Cú huých lớn trong đào tạo sư phạm
Lương nhà giáo, thay miễn học phí bằng “cho vay sư phạm” là nội dung được dư luận rất quan tâm khi nói về Luật Giáo dục sửa đổi. TS Tôn Quang Cường – Phó chủ nhiệm khoa phụ trách Khoa Sư phạm (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) – cho rằng, đây là một trong những đổi mới nhằm thu hút đầu vào sư phạm.
ảnh minh họa
Cần một chính sách đồng bộ
TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh điều này và khẳng định: Trước hết là học phí và lương nhà giáo! Nếu xét một cách khách quan, sư phạm cũng là một ngành trong hệ thống đào tạo nhân lực của quốc gia.
Trong một giai đoạn cụ thể, đào tạo sư phạm đã nhận được sự đầu tư ưu ái hơn một số ngành khác về mặt chính sách. Thay việc miễn học phí bằng “cho vay sư phạm” (kèm điều kiện cụ thể) sẽ là một cú huých lớn đạt được nhiều mục đích: gia tăng vị thế nghề sư phạm, khuyến khích tạo động lực cho người học, tăng cơ hội đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo và giải tỏa được những tâm lí xã hội không phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Vấn đề lương nhà giáo cũng là một điểm đáng chú ý hiện nay, có tác động không nhỏ đến việc thu hút đầu vào sư phạm. Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn: trong một nỗ lực tổng thể về cải cách hành chính và tiền lương, chúng ta đang tiến đến một cơ hội thu nhập theo đóng góp, vị trí việc làm và cống hiến. Vì vậy bài toán lương và thu nhập của giáo viên cũng cần được cân nhắc một cách đa diện.
“Cùng với việc đổi mới cơ chế thu hút đầu vào sư phạm, việc bổ sung những chính sách “đặc thù ngành” đối với hoạt động nghề nghiệp của giáo viên (cơ chế tuyển dụng, cơ hội bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp…), theo tôi, cũng là những điểm hấp dẫn đối với nghề giáo viên hiện nay” – TS Tôn Quang Cường .
Nâng cao đầu vào là việc cần làm
Quy chế tuyển sinh 2018 đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với các trường đào tạo giáo viên. Có ý kiến bày tỏ nghi ngại tình hình đã khó lại càng khó hơn đối với các trường sư phạm hiện nay. Để cải thiện tình hình này cần có một chính sách và giải pháp triển khai đồng bộ, hệ thống mang tính lâu dài bởi thực trạng “kém hấp dẫn” của nghề sư phạm có nguyên nhân từ nhiều yếu tố.
TS Tôn Quang Cường – Phó chủ nhiệm khoa phụ trách Khoa Sư phạm (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) – khẳng định: qui định “nâng cao” trong tuyển sinh đầu vào sư phạm theo qui chế mới không phải là “cây đũa thần” để xoay chuyển thực trạng vấn đề đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên, nhưng là việc cần làm, khởi đầu cho lộ trình đổi mới công tác này của chúng ta.
Điểm đầu vào hay lựa chọn xét học bạ học lực giỏi ở THPT của thí sinh mới chỉ là một phần của vấn đề. Thực tế chúng ta cũng chưa có được những nghiên cứu cẩn thận về mối tương quan giữa điều kiện đầu vào với chất lượng đào tạo, chất lượng tốt nghiệp đầu ra, tỉ lệ bỏ học giữa chừng, tỉ lệ sinh viên sư phạm có việc làm sau tốt nghiệp, tỉ lệ theo đuổi nghề nghiệp trên 5 năm … Cũng chưa có một bằng chứng khoa học nào khẳng định điểm đầu vào thấp thì chất lượng đào tạo sẽ kém về mặt tổng thể!
TS Tôn Quang Cường dẫn báo cáo của Viện chính sách Harvard năm 2015: ngay ở Hoa Kì trong số sinh viên đăng kí vào các trường giáo dục cũng chỉ có 44% là thực sự muốn trở thành giáo viên, sau năm thứ nhất con số này chỉ còn 29%! Mặt khác có đến 40% số sinh viên tốt nghiệp làm giáo viên đã chuyển nghề sau vài năm công tác! Tình hình tương tự đối với trường hợp tại Vương Quốc Anh.
Video đang HOT
Các nước OECD cũng đầu tư dày công nghiên cứu về chính sách thu hút đầu vào sư phạm, tuyển dụng, bồi dưỡng, giữ chân và đãi ngộ giáo viên từ nhiều năm nay. Báo cáo năm 2011 của OECD khuyến nghị cần thực hiện đồng bộ 7 chính sách bao gồm: tăng cường vị thế, hình ảnh nhà giáo; cải thiện điều kiện tuyển dụng và tính cạnh tranh về mức lương; mở rộng kết nối trong đội ngũ nhà giáo; cơ chế khen thưởng linh hoạt; cân đối lại chỉ tiêu sinh viên sư phạm và mức lương trung bình của nhà giáo; cơ chế điều tiết, điều động và phân bổ giáo viên.
Đa dạng hóa hình thức tuyển sinh
TS Tôn Quang Cường cho rằng, mỗi trường tùy điền kiện cụ thể nên áp dụng ngay hình thức tuyển sinh sư phạm đa dạng, đồng bộ hơn so với những gì chúng ta đã và đang làm: điểm ngưỡng đầu vào, xét hồ sơ, tổ chức sơ tuyển, phỏng vấn, đánh giá năng lực theo chuẩn thích ứng, thư giới thiệu … để đảm bảo rằng sẽ có những thí sinh tâm huyết với nghề.
Bên cạnh đó, các trường sư phạm cần gia tăng công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cũng như giới thiệu các thế mạnh, cập nhật, những điểm mới trong chương trình và môi trường đào tạo của mình.
“Chúng ta đều có hệ thống các trường vệ tinh để triển khai kiến tập thực tập sư phạm cho giáo sinh hàng năm nhưng có mấy trường mời được học sinh nơi đó đến thăm cơ sở đào tạo của mình?
Có mấy khi chúng ta tổ chức các hoạt động hướng nghiệp tại ngay khuôn viên nhà trường để mời học sinh đến tham quan, trải nghiệm (làm giáo viên chẳng hạn), quan sát môi trường học tập…nhằm nuôi dưỡng niềm đam mê, hứng thú với nghề giáo.
Chúng ta có hẳn 1 ngày “quốc lễ” để tôn vinh các nhà giáo nhưng mấy trường đã khác thác tốt cơ hội này để làm công tác quảng bá hình ảnh?…” – TS Tôn Quang Cường trăn trở.
Tuy nhiên, TS Tôn Quang Cường cũng nhắc đến một điểm rất đặc thù và thách thức trong công tác tuyên truyền tuyển sinh sư phạm, đó là nhà trường khó có thể hứa đảm bảo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp như những cơ sở đào tạo khác. Nhưng, đây cũng có thể trở thành sáng kiến hay cơ hội tuyệt vời để các trường sư phạm thể hiện năng lực cạnh tranh, thu hút đầu vào trong bối cảnh quốc tế hóa và hội nhập giáo dục hiện nay.
Theo Giaoducthoidai.vn
Khuyến nghị xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên từ SEAMEO
Khung năng lực giáo viên dành cho các nước Đông Nam Á - do SEMEO xây dựng, như một văn bản mang tính khuyến nghị cho tất cả các nước trong khối; để từ đó mỗi nước căn cứ vào tình hình cụ thể của mình đề xuất phương án xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Dự thảo Khung năng lực nói trên đang được SEMEO xây dựng và công bố trong thời gian tới.
ảnh minh họa
TS Tôn Quang Cường - Phó chủ nhiệm khoa phụ trách Khoa Sư phạm (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) - với báo Giáo dục và Thời đại xung quanh Dự thảo này.
- TS có thể một số thông tin cơ bản về Khung năng lực giáo viên dành cho các nước Đông Nam Á sẽ được công bố tới đây?
Năm 2010, Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) đã có bản báo cáo tổng quan đánh giá chuẩn năng lực giáo viên hiện tại của 11 nước trong khu vực liên quan đến mọi khía cạnh: đặc trưng phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên, chính sách và quá trình xây dựng chuẩn năng lực, đánh giá và giám sát thực hiện chuẩn năng lực giáo viên, chính sách thưởng, đãi ngộ, khuyến khích và các khuyến nghị chung trong bối cảnh giáo dục thế kỉ 21.
Bản báo cáo đã đưa ra khuyến nghị chung cho các nước, làm căn cứ để xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên trên cơ sở cụ thể hóa bối cảnh từng quốc gia. Đồng thời, bản báo cáo cũng gợi ý cho các nước nên xây dựng và cụ thể hóa các chuẩn theo tiếp cận "trục đối ngẫu": trách nhiệm và năng lực (đáp ứng trách nhiệm đó) của giáo viên.
Khung năng lực có thành tố chính là 4 lĩnh vực thể hiện đặc thù công việc nghề nghiệp của giáo viên. Mỗi lĩnh vực được chia ra thành những năng lực chung kèm theo mô tả, biểu hiện của năng lực đó và ở mỗi biểu hiện đều có một "chỉ số thành công". Cụ thể 4 lĩnh vực này như sau:
Lĩnh vực 1 là biết và hiểu những gì tôi dạy (có thể hiểu là năng lực chuyên môn), với 3 năng lực chung: Hiểu biết sâu và rộng về những vấn đề kiến thức chuyên môn; hiểu biết về những thách thức chính sách trong giáo dục và chương trình; cập nhật những vấn đề về địa phương, vùng, quốc gia và phát triển toàn cầu.
Lĩnh vực 2 là giúp đỡ người học học tập, với 2 năng lực chung: Hiểu biết về người học; sử dụng những chiến lược dạy và học hiệu quả nhất.
Lĩnh vực 3 là kết nối với cộng đồng, với 3 năng lực chung: Kết nối với cha mẹ hoặc người bảo hộ; thu hút cộng đồng trong việc hỗ trợ học sinh học tập; tôn trọng người khác và chấp nhận sự khác biệt.
Lĩnh vực 4 là trở thành người giáo viên tốt hơn mỗi ngày, với 3 năng lực chung: Biết mình biết người; thể hiện sự nhân văn trong cuộc sống và trong công việc; biết điều khiển, quản lý hoạt động nghề nghiệp.
TS Tôn Quang Cường giảng bài
- Ông ấn tượng với điều gì ở Khung năng lực giáo viên này của SEMEO?
Điều tích cực của Khung năng lực này là tính chất định hướng và theo cách tiếp cận, đánh giá dựa trên nguyên lý; cách xây dựng gọn và bao quát. Điều này phù hợp ở mặt vĩ mô vì đây là văn bản mang tính khuyến nghị cho tất cả các nước trong khối. Trên cơ sở đó, các nước sẽ cụ thể hóa tùy theo từng điều kiện cụ thể.
Bên cạnh đó, tại đây đã mô tả được hình ảnh giáo viên ở tầm khu vực và những yêu cầu rất mới đối với giáo viên ở thế kỷ 21. Nếu đạt được điều này, giáo viên có thể đáp ứng được yêu cầu ở bất kỳ đất nước nào trong khối ASEAN.
- Ông có nhận định như thế nào về chuẩn giáo viên hiện hành so với dự thảo Khung năng lực giáo viên dành cho các nước Đông Nam Á do SEMEO xây dựng?
Về cơ bản, chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện hành đã có dáng dấp trong khung năng lực này. Tuy nhiên, chuẩn giáo viên của Việt Nam rất đặc thù ở 2 khía cạnh:
Thứ nhất, nhấn mạnh vào phẩm chất chính trị; thứ 2, năng lực phát triển chuyên môn vẫn tập trung vào mô tả yêu cầu của nghề nghiệp (mô tả công việc hiện tại) hơn là tạo cho họ định hướng của phát triển nghề nghiệp (tự đánh giá, soi chiếu, cải tiến để phát triển).
Tôi cho rằng, trong chuẩn giáo viên đang xây dựng cần phải thay đổi điều này.
- Vậy theo ông, bài học gì cho Việt Nam khi xây dựng chuẩn giáo viên từ khung năng lực giáo viên của SEMEO?
Những bài học có thể rút ra từ Khung năng lực giáo viên dành cho các nước Đông Nam Á như sau:
Thứ nhất, xây dựng chuẩn nên ngắn gọn, nhưng hướng dẫn chuẩn cần tỷ mỉ, đơn giản, dễ hiểu để bất kì giáo viên nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng, so chiếu trong công việc hàng ngày . Chuẩn mang tính chất chung, định hướng; nhưng hướng dẫn thực hiện chuẩn nên chi tiết, cụ thể là vì thế.
Thứ hai, những mô tả về mặt chỉ số, chỉ báo sẽ có một dải tương đối lớn, để mỗi một người tùy vào điều kiện cụ thể của mình để thực hiện, phấn đấu. Chuẩn nên mang tính định hướng phấn đấu cao chứ không phải dùng chuẩn để đánh giá giáo viên theo mục đích về hành chính.
Thứ ba, trong mỗi nội hàm miêu tả của lĩnh vực, của năng lực, của chỉ báo, của minh chứng đều có 1 cho đến 2 từ khóa giúp giáo viên dễ nhận diện được yêu cầu cần thực hiện.
Tuy nhiên, có mấy điểm rất thách thức:
Thứ nhất, thói quen đánh giá theo chuẩn chưa rõ nét nên việc xây dựng chuẩn theo cách tiếp cận này đôi khi có thể sẽ làm khó cho một người giáo viên cụ thể.
Thứ hai, một số yêu cầu về năng lực trong chuẩn còn khá mới, thách thức đối với tư duy với văn hóa, với thực tế cuộc sống ở Việt Nam.
Thứ ba, yêu cầu với giáo viên thế kỷ 21 là nắm bắt được xu thế phát triển và vấn đề mang tính toàn cầu, điều này giáo viên Việt Nam còn hạn chế.
"Năng lực chung của giáo viên là năng lực cốt lõi được đúc kết, hội tụ bởi các thành tố: Phẩm chất đặc trưng nghề nghiệp, kĩ năng nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, các chuẩn mực đạo đức và giá trị nghề nghiệp/cá nhân, sự phát triển nghề nghiệp và học tập suốt đời".
Khung năng lực giáo viên dành cho các nước Đông Nam Á
Theo Giaoducthoidai.vn
Tạo điều kiện nâng cao chất lượng đầu vào trường sư phạm Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018 khuyến khích các trường đào tạo sư phạm mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với học sinh đã tốt nghiệp THPT chuyên của các địa phương vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đạt giải....