Covid 24h: Việt Nam vượt mốc 10.000 ca nhiễm một ngày
Số ca nhiễm cộng đồng trong nước ngày 19/8 là 10.639 ca, ghi nhận tại 37 tỉnh, thành, cao nhất từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020 đến nay.
Ca nhiễm mới gồm 4.232 trường hợp phát hiện ở khu cách ly hoặc đã được phong tỏa; 6.407 ca cộng đồng. Tổng ca nhiễm hôm qua tăng 1.995 ca so với ngày trước đó. Ngày có số ca nhiễm cao hai là 14/8 (9.710 ca); ngày cao thứ ba là 8/8 (9.684).
TP HCM vẫn ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước, với 4.425 ca; Bình Dương 3.255. Cả nước đang có 660 bệnh nhân nặng điều trị ICU; 27 bệnh nhân nguy kịch điều trị ECMO.
Như vậy, từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận tổng số 312.611 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỷ lệ số ca nhiễm trên một triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 169 (bình quân một triệu người có 3.180 ca nhiễm).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam đến nay là 7.150 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc; tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
Bên cạnh số ca nhiễm tăng cao, hôm qua cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực khi 5.000 người được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca Covid-19 được chữa khỏi lên 120.059 người. Bắc Kạn, Quảng Ninh đã qua 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới; 5 tỉnh khác qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới.
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức, TP HCM, ngày 19/7/2021. Ảnh: Thành Nguyễn
Tại cuộc họp với TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai ngày 19/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ lập mô hình trạm y tế lưu động chăm sóc người nhiễm Covid-19. Các trạm y tế dự kiến được lập tại xã, phường, khu đông dân, nơi nhiều người nhiễm.
Bộ Y tế khuyến nghị chọn bất kỳ địa điểm nào từ nhà thi đấu, nhà văn hóa, UBND xã phường, phòng khám tư nhân; nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà dân rộng rãi, cách biệt khu vực xung quanh. Trạm có từ một đến hai bác sĩ và 5-7 cán bộ y tế khác tùy điều kiện từng nơi. Tại đây cần có ít nhất hai bình oxy trở lên với đầy đủ mặt nạ (để thay phiên nhau); túi thuốc cấp cứu lưu động.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, chiến lược điều trị Covid-19 của thành phố tập trung 2 trụ cột chính là theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà và chữa trị bệnh nhân tại bệnh viện.
TP HCM có khoảng 15.000 F0 đang chăm sóc, điều trị ở nhà, phân bố khắp các xã, phường. Họ là những người không có bệnh nền, không triệu chứng hoặc có nồng độ virus thấp sau 7 ngày điều trị ở viện.
Video đang HOT
Để tăng cường hiệu quả chăm lo F0 tại nhà, ông Phong đề nghị các địa phương phải xác định từng khu phố có bao nhiêu F0. Khoảng 10-20 F0 lại bố trí một trạm oxy gắn với tổ phản ứng nhanh. Các quận huyện ở TP HCM đang triển khai biện pháp này.
Ông Phong đồng tình với ý tưởng nâng cấp các trạm oxy này thành trạm y tế lưu động, bổ sung nhân lực, trang thiết bị, test nhanh…
Tại cuộc họp với 12 tỉnh, thành phía Tây Nam , Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ mục tiêu khu vực này phải kiểm soát được dịch trước ngày 25/8. Từ ngày 27/7 đến nay, 12 địa phương này ghi nhận 19.754 ca Covid-19, chiếm 6,8% số ca nhiễm cả nước và 7,5% số ca ở 19 tỉnh phía Nam.
Ông Tuyên nhấn mạnh, các tỉnh kiểm soát, không cho dịch xâm nhập từ ngoài vào và không để dịch bùng phát từ bên trong. Nếu địa phương đủ năng lực tổ chức các khu cách ly tập trung thì đưa F1 cách ly tập trung. Đồng thời, các tỉnh đẩy nhanh tầm soát xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Khi phát hiện F0 phải truy vết nhanh, hạn chế nguy cơ “vòng xoáy lây lan” từ cộng đồng sang khu công nghiệp hoặc ngược lại.
Về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh , Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã kiến nghị Chính phủ cấp 130.000 tấn gạo để hỗ trợ cho 8,6 triệu người nguy cơ thiếu đói tại 24 tỉnh, thành. Theo đó, mỗi nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 15 kg gạo trong một tháng.
Các tỉnh, thành được đề xuất cấp gạo gồm: TP HCM 71.000 tấn (địa phương đề xuất 142.000 tấn); Bình Dương 11.325 tấn; Đồng Tháp 5.883 tấn; Cần Thơ 5.015 tấn; Bình Thuận 4.018 tấn; An Giang 3.362 tấn; Đồng Nai hơn 3.100 tấn; Tiền Giang 3.000 tấn; Cà Mau 2.862 tấn; Bến Tre 2.408 tấn; Bà Rịa – Vũng Tàu 2.283 tấn; Kiên Giang 2.278 tấn; Vĩnh Long 2.103 tấn; Phú Yên 1.852 tấn; Khánh Hòa 2.000 tấn; Trà Vinh gần 1.739 tấn; Đà Nẵng 1.630 tấn; Bình Định 1.000 tấn; Long An 807 tấn; Ninh Thuận 577 tấn; Đắk Nông 577 tấn; Đăk Lăk 534 tấn; Nghệ An 341 tấn; Tây Ninh 336 tấn.
Khi nào xuất viện, má nhận mấy đứa mày làm con nuôi
Đó là tình cảm của cô Phạm Thị Luân - 60 tuổi, đang phải điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - dành cho các tình nguyện viên đã chăm sóc cho mình.
Nụ cười tươi của cô Luân khi được tình nguyện viên Nguyễn Hạnh chăm sóc - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Nhà cô có dãy trọ ở Bình Triệu, đầy đủ nội thất, mấy đứa có cần cô cho ở luôn, mùa này cô cũng đang giảm giá 50% cho người thuê nhà.
Đợi hết bệnh cô nhận mấy đứa mày làm con nuôi cô. Thương lắm!". Dù việc thở lúc này vẫn còn khó khăn, nói tiếng được tiếng mất nhưng cô Luân lúc nào cũng lạc quan, truyền nguồn năng lượng tích cực cho mọi người.
Nguyễn Hạnh - tình nguyện viên - vừa cho bệnh nhân uống nước vừa dặn dò: "Cô uống nước nha, ráng hồi phục để còn làm lễ nhận con nữa, bọn con mong lắm đó". Hạnh vừa dứt lời, cả phòng rộn tiếng cười làm không khí vốn ngột ngạt trở nên dễ chịu hơn.
Việc các tình nguyện viên tham gia phục vụ tại các bệnh viện là những đóng góp thầm lặng, cao cả. Lực lượng này đã tự nguyện xông pha vào tuyến đầu chống dịch cùng với đội ngũ y, bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Cũng như Hạnh, sư cô Nguyên Thành cũng đã phục vụ ở bệnh viện được gần 1 tháng chia sẻ thêm: "Tôi sống ở chùa từ nhỏ, khi thấy cả nước phải oằn mình chống chọi với dịch bệnh tôi đau lắm, vậy nên tôi đã đăng ký vào đây làm tình nguyện để phụ giúp phần nào công việc cho đội ngũ y tế.
Công việc của chúng tôi là lấy cơm, cháo cho bệnh nhân, nếu bệnh nhân nào sức khỏe yếu thì bón cho họ ăn, ngoài ra còn giúp vệ sinh cá nhân cho họ, cùng với đó là làm luôn việc thu dọn rác. Ở đây chúng tôi trở thành những người thân "bất đắc dĩ" trò chuyện, tâm sự và chăm sóc họ".
Các tình nguyện viên đều cho rằng có vào đây làm việc mới thấy hết được những hy sinh, vất vả của đội ngũ y bác sĩ. Những ngày đầu chưa quen khi khoác lên mình trang phục bảo hộ, cơ thể mất nước rất nhanh khiến nhiều người cảm thấy ngột ngạt và khó thở.
Mặc dù vẫn có sự mệt nhọc trong công việc và một chút lo lắng về nguy cơ bị lây nhiễm, nhưng họ luôn giữ được tinh thần lạc quan và luôn ý thức rằng mình đang mang trên vai sự ủy thác của nhiều người.
Trước khi vào công việc, các tình nguyện viên phải trang bị đồ bảo hộ kỹ càng để tránh lây nhiễm
Những cử chỉ ân cần, chu đáo của nhân viên y tế và tình nguyện viên ở đây giúp bệnh nhân được an ủi phần nào và an tâm điều trị
Tất cả đều đang nỗ lực để sớm đưa cuộc sống của những bệnh nhân trở lại bình thường
Sư cô Nguyên Thành lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân và tháo gỡ vướng mắc trong lòng họ
Những cử chỉ ân cần là hình ảnh luôn bắt gặp được ở khu điều trị này
Công việc bận rộn, vất vả là vậy nhưng không ai có một lời than vãn, chỉ lặng lẽ làm, hy vọng sớm đưa cuộc sống của bệnh nhân và chính họ trở lại bình thường
Không khí tất bật, hối hả là những gì diễn ra tại đây
Hai tình nguyện viên trẻ Trần Ngọc Bích Phương và Nguyễn Hạnh vẫn tràn đầy năng lượng khi kết thúc ca trực
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Covid 24h: Hà Nội phong tỏa chợ Long Biên, TP HCM hơn 1.000 F0 nặng Hà Nội phong tỏa chợ đầu mối Long Biên với 1.200 hộ kinh doanh; TP HCM có 1.026 F0 nặng đang thở máy, 15 người phải can thiệp ECMO. Ngày 3/8, Việt Nam ghi nhận 8.377 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng tại 46 tỉnh, thành. Số ca nhiễm chủ yếu tại TP HCM (4.171), Bình Dương (1.606), Long An (566), Đồng Nai (364),...