CT-GDPT mới: Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp
Điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là dạy học tích hợp để phát huy năng lực của học sinh. Đây là sự thay đổi căn bản về chương trình đào tạo so với cách dạy truyền thống trước đây và điều này tất yếu đòi hỏi giảng viên sư phạm phải đổi mới, lựa chọn phương pháp sư phạm phù hợp, cách thức tổ chức dạy học để nhằm đạt được mục tiêu.
HS Trường THCS Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Trịnh Huyền
Giúp giáo viên sẵn sàng thực hiện những nội dung tích hợp
Theo Ban soạn thảo, Chương trình GDPT mới sẽ thực hiện dạy học tích hợp theo 3 định hướng: Tích hợp nội môn (tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau trong cùng một môn học), tích hợp liên môn (tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau, ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp) và tích hợp xuyên môn (tích hợp một số chủ đề quan trọng vào nội dung chương trình nhiều môn học).
Trước đòi hỏi cấp bách của Chương trình GDPT mới, các trường sư phạm đã và đang tích cực tham gia tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên phổ thông.
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Trưởng khoa Quản lý Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Trước yêu cầu của việc thực hiện chương trình mới, dạy học theo hướng tích hợp đã được các giảng viên sư phạm nghiên cứu lý luận, thực tiễn, trong nước, ngoài nước. Những vấn đề về xây dựng chủ đề dạy học tích hợp, cách thức giảng dạy và đánh giá đã được biên soạn thành nhiều tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy trong trường sư phạm cũng như bồi dưỡng giáo viên, giúp giáo sinh và các giáo viên hiểu đúng, thực hiện đúng tinh thần của dạy học tích hợp, nhằm hình thành năng lực thực hiện ở người học.
Các trường sư phạm đã và đang đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tạo ra những module có tính kết nối các lĩnh vực khoa học với nhau, các khoa cũng ngồi lại với nhau cùng xây dựng chương trình. Điều này sẽ giúp cho các giáo viên tương lai sẵn sàng thực hiện những nội dung tích hợp trong chương trình mới.
Thầy và trò hào hứng với mô hình giáo dục STEM. Ảnh: Giáo dục thời đại
Có thể bồi dưỡng GV tại các địa phương
Thực tế, dạy học phân hóa, dạy học cá biệt, dạy học tích hợp là những năng lực còn yếu kém ở đại bộ phận GV hiện nay. Từ trước tới nay giáo viên đã được đào tạo về dạy học phân hóa, dạy học cá biệt và thậm chí hiểu về dạy học tích hợp. Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan điều này chưa được nhận diện rõ ràng và chú trọng thực hiện trên thực tiễn.
Khẳng định việc dạy học tích hợp không đơn giản, vì từ lâu các trường sư phạm chỉ quen đào tạo giáo viên dạy các môn học riêng rẽ, tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền cho rằng: “Khi được đánh giá là “còn yếu kém” thì chắc chắn đó là nội dung cần được chú trọng bồi dưỡng. Việc bồi dưỡng ở đây trước hết là nâng cao nhận thức cho giáo viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của dạy học phân hóa, dạy học cá biệt, dạy học tích hợp. Sau đó năng lực thực hiện của giáo viên cũng cần được đánh giá và củng cố”.
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, việc đào tạo giáo viên trong các nhà trường sư phạm dù là đối tượng sinh viên ở vùng miền nào cũng đều được thực hiện theo chương trình cập nhật, bám sát yêu cầu của Chương trình phổ thông mới và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
Video đang HOT
Với vùng sâu, vùng xa, Nhà nước luôn có những chính sách hỗ trợ về học bổng để sinh viên đến từ các khu vực còn khó khăn như vùng sâu vùng xa có điều kiện học tập thuận lợi, không bị tụt hậu so với sinh viên các vùng miền khác trên cả nước.
Ngoài ra, các khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng có thể được mở tại các địa phương để các giáo viên ở đây có điều kiện tham gia khoá học, cập nhật với những yêu cầu của Chương trình mới.
Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với giáo dục nói chung và đào tạo, bồi dưỡng GV nói riêng, việc phát huy vai trò của công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học là rất quan trọng.
Đối với vấn đề hỗ trợ hoạt động tự học, tự nghiên cứu, các hệ thống học tập trực tuyến e-Learning và những trang mạng hỗ trợ học tập khác sẽ giúp giảm bớt chi phí, thời gian, công sức của chúng ta trong khâu tổ chức lớp, đồng thời giúp người học học tập chủ động mọi lúc, mọi nơi.
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, việc đào tạo giáo viên trong các nhà trường sư phạm dù là đối tượng sinh viên ở vùng miền nào cũng đều được thực hiện theo chương trình cập nhật, bám sát yêu cầu của Chương trình phổ thông mới và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
Nhiều trang mạng và ứng dụng công nghệ hỗ trợ người dạy lưu trữ học liệu cũng như chia sẻ, hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp đánh giá kết quả học tập, giúp hoạt động dạy học đạt hiệu quả cao hơn.
Chương trình giáo dục mới có nhiều tiếp cận tiên tiến và học hỏi của nhiều nước có nền giáo dục phát triển. Chính vì thế, những kinh nghiệm thành công của các quốc gia khác sẽ cho chúng ta bức tranh rõ ràng hơn về cách thức thực hiện đổi mới chương trình.
Trong đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, nhiều năm qua các dự án giáo dục của nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam, các chuyên gia giáo dục của nước ngoài đã đến Việt Nam và giúp giáo viên Việt Nam hiểu và thực hiện được đổi mới dạy học.
Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu giáo dục, bồi dưỡng giáo viên nhất là trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là rất cần thiết.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Môn Lịch sử và Địa lý mới: Yêu cầu cao về dạy học tích hợp
Môn Lịch sử và Địa lý cấp tiểu học và THCS trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra nhiều yêu cầu đối với giáo viên và học sinh đặc biệt là về việc dạy học tích hợp. Đây là môn học bắt buộc có sự thay đổi đáng kể trong cách dạy và học.
Học sinh Trường TH&THCS Cam Cọn, Lào Cai. Ảnh: Lê Đăng
Tích hợp nội môn
Theo PGS.TS Phạm Hồng Tung, Chủ biên Chương trình môn Lịch sử cho biết: Chương trình Lịch sử và Địa lý (tiểu học và THCS) giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù lịch sử và địa lý trên cơ sở nền tảng kiến thức cơ bản, có chọn lọc về lịch sử và địa lý thế giới, quốc gia và địa phương; về các quá trình tự nhiên, kinh tế - xã hội và văn hoá diễn ra trong không gian và thời gian; về sự tương tác giữa xã hội loài người và môi trường thiên nhiên.
Đồng thời, giúp học sinh biết cách sử dụng các công cụ của các khoa học lịch sử và địa lý để thu thập, tổ chức và phân tích, tổng hợp các dữ kiện, từ đó hình thành ở học sinh năng lực diễn giải lịch sử và giải thích địa lý dựa trên chứng cứ; phân tích các quan hệ nhân quả, quan hệ qua lại giữa các đối tượng trong bối cảnh địa lý - lịch sử cụ thể.
Phân tích về điểm khác của Chương trình môn Lịch sử và Địa lý (THCS) so với Chương trình môn Lịch sử và Chương trình môn Địa lý hiện hành, PGS Phạm Hồng Tung cho biết: Về cấu trúc: Nội dung giáo dục Lịch sử và Địa lý sẽ được thiết kế thành hai mạch nội dung tương đối độc lập: Lịch sử trình bày theo mạch thông sử với sự tích hợp nội môn: Lịch sử Việt Nam , Lịch sử khu vực và Lịch sử Thế giới; Địa lý sẽ thiết kế theo chiều không gian: Việt Nam - khu vực - thế giới.
Về nội dung giáo dục, chương trình đưa vào những nội dung mới dựa trên thành tựu cập nhật của sử học và địa lý, bao gồm cả những nội dung trước đây bị coi là "nhạy cảm", ví dụ như lịch sử các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc, vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa...
Về tích hợp tập trung vào 4 chủ đề: Phát kiến địa lý, đô thị, biển Đông, châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Mê Kông.
Về tiếp cận năng lực, thay vì đặt trọng số vào việc học thuộc và ghi nhớ kiến thức thì trọng số sẽ được đặt vào việc giúp HS phát triển những năng lực chung và năng lực môn học, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp của công dân Việt Nam toàn cầu.
Giải thoát khỏi tình trạng "dạy chay, học chay"
Ngay khi chương trình các môn học được công bố, nhiều giáo viên thừa nhận vẫn mơ hồ về môn tích hợp, cũng như phương pháp để dạy môn học mới này.
Cũng theo PGS.TS Phạm Hồng Tung: GV hoàn toàn yên tâm về học tích hợp lịch sử và địa lý. GV nên đọc kĩ, tìm hiểu kĩ Chương trình GDPT và Chương trình môn học; Tham gia các khóa tập huấn; Tự tin, tự bồi dưỡng.
Trước hết, GV phải sử dụng tốt các thiết bị dạy học truyền thống và hiện đại. Tôi thấy phấn và bảng vẫn rất quan trọng, GV vẫn tiếp tục sử dụng tốt, vì ở tiểu học, cách thầy cô viết bảng cũng có tác dụng GD rất mạnh tới HS.
Các thiết bị hiện đại như máy chiếu, máy tính, thậm chí điện thoại thông minh và các thiết bị công nghệ cao khác cần phải được hướng dẫn cho HS và GV phát huy tác dụng tích cực. Chúng ta không được quay lưng lại với nó, vì nó đã là một bộ phận của cuộc sống. Đương nhiên, vì những thiết bị này đắt nên việc trang bị chúng chắc không đơn giản.
Phát huy dạy học theo dự án, lôi cuốn sự tham gia của HS và tổ chức đi bảo tàng, tham quan di tích lịch sử, văn hóa và các địa bàn, địa điểm địa lý đặc trưng. Việc này cần được tăng cường dù rất khó khăn ở cả thành phố và nông thôn. Nhưng chúng ta đều phải cố gắng để giải thoát môn Lịch sử và một số môn học khác khỏi tình trạng "dạy chay, học chay".
Khắc phục sự phân biệt "môn chính" với "môn phụ"
Thực tế những năm qua, môn Lịch sử là một môn học bắt buộc, độc lập nhưng học sinh vẫn thờ ơ, không thích học môn này. GV cần thay đổi PPDH để đáp ứng Chương trình Lịch sử mới.
Trước hết, thông qua việc tổ chức dạy và học Lịch sử phải làm cho HS hiểu thật rõ lịch sử là một môn khoa học, thậm chí là một môn khoa học lý thú, hữu ích cho cuộc sống hiện nay của các em chứ không phải là môn học thuộc hoặc chỉ để tuyên truyền, nhồi sọ.
Thứ hai, các thầy cô giúp cho HS hiểu rõ mối quan hệ giữa lịch sử với cuộc sống; đặc biệt là vai trò của lịch sử đối với những nghề "hot" thuộc các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, du lịch, quản lý - lãnh đạo...
Ví dụ như trước đây chúng ta dạy Sử nhưng rất ít nói cho HS biết học Sử để làm gì. Trong chương trình mới sẽ có những chủ đề và chuyên đề. Ví dụ: Lịch sử với phát triển công nghiệp văn hóa, lịch sử với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa...
Những chuyên đề này phù hợp với việc phát triển các ngành hot như du lịch, điện ảnh, thậm chí game online... Đây là những ngành - nghề mang lại thu nhập cao, rất hấp dẫn giới trẻ, hữu ích cho xã hội.
Theo nguyên tắc "mở", GV hoàn toàn có quyền chủ động trong cách chọn trọng tâm nội dung của từng chuyên đề, chủ đề - đương nhiên phải căn cứ trên "yêu cầu cần đạt" của chương trình; GV và học sinh có quyền chủ động trong lựa chọn học liệu; Phát huy được tối đa trí sáng tạo và thế mạnh của GV và học sinh. Giải thoát được tình trạng HS phải học đi học lại những vấn đề giống nhau theo kiểu nhồi nhét, học thuộc".
PGS.TS Phạm Hồng Tung chia sẻ.
Thứ ba, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập của thầy và trò cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó yêu cầu đặt ra là dạy và học Lịch sử phải trở thành một hoạt động sáng tạo chứ không phải là thuần túy học thuộc rồi trả lại bài học thuộc (đó là "trò khỉ").
Để thoát khỏi tình trạng "trò khỉ" bắt buộc phải đổi mới thi cử và đánh giá, thay vì kiểm tra khả năng học thuộc ghi nhớ máy móc của học trò thì phải đặt trọng số vào việc đánh giá năng lực hiểu biết, phân tích và vận dụng tri thức lịch sử theo nguyên tắc đánh giá tích cực.
Thứ tư, trong tổ chức GD khắc phục nhanh sự phân biệt "môn chính" với "môn phụ". Chính sự phân biệt này đã và đang "giết chết" môn Lịch sử và một số môn khác.
Việc chuyển các môn thi chuyển cấp và tốt nghiệp, tuyển sinh thành các môn thi tổ hợp chỉ mới là một giải pháp để khắc phục tình trạng môn chính, môn phụ. Sẽ còn rất nhiều việc mà hệ thống GD cần phải làm để trả lại vị trí tương xứng cho môn Lịch sử và một số môn khác.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Để đội ngũ giáo viên thích ứng chương trình giáo dục phổ thông mới Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới có hiệu quả thì đội ngũ nhà giáo (ĐNNG) là nhân tố đóng vai trò quyết định. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào...