Crimea trước ngưỡng cửa lịch sử
Người dân Crimea thuộc Ukraine tham gia cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi mà kết quả được dự đoán sẽ châm ngòi cho nhiều diễn biến khó lường.
Một phụ nữ cầm cờ Nga khi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea – Ảnh: Reuters
Các cử tri Crimea có 2 lựa chọn trong cuộc trưng cầu dân ý hôm qua: sáp nhập vào Nga hoặc vẫn thuộc Ukraine nhưng áp dụng hiến pháp địa phương năm 1992 để tăng quyền tự trị. Kết quả kiểm phiếu dự tính sẽ được công bố trong hôm nay 17.3. AFP dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Crimea Sergey Aksenov nhận định tại phòng phiếu: “Đây là thời khắc lịch sử, mọi người đều hài lòng”. Trong khi đó, Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksander Turchinov chỉ trích: “Cuộc trưng cầu được tổ chức dưới sự khống chế của lực lượng quân sự Nga nên kết quả không phản ảnh nguyện vọng thật sự của người dân Crimea. Kremlin cần điều này để chính thức đưa quân vào lãnh thổ của chúng tôi và mở màn cho chiến tranh”.
Quan hệ giữa Kiev và Moscow đang ngày càng căng thẳng và giới quan sát lo ngại cuộc trưng cầu ở Crimea có thể dẫn đến những diễn biến khó lường. Trả lời hãng tin Interfax, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Ihor Tenyukh hôm qua cho biết Nga tiếp tục đổ quân vào Crimea và số lượng binh sĩ Nga tại đây đã lên đến 22.000 người. Ngày 15.3, Kiev cáo buộc Nga “xâm lược quân sự” khi điều 80 binh sĩ, 4 trực thăng và 3 xe bọc thép đến làng Strilkove thuộc tỉnh Kherson ở sátCrimea. Tuy nhiên, vào tối qua, ông Tenyukh cho biết bộ quốc phòng hai nước đã đồng ý về một thỏa thuận “ngừng bắn” ở Crimea đến ngày 21.3. Theo đó, các căn cứ quân sự của Ukraine tại đây sẽ được yên ổn trong thời gian này. Hiện vẫn còn khoảng 10 căn cứ quân sự ở Crimea do binh sĩ Ukraine kiểm soát.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói cuộc trưng cầu dân ý tuân thủ luật pháp quốc tế và hứa sẽ tôn trọng quyết định của người Crimea, theo Điện Kremlin. Ông Putin cũng bày tỏ lo ngại về sự leo thang căng thẳng do những nhóm cực đoan ở vùng đông nam Ukraine gây ra. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý cử thêm quan sát viên thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu đến miền đông Ukraine. Theo Đài truyền hình RT, thủ lĩnh nhóm Khu vực cánh hữu Dmitry Yarosh đã đe dọa sẽ phá hủy các đường ống dẫn dầu của Nga trên lãnh thổ Ukraine và kêu gọi những người ủng hộ hãy sẵn sàng kháng cự “những kẻ chiếm đóng” người Nga.
Khó có bất ngờ
Trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, nhiều chuyên gia đã nhận định kết quả gần như chắc chắn là phần lớn cử tri sẽ ủng hộ việc sáp nhập vào Nga. Nguyên nhân đầu tiên là bán đảo này từng có một thời gian dài thuộc Nga và hiện khoảng 60% dân số Crimea là người gốc Nga. Theo báo Le Monde, trước đây, họ không phản đối việc Crimea là CH tự trị của Ukraine. Nhưng khi xảy ra những biến động chính trị làm Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ hồi tháng 2, cùng với sự trỗi dậy của các lực lượng cực hữu bài Nga, cộng đồng này cảm thấy bị đe dọa.
Bên cạnh đó, viễn cảnh chính quyền lâm thời Kiev sẽ đưa ra những biện pháp cắt giảm ngân sách hà khắc để cứu nền kinh tế đang sa lầy trong khủng hoảng cũng khiến người gốc Nga ở Crimea hướng về Moscow nhiều hơn. Cộng đồng người Ukraine và người Tatars ủng hộ Kiev chỉ chiếm gần 40% dân số Crimea, nên dù có kêu gọi tẩy chay trưng cầu cũng khó xoay chuyển được tình thế. Kế đến, giới quan sát nhận định Nga đang nắm hoàn toàn thế chủ động tại Crimea. Thậm chí, trả lời Đài truyền hình France Télévision, chuyên gia Hélène Blanc cho rằng cuộc trưng cầu chỉ là bước “hợp thức hóa” thực tế bán đảo này đã nhập vào Nga. Tất cả nỗ lực ngoại giao từ mềm mỏng đến cứng rắn của các nước phương Tây trong những tuần qua nhằm ngăn cản Crimea tổ chức trưng cầu đều thất bại trước thái độ không nhượng bộ của Moscow.
Điều khiến cộng đồng quốc tế quan tâm nhất là những gì sẽ diễn ra nếu kết quả từ phòng phiếu cho thấy cử tri ủng hộ Crimea nhập vào Nga. Theo lãnh đạo Aksenov, Simferopol sẽ làm các thủ tục trong vòng một tuần nhưng có thể phải mất đến một năm để Crimea chính thức trở thành lãnh thổ của Nga. Một cách “tình cờ”, ngày 21.3, Hạ viện Nga sẽ nghị luận về dự luật tạo thuận lợi để nước này tiếp nhận một lãnh thổ mới. Ngân hàng trung ương Nga cũng đã chuẩn bị cho việc Crimea chuyển sang dùng đồng rúp. Về kinh tế, bán đảo này chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn sau khi “chia tay” Kiev. Đến nay 85% nguồn nước và 82% nguồn điện của Crimea vẫn do Ukraine cung cấp.
Video đang HOT
Theo TNO
Crimea một ngày trước cuộc trưng cầu sáp nhập Nga
Những người ủng hộ chính quyền lâm thời và lực lượng thân Nga ở bán đảo Crimea tiếp tục thách thức nhau bằng những cuộc biểu tình, khi chỉ còn một ngày nữa cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga sẽ diễn ra.
Nhóm vũ trang ủng hộ Moscow canh gác ở cổng vào của tòa nhà nghị viện Crimea tại thủ phủ Simferopol hôm qua. Tòa nhà này đã bị các tay súng chiếm giữ từ cuối tháng hai. Bầu không khí ở đây đang nóng lên khi nghị viện Crimea sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc trở thành một phần lãnh thổ của Nga vào ngày mai.
Các nghị sĩ của nước cộng hòa tự trị trên bán đảo cùng tên đã bỏ phiếu tán thành mong muốn Crimea "sáp nhập vào Liên bang Nga với các quyền lợi của một chủ thể thuộc Liên bang Nga" hôm 6/3. Đến hôm 11/3, nghị viện địa phương tiếp tục phê chuẩn "một tuyên bố về sự độc lập của nước cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol" khỏi Ukraine.
Trong hình, các tình nguyện viên ủng hộ Nga tập trung ở quảng trường cạnh tòa nhà Hội đồng Bộ trưởng của Crimea, tại Simferopol, hôm qua.
Những xe tải quân sự thuộc phe thân Nga kéo pháo di chuyển về khu vực biên giới giữa Crimea và vùng Kherson của Ukraine, trên đường cao tốc gần thị trấn Dzhankoy. Lực lượng này đang giành quyền kiểm soát nhiều căn cứ quân sự của quân đội Ukraine trên bán đảo trong gần một tháng nay.
Một tay súng bịt mặt thân Nga kiểm tra giấy tờ của một tài xế ở chốt an ninh tại Chongar, vùng biên giới giữa Crimea và Kherson. Nhiều cuộc đụng độ gần đây xảy ra giữa nhóm vũ trang được gọi là "lực lượng tự vệ địa phương" và các binh sĩ Ukraine.
Những người ủng hộ Nga lái xe và phất cờ Nga trong trung tâm Simferopol của Crimea. Bán đảo này có hơn một nửa dân số là người Nga và tính riêng Simferopol, con số này là khoảng 70%.
Những người ủng hộ Nga phô trương lực lượng trước tòa thị chính ở quảng trường Lenin, Simferopol. Crimea dự kiến sẽ lấy đồng rouble của Nga làm đồng tiền chính thức khi gia nhập vào Liên bang Nga.
Trước viễn cảnh Crimea bị chia tách khỏi Ukraine ngày càng hiện rõ, cộng đồng ủng hộ chính quyền mới lên ở Kiev cũng tổ chức biểu tình để phản đối cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga. Trong hình, những người thuộc dân tộc Tatars cầm biểu ngữ có dòng chữ "Tôi yêu Ukraine" và "Crimea là một đất nước tươi đẹp!", tại một căn cứ quân sự của Ukraine ở thị trấn Bakhchisarai, cách Simferopol khoảng 40 km.
Người Tatars chiếm chỉ 12% ở Crimea. Họ phản đối Nga bởi tộc người này từng bị các lãnh đạo Xô viết ra lệnh trục xuất đến Trung Á hồi Thế chiến II. Trong hình, người biểu tình cầm biểu ngữ "Trưng cầu dân ý là bất hợp pháp".
Tòa án Hiến pháp Ukraine hôm qua ra tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý tại Cộng hòa tự trị Crimea về sáp nhập vào Nga là vi hiến. Theo luật pháp Ukraine, quyết định của Tòa án Hiến pháp là bắt buộc phải thực thi và không thể kháng lại.
Người biểu tình cầm tấm bảng có dòng chữ "Ukraine thống nhất" ở Simferopol. Hầu hết mọi giờ trong tuần qua, tất cả các kênh truyền hình của Ukraine đều phát sóng đoạn video kêu gọi bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cả bằng tiếng Ukraine lẫn tiếng Nga.
Những thanh niên người Tatars cũng tham gia cuộc biểu tình với biểu ngữ "các sinh viên phản đối cuộc trưng cầu dân ý". Pravy Sektor, phong trào cực hữu Ukraine, khẳng định họ sẵn sàng cầm súng để bảo vệ Crimea.
Một người đàn ông cầm bóng bay mang hai màu sắc của quốc kỳ Ukraine nói chuyện với các binh sĩ Ukraine tại một căn cứ quân sự ở thị trấn Bakhchisarai.
Moscow tuyên bố sẽ tôn trọng "sự lựa chọn tự do và dân chủ" của người dân Crimea trong cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Liên bang Nga.
Tuy nhiên, Mỹ và cộng đồng quốc tế cảnh báo sẽ không công nhận kết quả trưng cầu dân ý của Crimea và sẽ phản đối nếu Quốc hội Nga phê chuẩn. Washington đồng thời nhấn mạnh hành động này sẽ kéo theo một lệnh trừng phạt và nguy cơ căng thẳng Đông - Tây lớn nhất kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Hôm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ có cuộc họp khẩn cấp do Mỹ yêu cầu, để bỏ phiếu cho một nghị quyết được phương Tây hậu thuẫn. Nội dung của nghị quyết được cho là lên án cuộc trưng cần dân ý sắp diễn ra tại Crimea. Theo nhận định của các nhà ngoại giao phương Tây, Nga sẽ bỏ phiếu phủ quyết, còn ý định của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng.
Anh Ngọc
Theo VNE
Nổ lớn rung chuyển New York, 2 tòa nhà đổ sập Một vụ nổ lớn tại trung tâm thành phố New York, Mỹ vào trưa 12.3 (giờ địa phương) làm ít nhất 2 người thiệt mạng và 22 người bị thương. Khói bốc mù mịt một góc New York sau vụ nổ kinh hoàng - Ảnh: AFP Theo tờ The New York Times, vụ nổ xảy ra lúc 9 giờ 30 (giờ địa phương),...