…
Cơ sở giặt là của vợ chồng Nguyễn Thúy Quỳnh tại Thành phố Vinh
Thống kê của bị hại, có tất cả 39 người phát sinh giao dịch với Nguyễn Thúy Quỳnh thông qua tài khoản của đối tượng này được mở tại Ngân hàng Công thương Việt Nam. Theo lý giải của Quỳnh thì đây là số tiền mà đối tượng dùng để trả nợ cho các chủ nợ trong các giao dịch làm ăn trước đó, trong khi theo các bị hại thì việc giao dịch này là bất thường, có dấu hiệu của việc cấu kết với nhau để tẩu tán số tiền mà Quỳnh do phạm tội mà có. Do vậy, các nạn nhân đã làm đơn yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành đối chất, làm rõ các khoản nợ (nếu có) giữa đối tượng với những người này.
Liên quan đến vấn đề này, liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An thì được biết, sau khi tiếp nhận tố giác tội phạm của công dân, Cơ quan điều tra đã vào cuộc và nhận thấy sự việc phức tạp, liên quan đến nhiều người, với số tiền rất lớn nên ngày 17/6/2022, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thúy Quỳnh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu, quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, Quỳnh đã có hành vi lừa góp vốn mua, bán đất nhằm chiếm đoạt tài sản của chị Trần Thị L., Ph Thị C. và Nguyễn Thị T., với tổng số tiền là hơn 78,9 tỉ đồng, để sử dụng vào mục đích cá nhân. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ban hành lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10/2022 để phục vụ việc xác minh, điều tra. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã ban hành lệnh kê biên tài sản đối với 3 thửa đất tại TP Vinh và 1 thửa đất tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), 1 xe ô tô Lexus BKS 37A-862.26 do vợ chồng Nguyễn Thúy Quỳnh đứng tên, sở hữu để tránh tẩu tán, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bị hại.
Người dân đến căng băng rôn, đòi Quỳnh trả nợ
Trong quá trình cơ quan CSĐT Công an Nghệ An đang điều tra thì ngày 28/7/2022, TAND TP Vinh đã ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, thống nhất chấp thuận cho Nguyễn Thúy Quỳnh và chồng là Hồ Việt Anh trả nợ cho chị Võ Thị Ngọc (sinh năm 1993), trú tại phường Hưng Trí, TX. Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền nợ là 24,6 tỉ đồng. Điều kiện để thi hành án đối với thỏa thuận này là đấu giá 3 thửa đất tại TP Vinh của vợ chồng Nguyễn Thúy Quỳnh mà cơ quan điều tra đã ra lệnh kê biên tài sản. Dĩ nhiên, quyết định nói trên của TAND TP Vinh không được cơ quan điều tra đồng ý. Hiện tại, Nguyễn Thúy Quỳnh đã bị khởi tố, nhưng đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên áp dụng biện pháp tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Theo Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An, quá trình điều tra, xác minh nhận thấy tài sản của Nguyễn Thúy Quỳnh cũng chẳng có gì nhiều ngoài chiếc xe ô tô và 3 thửa đất tại TP Vinh, song các thửa đất này cũng đang được thế chấp tại ngân hàng với số tiền hơn 18 tỉ đồng.
Đối với các tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch trong thời gian Quỳnh gom tiền của các bị hại, để đảm bảo quyền lợi, cơ quan điều tra cũng đã tạo điều kiện cho đối tượng gặp bị hại để thỏa thuận việc trả nợ, để các bên tự giải quyết với nhau. Cùng với đó, xác định Nguyễn Thúy Quỳnh không có bất cứ hoạt động mua bán, giao dịch nào liên quan đến bất động sản. Mục đích chính của Nguyễn Thúy Quỳnh là lấy của người sau trả cho người trước. Chiêu bài chính của Quỳnh khiến nhiều người tin tưởng là đưa ra “bẫy lừa” huy động vốn, trả lãi suất cao ngất ngưởng nhưng thực chất là lấy tiền của bị hại để trả cho bị hại.
Giấy nhận nợ hàng chục tỉ đồng của Nguyễn Thúy Quỳnh
Trước đây, Nguyễn Thúy Quỳnh lừa đảo bằng chiêu trò gọi mọi người hùn vốn vào để đảo khế ước ngân hàng cho khách hàng. Sau này, nhận thấy số tiền mọi người chung vốn không nhiều, Quỳnh quay sang việc “vẽ” ra các dự án ma để kêu gọi đầu tư. Nguồn tin riêng của phóng viên được biết, hiện nay một số ngân hàng cũng trở thành nạn nhân khi “bơm” tiền cho nữ quái này với số lượng rất lớn.
Hiện, số tiền mà Nguyễn Thúy Quỳnh chiếm đoạt của các bị hại có yếu tố hình sự mà Cơ quan CSĐT đã xác định được là hơn 78,9 tỉ đồng. Đối với những bị hại khác, mặc dù có đơn trình báo song quá trình điều tra, xác định đó là giao dịch dân sự nên không tiến hành điều tra, xử lý mà hướng dẫn công dân khởi kiện ra tòa án dân sự theo quy định.
Tây Ninh: Sập bẫy lừa cộng tác viên bán hàng online, mất hàng trăm triệu đồng
Bẫy lừa tuyển cộng tác viên bán hàng online dù không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy và bị chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng
Ngày 10.10, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết thời gian qua đơn vị này đã nhiều lần phát đi cảnh báo người dân về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng để chiếm đoạt tiền của nhiều người qua bẫy lừa cộng tác viên bán hàng online.
Số tiền nạn nhân thực hiện các nhiệm vụ nhưng không thể rút về được và phải nạp số tiền lớn hơn, sau đó bị chiếm đoạt. Ảnh BẠN ĐỌC CUNG CẤP
Trước đó, Công an tỉnh Tây Ninh cũng đã tiếp nhận thông tin nhiều trường hợp "sập bẫy" lừa tuyển cộng tác viên bán hàng online.
Cụ thể, đơn vị này đã tiếp nhận nhiều nạn nhân bị các đối tượng mạo danh nhân viên của Shopee, Lazada, Tiki... lôi kéo tham gia cộng tác viên bán hàng online với "hoa hồng'"từ 10 - 20% hoặc thu nhập từ 200 - 700.000 đồng/ngày. Điều kiện tham gia rất đơn giản là không cần bằng cấp, kinh nghiệm, làm việc tại nhà, có sử dụng thẻ ATM, điện thoại, laptop... và nhấn vào đường link tham gia bằng cách để lại số điện thoại. Sau khi các nạn nhân "cắn câu", các đối tượng lừa đảo lập tức liên hệ và kết bạn qua Zalo để hướng dẫn cách thức thực hiện.
Nạn nhân mất tiền như thế nào?
Đầu tiên, bị hại sẽ được hướng dẫn đặt đơn hàng có giá trị nhỏ bằng cách chuyển tiền mua sản phẩm vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định và chụp hình lệnh chuyển tiền gửi lại cho đối tượng để xác thực. Sau đó, bị hại được thanh toán lại tiền mua hàng kèm tiền hoa hồng như đã hứa để tạo lòng tin. Tuy nhiên, khi bị hại nộp số tiền lớn để đặt mua hàng, lúc này các đối tượng liên tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu mua thêm hàng. Nạn nhân vì muốn lấy lại số tiền mua sản phẩm ban đầu nên cứ làm theo và bị chiếm đoạt tiền nhiều lần.
Trong những ngày đầu tháng 9.2022, chị N.T.P (ngụ H.Châu Thành, Tây Ninh) tranh thủ thời gian nghỉ hộ sản nên chị vào một nhóm trên Facebook đăng ký làm cộng tác viên bán hàng online mạo danh Lazada.
Người tư vấn tên V.N.H hướng dẫn chị P. làm nhiệm vụ chốt đơn ảo trên một trang web. Ban đầu, chị P. được giao nhiệm vụ là chốt 4 đơn và được yêu cầu nạp 90.000 đồng. Hoàn thành xong, cả tiền gốc và hoa hồng chị P. nhận lại được là 140.000 đồng.
Giao diện trang web làm nhiệm vụ mà nhiều nạn nhân sập bẫy. Ảnh BẠN ĐỌC CUNG CẤP
Ở nhiệm vụ 2, chị P. phải chốt 6 đơn hàng và được yêu cầu nạp 300.000 đồng. Sau khi hoàn tất, cả gốc lẫn hoa hồng nhận về lúc này sẽ được 530.000 đồng.
Tiếp đến, chị P. phải thực hiện nhiệm vụ thứ 3 là chốt 12 đơn mới có thể rút được tiền về tài khoản. Đáng nói, khi chị P. hoàn thành tới đơn hàng thứ 6 thì được yêu cầu nạp 6 triệu đồng. Lúc này, thấy chị P. lo lắng sợ mất tiền, người hướng dẫn đã liên tục nhắn tin trấn an và động viên hoàn thành cho xong 12 đơn sẽ rút hết tiền về một lần. Tổng cộng, chị P. hoàn thành xong 12 đơn hàng kèm theo số tiền nạp vào là 37 triệu đồng.
Thế nhưng, dù đã làm theo đúng hướng dẫn chốt đơn đầy đủ và lệnh rút tiền về nhưng chờ mãi vẫn không thấy động tĩnh, chị P. hỏi người hướng dẫn tên H. thì người này cho số điện thoại một "nhân viên chăm sóc khách hàng'" B.M. Người này trả lời do chị P. chậm trễ hoàn đơn nên hệ thống yêu cầu chị hoàn thành thêm 4 đơn nữa.
Để lấy lại được số tiền đã nạp trước đó, chị P. tiếp tục làm theo, chốt thêm 4 đơn nữa tổng cộng số tiền 140 triệu đồng. Thế nhưng, chị P. vẫn không thể rút tiền về được mà lại tiếp tục bị yêu cầu hoàn thành thêm 2 đơn với số tiền nạp lên đến 260 triệu đồng. Đến lúc này, chị P. mới hoảng hốt biết mình sập bẫy lừa cộng tác viên bán hàng online, không thể lấy lại được tiền nên trình báo công an.
Cảnh báo từ những trường hợp sập bẫy "việc nhẹ, lương cao" Ngày 6/7, Thượng tá Lê Đồng Úy, Phó trưởng Công an thị xã, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm - tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã có thông báo gửi các xã, phường nội thị về thủ đoạn lừa đảo "việc nhẹ, lương cao"...