Cụ già trên 90 tuổi mắc bệnh nặng bị bỏ trong nhà khóa trái cửa
Nhiều ngày qua, những người dân ở đường Nguyễn Trung Trực, phường 2, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) nghe tiếng kêu yếu ớt của một cụ già trong căn nhà số 167, đường Nguyễn Trung Trực.
Nhiều người tò mò lại gần thì thấy cửa khóa bên ngoài, nhìn vào trong nhà thấy một cụ già không mặc quần, nằm trên một bộ ngựa (phản), hai tay chắp vào nhau kêu cứu, kêu đói…
Một cháu bé bán vé số nói: “Tụi con nhìn qua cửa kính, thấy bà nằm ngửa, tay đang cầm một cái tã đưa lên miệng cắn, rất tội nghiệp…”.
Nhà số 167 nơi cụ già ở
Một người dân ở lối xóm cho biết: “Bà lão ở một mình, không ai biết tên bà cả. Trước đây, có một cô gái ở với bà, nhưng nhiều ngày qua không thấy cô gái này nữa. Những ngày trước, cháu bà mở cửa đưa cho bà chai sữa rồi đóng cửa đi. Ngày hôm qua (6/7), thấy có con trai bà tới mở cửa, đưa cho bà một chai sữa Ensure để bà uống”.
Theo nhiều người dân, bà lão hiện đã ngoài 90 tuổi, đang bị bệnh tiểu đường rất nặng lại phải nằm một chỗ, không được tắm rửa, thay quần áo nên bị lở nhiều trên thân thể.
Video đang HOT
Một người nói: “ Nếu con bà bận làm ăn thì gửi chìa khóa cửa cho lối xóm để bà con chạy qua chạy lại thăm bà, lỡ có chuyện gì còn cứu kịp”.
Theo người dân, bà lão này có một người con trai hiện là chủ một đại lý vé số lớn ở phường 1 (TP Sóc Trăng).
Theo công an phường 2, sau khi nhận tin báo của quần chúng, cảnh sát khu vực đã xuống kiểm tra và xác nhận đúng như phản ánh của người dân. Làm việc với con trai của bà, ông này cho biết, ông cũng tính đưa bà về ở chung bên phường 1 nhưng bà không chịu đi nên phải thuê người chăm sóc bà, mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng nhưng mới đây người giúp việc không làm nữa, bây giờ ông đang kiếm người nhưng chưa ai tới.
Theo Dân trí
Bí quyết sống lâu của các cụ trăm tuổi ở VN
Sống vui, không câu nệ, không để bụng và hay lam hay làm... là bí quyết chung của các cụ thọ trên 100 tuổi ở Việt Nam. Điều đặc biệt là số các cụ được hưởng "tuổi trời" này ngày càng tăng...
Bàn tay bế... 4 thế hệ
Gặp và trò chuyện với cụ bà Phạm Thị Xuân ở cụm 1, thôn Yên Dục, xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ, Hà Nội), chúng tôi ngạc nhiên bởi sự minh mẫn và niềm vui trong từng câu nói của cụ. Dù đã 102 tuổi nhưng lưng cụ chỉ hơi còng, tai vẫn thính, bước đi, giọng nói vẫn khỏe. Cụ có 21 cháu, 25 chắt, 3 chít. Cụ đã bồng bế 4 thế hệ trong gia đình.
Cụ Xuân hiện đang sống cùng con trai trưởng và cháu nội là anh Nguyễn Đình Dũng trong căn nhà 2 tầng khá khang trang, rộng rãi. Chồng cụ là cụ Nguyễn Đình Đá đã mất cách đây 13 năm ở tuổi 89. Cụ có 8 người con (6 trai, 2 gái), các con của cụ nay đã già, con út năm nay cũng đã 62 tuổi.
Hỏi về bí quyết sống lâu, cụ Xuân cười hiền tâm sự: "Nhà đông anh em, hoàn cảnh khó khăn nên tôi làm việc từ bé. Giờ tôi vẫn làm việc giúp con cháu, làm việc thấy mình sống có ích, tinh thần lại thoải mái. Còn ăn uống thì con cháu ăn gì, tôi ăn nấy...".
Điều khiến mọi người ngạc nhiên là suốt bao năm qua cụ Xuân chưa một lần ốm nặng, thỉnh thoảng bị cảm cúm thì uống vài liều thuốc là khỏi. Hiện mỗi ngày cụ đều đặn ăn 3 bữa, mỗi bữa 4 bát cơm.
Anh Nguyễn Đình Dũng cho biết: "Cụ rất hoạt bát, vui tính, làm luôn chân luôn tay giúp đỡ con cháu. Chúng tôi sợ cụ mệt không muốn cụ làm việc, nhưng cụ nhất quyết không chịu. Cụ bảo không làm việc thấy khó chịu trong người...".
Chị Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng cụm 1, thôn Yên Dục tự hào khi nói về cụ Xuân: "Cụ sống rất thoải mái, hòa đồng với làng xóm, lại chăm chỉ làm việc. Có lẽ do sống thoải mái, siêng năng nên cụ mới sống thọ như vậy".
Ở tuổi 102, cụ Xuân vẫn ngày ngày trông chắt cho con cháu đi làm
Sống là phải vui
Bà Lưu Thị Hường - Trưởng ban Công tác xã hội và sức khỏe (T.Ư Hội Người cao tuổi) cho biết, năm 2007, Trung tâm Sách kỷ lục VN đã thống kê cả nước có 9.600 cụ già trên 100 tuổi. Tới năm 2011, T.Ư Hội Người cao tuổi thống kê lại thì con số lên tới hơn 10.000 cụ. Theo bà Hường, hầu hết các cụ sống thọ trên 100 tuổi mà bà từng tiếp xúc đều có tinh thần rất lạc quan, yêu đời, ăn uống điều độ, hết lòng vì con cháu, chòm xóm... Nhiều cụ cũng có bí quyết ăn, uống riêng, nhưng theo bà Hường "đó chỉ là chất xúc tác, quan trọng nhất là tinh thần các cụ". Lê An
Tương tự như cụ Xuân, các cụ sống thọ trên 100 tuổi đều chia sẻ bí quyết: Chăm chỉ làm lụng, sống điều độ, vui vẻ, hòa nhã.
Xã Đồng Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) hiện có 7 cụ trên 100 tuổi. Cụ Hà Thị Noi năm nay 103 tuổi, hàng ngày vẫn cuốc xới, làm vườn. Cụ kể, thời thanh niên cụ từng đi dân công, gánh gạo tiếp tế cho bộ đội. Sau đó, cụ chỉ sinh sống ở bản Mường của mình. Cụ thường ăn cơm canh rau, ít khi ăn thịt, hiện mỗi bữa cũng ăn 2 bát cơm. Từ nhỏ đến giờ cụ Noi chưa từng uống thuốc Tây, có cảm sốt gì cũng chỉ uống thuốc lá là khỏi.
Ông Hà Trường Ngọt - Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn cho biết, về tính cách, cụ Noi nổi tiếng là sống chan hòa, tình cảm. Từ nhỏ đến giờ mọi người ít thấy cụ bực tức với ai, việc gì cũng xắn tay vào làm. Ngoài ra, cụ còn yêu văn nghệ, thích ca hát...
Làng La Châu (xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng có 5 cụ trên 100 tuổi. Theo danh sách của Hội Người cao tuổi của xã thì có các cụ Đinh Thử 106 tuổi, cụ Nguyễn Thị Dĩ 103 tuổi, cụ Phùng Thị Quảng 102 tuổi, cụ Nguyễn Thị Dự tròn 100 tuổi, cụ Trương Khanh 100 tuổi. Ở tuổi 106, cụ Đinh Thử vẫn làm việc nhẹ trong nhà, nuôi chim... Cụ cho biết, vợ chồng cụ giờ có hơn 100 con, cháu, chắt, chút, chít. Cứ cuối tuần con cháu chắt chít lại về, chật kín cả nhà. Phần lớn con cháu cụ đều sống ở TP.Đà Nẵng, nhiều lần mời các cụ lên thành phố ở nhưng cụ đều từ chối vì: "Ở nhà cuốc đất trồng rau đã quen, không ở thành phố được".
Cụ Thử sống rất điều độ, yêu đời. Hàng ngày cụ vẫn đọc báo, làm thơ. Mắt cụ vẫn tinh tới mức đọc báo mà không cần đeo kính. Cụ đối xử với con cháu rất nhã nhặn. Nhiều lúc cao hứng còn vui vẻ hát hò cùng con cháu.
Theo 24h
Giặc lửa phá tan hoang ấp nghèo Phút chốc, 85 căn nhà của bà con vùng biên giới ở xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang, chỉ còn là đông tro tàn. Hàng trăm con người không biêt bao giờ mới có thê ôn định cuôc sông! Ngậm ngùi bên đông tro tàn Sau khi đám cháy dữ dội xảy ra vào trưa ngày 12/6 tại xã Vĩnh...