CSGT Hà Nội: ‘Rất ít trường hợp không chấp hành phạt nguội’
Trong thời gian dài thí điểm xử phạt nguội, gửi giấy về tận nhà, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội ghi nhận có rất ít trường hợp cố tình không chấp hành.
Hình ảnh của phương tiện vi phạm sẽ được in ra cùng với thông tin phân tích lỗi, là căn cứ để gửi tới người vi phạm để xử phạt. Ảnh: Bá Đô
Đề cập những khó khăn khi xử phạt nguội xe vi phạm trong khi nhiều phương tiện chưa được sang tên đổi chủ, thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) cho biết, thời gian qua đơn vị đã xử lý thí điểm và thấy kết quả rất tốt. Phần lớn chủ phương tiện nhận được thông báo đã lên nộp phạt rất nghiêm túc.
“Những trường hợp cố tình không nộp phạt, hay chưa sang tên đổi chủ, mượn xe…,đơn vị kiến nghị với các trung tâm đăng kiểm xử phạt theo quy định của pháp luật, không kiểm định xe. Ngoài ra, danh sách xe vi phạm được cung cấp cho các đội, tổ tuần tra kiểm soát trên đường để theo dõi xử lý”, ông Tòng nói.
Về chế tài xử lý với trường hợp cố tình không chấp hành nộp phạt, đại diện Phòng cảnh sát giao thông cho biết đã kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh và bổ sung quy định xử phạt vào Nghị định 171 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Đồng tình với cách làm của Hà Nội, trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, khẳng định đây là chủ trương của Chính phủ, Bộ Công an về việc ứng dụng khoa học công nghệ để giảm tải sự có mặt của cảnh sát giao thông trên đường, hiện đại hóa việc xử phạt. “Việc này nước ngoài đã làm nhiều. Chúng ta đã có thời gian thí điểm đạt kết quả tốt, đến nay chỉ là áp dụng triệt để hơn”, ông Nhật nói.
Video đang HOT
Hình ảnh sẽ được gửi vào điện thoại của tổ công tác làm nhiệm vụ ngoài đường để xử lý. Ảnh: Bá Đô.
Trước đó năm 2011, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã thí điểm xử phạt vi phạm giao thông bằng hình ảnh (phạt nguội) với ôtô đỗ sai phép mà không có mặt người điều khiển. Việc này được nhiều người dân đồng tình, tạo sự răn đe, tuy nhiên sau đó không được áp dụng tiếp vì chủ phương tiện không lên nộp phạt, nhiều xe không chính chủ và lực lượng xử lý không đủ trang thiết bị, quân số.
Đến năm 2014, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội, đề nghị UBND thành phố, các cấp cho phép thí điểm phạt nguội với xe vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và được chấp thuận. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành lắp đặt 450 camera, trong đó 300 camera để theo dõi lưu lượng phương tiện, 100 camera xử phạt vi phạm qua hình ảnh và 50 chiếc giám sát giao thông.
Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền về việc sẽ xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh. Đầu năm nay, Phòng đã lập các tổ công tác để kiểm tra xử lý vi phạm qua hệ thống camera và hàng nghìn phương tiện vi phạm đã bị xử lý theo hình thức này.
Bá Đô
Theo VNE
Cảnh sát Hà Nội gửi giấy phạt nguội xe vi phạm về tận nhà
Bắt đầu từ tháng 12, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an Hà Nội) sẽ gửi giấy báo nộp phạt nguội vi phạm Luật giao thông tới các chủ xe.
Hình ảnh của phương tiện vi phạm sẽ được in ra cùng với thông tin phân tích lỗi, là căn cứ để gửi tới người vi phạm để xử phạt. Ảnh: Bá Đô
Theo quy trình, các cán bộ của Đội điều khiển đèn tín hiệu sẽ theo dõi qua màn hình ở trung tâm, quan sát và lưu lại hình ảnh phương tiện vi phạm tại các tuyến phố, nút giao ở Hà Nội. Căn cứ trên hình ảnh này, cảnh sát sẽ chụp và gửi kèm theo giấy báo nộp phạt về nhà để chủ phương tiện đến nộp phạt.
Để tìm chính xác địa chỉ chủ phương tiện, tổ công tác thuộc trung tâm điều khiển đèn phải xác minh thông tin liên quan qua dữ liệu trên hệ thống đăng ký, ngoài ra phối hợp với các trung tâm đăng kiểm và địa phương để làm rõ.
Liên quan đến trường hợp chây ỳ, hoặc xe không sang tên đổi chủ, không phối hợp xử lý, trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội đèn tín hiệu giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, cho biết sẽ có biện pháp khác như: thông báo cho các đội tuần tra kiểm soát ở trên đường, khi thấy xe vi phạm sẽ chặn lại xử phạt. Ngoài ra, đội sẽ lập danh sách chủ xe vi phạm cố tình chây ỳ gửi lên Cục Cảnh sát phối hợp với các đơn vị đăng kiểm để xử lý.
Tại Trung tâm điều khiển, tổ công tác sẽ theo dõi và trích xuất dữ liệu của xe vi phạm, sau đó xác minh và gửi biên bản cùng các lỗi đã phân tích để mời chủ phương tiện lên làm việc. Ảnh: Bá Đô
Cũng theo trung tá Nam, việc sử dụng hình ảnh camera của cảnh sát để xử phạt nhằm góp phần nâng cao tính tự giác của người dân trong việc tham gia giao thông, ngoài ra hỗ trợ cảnh sát giảm bớt áp lực xử phạt cơ động trên đường, dành thời gian cho việc điều hành giao thông.
Hiện nay, tại Hà Nội đã lắp đặt gần 400 camera phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông. Trong năm 2015, Phòng cảnh sát đã thí điểm việc xử phạt bằng hình ảnh phối hợp với tổ công tác làm nhiệm vụ trên đường, xử lý trên 2.000 trường hợp vượt đèn đỏ, đi sai làn.
Trong năm 2015, hình ảnh từ hệ thống camera đã phát hiện 2 vụ lái xe gây tai nạn giao thông sau đó điều khiển phương tiện bỏ chạy, thông báo cho các đội địa bàn để truy bắt.
Bá Đô
Theo VNE
CSGT Hà Nội ra quân xử lý hàng loạt xe ba bánh Chở hàng cồng kềnh, giả danh thương binh... hàng loạt xe 3 bánh bị CSGT Hà Nội ra quân xử lý sáng nay. Sáng nay 23/10, Phòng CSGT Công an Hà Nội phối hợp với Đội CSGT số 7 thực hiện kế hoạch chuyên đề tháng 11/2015 xử lý xe ba bánh chở hàng quá khổ, và đặc biệt là xe giả danh...