Cụ bà già nhất thế giới qua đời ở tuổi 127
Mới đây, cụ bà được cho là người già nhất thế giới đã qua đời ở tuổi 127, để lại 8 người con và khoảng 200 người cháu chắt.
Hộ chiếu cho thấy cụ Fotima sinh vào năm 1893
Cụ bà Fotima Mirzokulova đến từ cộng hòa Tajikistan, một quốc gia thuộc vùng Trung Á, sinh ra vào ngày 13/3/1893. Cụ đã sống qua thời kỳ Nga hoàng sụp đổ, Liên bang Xô Viết tan rã và cộng hòa Tajikistan giành được độc lập.
Mặc dù tuổi của cụ Fotina chưa bao giờ được xác minh chính thức nhưng cụ đã để lại 8 người con và khoảng 200 người cháu chắt. Trước khi qua đời, cụ sống ở thị trấn Dakhana, nằm ở phía Bắc cộng hòa Tajikistan, cách thủ đô Dushanbe khoảng 6 tiếng rưỡi lái xe.
Cụ bà Fotima có thể là người phụ nữ cuối cùng trên thế giới sinh ra vào những năm 1800
Trước đó, cụ dành cả đời mình để làm việc trong một hợp tác xã nông nghiệp. Hãng thông tấn AKI Press cho biết cụ vẫn tiếp tục làm việc trên các cánh đồng trồng bông ngay cả khi đã nghỉ hưu và yêu thích công việc của mình.
“Bà ấy đã làm việc trong một hợp tác xã nông nghiệp suốt cả cuộc đời. Khi đến tuổi nghỉ hưu, bà ấy ở nhà và vẫn làm nông. Bà Fatima Mirzokulova đã tham gia vào vụ thu hoạch bông từ đầu đến cuối mùa”, trang web chính thức của chính quyền quận Asht cho biết.
Cụ bà Fotima sống trong một ngôi làng nhỏ ở cộng hòa Tajikistan
“Vào ngày 25 tháng 1 năm 2020, cư dân của quận Asht, người thân và bạn bè đã nói lời tạm biệt với người phụ nữ xinh đẹp và vui vẻ nhất – cụ Fotima”, hãng thông tấn của cộng hòa Tajikistan đưa tin.
Trước đó, người phụ nữ già nhất từng được xác minh trên thế giới là bà Jeanne Louise Calment người Pháp, qua đời ở tuổi 122 vào tháng 8/1997 và sinh vào tháng 2/1875. Trong khi người phụ nữ già nhất thế giới còn sống đến ngày nay là bà Kane Tanaka đến từ Nhật Bản, năm nay tròn 117 tuổi.
Bà Kane Tanaka là người phụ nữ già nhất thế giới còn sống đến ngày nay
Theo dân trí
Phi hành gia Sergei Krikalev: Công dân Liên Xô cuối cùng trên vũ trụ
Ngày 25/12/1991, Liên bang Xô Viết sụp đổ, dẫn đến hệ quả là ngành công nghiệp vũ trụ Nga không còn tiền để đưa Sergei Krikalev trở về Trái đất.
Phải đến ngày 25/3/1992, sau 311 ngày ở Trạm MIR, Krikalev mới đặt chân xuống nước Nga và vì thế, ông được gọi là "công dân Liên Xô cuối cùng trong vũ trụ".
Bữa ăn đầu tiên của Krikalev khi trở về Trái đất.
Mọi chuyện đã xảy ra như thế nào?
Ngày 19/5/1991, tàu Soyuz TM12 rời bệ phóng ở sân bay vũ trụ Baikonur, Liên bang Xô Viết, mang theo 3 phi hành gia gồm Sergei Krikalev, Anatoly Atsebarsky (cả hai là người Nga) và Helen Sharman, người Anh. Sau 1 tuần ở Trạm vũ trụ Hòa Bình (MIR), Sharman trở lại Trái đất.
Đến tháng 10/1991, tàu Soyuz TM13 tiếp tục được phóng lên với 3 phi hành gia Toktar Aubarikov, Franz Viehbok và Alexander Volkov. Khi Soyuz TM13 quay về, chỉ còn một mình Sergei Krikalev ở lại. Ngày 25/12/1991, Liên bang Xô Viết sụp đổ và phải đến ngày 25/3/1992, sau 311 ngày ở Trạm MIR, Krikalev mới đặt chân xuống nước Nga.
Được chọn để trở thành phi hành gia năm 1985, sau 12 tháng đào tạo, Sergei Krikalev cùng Alexander Volkov, người Nga và Jean Loup Chretien, người Pháp, bay lên Trạm MIR ngày 26/11/1988 bằng tàu Soyuz TM7. Đến ngày 27/4/1989, họ quay lại Trái đất. Tháng 4/1990, Krikalev là phi hành gia dự bị cho tàu Soyuz TM9.
Tháng 12/1990, Krikalev được chọn tham gia chuyến bay lên Trạm MIR với tàu Soyuz TM12, khởi hành ngày 19/5/1991. Krikalev không ngờ mình sẽ phải ở lại Trạm MIR 311 ngày trong khi bình thường, các phi hành gia chỉ được huấn luyện để sống trong điều kiện không trọng lực tối đa 180 ngày nhằm tránh bị teo cơ, suy giảm hệ miễn dịch, đột biến tế bào gây nên bệnh ung thư, nhiễm phóng xạ...
Đến tháng 10/1991, tàu Soyuz TM13 tiếp tục được phóng lên. Sau khi kết nối với Trạm MIR rồi tiến hành những nghiên cứu khoa học, 3 phi hành gia Toktar Aubarikov, Franz Viehbok và Alexander Volkov trở về, chỉ còn một mình Krikalev. Theo dự kiến, giữa tháng 11/1991, Soyuz TM14 sẽ xuất phát, đón Krikalev quay lại nước Nga.
Thay thế ông là 3 phi hành gia khác. Thế nhưng, vào thời điểm này, Liên bang Xô Viết bắt đầu xuất hiện những bất ổn chính trị và sau đó, 11 trong 12 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cùng ký Nghị định thư Alma Ata, tuyên bố độc lập. Lá cờ Liên bang Xô Viết được kéo xuống rồi thay bằng cờ Nga.
Trước những sự kiện ấy, cũng như phần lớn các cơ quan khác, hoạt động của Cơ quan Hàng không vũ trụ Liên bang Xô Viết hầu như tê liệt. Do không còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên việc phóng tàu Soyuz TM14 phải dừng lại bởi lẽ sân bay vũ trụ Baikonur lúc này đã thuộc về nước Cộng hòa Kazhakhstan, muốn phóng thì phải trả tiền. "Đối với tôi, điều này xảy ra hết sức bất ngờ", Krikalev nhớ lại. "Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra và cố gắng hiểu điều đó sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp vũ trụ như thế nào".
Những ngày đầu của Sergei Krikalev trên trạm MIR
Trò chơi chờ đợi
Một tháng sau ngày Liên Xô sụp đổ, Krikalev yêu cầu Cơ quan Hàng không vũ trụ Liên bang Nga đưa ông trở về nhưng nơi đây trả lời rằng không có tiền! "Một tháng nữa lại trôi qua nhưng câu trả lời vẫn như thế. Họ biết rằng việc ở lại MIR quá lâu sẽ không tốt cho sức khỏe của tôi nhưng giờ đây đất nước đang gặp khó khăn, tiết kiệm tiền bạc là ưu tiên hàng đầu" - Tạp chí Discover trích dẫn lời Krikalev.
Trên thực tế, Krikalev có thể rời Trạm vũ trụ MIR. Có một khoang tự động Raduga trên trạm Mir, được thiết kế đặc biệt để quay trở về Trái đất. Nhưng sử dụng nó đồng nghĩa kết thúc sự tồn tại của Mir vì không còn ai để chăm sóc nó nữa.
"Tôi tự hỏi liệu mình có đủ sức mạnh sống sót để hoàn thành chương trình hay không? Tôi không chắc chắn!", Krikalev cho biết. Ngoài ra, nhiều tờ báo ở Nga cũng lên tiếng về trường hợp của Krikalev, trong đó có tờ Komsomolskaya Pravada: "Một người con của chúng ta đã được đưa lên các vì sao với mục đích phục vụ khoa học và chưa trở về...".
Liên bang Nga vào thời điểm đó gặp vấn đề lớn về tài chính do siêu lạm phát. Để có tiền thanh toán cho Kazakhstan trong việc bảo trì cơ sở vật chất tại sân bay vũ trụ Baikonur, cũng như để có thể đưa Krikalev trở về, Cơ quan Hàng không vũ trụ Liên bang Nga đã "bán chỗ ngồi" trên các chuyến bay lên MIR cho một số nước, trong đó nước Áo trả 7 triệu USD.
Riêng Đài Truyền hình Nhật Bản trả 12 triệu USD để một phóng viên của họ được lên Trạm MIR. Bên cạnh đó, Cơ quan Hàng không vũ trụ Liên bang Nga còn tiến hành đàm phán với Kazakhstan, đưa một phi hành gia đầu tiên của Kazakhstan bay vào không gian.
Đổi lại, Nga sẽ được phép phóng tàu vũ trụ từ sân bay Baikonur miễn phí, nhưng kế hoạch đã không thành công. Thậm chí có lúc phía Nga đã đề nghị bán Trạm MIR cho Mỹ nhưng Cơ quan Hàng không Không gian Mỹ NASA do đang có kế hoạch xây dựng Trạm không gian quốc tế ISS nên họ không mấy quan tâm.
Krikalev trên trạm MIR, hai chân ông đã có dấu hiệu teo cơ
Trở về
Điều may mắn nhất của Krikalev là thông qua những chuyến bay của tàu con thoi Discovery, Mỹ, Cơ quan Hàng không vũ trụ Liên bang Nga đã gửi cho ông đồ tiếp liệu cần thiết để ông duy trì cuộc sống và hoạt động của Trạm MIR. Sergei Krikalev cuối cùng đã trở về Trái đất vào ngày 25/3/1992 sau khi Đức trả 24 triệu USD để mua vé cho người thay thế ông, Klaus-Dietrich Flade.
Lúc được đưa ra khỏi tàu Soyuz, Krikalev trông giống như "một tảng bột ướt nhão" với 4 chữ CCCP và lá cờ đỏ Liên Xô trên cánh tay áo của bộ đồ phi hành. Ông được nhiều người dìu vì bị chóng mặt, sau khi kiểm tra sức khỏe tổng quát, ông lên máy bay, bay đến Moscow. Trên máy bay, một bác sĩ dọn cho Krikalev bữa ăn gồm 1 ly súp, bánh mì, thịt nguội, trái cây và nước ngọt.
Trong suốt 311 ngày ở trên Trạm MIR rồi khi đáp xuống vùng ngoại ô Arkalykh, Krikalev mới biết Arkalykh không còn thuộc về Liên bang Xô Viết mà thay vào đó, nó nằm trong lãnh thổ nước Cộng hòa Kazakhstan.
Khi ở trên vũ trụ ông đã cùng Trạm MIR bay 5.000 lần vòng quanh Trái đất nhưng giờ đây, lãnh thổ Liên bang Xô Viết giảm hơn 5 triệu km2... Khoản tiền lương 600 ruble mỗi tháng, ở thời điểm ông bắt đầu nhiệm vụ không gian của mình được coi là một khoản lương tốt đối với một nhà khoa học đã bị mất giá. Thời điểm ông trở về, một tài xế xe buýt cũng kiếm được gấp đôi số tiền đó.
Trong một cuộc họp báo vài ngày sau khi trở về Trái đất, Krikalev nói: "Tôi đã sống trên lãnh thổ nước Nga khi các nước cộng hòa khác còn nằm trong Liên bang Xô Viết. Giờ đây, tôi phải trở về Nga, một phần trong Cộng đồng các quốc gia Độc lập". Krikalev được tôn vinh là Anh hùng của nước Nga.
Sergei Krikalev trong sứ mệnh trên tàu con thoi Discovery của Mỹ
Tháng 10/1992, Cơ quan Hàng không, không gian Mỹ NASA thông báo tuyển chọn các phi hành gia có kinh nghiệm để thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ trên tàu con thoi và Krikalev được Cơ quan Vũ trụ Nga đề cử.
Ngày 3/2/1994, ông cùng một phi hành gia Mỹ bay 130 vòng quanh Trái đất. Những năm sau đó, ông làm việc tại Trung tâm Không gian Houston, bang Texas, Mỹ, với nhiệm vụ hỗ trợ mặt đất cho các chuyến bay của tàu con thoi, hợp tác giữa Nga và Mỹ.
Ngày 18/3/2000, Krikalev lại cùng 2 phi hành gia Mỹ cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan trong một sứ mệnh được gọi là Expedition 1. Đến ngày 14/4/2005, Krikalev lên Trạm ISS lần thứ 3. Ông làm việc ở trạm suốt 6 tháng rồi trở về Trái đất ngày 10/10/2005. Ngày 15/2/2007, Krikalev được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Tập đoàn Tên lửa và Không gian Energia, đồng thời là quản trị Trung tâm Đào tạo phi hành gia mang tên Yuri Gagarin.
Thanh Tùng
Theo giaoducthoidai.vn
Cụ bà cao tuổi nhất thế giới tự phá kỷ lục của mình Cụ bà Kane Tanaka tiếp tục nối dài kỷ lục về tuổi tác của mình, sau khi tiệc sinh nhật 117 cho cụ vừa được tổ chức tại một viện dưỡng lão ở Fukuoka, miền nam Nhật Bản. Cụ Kane Tanaka đón sinh nhật thứ 117 của mình tại một viện dưỡng lão ở Fukuoka (Ảnh: Getty) Theo thông tin từ truyền hình...