Cứ 10 học sinh thì 3 em bị bắt nạt trực tuyến
Ngày 2/1, tại hội thảo khoa học “Chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học” do trường Đại học (ĐH) Giáo dục tổ chức, PGS. TS Trần Thành Nam thông tin: Có 30,6% học sinh (HS) bị bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất một hành vi ở mức 2 lần trở lên.
Kết quả nghiên cứu thực trạng bắt nạt trực tuyến ở học sinh THCS và THPT được trường ĐH Giáo dục thực hiện tại 3 tỉnh (Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa) với 864 HS cho thấy, có 30,6% HS bị bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất 1 hành vi ở mức 2 lần trở lên; 26,7% HS có hành vi bắt nạt người khác trực tuyến bởi ít nhất một hành vi ở mức hai lần trở lên.
GS Bahr Weiss cho rằng, nhà trường ngăn chặn hành vi bắt nạt trực tuyến hiệu quả nhất.
Các hành vi HS bị bắt nạt trực tuyến là: Gửi các bình luận đe dọa, gây tổn thương thông qua email hoặc tin nhắn; gửi những tin nhắn đe dọa, gây tổn thương; gây hiểu lầm bằng cách giả vờ là người giới tính khác; chế nhạo các bình luận trong nhóm, diễn đàn; chế nhạo người khác trong các nhóm diễn đàn…
“Một số HS càng đi bắt nạt trực tuyến thì có xu hướng càng bị bắt nạt và ngược lại. Học sinh THPT có mức độ đi và bị bắt nạt trực tuyến nhiều hơn HS THCS. HS càng dành nhiều thời gian để sử dụng internet thì càng đi/bị bắt nạt trực tuyến càng nhiều. HS bị bắt nạt nhiều nhất là trên mạng xã hội (Facebook, Twitter), tiếp đến là các ứng dụng nhắn tin (Zalo, Viber); các trang chia sẻ hình ảnh, video clip (Youtube, Instagram,…) và qua thư điện tử (gmail)” – PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những nguyên nhân HS đi bắt nạt trực tuyến. Chẳng hạn như, bắt nạt trực tuyến trên mạng sẽ nhiều người biết hơn để gây áp lực với bạn đó. HS muốn người khác chú ý đến mình; làm như vậy để trả thù lại vì bạn ấy đã làm như thế với mình. Đáng chú ý, môt nguyên nhân HS bắt nạt trực tuyến người khác nhiều nhất, được nêu ra đó là “chỉ là trêu đùa cho vui”.
Nghiên cứu cũng cho thấy, cứ 10 HS thì có khoảng 3 – 4 em tham gia vào bắt nạt trực tuyến với các vai trò khác nhau như thủ phạm, nạn nhân, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. HS nam đi bắt nạt nhiều hơn nữ, nữ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân nhiều hơn nam. HS càng dành nhiều thời gian sử dụng internet, càng đi/bị bắt nạt trực tuyến càng nhiều.
Điều đáng lưu ý là học sinh bị bắt nạt trực tuyến có nhiều cách ứng phó nhưng rất ít em kể lại với bố mẹ, thầy cô giáo để tìm cách ngăn chặn.
Đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng HS bị bắt nạt trực tuyến được đưa ra. Tuy nhiên, theo GS.TS Bahr Weiss đến từ Mỹ, việc can thiệp hiệu quả và quan trọng nhất là trong nhà trường. Bởi bắt nạt trực tuyến có thể xảy ra trong nhà trường nhiều hơn vì HS sử dụng máy tính và mạng internet. Nhà trường cũng là môi trường giáo dục, tập hợp được HS và có nguồn lực lớn hơn để can thiệp việc bắt nạt trực tuyến.
Video đang HOT
“Có nhiều cách để can thiệp bắt nạt trực tuyến, như dạy cho cá nhân cách ứng phó, phòng ngừa. Giáo viên chủ nhiệm có thể làm việc với cả lớp để có cách thay đổi ứng xử hành vi. Cũng có thể thay đổi không khí toàn trường bằng cách không chấp nhận việc HS bị bắt nạt” – GS Bahr Weiss nhấn mạnh.
Theo kinhtedothi
Trẻ bị quấy rối tình dục ở trường dễ rơi vào hệ quả tiêu cực
Quấy rối tình dục đã âm thầm diễn ra trong các trường học nhưng vấn đề mới được chú ý xứng đáng sau một loạt sự cố gần đây. Theo TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, thành viên của Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE), trẻ bị quấy rối tình dục có thể rơi vào một loạt hệ quả tiêu cực như: sợ hãi, lo âu, stress...Thậm chí, nhiều trường hợp còn rối loạn stress sau sang chấn.
Làm gì để loại trừ từ gốc?
Theo TS Trần Thành Nam, quấy rối tình dục (QRTD) đã âm thầm diễn ra trong các trường học nhưng mới chỉ bắt đầu nhận được sự chú ý xứng đáng. Một số sự cố xảy ra gần đây làm các nhà giáo dục và cộng đồng thấy rõ rằng phải làm điều gì để loại trừ nó từ gốc.
Nghiên cứu cho thấy, những hành vi QRTD ở trường, nếu bị bỏ qua sẽ dẫn đến những hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng, thậm chí là bạo lực, tấn công tình dục trong tương lai.
"Một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, có đến 80% học sinh đến độ tuổi THPT đã từng trải qua ít nhất một hình thức QRTD trong thời gian học ở trường. Vấn đề phổ biến đến mức nhiều học sinh bình thường hóa nó, thậm chí coi nó là văn hóa của tuổi teen", TS Nam cho hay.
Cũng theo chuyên gia tâm lý này, độ tuổi bị QRTD phổ biến nhất từ 15-24 tuổi, khi cơ thể của cá nhân phát triển mạnh sau giai đoạn dậy thì.
Quấy rối tình dục bằng lời nói
Người quấy rối có thể là một người hoặc nhóm người cùng giới hoặc khác giới, có thể là một người bạn quen biết hoặc một nhân viên trong trường nhưng phổ biến nhất là nhóm nam quấy rối tình dục một học sinh nữ.
Hình thức bị quấy rối phổ biến nhất thường là chú ý quá mức, nhìn chằm chằm, bình luận các bộ phận nhạy cảm hoặc giả vờ vô tình động chạm. Lý do mà những thủ phạm QRTD thường đưa ra là "để vui vẻ với nhau, chống lại sự nhàm chán của trường học"; "để tái khẳng định sức mạnh của đàn ông so với phụ nữ", và để "bảo vệ những người yêu tiềm năng của các bạn mình".
QRTD thường xảy ra ở trên sân trường ngoài giờ học, ở khu vực tập thể dục hoặc khu vực hồ bơi, ở bãi gửi xe và ở những khu vực khuất vắng người qua lại.
Trẻ có thể rơi vào hệ quả tiêu cực
Chia sẻ với PV Dân trí, TS Nam cho hay, QRTD học đường có thể ảnh hưởng để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh về môi trường an toàn. Nạn nhân trở nên quá nhạy cảm với các tình huống nguy cơ dẫn đến hạn chế năng lực của mình khi tham gia giao thông vào ban đêm, khi sử dụng phương tiện cộng cộng, khi ở trong khu nhà để xe...
Thậm chí, trẻ sẽ bị rơi vào một loạt hệ quả tiêu cực như sợ hãi, lo âu, stress, cảm giác xấu hổ, tội lỗi, cảm thấy bản thân thấp kém, giảm giá trị, mất lòng tin vào người khác, rối loạn chức năng tình dục... Thậm chí, nhiều trường hợp còn đáp ứng các tiêu chuẩn của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
Mặc dù QRTD là vấn đề phổ biến và có nguy cơ gây ra những hệ lụy nghiệm trọng nhưng theo chuyên gia tâm lý này, cộng đồng, thậm chí các em học sinh lại bình thường hóa và cho rằng, đó là chọc ghẹo hoặc tán tỉnh.
Một khảo sát nhỏ của chuyên gia này cùng các cộng sự trên 400 em học sinh THPT tại Hà Nội và Nam Định về việc nhận diện hành vi QRTD; Kết quả cho thấy, có đến 98% học sinh xác định hành vi nhóm khảo sát đưa ra là chọc ghẹo hoặc tán tỉnh.
Cần giúp các em phân biệt giữa trêu chọc thân thiện và bắt nạt tình dục, giữa tán tỉnh và quấy rối tình dục. (Ảnh minh họa)
Ở một số tình huống khác như: "Một đứa bạn gửi hình ảnh không mặc quần áo của nó cho tôi qua điện thoại làm tôi ngượng chín người khi vô tình mở ra", có 18% vẫn cho rằng, đó là chọc ghẹo hoặc tán tỉnh.
"Cũng trong nghiên cứu của chúng tôi, khi học sinh được hỏi trong trường em có những quy định về QRTD học đường và chế tài xử lý không, có đến 88% học sinh báo cáo không có hoặc chưa từng nghe đến", TS Nam cho biết.
Đặc biệt, cũng theo chuyên gia tâm lý này, học sinh ở các trường học hiện đang có nhu cầu cung cấp thông tin về QRTD học đường.
Nghiên cứu của TS tâm lý này cùng nhóm cộng sự cho thấy, có khoảng 88% học sinh cho rằng, cần phổ biến rộng rãi các quy tắc ứng xử và chính sách phòng chống QRTD học đường tới toàn thể học sinh trong trường.
Các em kỳ vọng bộ quy tắc liên quan đến QRTD học đường gồm có các phần: Định nghĩa về QRTD học đường; Các quy định về những hành vi có thể bị coi là QRTD học đường; Các hướng dẫn cho những nạn nhân của hành vi QRTD học đường; Tên, số điện thoại của cán bộ chịu trách nhiệm xử lý các khiếu nại về QRTD trong/ngoài trường học...
"Cần giúp các em phân biệt giữa trêu chọc thân thiện và bắt nạt tình dục, giữa tán tỉnh và QRTD. Chỉ ra cho các em biết cách ứng phó kiểu phớt lờ coi như không có chuyện gì xảy ra, chối bỏ xem nó là đùa vui hoặc tán tỉnh, né tránh không tiếp xúc chỉ làm cho tình huống tệ hơn.
Khi có quấy rối xảy ra, các em cần đương đầu, khẳng định hành vi đó không thể chấp nhận được. Nếu không dừng lại sẽ tố cáo với những người có trách nhiệm biết về hành vi quấy rối", TS Nam khẳng định.
Hạnh Nguyên (ghi).
Theo Dân trí
Tranh cãi quyết liệt giao quyền cho trường THPT tự công nhận tốt nghiệp Xung quanh những bất cập và hệ lụy của kỳ thi THPT quốc gia thời gian qua, tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)" do Trường ĐH Luật TP.HCM vừa tổ chức, vấn đề có nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay hay giao quyền về cho các trường...