Cứ 10 người tử vong ở Việt Nam thì có 8 mắc bệnh không lây nhiễm
Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư.
Ước tính có đến 8/10 ca tử vong ở Việt Nam là do bệnh không lây nhiễm, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại hội thảo về Chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại châu Á, sáng 19/11.
Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp. Gần 60% số này chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị. Hơn 3 triệu người bị tiểu đường thì gần 70% chưa phát hiện bệnh.
Theo Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu 2017, bệnh không lây nhiễm khiến 15 triệu người tử vong tại các quốc gia đang phát triển, tăng gần 3,8 triệu so với năm 2000. Các nước đang đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép giữa bệnh truyền nhiễm như AIDS, lao, sốt rét; với bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tâm thần và tiểu đường.
Bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống như thừa cân, béo phì… đang tăng ở nhóm người trẻ. Nghiên cứu cho thấy ăn ít rau và trái cây có liên quan đến 19% trường hợp ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ và 11% đột quỵ. Chế độ ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác…
Bác sĩ siêu âm kiểm tra tim mạch bệnh nhân. Ảnh: Lê Phương.
Video đang HOT
Điều tra của Bộ Y tế năm 2015, hơn 50% người trưởng thành ăn thiếu rau hoặc trái cây. Người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tỷ lệ thừa cân béo phì tăng nhanh. “Dinh dưỡng hợp lý và thực phẩm lành mạnh là ưu tiên hàng đầu trong dự phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe người dân”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Sơn cho biết Việt Nam tập trung theo hướng kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khám phát hiện sớm, theo dõi liên tục, suốt đời bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm.
Lê Nga
Theo VNE
Báo động 80 người Việt tử vong mỗi ngày vì căn bệnh tiểu đường
Trong năm 2017, Việt Nam ghi nhận 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày. Căn bệnh này là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư.
Sáng 11/11 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày hội phòng, chống Đái tháo đường Thế giới (14/11 hàng năm) với chủ đề "Gia đình cùng hành động sớm phòng chống bệnh Đái tháo đường", đã được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tình trạng mắc các bệnh không lây nhiễm, đái tháo đường đang gia tăng rất nhanh.
Như với bệnh tăng huyết áp hiện cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh đái tháo đường chiếm tỉ lệ tử vong đứng thứ 3. Trong nhóm tuổi từ 18 - 69, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp cũng chiếm 18,9%.
Đáng nói, hiện còn đến 70% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán sớm, là căn nguyên gây ra các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường như cắt cụt chi, biến chứng tim mạch, thận, mắt...
Bộ trưởng Y tế cũng khuyến khích người dân tầm soát bệnh và chủ động phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm bằng chế độ vận động, sinh hoạt, ăn uống khoa học.
Bởi có đến 80% số bệnh nhân tim mạch giai đoạn đầu, tiểu đường tuýp 2, 40% ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa qua tập thể dục, không lạm dụng đồ uống có cồn, thuốc lá.
"Với chủ đề "Gia đình cùng hành động sớm phòng, chống bệnh đái tháo đường" tôi mong sẽ nhận được sự vào cuộc của gia đình, người thân, cộng đồng xã hội cùng góp sức đẩy lùi gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam", Bà Kim Tiến nói.
Theo các bác sĩ, bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa... khiến bệnh nhân đái tháo đường tăng nhanh.
Đặc biệt bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi; thanh niên 20 - dưới 30 tuổi.
GS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, trong dịp này các bác sĩ sẽ của 8 bệnh viện lớn tham gia khám, tầm soát tư vấn bệnh đái tháo đường cho 1.000 người dân sống tại hai thành phố.
Qua đó các bác sĩ sẽ cung cấp kiến thức nâng cao nhận thức về tác động của bệnh Đái tháo đường đối với gia đình và thông tin về mạng lưới hỗ trợ của những người bị ảnh hưởng; Thúc đẩy vai trò của gia đình trong việc quản lý, chăm sóc, phòng ngừa và giáo dục Đái tháo đường.
"Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát sớm bệnh, giảm thiểu nguy cơ biến chứng, từ đó hạ tỉ lệ tử vong cũng như giảm chi phí điều trị đối với người bệnh", GS Thuấn chia sẻ.
Theo đó các bác sĩ khuyến cáo người dân nên duy trì khám sức khỏe 6 tháng/lần để có thể phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ.
Bên cạnh đó cần điều chỉnh chế độ ăn, vận động thể lực mỗi ngày để ngăn ngừa béo phì, tiểu đường, các bệnh lý huyết áp, tim mạch.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Nâng cao nhận thức trong cộng đồng phòng, chống bệnh ung thư Ngày 28-10, tại Hà Nội, Bệnh viện K đã tổ chức Lễ phát động nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống bệnh ung thư. Đây là một trong những hoạt động nằm trong Dự án 1 - Phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến (hoạt động phòng, chống bệnh ung thư)...